Con bạn là đến để "báo ân" hay "đòi nợ"?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện nay, có nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng con mình sẽ thua từ vạch xuất phát, vì vậy họ đặc biệt coi trọng việc nuôi dưỡng con cái. Nhưng trước sự bất mãn của con cái, cha mẹ rốt cuộc nên tiếp tục “chiến đấu” hay cứ để thuận theo tự nhiên?

Bài phát biểu dưới đây của một vị hiệu trưởng đã an ủi nhiều phụ huynh:

"Hãy tôn trọng sự khác biệt của mỗi từng đứa trẻ, và từ từ nuôi dạy chúng. Một số đứa trẻ sinh ra đã có tư chất học hành, còn một số thì không. Những đứa trẻ không có tư chất học hành, chính là đến để “báo ân”. Bởi vì nếu chúng học giỏi, tương lai sau này sẽ đi Hoa Kỳ, Anh, Canada, bạn chỉ có thể gặp chúng qua video. Còn đứa trẻ không có tư chất học hành, chúng sẽ ở bên cạnh và đi theo chúng ta đến già, hôm nay đưa chúng ta đi ăn thịt bò viên, ngày mai lại đưa chúng ta đi ăn hải sản. Ngẫm lại chẳng phải là rất tuyệt sao!

Nói tóm lại, đừng hâm mộ những người con trai hay con gái của nhà khác, có rất nhiều chuyện là sớm có ẩn ý ở bên trong, không cần phải quá cưỡng cầu. Dụng tâm dạy dỗ, làm bạn và lớn lên cùng con, thì đứa trẻ của bạn là tốt nhất. Hãy cố gắng!”.

Những lời này của vị hiệu trưởng đã chạm đến tâm khảm của các bậc phụ huynh, bởi ông biết mục đích quan trọng nhất của giáo dục không chỉ là vì thành tích của đứa trẻ. Điều quan trọng là làm cha mẹ, bạn có tôn trọng sự khác biệt của đứa trẻ hay không, và có nhìn thấy những điểm sáng ở con bạn hay không?

Điều quan trọng là làm cha mẹ, bạn có tôn trọng sự khác biệt của đứa trẻ hay không, và có nhìn thấy những điểm sáng ở con bạn hay không?
Điều quan trọng là làm cha mẹ, bạn có tôn trọng sự khác biệt của đứa trẻ hay không, và có nhìn thấy những điểm sáng ở con bạn hay không? (Ảnh: Pexels)

Trẻ em thường bị đem đi so sánh

Trẻ em ngày nay rất mệt mỏi. Chúng không chỉ sống trong tầm nhìn của cha mẹ, mà còn sống ở các nhóm lớp học thêm khác nhau, và gần như mọi lúc mọi nơi đều bị mang đi so sánh.

Điều lo lắng nhất của các bậc cha mẹ, không phải là con cái của người khác quá xuất sắc, mà sự xuất sắc ấy sẽ khiến họ dễ dàng nảy sinh suy nghĩ dè chừng: "Con cái nhà mình chắc là chưa đủ cố gắng”.

Ngày nay, việc học hành dường như đã phá hủy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, trong khi cha mẹ lo lắng thì rất nhiều đứa trẻ cũng khổ sở nói không nên lời.

Con của cô Wu đang học lớp một của một trường tiểu học. Theo lời cô kể, hễ mỗi lần cô hướng dẫn con học bài là đứa trẻ bắt đầu gào khóc, chuyện này xảy ra như cơm bữa. Nghiêm trọng nhất là một lần nọ, đứa trẻ quỳ xuống ngay trước mặt cô. Ngay lúc đó, cô Wu phải sững sờ!

"Bài tập về nhà hôm đó yêu cầu đứa trẻ phải đọc mỗi bài 3 lần, hơn nữa cần ghi lại thời gian đọc. Bởi vì đứa nhỏ đọc chậm hơn bạn khác, tôi sốt ruột bắt con bé phải đọc đi đọc lại. Con bé vừa đọc vừa khóc, cảm xúc càng lúc càng không tốt, rồi bất ngờ ngồi phịch xuống quỳ trước mắt tôi, cầu xin tôi buông tha cho nó”.

Cô Wu nói rằng lúc ấy trái tim cô như muốn tan vỡ. Sau lần "năn nỉ" này, cô Wu cố dặn mình, không được so sánh con với những đứa trẻ khác.

Trẻ em ngày nay rất mệt mỏi. Chúng không chỉ sống trong tầm nhìn của cha mẹ, mà còn sống ở các nhóm lớp học thêm khác nhau, và gần như mọi lúc mọi nơi đều bị mang đi so sánh.
Trẻ em ngày nay rất mệt mỏi. Chúng không chỉ sống trong tầm nhìn của cha mẹ, mà còn sống ở các nhóm lớp học thêm khác nhau, và gần như mọi lúc mọi nơi đều bị mang đi so sánh. (Ảnh: Shutterstock)

Còn có một chuyện như thế này. Tại một khu phố nọ, thường thấy một đứa trẻ người Nga chỉ mới 13 tháng tuổi chơi cầu trượt với một nhóm trẻ em người Trung Quốc, trong khi bố mẹ cô bé đang ngồi trên ghế bên cạnh, cúi đầu đọc sách hoặc bận rộn với công việc của mình.

Trong cuộc sống, chúng ta thường chăm chút, che chở con cái từng ly từng chút một không rời, nóng lòng mong muốn buộc một sợi dây thừng vào tay đứa trẻ mới thấy yên tâm. Còn cặp vợ chồng ngoại quốc này dường như là có phần bất cẩn?

