Virus Nipah giết chết 50% bệnh nhân nhiễm bệnh: Mối đe dọa mới về một đại dịch tiếp theo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia cảnh báo, virus Nipah đang gây ra tỷ lệ tử vong hơn 50% ở người nhiễm bệnh. Và, chưa có loại vaccine nào chống lại được loại virus gây sưng não này. Đây có thể là một trong những mối đe dọa về đại dịch tiếp theo trên thế giới.

Bà Dame Sarah Gilbert - Giáo sư đang nghiên cứu vaccine ở Oxford cho biết, không có loại vaccine nào chống lại loại virus gây sưng não Nipah. Vì thế, nếu nó phát triển để lây lan với tốc độ nhanh hơn, như Covid đã làm, điều đó có thể sẽ là một đại thảm họa mới.

Bà Dame Sarah cho biết: “Điều mà mọi người đều nhận thức được là SARS-CoV-2 đã lan ra khắp thế giới như thế nào. Nó bị đột biến, nó đã tiến hóa và kết quả là những gì chúng ta thấy hiện nay: Biến thể Delta có khả năng truyền nhiễm rất cao. Nếu virus Nipah cũng đột biến, thì chúng ta sẽ có một biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh chóng và tỷ lệ tử vong ít nhất là 50%”.

Trước khi bắt đầu nghiên cứu vaccine AstraZeneca tại Oxford vào tháng 1 năm ngoái, Dame Sarah cho biết, bà đã nghiên cứu vaccine cho virus Nipah, sốt Lassa và Mers. Nhưng công việc của bà Dame Sarah đã “thụt lùi” kể từ sau đại dịch Covid-19.

Nipah hiện đang “đứng đầu danh sách” 10 căn bệnh ưu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định là nguồn tiềm ẩn của dịch bệnh trong tương lai. Đây là "10 căn bệnh ưu tiên" để các nhà khoa học phát triển khả năng phòng vệ của nhân loại.

Các nhà khoa học gần đây đã nhìn nhận rằng, Nipah “hoàn toàn có thể là nguyên nhân của một đại dịch mới”.

Các nhà khoa học gần đây đã nhìn nhận rằng, Nipah “hoàn toàn có thể là nguyên nhân của một đại dịch mới” (Chụp từ Youtube)
Các nhà khoa học gần đây đã nhìn nhận rằng, Nipah “hoàn toàn có thể là nguyên nhân của một đại dịch mới” (Chụp từ Youtube)

Theo The Epoch Times đưa tin trước đó, vào tháng 9 năm nay, các nhà chức trách ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ đang chiến đấu để ngăn chặn sự bùng phát của virus Nipah trong bối cảnh đại dịch Covid -19 lan ra toàn cầu.

Ít nhất 11 người ở bang này của Ấn Độ được cho là đã nhiễm Nipah, một loại virus nguy hiểm không liên quan đến Covid-19.

Theo WHO, Nipah (NiV) là một loại virus lây truyền từ động vật sang người và cũng có thể được truyền qua thực phẩm bị ô nhiễm, hoặc lây trực tiếp giữa người với người. Các triệu chứng của virus Nipah thay đổi từ không triệu chứng đến nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và - ở mức độ tồi tệ nhất nó gây ra viêm não, tình trạng sưng tấy các mô hoạt động trong não có thể dẫn đến tử vong.

Những người bị nhiễm bệnh có thể bị đau họng, sốt, đau đầu và đau cơ. Nếu tình trạng nhiễm trùng tiến triển, họ sẽ cảm thấy chóng mặt và thay đổi ý thức, đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm não.

Thời gian bắt đầu xuất hiện các triệu chứng từ 4 đến 14 ngày sau khi phơi nhiễm, và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị hoặc vaccine ngừa virus Nipah, bệnh nhân mắc bệnh chỉ được chăm sóc y tế hỗ trợ.

Virus Nipah cũng có thể gây bệnh nặng trên động vật như lợn, gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho người chăn nuôi.

Theo The Epoch Times, tỷ lệ lây nhiễm Nipah gia tăng chỉ một ngày sau khi cậu bé 12 tuổi Mohammed Hashim chết vì virus Nipah tại một bệnh viện tư nhân ở Kerala. Cậu bé nhập viện trong tình trạng sốt cao. Khi bệnh tình của cậu bé trở nên tồi tệ, các bác sĩ nghi ngờ cậu bị viêm não và gửi mẫu máu tới Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ. Kết quả xét nghiệm cho thấy cậu bé nhiễm virus Nipah. Cậu bé tử vong vào ngày 4/9/2021.

Bà Veena George - người đứng đầu cơ quan y tế bang Kerala cho biết, có 251 người đã tiếp xúc với cậu bé này, bao gồm 129 nhân viên y tế.

“Có 38 người bị cách ly tại Bệnh viện và Trường Cao đẳng Y tế Kozhikode, trong đó 11 người có biểu hiện nhiễm bệnh. Các mẫu máu của tám người đã được gửi đến Pune NIV (Viện virus học quốc gia) để kiểm tra” - Bà George nói với The Hindu.

“Cậu bé đã được đưa đến ít nhất 4 cơ sở chăm sóc sức khỏe, bao gồm MCH và Kozhikode, trước khi được đưa vào bệnh viện tư nhân nơi cậu qua đời. Đó là lý do tại sao phần lớn những người tiếp xúc với bệnh nhân là nhân viên y tế” - Bà nói thêm.

Các nhà chức trách đang làm việc để xác định nguồn gốc của ổ dịch. Họ nghi ngờ trái cây bị ô nhiễm và một số trái chôm chôm ăn dở được thu gom từ khu vực lân cận nhà bệnh nhân ở Pulparamb gần Koolimad, sau khi người ta phát hiện ra cậu bé đã ăn chúng.

Đây là lần thứ hai trong vòng 3 năm một đợt bùng phát virus Nipah được báo cáo ở bang Kerala, Ấn Độ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, virus Nipah được phát hiện vào năm 1999 ở Singapore và Malaysia, khi có 300 người bị nhiễm. Hơn 100 người chết và một triệu con lợn bị giết trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Kể từ đó, không có vụ bùng phát virus nào khác được biết đến ở Malaysia và Singapore, tuy nhiên, các đợt bùng phát đã được ghi nhận hàng năm ở một số khu vực châu Á, chủ yếu ở Bangladesh và Ấn Độ.

Trong ghi chú về virus Nipah, WHO cảnh báo về “nguy cơ virus lây truyền sang các nước khác thông qua trái cây hoặc các sản phẩm làm từ trái cây như nước ép chà là, bị nhiễm nước tiểu hoặc nước bọt từ dơi ăn quả nhiễm bệnh”. WHO cũng khuyến cáo có thể ngăn chặn lây nhiễm virus bằng cách rửa kỹ và gọt vỏ trái cây trước khi sử dụng và nên vứt bỏ những quả có dấu hiệu bị dơi cắn.

Đông Mai

(Theo The Epoch Times , Thesun)



BÀI CHỌN LỌC

Virus Nipah giết chết 50% bệnh nhân nhiễm bệnh: Mối đe dọa mới về một đại dịch tiếp theo