Bạn cần hiểu về khoa học não bộ để giáo dục trẻ em

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cha mẹ thường cảm thấy thất vọng và hoang mang khi nuôi dạy con cái. Tại sao một đứa trẻ có thể "nói dối"? Tại sao con tôi học chậm? Làm thế nào để con tôi không thua trên vạch xuất phát?...

Từ góc độ khoa học não bộ, giải thích tại sao bạn không nên đánh trẻ em

Có một phần trong bộ não của chúng ta được gọi là forebrain - não trước. Kế hoạch, kiểm soát cảm xúc và sách lược của chúng ta đều được kiểm soát bởi não trước. Tính cách có thể thay đổi nếu não trước bị thương. Do đó, tôi thường nói với các bậc cha mẹ rằng, cho dù đứa trẻ có kết quả thi cử thế nào, cũng không được đánh vào đầu của chúng. Bởi vì mỗi bộ phận của đại não đều rất quan trọng, chẳng hạn như nơi giao giới giữa viền màu tím và màu xám trong hình dưới đây là vỏ não thính giác.

Nhiều bậc cha mẹ đặc biệt thích tát trẻ con. Bạn đánh con khiến nó không còn nghe được nữa thì bạn phải làm sao bây giờ?

Ngay cả khi không có thương tích, thường xuyên la mắng con trẻ sẽ, cũng sẽ gây ra cảm xúc xấu làm ảnh hưởng đến não bộ của trẻ.

Sơ đồ cấu trúc não
Sơ đồ cấu trúc não. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Từ góc độ của khoa học não bộ, giải thích tại sao “ba tuổi quyết định cả cuộc đời” là sai lầm

Có hai điều cần phải loại bỏ: não không thể thay đổi, các tế bào thần kinh không thể được tái tạo.

Bộ não có thể được thay đổi, và cảm xúc có thể gây ra sự thay đổi. Ngoài ra, các tế bào thần kinh có thể được tái tạo.

Chúng ta nhìn vào phần màu cam trong hình dưới đây, trông giống như một con hải mã, và được gọi là “hồi hải mã”. Bộ phận này bị thương sẽ gây mất trí nhớ, bệnh Alzheimer là do hồi hải mã này bị tổn thương. Phía trước hồi hải mã có một vị trí được gọi là hồi răng (dentate gyrus), là nơi các tế bào thần kinh mới sẽ được tái tạo.

Hồi hải mã.
Hồi hải mã. (Ảnh: Wikipedia)

Một người đàn ông 89 tuổi bị ung thư vòm họng, cần tiêm thuốc phóng xạ điều trị cho ông ấy để theo dõi sự lây lan của các tế bào ung thư. Ba ngày sau khi tiêm, ông lão đã tử vong. Sau khi gia đình đồng ý giải phẫu đại não, người ta phát hiện rằng hồi răng (dentate gyrus) sáng bóng, điều đó có nghĩa là ông lão sau khi được tiêm thuốc phóng xạ đã phát triển các tế bào thần kinh mới. Ví dụ này vào năm 1998 là rất quan trọng. Đó là một khám phá mới trong giới y học, nhưng ý nghĩa quan trọng hơn là ở trong lĩnh vực giáo dục.

Các tế bào thần kinh trong não người có thể tái tạo, vì vậy câu nói “ba tuổi quyết định cả cuộc đời” thật sai lầm. Đồng thời, chúng ta cũng cần biết rằng không có thứ gọi là "thua ở vạch xuất phát". Cuộc sống của chúng ta là một cuộc đua ma-ra-tông, và con cái của chúng ta sẽ đi đến đích. Trong quá trình này, đứa trẻ nếu học chậm một chút, cũng không có vấn đề gì. Con của người ta luyện một lần, con của mình có thể luyện một trăm lần, luôn có thể học hỏi.

Không thắng ở điểm đầu, thì sẽ thắng ở điểm cuối

Có một thí nghiệm như vầy: Có những con chuột được sinh ra trong cùng một lứa, được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm và được tiêm thuốc phóng xạ. Một nhóm chuột được thiết kế để đi qua một mê cung đơn giản, và nhóm chuột khác được thiết kế để đi qua một mê cung khó khăn hơn. Sau khi đi ra ngoài, chúng sẽ tìm thấy thứ gì đó để ăn. Ba tháng sau, những con chuột trưởng thành. Giải phẫu học tiết lộ rằng có ít tế bào thần kinh hơn trong não của những con chuột đi trong một mê cung đơn giản hơn, trong khi có nhiều tế bào thần kinh hơn trong não của nhóm chuột đi trong một mê cung khó khăn hơn. Điều này giống như câu nói “easy come and easy go” - dễ được thì dễ mất.

