Washington hôm nay và Trung Quốc 22 năm trước: giống nhau như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi lớn lên ở Trung Quốc đại lục. Đối với một người đã quá quen thuộc với chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các chiến thuật của nó, tôi nhận thấy có nhiều điểm điểm tương đồng nổi bật giữa những gì đã xảy ra tại Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6/1 và một sự kiện xảy ra gần 22 năm trước ở Trung Quốc.

Từ những lời khai của nhân chứng và các video được ghi lại, cuộc biểu tình ở công viên Ellipse (gần Nhà Trắng) ở Washington dường như giống với bất kỳ cuộc biểu tình nào khác của Trump trong những tháng gần đây - ôn hòa, tôn trọng và yêu nước. Tuy nhiên, sau khi đám đông tuần hành đến Đồi Capitol và phiên họp chung của Quốc hội tranh luận và bỏ phiếu về kết quả bầu cử, một số ít người biểu tình đã trở nên bạo lực.

Các hành vi bạo lực đã gây ra tình trạng phong tỏa bên trong tòa nhà và làm chậm quá trình chứng nhận kết quả cuộc bầu cử. Các hãng tin trên khắp Hoa Kỳ và trên thế giới, các nhà lập pháp, các nhà lãnh đạo chính trị hiện tại và trước đây cùng các nhà phê bình khác đều đổ lỗi cho Tổng thống Trump về vụ việc hôm thứ Tư. Tất cả những người ủng hộ Trump ôn hòa bỗng nhiên bị gán cho cái mác là "những kẻ bạo loạn".

Một số chi tiết trong các video quay lại cảnh tượng ngày 6/1 đặc biệt khiến tôi chú ý. Trong một cảnh quay, một số người ăn mặc như cảnh sát được nhìn thấy đang dỡ bỏ hàng rào cảnh sát và vẫy người biểu tình tiến đến gần tòa nhà Capitol. Trong một video khác, một người ăn mặc như cảnh sát Capitol đã mở cửa và mời những người biểu tình đi lên cầu thang và vào bên trong tòa nhà.

Một người đàn ông thú nhận trên camera rằng anh ta đã được trả tiền để có mặt ở đó. Sau đó một người đã bị nhận diện là một thành viên của Antifa đến từ Philadelphia, và một người khác là một nhà hoạt động BLM đến từ Arizona.

Xem thêm:

Một sự kiện tương tự cũng đã xảy ra ở Trung Quốc vào ngày 25/4/1999. Vào ngày hôm đó, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã đến Văn phòng Kháng nghị Trung ương ở Bắc Kinh để yêu cầu chấm dứt việc quấy rối các học viên, phản đối việc hạn chế xuất bản các bài giảng của Pháp Luân Công, và yêu cầu cảnh sát thả hàng chục học viên đang bị giam giữ bất hợp pháp.

Dưới đây là một số điểm tương đồng giữa sự kiện xảy ra ở Trung Quốc 22 năm trước và sự kiện ngày 6/1 năm nay: Tại Bắc Kinh, lực lượng an ninh đã thiết lập các chốt chặn ở các giao lộ chính để chặn các học viên. Sau đó, họ cố tình hướng dẫn các học viên tập hợp ngay bên ngoài khu phức hợp chính quyền trung ương Trung Nam Hải, gần như bao vây các tòa nhà nơi có các nhà lãnh đạo quyền lực nhất.

Sau đó, ĐCSTQ tuyên bố cuộc tụ họp ôn hòa ngày 25/4 là một cuộc “bao vây” khu phức hợp chính phủ trung ương (tương tự như cách mà các phương tiện truyền thông và chính trị gia ở Mỹ hiện nay tung ra những từ như “bạo loạn”, “kích động” và “nổi dậy”).

Xem thêm:

Do đó, họ đã chính trị hóa và làm tổn hại danh tiếng của Pháp Luân Công, cả ở Trung Quốc và nước ngoài. Và mặc dù Pháp Luân Công là một môn tu luyện hoàn toàn phi chính trị, chỉ quan tâm tới việc nâng cao tiêu chuẩn đạo đức tự thân, nhưng ĐCSTQ bắt đầu đưa ra một câu chuyện rằng Pháp Luân Công đang tranh giành quyền lực với Đảng Cộng sản. ĐCSTQ sau đó đã bắt đầu các cuộc tấn công rộng rãi và phối hợp nhằm chống lại các học viên Pháp Luân Công vô tội. Trong suốt mùa xuân năm 1999, một loạt các sự kiện đã diễn ra, và đỉnh điểm là chiến dịch bức hại toàn diện được ĐCSTQ phát động vào ngày 20/7/1999.

Lừa đảo, bôi nhọ, tố cáo và trấn áp: đây là những chiến thuật thường được ĐCSTQ áp dụng ở Trung Quốc đại lục. Thế giới đã biết đến những chiến thuật này trong phong trào chống dẫn độ ở Hong Kong vào năm 2019.

Giờ đây, người Mỹ chúng ta đang nhìn thấy một âm mưu tương tự trên đất nước mình.

Trong nhiều năm, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo về sự xâm nhập của ĐCSTQ trong hệ thống trường học của chúng ta, trong lĩnh vực kinh doanh của chúng ta, trong lĩnh vực chính trị của chúng ta, trong quân đội của chúng ta và trong các cơ sở nghiên cứu hàng đầu. Thông thường, những cảnh báo này sẽ bị loại bỏ, được mô tả giống như câu báo động giả "sói đến" của cậu bé chăn cừu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy con sói ĐCSTQ đã xây dựng hang ổ của nó trên vùng đất của tự do và quê hương của những con người dũng cảm.

Cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta cho phép ĐCSTQ và các đồng minh của nó phát triển mạnh mẽ ở đây? Chỉ cần hỏi những người đã phải chịu đựng trong 10 năm Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông phát động. Chỉ cần hỏi những người đã phải chịu đựng trong 22 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Và chúng ta đã được nếm trải: đàn áp nhanh chóng và mạnh mẽ, và bịt miệng tiếng nói của đối thủ, một thực tiễn mà các nhà bất đồng chính kiến ​​ở Trung Quốc có hiểu biết vô cùng rõ ràng.

Twitter, một nền tảng mạng xã hội quốc tế, đã xóa tài khoản của tổng thống Trump ngay cả trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

Apple, Google và Amazon đã làm việc cùng nhau để ngăn chặn Parler, một giải pháp thay thế cho Twitter để chia sẻ thông tin và ý tưởng đang ngày càng được nhiều người tin tưởng sử dụng.

Một số người đã tham dự các cuộc biểu tình ở Washington được cho là đã bị sa thải khỏi công việc của họ.

Những hành động như vậy ở nước Mỹ của chúng ta đang bắt chước những hành động của chế độ toàn trị ĐCSTQ nhằm đưa Trung Quốc tiến tới “một tiếng nói, một đảng phái”. Việc trả đũa những người ủng hộ Trump bắt đầu giống với những gì mà các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng dưới thời ĐCSTQ trong hơn hai thập kỷ vừa qua.

Tác giả: Han Zhou sinh ra ở Trung Quốc và đã sinh sống ở Mỹ hơn 30 năm. Bà sử dụng bút danh để bảo vệ gia đình mình ở Trung Quốc khỏi những hậu quả có thể xảy ra khi bà nói lên sự thật.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Washington hôm nay và Trung Quốc 22 năm trước: giống nhau như thế nào?