Dạy con sáng Đạo: Bài 11 - Người có ngũ luân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem lại:
Minh Đạo gia huấn': Tiểu bách khoa toàn thư 'Dạy con sáng Đạo'
Dạy con sáng Đạo: Bài 10 - Mở sách hữu ích

Người có ngũ luân, cương thường làm đầu
Không biết cương thường, khác chi cầm thú
Ong kiến có chúa, huống chi con người
Tam cương cửu trù, xưa nay không đổi

Nguyên văn chữ Hán:
人有五倫,綱常為首
不知綱常,何異禽獸
蜂蟻有主,況如人乎
三綱九疇,古今不易

Âm Hán Việt:
Nhân hữu ngũ luân, cương thường vi thủ
Bất tri cương thường, hà dị cầm thú
Phong nghĩ hữu chủ, huống như nhân hồ
Tam cương cửu trù, cổ kim bất dịch

Diễn giải:
Ngũ luân là năm mối quan hệ thường hằng mà con người phải giữ gìn để hoàn thiện đạo làm người: vua tôi (quân thần), cha con (phụ tử), vợ chồng (phu thê), anh em (huynh đệ) và bè bạn (bằng hữu). Mối quan hệ 'vua tôi' ngày nay có thể coi là quan hệ giữa 'nhà nước và công dân', quan hệ giữa ông chủ và người làm...

Trong các mối quan hệ xã hội thì "cương thường" đứng đầu. "Cương" nghĩa là "Tam cương", tức là ba mối quan hệ chủ yếu, đó là: Vua tôi (quân thần), cha con (phụ tử), vợ chồng (phu thê).

Theo Tam cương, người trên (vua-cha-chồng) phải có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc, bao bọc người dưới (thần-con-vợ). Ngược lại, người dưới có trách nhiệm tôn trọng, yêu thương, phục tùng, hiếu thuận với người trên. Theo Khổng Tử nếu giữ được mối quan hệ như vậy thì gia đình sẽ hạnh phúc, êm ấm, quan hệ vua- dân hài hòa, đất nước yên bình, ổn định.

"Thường" nghĩa là "ngũ thường", tức là "năm đạo đức thường hằng bất biến", có nghĩa là năm tiêu chuẩn đạo đức làm người cần có, đó là Ngũ đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Người mà không biết "cương thường", tức là không biến đến luân thường đạo lý, không đủ tiêu chuẩn đạo đức làm người thì không khác chi loài vật, man dã, hoang dại.

Trong quần thể phải có người đứng đầu. Con ong cái kiến còn có ong chúa, kiến chúa nữa là con người.

“Tam cương”, “Cửu trù” là những phép tắc xưa nay vẫn không thay đổi.

"Cửu trù" là 9 phép tắc lớn mà vua Vũ đề ra để thiên hạ nề nếp, sống hài hòa với Đạo, với thiên nhiên, và hòa hợp với nhau, gồm:

1 - Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ

2 - Ngũ sự: Mạo, Ngôn, Thị, Thính, Tư (từ vua đến dân đều tu dưỡng về những phương diện: dung mạo, nói năng, cách nhìn, cách nghe, cách suy nghĩ)

3 - Bát chính: Thực, Hóa, Tự, Tư Không, Tư Đồ, Tư Khấu, Tân, Sư (quản lý các phương diện: Ăn uống, hàng hóa của cải, tế tự, xây dựng, giáo dục, tư pháp, tân khách, quân đội)

4 - Ngũ kỷ: Tuế, Nguyệt, Nhật, Tinh Thần, Lịch Số.

5 - Hoàng cực: Phép tắc vua trị sửa dân, giáo hóa dân, nuôi dưỡng dân, có uy tín với dân.

6 - Tam đức: Chính trực, Cương khắc, Nhu khắc. (Trị sửa dân dùng chính trực làm gốc, và phụ thêm là có lúc cương khắc, có lúc nhu khắc)

7 - Kê nghi: Việc quốc gia đại sự, vua trước tiên xem xét suy nghĩ, sau đó tham khảo ý kiến sĩ đại phu, sau đó tham khảo ý kiến người dân, sau đó chiêm bốc xem ý Trời.

8 - Thứ trưng: Vũ, Dương, Úc, Hàn, Phong (mưa, nắng, nóng, lạnh, gió) người cầm quyền dựa vào biến hóa của thời tiết, thiên tượng để kiểm nghiệm chính sách đưa ra có đúng không, do đó vua quan và dân đều phải tu đức, trung hòa.

9 - Ngũ phúc: Thọ, Phú, Khang ninh, Dư hảo đức, Khảo chung mệnh. Thông qua ngũ phúc: Trường thọ, phú quý, khỏe mạnh yên lành, đức tính tốt đẹp, chết an lành, để khuyên bảo dạy người dân hướng thiện.

