9 hành vi lặng lẽ khiến con bạn ngày càng xuất sắc!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một ngày nọ, một người bạn là giáo viên đại học nói chuyện với tôi về đứa con học lớp ba ở trường tiểu học. Hai vợ chồng anh đều có học vị tiến sĩ, nhưng cậu con trai thì học hành toàn đứng cuối lớp. Anh hỏi tôi không biết lý do vì sao? Tôi nghe xong, buột miệng nói rằng: “Vì vợ cậu quá giỏi!”

Anh ấy nghĩ tôi nói đùa, cho rằng ý của tôi là nói vợ anh quá bận rộn sự nghiệp, bèn giải thích: “Không, vợ tôi tối nào cũng dạy thằng bé làm bài tập về nhà. Chỉ khổ nỗi là lần nào cũng chưa đến 5 phút đã nổi giận lôi đình, mắng thằng bé ‘Sao dốt như thế?”.

Tôi nói: “Đấy, cậu xem, vấn đề là nằm ở đó. Mẹ của con trai cậu quá thông minh. Làm sao thằng bé có thể thông minh hơn mẹ mình?”.

Không biết mọi người có để ý hình ảnh người mẹ trong nhiều truyện ký về các danh nhân thế giới được mô tả như thế nào không?

Đó là những người mẹ dịu dàng, hiền thục, tốt bụng và hiểu biết. Bà luôn âm thầm cống hiến cho con mình mà không phàn nàn hay oán hận. Đó là những người mẹ thiện lương, kiên cường, có chủ kiến, tựa như không có gì có thể làm khó họ...

Mẹ của các danh nhân thời xưa đều là những người dịu dàng, hiền thục, tốt bụng và hiểu biết.
Mẹ của các danh nhân thời xưa đều là những người dịu dàng, hiền thục, tốt bụng và hiểu biết. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Những lời này chẳng phải rất quen thuộc với chúng ta hay sao? Những người mẹ có thể dưỡng thành những đứa trẻ xuất sắc chính là như vậy.

Trước khi vào cửa, hãy quên đi nỗi bực dọc của bạn

Trước khi vào nhà, người mẹ phải tự nhắc nhở mình: hãy quên đi những điều khó chịu và bực dọc ở cơ quan, và bây giờ bắt đầu đảm nhận vai trò làm mẹ.

Xem thêm:

Trẻ em cần mẹ để hạnh phúc. Đừng bao giờ trút những cảm xúc xấu xí không liên quan lên người đứa trẻ, vì chúng là vô tội.

Tôn trọng vinh dự nho nhỏ của đứa trẻ

Khi đứa trẻ hồ hởi nói với mẹ rằng hôm nay con được một ‘mặt cười’ hoặc ‘bông hoa đỏ’ ở lớp, đừng tỏ ra phiền chán hay coi thường, mà nhất định cần phải vui vẻ chúc mừng con.

Biện pháp thích đáng nhất là nói ‘liệu có cho mẹ xem thành quả của con hay không’? Bởi đây là vinh dự tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng đối với đứa trẻ.

Khi đứa trẻ hồ hởi nói với mẹ rằng hôm nay con được một ‘mặt cười’ hoặc ‘bông hoa đỏ’ ở lớp, đừng tỏ ra phiền chán hay coi thường, mà nhất định cần phải vui vẻ chúc mừng con.
Khi đứa trẻ hồ hởi nói với mẹ rằng hôm nay con được một ‘mặt cười’ hoặc ‘bông hoa đỏ’ ở lớp, đừng tỏ ra phiền chán hay coi thường, mà nhất định cần phải vui vẻ chúc mừng con. (Ảnh: Pexels)

Làm một người mẹ... "ngốc"

Khi đứa trẻ đến hỏi mẹ, "cách phát âm từ" hoặc những câu hỏi khác, người mẹ tốt nhất không nên trả lời ngay lập tức. Câu trả lời tồi tệ nhất thường là "ngay cả từ này mà con cũng không biết sao?". Mẹ tốt nhất nên xem qua và nói: “Ôi, mẹ cũng không biết, chúng ta hãy cùng nhau tra từ điển, được không?”.

Sau một vài lần, người mẹ dạy con sử dụng từ điển. Đồng thời, đứa trẻ sẽ có cảm giác thành công sau khi kiểm tra từ điển để hiểu từ này. Sau nhiều lần, chúng sẽ hình thành thói quen tự vấn thông tin mà không cần dựa vào mẹ.

