Xót xa bác sĩ Ý: Buộc phải chọn bệnh nhân để chữa, phòng cấp cứu 'sụp đổ'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tính đến thời điểm hiện tại (8:00 11/3), Ý đang đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm bệnh (10.149 trường hợp) và số ca tử vong (631 người) do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (theo worldometers). Chỉ trong thời gian ngắn, dịch bệnh khiến cả nước Ý đảo lộn, mới đây, chính phủ Ý đã quyết định phong toả cả nước để đối phó với virus corona.

Tại tâm dịch của nước Ý, Bergamo, diễn ra một cuộc chiến cam go và đầy đau khổ của các bác sĩ. Họ phải đối mặt với những quyết định mang tính “day dứt” nhất trong cuộc đời y sĩ.

“Xin hãy dừng ngay việc nói đây là cúm!”

Bác sĩ Daniele Macchini đang làm việc tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni ở Bergamo, miền Bắc nước Ý. Ngay sau khi ca nhiễm virus Vũ Hán tăng vọt ở thành phố này, trước khi chính phủ đưa toàn bộ đất nước vào tình trạng phong toả, vào ngày 7/3, vị bác sĩ đã quyết định tiết lộ nhiều sự thật đau lòng trên trang cá nhân.

"Sau khi suy nghĩ một thời gian dài, nếu và phải viết gì về những gì đang xảy ra với chúng tôi, thì tôi cảm thấy rằng sự im lặng là vô trách nhiệm", bác sĩ Macchini nói.

Theo bác sĩ, hệ thống y tế nước Ý đã thực sự quá tải, không thể đáp ứng được số lượng bệnh nhân bị lây nhiễm. Ông kêu gọi đất nước hãy “dừng ngay việc nói rằng đây là cúm". Những người bệnh đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định của chính phủ, tự cách ly ở nhà từ 7 đến 10 ngày, nhưng họ đã không thể chịu được nữa. “Họ không thể thở được, họ thiếu oxy!".

“Hiện tại có rất ít loại thuốc tạm thời để làm chậm con virus này. Bệnh nhân có chiến đấu lại được COVID-19 hay không chủ yếu là dựa vào sức đề kháng của chính cơ thể họ. Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ khi họ không thể chịu được nữa”, bác sĩ nói thêm. Điều này có nghĩa là việc tự cách ly ở nhà không thể thay đổi tình trạng của căn bệnh, chỉ có sức đề kháng mạnh của cơ thể mới chống chọi được với virus. Vì vậy, tỉ lệ tử vong ở người già mắc bệnh là rất cao.

“Cuộc chiến đã chính thức bùng nổ!”

Thiếu giường bệnh trầm trọng

Theo bác sĩ Macchini, từng khoảng trống trong bệnh viện được lấp đầy bởi các con bệnh với tốc độ kinh hoàng. Các bảng hiển thị với tên của bệnh nhân, với các màu khác nhau tùy thuộc vào đơn vị phẫu thuật, giờ đây đều có màu đỏ, và họ đều có chung một kết quả chẩn đoán: viêm phổi Vũ Hán.

“Bệnh viện này ngày xưa trống trải, nhiều chỗ vắng tới mức người ta đồn là có ma, mà bây giờ chật kín con bệnh. Bệnh nhân kiệt quệ. Nhân viên kiệt quệ. Tôi nhìn những gương mặt khốn khổ vì mệt mỏi của đồng nghiệp mà tôi chưa từng thấy ở họ, đến lúc hết ca nhưng bây giờ vẫn tự nguyện ở lại làm thêm, và tôi thấy sự đoàn kết từ tất cả mọi người. Rất nhiều y tá vừa làm việc vừa khóc, vì có quá nhiều người chết liên tục, và họ biết rất nhiều bệnh nhân đang cố gắng sinh tồn nhưng số phận của những người đó đã chắc chắn được an bài”, bác sĩ Macchini tâm sự.

Cuộc sống gia đình các bác sĩ đảo lộn, nguy cơ họ phơi nhiễm với virus cao, nhưng lương tâm nghề y thôi thúc họ phải chiến đấu.

Một bác sĩ khác từ Bergamo, bác sĩ gây mê Christian Salaroli, nói với tờ Corriere della Sera rằng họ buộc phải lựa chọn chữa trị cho ai dựa trên cơ hội sống sót của bệnh nhân.