Câu chuyện tham khảo:

Nguyễn Trãi và đạo hiếu trung

Nguyễn Trãi và đạo hiếu trung. (Tranh: Leo-BM/NTDVN)

Năm 1407, mượn danh nghĩa “Phù trần diệt Hồ”, nhà Minh xâm phạm bờ cõi nước Việt. Nhà Hồ mau chóng tổ chức kháng chiến, nhưng không đầy một năm, cuộc kháng chiến thất bại. Quân Minh chiếm được nước Việt, thiết lập nền cai trị, lịch sử gọi là “Bắc thuộc lần thứ 4”.

Khắp nơi trong cả nước, các nghĩa quân yêu nước liên tục nổi dậy khiến quan quân nhà Minh vất vả chống đỡ. Trong đó khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo nổ ra năm 1418 là lớn nhất, được nhiều nhân sỹ hưởng ứng. Nguyễn Trãi được Lê Lợi mời làm quân sư, cùng bàn mưu chống giặc.

Nguyễn Trãi nổi tiếng là người học rộng, tài cao, có kiến thức về nhiều lĩnh vực. Năm 20 tuổi, Nguyễn Trãi dự khóa thi của triều đình và đỗ Thái học sinh, cùng cha vào triều làm quan cho nhà Hồ dưới đời vua Hồ Quý Ly.

Khi Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh bại, cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải sang Trung Quốc. Ông theo cha đến tận ải Nam Quan, và có ý muốn ở bên hầu hạ cha cho tròn đạo hiếu, nhưng phụ thân ông khuyên ông nên về lo cứu nước báo thù nhà. Từ đó Nguyễn Trãi ẩn cư dùi mài kinh sử, tìm kế sách phục quốc.

Sau 13 năm mai danh ẩn tích, cuối cùng Nguyễn Trãi đã hoàn thiện kế sách chống giặc. Ông gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, dâng lên Lê Lợi bản “Bình Ngô sách” (Kế sách đánh giặc Ngô, tức quân Minh), vạch ra nhiều kế sách lớn để đánh quân Minh, đặc biệt là chú trọng tâm công, đánh vào lòng người để dành chiến thắng. Nhận thấy đây là một nhân tài hiếm gặp, Lê Lợi lập tức trọng dụng Nguyễn Trãi và phong chức cho ông làm Tuyên phong đại phu Thừa chỉ Hàn Lâm viện, ngày đêm dự bàn việc quân. Cuối cùng nhờ mưu trí và kế sách sáng suốt của Nguyễn Trãi, cuộc kháng chiến chống quân Minh đã thành công, giang sơn cũ lại thu về một mối.

Trong tác phẩm “Bình Ngô Đại Cáo” bất hủ của mình, Nguyễn Trãi viết:

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo”

Năm 1427, quân Lam Sơn giành được thế chủ động, bao vây chặt 8 vạn quân Minh ở Đông Quan. Các tướng sĩ đều muốn đánh lấy Đông Quan để rửa nhục, báo thù cho bách tính vô tội từng chết trong tay quân giặc. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi đã cân nhắc đến an nguy của bách tính, phân tích chỗ mạnh yếu của quân địch và khuyên Lê Lợi nghị hòa, cho đối phương một con đường sống. Theo ông, đánh thành để trả thù vào lúc đó không phải là việc khó khăn nhưng sẽ khiến nhiều người thiệt mạng, đôi bên cùng tổn thương. Lê Lợi thấy ý kiến Nguyễn Trãi sáng suốt, lại hóa giải được mối thâm thù mới triều Minh, tránh được những cuộc Nam chinh báo thù sao nay, nên đã nghe theo.

Tư tưởng dùng quân sự của Nguyễn Trãi là:

“Việc nhân nghĩa cốt để yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Việc quân sự là liên quan đến sinh mệnh sống chết của hàng ngàn hàng vạn người, thế nên ông đến bách tính đầu tiên, làm việc gì cũng lấy sự an toàn, yên ổn của người dân làm đầu. Thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, Nguyễn Trãi là hình mẫu của người tu thân, tề gia, trị quốc, tuân theo tam cương ngũ thường, đặc biệt là đạo hiếu và đạo trung. Bất kể thời đại nào, chỉ có những người có hiếu có trung thì mới có thể giúp vua giúp nước, mang lại phúc lợi cho người dân, cho đất nước. Nguyễn Trãi đã biết hòa đạo hiếu cá nhân vào đại hiếu, từ lòng hiếu kính với cha đã phát triển thành hiếu kính với tất cả các bậc phụ mẫu trong toàn quốc, giúp vua dẹp giặc, đem lại sự bình yên cho cả dân tộc. Đó chính là người đại hiếu, đại trung, là người thấu hiểu và vận dụng linh hoạt cương thường.

Trung Dung
Tham khảo Wikipedia

Xem thêm: Kỳ 12



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 11 - Người có ngũ luân