Khi Tô Đông Pha (nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống) bị lưu đày ở Hàng Châu, ông đã chế ra một món thịt lợn hầm đun nhỏ lửa, sau này được gọi là "Thịt Đông Pha". Ông nói: "Đã tha tự thục mạc thôi tha, Hỏa hậu túc thì tha tự mĩ”, nghĩa là, để nó tự chín không cần phải vội, sau khi qua lửa nó sẽ tự trở thành một món ăn mỹ vị. Trên thực tế, quá trình trưởng thành của trẻ em cũng là như vậy, cha mẹ chúng ta cần phải kiên nhẫn với con cái.

Từ góc độ khoa học não bộ, giải thích lợi ích của việc đọc

Thủ tướng đầu tiên của Singapore, ông Lý Quang Diệu cho rằng Singapore là một quốc gia nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên, và tài nguyên lớn nhất là trí tuệ của công dân. Vậy làm thế nào để cải thiện sức mạnh não bộ của người dân? Ông cho rằng công dân phải có khả năng chắt lọc thông tin nhanh chóng và diễn đạt chính xác ý nghĩa của những thông tin này.

Và đọc là một trong những cách nhanh nhất để hấp thụ thông tin. Đồng thời, đọc có thể biến đổi não bộ. Điều khác biệt là sự kế thừa văn tự và khả năng đọc của chúng ta. Newton nói rằng chúng ta đang “đứng trên vai những người khổng lồ”, đây là câu nói rất có đạo lý.

Đọc rất quan trọng, nhưng điều trọng yếu hơn là, kiến ​​thức nền tảng của bạn quyết định những gì bạn nhìn thấy.

Nhiều bậc cha mẹ tin rằng con cái họ đọc sách giáo khoa thôi là đủ. Như vậy là không đúng! Tôi đã dùng một thí nghiệm để chứng minh rằng kiến ​​thức nền tảng là rất quan trọng. Nếu bạn nhìn vào bức hình này, có ba số, 12, 13 và 14 phải không? Nhưng khi A và C xuất hiện trong ảnh, bạn có nhận ra rằng số 13 ở giữa là chữ B bằng tiếng Anh không? Cùng một thông điệp, nhưng vì bạn có nền tảng kiến thức khác nhau, dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Tác động của kiến ​​thức nền tảng đến sự hiểu biết.
Tác động của kiến ​​thức nền tảng đến sự hiểu biết. (Ảnh tổng hợp)

Tôi sẽ cho bạn một ví dụ về thám tử Sherlock Holmes, và bạn sẽ hiểu tại sao Sherlock Holmes biết tất cả mọi thứ và trợ lý Watson của ông ta không biết gì cả.

Có một xác chết trong một ngôi nhà trống ở ngoại ô London mà không có bất kỳ thương tích nào. Có máu trên tường, và ai đó đã viết từ "trả thù". Sherlock Holmes và Watson đi dạo quanh hiện trường. Sau khi đi bộ, Sherlock Holmes nói với cảnh sát: Kẻ giết người cao sáu feet và sắc mặt màu đỏ, khoảng 40 tuổi. Kết quả thực sự giống như Holmes đã nói.

Watson hỏi làm thế nào Holmes biết thông tin đó. Sherlock Holmes giải thích theo cách này: Khi chúng ta viết tự nhiên bằng tay, chúng thường cao ngang tầm mắt của chúng ta, và từ chiều cao của chữ viết trên tường có thể suy ra chiều cao của kẻ giết người. Người chết không bị thương, và máu trên tường là kẻ giết người, vậy máu của ai đã được phun ra? Những người bị huyết áp cao chảy máu cam khi họ rất phấn khích, và sắc mặt của họ thường bị đỏ. Có dấu vết của đôi giày trên thảm, thi thể không mang giày, vậy dấu vết này được để lại bởi kẻ giết người. Tôi xem dấu vết, kẻ giết người băng qua phòng trong ba bước, cho thấy đây là một người đàn ông mạnh mẽ. Nhưng những người trẻ tuổi thường không bị huyết áp cao, cho nên phải là những người đàn ông trung niên.

Từ ví dụ này, chúng ta có thể thấy rằng nếu không đọc rộng, không có kiến ​​thức nền tảng thì sẽ không nhìn ra ‘chìa khóa” của thông tin.

Nguồn: Giáo sư Hồng Lan, một nhà giáo dục nổi tiếng ở Đài Loan. Bà cũng là bác sĩ tâm lý học thực nghiệm từ Đại học California, và là một chuyên gia về khoa học não bộ.

Hòa An (biên dịch)
Theo kknews.cc



BÀI CHỌN LỌC

Bạn cần hiểu về khoa học não bộ để giáo dục trẻ em