Đông Timor trấn an Úc và Indonesia, khẳng định không hợp tác quân sự với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta khẳng định quốc gia của ông chưa từng thảo luận về hợp tác quân sự với Trung Quốc.

Trong một tuyên bố ngày 29/9, ông Ramos-Horta trấn an Úc và Indonesia rằng họ không cần phải lo lắng vì Đông Timor (còn gọi là Timor Leste) không gây ra bất kỳ mối đe dọa an ninh nào cho các nước láng giềng.

"Indonesia và Úc, có thể bao gồm cả Singapore và Malaysia - những quốc gia gần gũi nhất với chúng ta - luôn có thể ngủ yên. Timor Leste sẽ không gây phiền toái và lo ngại về mặt an ninh".

Tuyên bố của Tổng thống Ramos-Horta được đưa ra sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ rằng quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh với Dili cũng bao gồm trao đổi quân sự.

Đông Timor đang duy trì hợp tác an ninh mạnh mẽ với Úc - nhà cung cấp viện trợ chính cho Timor. Canberra đã cử nhiều cố vấn quân sự và an ninh, cùng với các tàu tuần tra, để làm việc với phía Đông Timor.

Trung Quốc và Đông Timor tăng cường quan hệ kinh tế

Ngày 23/9, Trung Quốc và Đông Timor tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước nói rằng động thái này sẽ thúc đẩy cả hai bên tăng cường trao đổi về năng lượng, đồng thời sẽ đáp ứng mong muốn của Đông Timor về việc liên kết mạnh mẽ hơn với các nền kinh tế lớn.

Thỏa thuận tăng cường quan hệ được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmao tại thành phố Hàng Châu, phía đông Trung Quốc, trước lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á (Asian Games).

Thỏa thuận có khả năng mang lại cho Bắc Kinh nhiều ảnh hưởng hơn trong khu vực và trên quốc đảo - nơi chỉ cách cảng Darwin của Úc chưa đầy 700 km.

Quan hệ đối tác sẽ cho phép Trung Quốc và Đông Timor cùng nghiên cứu thăm dò dầu khí. Cả hai nước cũng cam kết tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương

Để mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Đông Nam Á, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thiết lập mối quan hệ với các quốc gia nhỏ hơn ở Thái Bình Dương trong những năm gần đây. Điều này làm Mỹ, Úc và New Zealand lo lắng, bởi những nước này coi Thái Bình Dương thuộc phạm vi ảnh hưởng của họ.

Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon vào năm ngoái. Solomon nằm cách Úc 2.000 km về phía đông bắc. Vụ việc khiến Canberra lo ngại về tham vọng biển của Bắc Kinh, cũng như về việc ĐCSTQ sẽ sớm thiết lập sự hiện diện ở các quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương.

Úc đang đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ với các đồng minh Thái Bình Dương và cung cấp viện trợ, an ninh cũng như hỗ trợ phát triển “không kèm theo ràng buộc”.

Dầu khí giúp Đông Timor tiếp tục hoạt động

Đông Timor hiện tồn tại được là nhờ một quỹ tài sản trị giá 26 tỷ USD, gọi là Quỹ Dầu mỏ. Quỹ này được thành lập vào năm 2005 để quản lý nguồn thu từ dầu khí của đất nước và đã trở thành nguồn thu chính của chính phủ.

Dầu mỏ tuy mang lại lợi ích to lớn cho Đông Timor nhưng cũng là một nguồn tài nguyên hữu hạn. Nếu chính phủ không tìm được nguồn thu mới, Quỹ Dầu mỏ có thể sớm cạn kiệt trong thập kỷ tới.

Chính phủ Úc lo ngại rằng một khi Quỹ Dầu mỏ cạn kiệt, Đông Timor sẽ phá sản. Canberra đang tìm cách hợp tác với chính phủ Timor để phát triển một mô hình kinh tế bền vững hơn, với một trong những ưu tiên chính là phát triển mỏ khí Greater Sunrise ở Biển Timor.

Dự án Greater Sunrise có thể mang lại doanh thu hàng tỷ USD cho Đông Timor trong vài thập kỷ tới.

Tổng thống Đông Timor mong muốn rằng, như một phần của dự án Greater Sunrise, một đường ống dẫn khí quan trọng sẽ kết nối trực tiếp mỏ khí ở Biển Timor với quốc gia của ông, thay vì đi qua cảng Darwin của Úc.

Ông đã lên tiếng cảnh báo nếu Úc và công ty Woodside Energy không tán thành đề xuất này, Đông Timor sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bắc Kinh cho dự án.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đông Timor trấn an Úc và Indonesia, khẳng định không hợp tác quân sự với Trung Quốc