Mẹ và con trai- Kỳ 1: Tướng Robert E. Lee và mẹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới ca ngợi các chiến tích huy hoàng của những người đàn ông vĩ đại, nhưng đằng sau các “tượng đài” đó không thể không kể đến công lao dạy bảo từ những người mẹ tuyệt vời.

Nhà giáo dục nổi tiếng Montessori đã nói : “Bàn tay đưa nôi là bàn tay thống trị thế giới”.

Cụm từ “Bàn tay đưa nôi” gây xúc động cho bất cứ ai, bởi nó nhắc nhở chúng ta về người mẹ thân yêu của mình. Bất kể chúng ta đã bao nhiêu tuổi, đã đạt được những thành tựu gì, thì ai ai cũng có một người mẹ để tri ân.

Thực vậy, trong những năm chiến tranh, trên các chiến trường ở khắp thế giới, những người lính đã khóc gọi mẹ của họ khi đang nằm chờ chết. Cựu tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln từng nói một câu rất đáng nhớ: “Tất cả những gì tôi đang có, và những gì hy vọng cho mai sau, mọi sự là nhờ ơn người mẹ thiên thần của tôi”. (Nguyên văn: “All that I am, or hope to be, I owe to my angel mother”).

Trong loạt bài của về chủ đề: “Bàn tay đưa nôi: Những người mẹ và con trai”, chúng tôi xin giới thiệu các câu chuyện về những nhân vật xuất sắc đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mẹ mình. Mặc dù những người mẹ này có thể là những phụ nữ bình thường trong mắt công chúng, nhưng tình yêu thương, tính cách và nguyên tắc đạo đức của họ đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trên những người con trai nổi tiếng.

Tướng Robert E. Lee và mẹ ông, bà Ann Carter Lee

Robert Edward Lee (19/1/1807 - 12/10-1870) là vị Đại tướng nổi tiếng đã thống lĩnh quân đội Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 - 1865).

Ông được xem là một tài năng quân sự bậc nhất của nước Mỹ, từ xuất phát điểm là học viên xuất sắc của ngôi trường quân sự danh giá - trường Võ bị West Point, ông đã trở thành một người lính, rồi đến một kỹ sư quân đội, tổng giám đốc Học viện quân sự Hoa Kỳ, và sau cùng là một trong những vị tướng vĩ đại nhất nước Mỹ.

Xuất thân từ một trong những gia đình lừng lẫy nhất bang Virginia, nước Mỹ, Robert E. Lee có cha là thiếu tướng Henry Lee III (biệt hiệu khinh kỵ Harry), được tôn vinh như một thủ lĩnh kỵ binh trong Cách mạng và được xem như một anh hùng trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ. Mẹ ông là một phụ nữ thuộc dòng dõi quý tộc họ Carter, cũng là một trong những dòng dõi đầu tiên của bang Virginia.

Robert Edward Lee (19/1/1807 - 12/10-1870) là vị Đại tướng nổi tiếng đã thống lĩnh quân đội Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 - 1865).  Ông được xem là một tài năng quân sự bật nhất của nước Mỹ, từ xuất phát điểm là học viên xuất sắc của ngôi trường quân sự danh giá - trường Võ bị West Point.
Robert Edward Lee (19/1/1807 - 12/10-1870) - được xem là một tài năng quân sự bậc nhất của nước Mỹ, từ xuất phát điểm là học viên xuất sắc của ngôi trường quân sự danh giá - trường Võ bị West Point. (Ảnh: Wikipedia).

Một tấm gương về đạo đức, bất kể đứng về phe chính trị nào.

Một số người tìm cách hạ bệ danh tiếng của Robert E. Lee vì cho rằng ông đã chiến đấu sai phía, đã lãnh đạo quân đội Liên minh miền Bắc chống lại chính phủ Hoa Kỳ, đã cầm quân cho phe chính trị đối lập trong thời nội chiến Hoa Kỳ. Từ đó, một số công dân Hoa kỳ quá khích đã quyết định chỉ trích người hùng quá cố này, và yêu cầu xóa bỏ tên tuổi ông khỏi lịch sử, cũng như loại bỏ bức tượng của ông khỏi quảng trường công viên Market Street, bang Virginia.

Tuy nhiên, mặc dù người ta có thể bỏ qua việc ông đã từng phản đối bang Virginia ly khai chính phủ, hay việc ông chiến đấu vì quê hương Virginia yêu dấu của mình, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng ông là một quý ông đích thực, một quý ông theo nghĩa tốt nhất của từ này.

Trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, phe Liên Minh miền Bắc đã thất bại. Điều đáng nói là, bất chấp việc có thể bị nhục nhã ra sao, ông đã đến gặp tướng Grant để thỏa thuận việc đầu hàng bằng tinh thần nghĩa hiệp nhất. Lịch sử Hoa Kỳ đã gọi sự kiện trên là “Hiệp ước của những người quân tử” (The Gentlement’s Agreement). Sau đó, ông đã kêu gọi hòa giải Bắc và Nam sau khi ông đầu hàng tại Appomattox.