Khi trẻ đến hỏi mẹ, các mẹ không nên đối đáp quá thông minh thành thạo và chuyên nghiệp như đang ở cơ quan. Giả vờ "không biết gì" là một cách tốt để khuyến khích trẻ sử dụng bộ não và dựa vào sức mạnh của bản thân để suy xét vấn đề.

Các bà mẹ cũng có thể cùng con tra cứu sách hoặc sử dụng internet. Mẹ không nên “triệt để” nói ra đáp án từ đầu đến cuối, hơn nữa vừa nói vừa tự đắc. Bởi điều này không tốt cho sự phát triển của trẻ. Sau một vài lần, trẻ sẽ không dám hỏi mẹ và trở nên tự ti. Hãy là một người mẹ biết gợi mở vấn đề để con bạn phát huy khả năng tìm tòi và sáng tạo.

Giả vờ "không biết gì" là một cách tốt để khuyến khích trẻ sử dụng bộ não và dựa vào sức mạnh của bản thân để suy xét vấn đề.
Giả vờ "không biết gì" là một cách tốt để khuyến khích trẻ sử dụng bộ não và dựa vào sức mạnh của bản thân để suy xét vấn đề. (Ảnh: Pexels)

Bình tĩnh, bình tĩnh trở lại

Khi đứa trẻ nói rằng bài kiểm tra hôm nay không làm tốt, người mẹ phải kiềm chế cảm xúc của mình, không được tức giận hay tỏ ra u ám. Lúc này, đứa trẻ đang nhìn khuôn mặt của người mẹ một cách đầy lo lắng. Do đó, tốt hơn là mẹ nên biểu hiện như không có thay đổi về cảm xúc, yêu cầu con lấy bài kiểm tra ra và phân tích chỗ sai cho trẻ.

Nếu trẻ đã hiểu những lỗi sai, người mẹ cũng không cần phải tiếp tục buồn phiền và lo lắng. Và cuối cùng, nên khuyến khích đứa trẻ: “Con thấy đấy, con hiểu rồi thì lần sau sẽ không làm sai nữa!”

Nếu người mẹ cảm thấy không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, hãy vào phòng tắm để rửa mặt, nhìn vào gương và hít thở sâu.

Mẹ cũng từng là một người nhát gan

Khi đứa trẻ tỏ ra rụt rè trước kỳ kiểm tra hoặc trước khi làm điều gì đó quan trọng, người mẹ không nên coi đó là điều không thể chấp nhận, và ngay lập tức khiển trách hoặc lo lắng. Điều này sẽ làm tăng áp lực tâm lý của trẻ, khiến cho chúng không thể phát huy một cách bình thường.

Vào thời điểm này, tốt hơn hết là mẹ nên nhẹ nhàng nói với con rằng, “dù con làm được như thế nào, ba mẹ hồi bằng tuổi con cũng không làm tốt bằng con, nên không cần phải lo lắng”. Lúc này, đứa trẻ sẽ cảm thấy mạnh mẽ và tự tin, và sẽ làm được tốt hơn bình thường.

Nếu đứa trẻ phải tham gia một hoạt động quan trọng vào ngày hôm sau, nhưng người mẹ nhận thấy tâm trạng đứa trẻ hơi lo lắng. Vậy tốt nhất tối hôm đó người mẹ nên nằm cạnh đứa bé, kể chuyện hoặc đọc những cuốn sách mà con yêu thích, giúp con giảm bớt áp lực trong tâm, cho đến khi đứa trẻ ngủ thiếp đi mới rời phòng.

Người mẹ nên nằm cạnh đứa bé, kể chuyện hoặc đọc những cuốn sách mà con yêu thích, giúp con giảm bớt áp lực trong tâm, cho đến khi đứa trẻ ngủ thiếp đi mới rời phòng.
Người mẹ nên nằm cạnh đứa bé, kể chuyện hoặc đọc những cuốn sách mà con yêu thích, giúp con giảm bớt áp lực trong tâm, cho đến khi đứa trẻ ngủ thiếp đi mới rời phòng. (Ảnh: Pexels)

Đối mặt với thất bại, phải kiên cường hơn một chút

Khi trẻ gặp thất bại hoặc thất vọng, người mẹ phải tỏ ra mạnh mẽ và không bao giờ bỏ cuộc, bình tĩnh nói với con rằng “thất bại chỉ đại diện cho một khoảnh khắc, nó không có nghĩa là con sẽ thất bại cả đời”. Đừng để đứa trẻ cảm thấy muốn từ bỏ khi nhìn thấy biểu hiện của người mẹ ‘không có hy vọng gì’.

