Vì sao nhà Táo quân 2 ông chỉ có 1 bà, thông điệp nhà Táo muốn gửi tới thế nhân?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mối quan hệ một vợ một chồng đã tồn tại từ xưa tới nay trên thế gian, tình huống “tréo ngoe - hai ông một bà” của nhà Táo là chuyện ngược đời, trái với luân thường đạo lý. Tuy nhiên, hình ảnh hai ông một bà này lại mang hàm ý sâu sắc, hơn nữa lại vừa khéo trùng khớp với những nguyên lý cổ xưa của học thuật Đông phương đầy huyền bí.

Sự tích Táo quân ở Việt Nam

Ở Việt Nam sự tích Táo quân có mô-típ chung là một người phụ nữ bị chồng đuổi đi hoặc giận chồng bỏ nhà đi rồi làm vợ một người đàn ông khác đã cưu mang, giúp mình lúc khó khăn. Người chồng cũ hối hận, đi tìm gặp lại vợ. Hai người đang nói chuyện thì người chồng mới về.

Để giữ phẩm giá và hạnh phúc cho vợ cũ, người chồng trốn vào đống rơm và chịu chết cháy chứ nhất định không chạy ra khi người chồng mới của vợ cũ đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Người vợ thấy chồng cũ chết thì cũng thương tiếc mà nhảy vào đống lửa. Người chồng mới không hiểu chuyện gì nhưng thấy vợ lao vào thì cũng lao theo, cả ba cùng chết cháy.

Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của ba người, nên cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi, hóa phép cho ba người thành “ba đầu rau” hay còn gọi là“chiếc kiềng 3 chân” ở trong bếp của người Việt ngày xưa. Từ đó, ba người được phong chức Táo Quân, trông coi, giữ lửa và giám sát phẩm hạnh của con người.

Tranh vẽ Táo quân thế kỷ 19. (Miền công cộng)

Sự tích Táo quân ở Trung Quốc

Nguồn gốc Táo quân của người Trung Quốc cũng rất đa dạng và cặp đôi "Thần bếp" với chồng tên Tô Cát Lợi và vợ Vương Thị được xem là phổ biến nhất. Ngoài ra còn có sự tích ông bà Táo, người chồng là Trương Lang, người vợ là Quách Đinh Hương cũng khá phổ biến.

Dù nguồn gốc câu chuyện về Táo Quân là như thế nào, cũng đều thể hiện người Hoa hạ và các tộc Việt xưa đều kính ngưỡng Thần linh qua tục lệ rước, tiễn Táo Quân. Điểm chung của sự tích là đều ca ngợi những nhân vật sống tình nghĩa, lý giải cho phong tục thờ cúng, tiễn Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp. Chuyện hai ông một bà có thể coi là một bi kịch có hậu khi cả 3 vị này đều được phong thần, bên nhau mãi mãi.

Táo Quân Trung Hoa. (miền công cộng)

Hai ông một bà Táo đối ứng với Kinh dịch

Hình ảnh của ba ông đầu rau, hai ông một bà tréo ngoe của gia đình Táo lại phù hợp một cách bất ngờ với ý nghĩa của quẻ Ly (☲). Quẻ này gồm hai hào dương kẹp một hào âm ở giữa. Nếu viết theo Việt Dịch Nòng Nọc thì hai hào dương là hai cái que và hào âm ở giữa là một vòng tròn: IOI. Cái rốn ở chiếc đầu rau Táo bà chính là hào âm hay vòng tròn.

Quẻ Ly là quẻ thuần thứ tám, tượng trưng cho mặt trời, cho lửa. Nên có thể nói hình ảnh hai dương kẹp một âm ở giữa là biểu tượng của căn bếp luôn ấm lửa trong mọi gia đình hạnh phúc. Chủ của quẻ Ly là hào âm mềm ở chính giữa, cho nên lời hào hàm nghĩa rằng phải “lấy mềm làm chính”. Vương Bật đã từng nói: “Quẻ Ly, lấy mềm làm chính, cho nên tất phải chính bền, rồi sau mới hanh thông, cho nên nói ‘lợi trinh, hanh’ vậy”.