"Chúng tôi không thể tạo ra phép màu. Đó là thực tế", ông nói. “Để bảo rằng bạn (người dân Ý) sẽ không chết vì virus thì thực sự là nói dối, và điều đó khiến cõi lòng tôi đắng ngắt".

Khoa hồi sức và chăm sóc đặc biệt của Ý đã công bố 15 khuyến nghị về đạo đức cần xem xét khi quyết định tiếp nhận hồi sức cấp cứu trong khủng hoảng dịch bệnh và thiếu hụt cơ sở chăm sóc tích cực. Các tiêu chí bao gồm tuổi của bệnh nhân và xác suất sống sót, không chỉ là "ai đến trước phục vụ trước".

Tờ La Croix đã dẫn lời của Flavia Petrini - chủ tịch hiệp hội Siaarti (Hiệp hội An thần, giảm đau, hồi sức tim phổi và chăm sóc đặc biệt Ý) - như sau: “Chúng tôi phải ưu tiên chữa trị cho người trẻ, và những ai có khả năng vượt qua căn bệnh này".

Đây có thể nói là một hiện thực hết sức đau lòng đối với ngành y tế nước Ý. "Vài ngày qua, chúng tôi buộc phải chọn đặt ống thở giữa 2 bệnh nhân: một người 40 tuổi, và một đã ngoài 60, cả hai đều đang nguy kịch", một bác sĩ giấu tên tại bệnh viện Cremona chia sẻ.

Việc cứu người chưa bao giờ đau khổ và “cắn rứt lương tâm” đến thế…

“Làm ơn có lòng từ bi nghĩ đến một đống người đang chờ chết”

Trong khi các đơn vị y tế gồng mình lên để giữ mạng sống bệnh nhân khỏi tay tử thần, phải hy sinh niềm vui gia đình và những giấc ngủ hiếm hoi của bản thân thì cũng có những người dân Ý thờ ơ vô cảm, phàn nàn vì dịch bệnh mà không thể đi mua sắm, tập gym, hay tự hào khoe rằng mình không sợ hãi và phớt lờ các quy tắc.

Bác sĩ Daniele Macchini đã thẳng thắn chia sẻ:

“Vậy nên bạn ơi, bạn cũng nên học cách kiên nhẫn nếu bạn không được đi xem hát, tham quan bảo tàng, hay đi tập gym. Làm ơn có lòng từ bi nghĩ đến một đống người đang chờ chết. Tôi biết đó không phải lỗi của bạn, nhưng đối với những người vẫn suy nghĩ rằng tình hình hiện nay là làm quá lên và có thể cho rằng những lời tôi nói đây là cường điệu hoá, nhất là những bạn ở những nơi đại dịch chưa kéo đến, làm ơn hãy lắng nghe giới bác sĩ chúng tôi, làm ơn chỉ nên đi ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết, và đừng có đến những đám đông đang tranh giành nhau nhu yếu phẩm trong siêu thị, vì những nơi đó là nơi virus lây lan nhanh nhất. Nếu bạn có khẩu trang, làm ơn hãy đeo nó, thậm chí chỉ là khẩu trang vải chống bụi khi bạn làm vệ sinh hàng tuần...”.

Bác sĩ cũng khuyên họ nên chăm sóc người già trong gia đình và giữ họ ở nhà. Làm điều thiện cứu người không chỉ là gánh nặng đè lên vai các y bác sĩ, mà còn là nghĩa vụ của những người dân. Để đối phó với "cơn sóng thần" đang ập đến, nước Ý cần sự đồng lòng của tất cả mọi người...

“Tôi muốn nói rằng chúng tôi chỉ muốn làm điều thiện cứu người. Bây giờ hãy làm như chúng tôi: với hành động của chúng tôi, chúng tôi có thể cứu người hoặc giết người. Bạn cũng vậy, lời nói của bạn cũng vậy, thậm chí bạn còn có ảnh hưởng hơn chúng tôi” - bác sĩ Daniele Macchini.

Mộc Lam



BÀI CHỌN LỌC

Xót xa bác sĩ Ý: Buộc phải chọn bệnh nhân để chữa, phòng cấp cứu 'sụp đổ'