Điều tồi tệ nhất là chế nhạo con bằng ngôn ngữ khắc nghiệt, thậm chí lôi ra những lỗi lầm cũ. Những đứa trẻ được mẹ giáo dục như vậy sẽ vô cùng tự ti, và thậm chí từ bỏ tương lai đầy hứa hẹn của chúng.

Mẹ đừng bao giờ trở nên “độc đoán”

Các bà mẹ không nên giành quyền biểu đạt hết mọi quan điểm của mình trước khi đứa trẻ bày tỏ rõ ràng những gì chúng muốn nói; mặc kệ trẻ có sẵn lòng hay không, liền lấy ngữ khí “con phải… con cần phải…” để ra lệnh cho đứa trẻ; lấy quan điểm của mình đại diện cho quan điểm của trẻ em, hơn nữa yêu cầu trẻ phải chấp hành.

Mẹ không nên đồng nghĩa với "độc đoán". Bởi nếu được giáo dục bởi một người mẹ độc đoán, những đứa trẻ lớn lên sẽ thiếu chủ ý ​​và khả năng phán đoán đúng sai.

Hai mẹ con nên thiết lập một mối quan hệ bình đẳng (bình đẳng không có nghĩa là không có nguyên tắc) và hiểu cách tôn trọng lẫn nhau.

Hai mẹ con nên thiết lập một mối quan hệ bình đẳng (bình đẳng không có nghĩa là không có nguyên tắc) và hiểu cách tôn trọng lẫn nhau.
Hai mẹ con nên thiết lập một mối quan hệ bình đẳng (bình đẳng không có nghĩa là không có nguyên tắc) và hiểu cách tôn trọng lẫn nhau. (Ảnh: Pexels)

Đừng là người thân nhất làm tổn thương trẻ

Người mẹ phải kiểm soát cách nói trước mặt con. Người hiểu con nhất trên đời là mẹ, vì vậy người mẹ biết điểm yếu của con nhiều nhất.

Nếu người mẹ thường chỉ thẳng vào điểm yếu của trẻ khi nói, với sự mỉa mai, chỉ trích hoặc áp chế, hoặc biết rõ rằng đứa trẻ không thể làm điều đó mà vẫn cố tình bắt trẻ làm. Đây chắc chắn là sử dụng vũ khí sắc bén nhất để liên tục làm tổn thương hay gây nỗi đau cho trẻ. Đứa trẻ sẽ bị tổn thương nội tâm, vì vậy mới nói thương tổn là đến từ người gần gũi nhất.

Nói ngắn gọn thay vì lải nhải

Các bà mẹ cần kiểm soát số lượng lời nói trước mặt con mình. Đừng bao giờ lải nhải, vì thực ra, khiến đứa trẻ nể sợ lại chính là một người mẹ trầm tĩnh.

Do đó, thay vì lải nhải không ngừng, tốt hơn hết là nói với trẻ bằng những từ ngắn gọn về những lỗi sai của chúng hoặc những gì cần chú ý. Rất nhiều khi, sự im lặng của người mẹ hữu ích hơn mọi lời nói. Đừng nghĩ rằng trẻ không hiểu. Mặc dù đứa trẻ giả vờ thờ ơ, nhưng chúng thực ra đang quan sát xem mẹ có đang nghiêm túc như lời nói hay không.

***

Nói tóm lại, mẹ chính là mẹ ở nhà, không phải là người phụ nữ chuyên nghiệp ở nơi công sở. Người mẹ nên chăm sóc cuộc sống hàng ngày, chú ý đến những thăng trầm trong lòng con, che chở những cảm xúc ngây thơ và bồi dưỡng phẩm cách của con.

Nếu bạn muốn con trẻ có thể vượt qua chính mình trong tương lai, hãy là một người mẹ có thể tỏ ra một chút “ngốc nghếch”, “không biết gì", và "dịu dàng" trước mặt con.

Bằng cách này, đứa trẻ sẽ cảm thấy tự hào rằng mình "hiểu biết", "thông minh" và "nhanh nhẹn". Nhờ vậy, chúng sẽ không ngừng sải cánh bay xa…

Hòa An
Theo aboluowang.com



BÀI CHỌN LỌC

9 hành vi lặng lẽ khiến con bạn ngày càng xuất sắc!