Mặt khác, nếu xem xét lại các chi tiết lịch sử và tiểu sử của nhân vật này, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng tướng Lee không chỉ nổi danh như một vị tướng quân sự tài năng, mà ông còn là một người đàn ông với cách cư xử tuyệt vời, luôn quan tâm đến người khác, cẩn trọng trong các vấn đề cá nhân của mình và là một tín đồ ngoan đạo.

Trong tác phẩm “Những đám mây của vinh quang: Cuộc đời và huyền thoại về Robert E. Lee”, tác giả Michael Korda đã lưu ý rằng cả người miền Bắc và người miền Nam đều xem tướng Lee không chỉ là một anh hùng mà còn như là một vị thánh nhân tử đạo. Một câu nói nổi tiếng được cho là của tướng Lee trong những khoảnh khắc khủng hoảng của chiến tranh: “Mọi sự đều được an bài trong tay Chúa”.

câu nói nổi tiếng được cho là của tướng Lee trong những khoảnh khắc khủng hoảng của chiến tranh: “Mọi sự đều được an bài trong tay Chúa”.
Câu nói nổi tiếng được cho là của tướng Lee trong những khoảnh khắc khủng hoảng của chiến tranh: “Mọi sự đều được an bài trong tay Chúa”. (Ảnh: Shutterstock)

Trên hết, để biết lý do tại sao ông có thể có được những thành tựu trong sự nghiệp cũng như những đức tính tinh thần cao quý, cần phải nhắc đến một “tượng đài” khác sau lưng vị tướng tài ba này: chính là người mẹ của ông.

Phía sau người con thành công là bóng dáng của người mẹ vĩ đại

Đầu tiên, cần nhắc đến cha của Robert E.Lee, thiếu tướng Henry Lee III. Ông là một nhà quân sự nổi tiếng và là người bạn thân của cố tổng thống George Washington. Trong đám tang Washington, Henry Lee đã đọc bài điếu văn với những lời nổi tiếng như sau: “Đầu tiên tham chiến, đầu tiên mang lại hòa bình và đầu tiên được ở trong tim dân tộc”.

Mặc dù Henry Lee phục vụ trong văn phòng chính trị cao cấp sau chiến tranh, và cũng đã từng là thống đốc bang Virginia, nhưng sau này ông bị thua lỗ trong đầu cơ đất đai, dẫn đến việc ông thường xuyên lâm vào các cuộc tranh cãi và có thái độ cay đắng về chính trị lẫn tiền bạc.

Một lần, vào năm 1812, ông đã chịu sự tấn công dữ dội bởi một đám đông đang phẫn nộ ở Baltimore vì việc ông phản đối cuộc chiến với Anh. Henry Lee đã dành năm năm cuối đời của mình bên ngoài Hoa Kỳ, chạy trốn khỏi các chủ nợ, cũng như cố gắng phục hồi sức khỏe. Cuối cùng ông chết trong vỡ nợ và suy sụp tinh thần trên đảo Cumberland ở Georgia.

Từ đó, có thể thấy rằng mặc dù là “con nhà nòi” về quân sự, nhưng Robert E.Lee sẽ không thể tiến bước đến thành công cũng như rèn luyện được những đức tính phi thường nếu cuộc đời ông phải gắn kết với cuộc đời đầy bất ổn của người cha Henry Lee.

Tuy nhiên, may mắn cho Robert, mẹ của ông, bà Ann Carter Lee, là một người phụ nữ mạnh mẽ thật sự, người đã giáo dục con mình bằng đức tin cao đẹp và bổn phận kiên định.

Trước hết, bà Ann là một người phụ nữ phải đối mặt với những trở ngại to lớn. Bà nhận được rất ít sự hỗ trợ từ chồng về tài chính cũng như tinh thần, kể cả trong quãng thời gian rất dài trước khi ông mất. Từ một tiểu thư quý tộc giàu có, bà phải chịu nhiều thiệt thòi khi ở bên người chồng Henry Lee, đặc biệt là vào những giai đoạn khi ông gặp khủng hoảng về kinh tế và tinh thần.

Bà phải phụ thuộc vào sự trợ giúp của những người thân hào hiệp để sinh sống. Ngoài ra, bà cũng thường ốm yếu luôn. Nhưng dù hoàn cảnh ra sao, bà vẫn cố gắng làm công việc nội trợ và nuôi nấng năm đứa con, trong đó ông Robert là người thứ tư.

Nghị lực cao quý của bà Ann thể hiện rõ ở quyết tâm của bà trong việc nuôi dạy tốt con cái. Các con bà được giáo dục cách trở thành những quý bà, quý ông thực thụ, biết sống trung thực, quản lý tiền bạc tốt, biết tự hào về dòng dõi của mình nhưng vẫn khiêm tốn, và quan trọng nhất là thành kính với đức tin tôn giáo.