Quẻ Ly tượng trưng cho sự phụ bám, người vợ nương tựa vào chồng, người chồng nhờ vợ mà yên tâm lo việc lớn. Hai vợ chồng âm dương lệ thuộc lẫn nhau. Gia đình yên ấm thì mọi sự hanh thông. Ăn ở với nhau có tình có nghĩa, có trước có sau đó là Đạo làm chồng vợ.

Quẻ Ly cũng lại có một ý nghĩa khác vô vùng sâu sắc. Lý Đỉnh Tộ dẫn Tuân Sảng viết: “Âm lệ thuộc dương, lệ thuộc lẫn nhau vậy, cũng có nghĩa là biệt ly, tách âm và dương vậy. Ly có nghĩa là lửa, do mộc mà có, tức là phải lệ thuộc mộc vậy. Nhưng khi đã cháy xong, thì khói bay lên trời, tro than xuống đất, đó là chuyện chia cách âm dương vậy”.

Trong gia đình phải lấy sự nhu mềm làm chính thì mọi sự sẽ hanh thông. Đừng như ông Táo nặng lời, cũng đừng như bà Táo không đủ vị tha và nhu thuận nhún mình như nước mà bỏ đi. Đã là vợ chồng một đời là vợ chồng. Bà Táo ăn ở với người khác trong khi nghĩa tình chưa dứt với chồng cũ, và cũng bởi quyến luyến, bi thương nên cả ba đã phải chết trong ngọn lửa. Đã sống với nhau nhờ duyên phận vợ chồng, phụ thuộc vào nhau, nâng đỡ nhau cho trọn nghĩa, vẹn tình. Qua đó, dân gian cũng gửi gắm ước mong bi kịch này sẽ không lặp lại. Vì vậy, người ta có câu: Thế gian, một vợ, một chồng/ Không như vua bếp hai ông một bà

Kính ngưỡng Thần linh

“Trên đầu ba thước có Thần linh”, do tin tưởng Táo quân ghi chép lại tất cả những việc làm của từng cá nhân trong gia đình, từ việc nhỏ nhất trong một năm, đến ngày 23 tháng Chạp sẽ lên Thiên đình báo cáo, nên người xưa đều ý thức không làm điều xấu chỉ làm điều tốt, chăm lo, vun vén cho gia đình của mình an hoa, hưng vượng.

Cuộc sống hiện đại, con người dần tin vào khoa học chẳng màng biết đến sự tồn tại của Thần, có người còn không tin rằng có Thần. Mặc nhiên, sống theo tâm mình thích gì làm nấy, vì lợi ích mà chẳng ngại làm tổn thương người, không tin nhân quả. Cũng vì quá xa rời hay không hiểu được hàm nghĩa của những hình ảnh mang tính biểu tượng đầy ý nghĩa mà người xưa để lại, nên người ta chỉ cúng, lễ cho có lệ, từ thời ông bà, cha mẹ làm thế thì mình cũng làm vậy, để cho lành, cho may. Thậm chí họ còn “đấm mồm, đấm miệng” ông Táo bằng những vật phẩm như mía ngọt để ông có lên bẩm tâu gì với Ngọc Hoàng thì cũng lựa lời mà nói cho mình được may mắn, tài lộc, bình an,... Thần linh là để ước thúc con người, chứ đâu có như con người mà “nhân tình hóa” đối đãi với Thần như vậy.

Năm cũ sắp đi qua, hy vọng trong những ngày tất bật này, thay vì chỉ lo mua sắm, sửa sang, cúng bái cho đúng bài, cho có kiêng có lành,... thì mọi người trong chúng ta cũng hãy dành vài phút để nghĩ suy về đạo làm chồng làm vợ, về ý nghĩa nhân sinh vô cùng sâu sắc từ câu chuyện của gia đình bà Táo và hình ảnh ba ông đầu rau tương tự như quẻ Ly đầy nội hàm.

Ngọc Liên tổng hợp

(Tham khảo DKN và Dân Trí)



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao nhà Táo quân 2 ông chỉ có 1 bà, thông điệp nhà Táo muốn gửi tới thế nhân?