Đối mặt với những nghi ngờ này, họ giải thích: "Chúng tôi không thể chăm sóc con cái cả đời, đừng lo lắng quá nhiều, hãy để trẻ hiểu rằng tự lực là điều quan trọng nhất".

Đúng vậy, thay vì trói buộc con trẻ quá mức, chi bằng buông tay đúng lúc, trau dồi năng lực tự chủ và nhận thức an toàn cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, trao tặng cho trẻ nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống tương lai, bản lĩnh kiên cường để sinh tồn và thích ứng với mọi hoàn cảnh.

Như McCarthy từng nói: "Tôi khẩn cầu, xin đừng dẫn anh ấy đi trên con đường bằng phẳng và an nhàn, mà hãy đặt anh ấy vào những khó khăn và thử thách khốc liệt. Hãy để anh ấy học cách đứng vững trong cơn bão, để anh ấy học cách tự mình bước đi".

Con của bạn là đến để báo ân, qua đường, hay đòi nợ?

Mọi người thường chia trẻ em thành ba loại. Những đứa trẻ hư thì được cho là đến để đòi nợ, những đứa trẻ ngoan ngoãn gọi là đến để báo ân, và một loại nữa gọi là qua đường.

Báo ân: Ở kiếp trước bạn là một người tốt và đã cho người khác ân tình. Trong kiếp sống này, những người đó đã đến để trả ơn bạn.

Đòi nợ: Bạn đã làm quá nhiều chuyện xấu trong kiếp trước, làm người khác phải thất vọng chịu tổn thương. Hôm nay, họ ở đây để đòi nợ, bạn phải trả lại những gì đã thiếu nợ, mới có thể bù đắp nổi.

Qua đường: Kiểu người qua đường này không ân tình cũng không có sự thù hận với bạn. Họ tình cờ được đầu thai vào nhà của bạn bởi sự trùng hợp, làm con của bạn, để ở bên cạnh và yêu thương bạn suốt đời.

Những đứa trẻ hư thì được cho là đến để đòi nợ, những đứa trẻ ngoan ngoãn gọi là đến để báo ân, và một loại nữa gọi là qua đường.
Những đứa trẻ hư thì được cho là đến để đòi nợ, những đứa trẻ ngoan ngoãn gọi là đến để báo ân, và một loại nữa gọi là qua đường. (Ảnh: Pexels)

Cho dù cách giải thích trên đây có đúng hay không, và liệu con bạn có ngoan ngoãn hay không, chúng ta đều tin rằng ở mỗi đứa trẻ đều có một nét độc đáo riêng biệt, ở chúng đều có những điểm sáng và sở trường riêng cần được khám phá. Hãy đối tốt và làm bạn cùng chúng.

Theo nghiên cứu, trong thực tế chủ yếu có ba lý do gây ra sự khác biệt giữa các trẻ nhỏ:

Đầu tiên, sự khác biệt về tính cách của trẻ

Mỗi người là một cá thể độc lập, và mỗi người đều có những đặc điểm riêng, chủ yếu nói về tính cách và khí chất của người đó. Ngày từ lúc mới sinh ra, mỗi đứa trẻ đều đã thể hiện ra một tính cách khác biệt. Một số trẻ tự nhiên vui vẻ, tính cách hoạt bát hiếu động. Những đứa trẻ như vậy luôn làm “kiệt sức” cha mẹ, khiến cha mẹ rất đau đầu.

Nhưng ngược lại, một số trẻ em ngay từ lúc sinh ra đã ngoan ngoãn, trầm tĩnh, chúng thường yên lặng và vâng lời. Cha mẹ của những đứa trẻ này cảm thấy rất yên tâm, cũng rất thích những đứa con như vậy.

Thứ hai, sự khác biệt về thể chất của trẻ

Một số trẻ em từ nhỏ đã mắc bệnh di truyền từ gia đình, thân thể yếu nhược nhiều bệnh, tâm trạng rầu rĩ không vui. Những đứa trẻ như vậy trông rất tội nghiệp, cha mẹ cũng luôn phải lo lắng và vất vả chăm sóc.

Tuy nhiên, một số trẻ sinh ra có thể trạng rất tốt, sức khỏe tốt, vì vậy cha mẹ đương nhiên khi chăm sóc sẽ nhàn hơn rất nhiều, không khí gia đình cũng trở nên vui vẻ thoải mái.

Sự khác biệt trong giáo dục

Kỳ thực, quyết định con đường nhân sinh của một đứa trẻ, tương lai trẻ trưởng thành ra sao, thì việc giáo dục là vô cùng trọng yếu.

Một số trẻ em lớn lên trong sự cưng chiều bao bọc của cha mẹ, đương nhiên chúng không hiểu được gian khổ thực sự là như thế nào, rất khó để những đứa trẻ đó tự mình bước đi. Tuy nhiên, một số trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã được tiếp xúc và cọ xát với xã hội, chúng rất tự lập và tự tin. Những đứa trẻ như vậy dễ dàng hòa nhập với xã hội và dễ dàng tự chủ hơn.

Cha mẹ hãy gạt bỏ đi sự lo lắng của mình, và chọn cách buông tay đúng cách, cho con cái một cơ hội để chúng tự bước đi trên đôi chân của chính mình.

Quỳnh Chi biên dịch
Theo kannewyork.com

Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Con bạn là đến để "báo ân" hay "đòi nợ"?