Chân dung bà Ann Carter Lee - mẹ của Robert Edward Lee, người phụ nữ mạnh mẽ, cũng là người có sự tác động lớn nhất đến sự hình thành nhân cách của Robert Edward Lee sau này.
Chân dung bà Ann Carter Lee - mẹ của Robert Edward Lee, người phụ nữ mạnh mẽ, cũng là người có sự tác động lớn nhất đến sự hình thành nhân cách của Robert Edward Lee sau này. (Ảnh: National Park Service)

Do đó, từ nhỏ tướng Lee và các anh chị em ông đã thấm nhuần những phẩm chất đạo đức cao đẹp từ mẹ mình. Ngoài ra, ông cũng đã học được cách phát huy tinh thần trách nhiệm từ gia đình, bởi khi Robert E.Lee mới 12 tuổi, các anh chị lớn của ông đã rời khỏi nhà, do đó gánh nặng chăm sóc người mẹ ốm yếu và giám sát gia đình rơi xuống vai ông. Ông đã thực sự gánh vác trọng trách ấy và chăm lo tốt các hoạt động hàng ngày cho gia đình mình.

Sau này, khi kết hôn, ông đã mang những kỹ năng chăm sóc dịu dàng đã từng dành cho mẹ để áp dụng cho người vợ hay đau yếu của mình.

Thế nên, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi biết những tuyên bố sau được xem như nguyên tắc sống của Robert E.Lee: “Trách nhiệm là từ tuyệt vời nhất trong ngôn ngữ của chúng ta. Bạn nên có trách nhiệm trong tất cả mọi thứ. Dù bạn không thể làm nhiều hơn nữa, bạn cũng không bao giờ nên muốn làm ít hơn”. Ông đã thực hiện tinh thần trách nhiệm đầu tiên với mẹ mình và sau đó được củng cố bởi nhiều trách nhiệm khác từ khi còn trẻ.

Nhìn lại quá trình từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành của Robert E.Lee, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng có lẽ hai món quà lớn nhất bà Ann đã dành cho con trai của bà là tình yêu dành cho Chúa và sự tận tụy với bổn phận. Bà Ann luôn là một tín đồ Kitô giáo nhiệt thành.

Mặc dù không có tài liệu về bức thư nào của bà gửi cho ông Robert, nhưng bằng chứng về tinh thần đạo đức của bà có thể được chứng minh trong một lá thư viết cho anh trai của ông Robert là ông Smith. Những năm cuối đời, bà Ann đã khuyến khích con trai Smith “hãy đẩy lùi mọi tội lỗi và hãy để bản thân yêu thích những thói quen phù hợp với tôn giáo và đạo đức”.

Phẩm chất đạo đức đáng quý của bà Ann còn được thể hiện qua một sự việc khác. Đó là vào năm 1824, Robert E.Lee lúc bấy giờ đang mong chờ sự chấp thuận của Bộ trưởng Chiến tranh John C. Calhoun để được vào học trường Võ bị West Point. Khi ấy, mẹ của ông William Henry Fitzhugh, một chính trị gia nổi tiếng thời bấy giờ, cũng là một người họ hàng của gia đình Lee, đã viết một lá thư giới thiệu Robert E.Lee để gửi ngài Calhoun.

Trong thư, bà nhấn mạnh rằng Robert chính là con trai của một trong những người phụ nữ xuất sắc nhất bang Virginia, với những phẩm chất đạo đức rất đáng kính. Lá thư đặc biệt chỉ ra rằng bà Ann càng trở nên đáng kính hơn nữa bởi những nỗ lực thành công trong việc chăm sóc chu đáo một đại gia đình, và mang đến cho tất cả các con bà một nền giáo dục xuất sắc.

Vì vậy, có thể thấy, sự ảnh hưởng của bà Ann với các con rất sâu sắc. Mặc khác, mối quan hệ giữa bà và con trai Robert mạnh mẽ đến mức sau khi Robert E.Lee rời nhà để đến học trường West Point, bà Ann đã viết thư cho một người họ hàng: “Làm sao tôi có thể sống vui vẻ mà không có Robert? Với tôi, thằng bé lúc nào cũng là đứa con bé bỏng đáng yêu cả”.

Tướng Lee tốt nghiệp trường West Point vào tháng 6 năm 1829. Khi ông trở về nhà thì mẹ ông đang rất ốm yếu. Ông tiếp tục chăm sóc mẹ, pha thuốc cho bà và ngồi hàng giờ bên giường bệnh.

Cho đến ngày 26 tháng 6 năm 1829, mẹ ông đã thanh thản ra đi, nhưng di sản mà bà để lại vẫn còn nguyên giá trị, được thể hiện một cách hoàn hảo, chân chính nhất thông qua phẩm chất đạo đức cao quý của người con trai tuyệt vời Robert E.Lee, vị tướng tài ba, cao thượng của quê nhà Virginia, và của nhân dân Hoa Kỳ.

Tâm An (biên dịch)
Theo The EpochTimes

Xem thêm: Kỳ 2



BÀI CHỌN LỌC

Mẹ và con trai- Kỳ 1: Tướng Robert E. Lee và mẹ