Dạy con sáng Đạo: Bài 14 - Tu thân giảm dục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem lại: Dạy con sáng Đạo: Bài 13 - Người đi nhường đường

Tu thân giảm dục, cần kiệm tề gia
Cấm chỉ xa hoa, phòng sau dùng đến
Lúc vinh nghĩ nhục, lúc an nghĩ nguy
Đạo cao đức trọng, áo rách thẹn gì

Nguyên văn chữ Hán:
修身寡欲,勤儉齊家
禁止奢華,須防後用
得榮思辱,居安思危
道高徳重,不恥弊衣

Âm Hán Việt:
Tu thân quả dục (1), cần kiệm tề gia (2)
Cấm chỉ xa hoa, tu phòng hậu dụng
Đắc vinh tư nhục (3), cư an tư nguy (4)
Đạo cao đức trọng, bất sỉ tệ y

Diễn giải:
Dục vọng là căn nguyên của sự khổ đau. Người tu tâm ắt hết sức tiết chế, bỏ đi dục vọng.

(1): Sách Học quy loại biên của Trương Bá Hành đời Thanh viết: "Tu thân thì lấy việc giảm thiểu, ít ham muốn là chủ yếu, cốt yếu". (Nguyên văn là: "Tu thân dĩ quả dục vi chủ")

Chuyên cần và tiết kiệm mới quản lý tốt được gia đình. Tuyệt đối không xa hoa. Dẫu có dư dả thì cũng nên tiết kiệm để dành, sau này có lúc cần dùng đến. Xa hoa, lãng phí tất sẽ sinh dục vọng, phóng túng bản thân, làm việc bất chính, huỷ hoại gia phong.

(2): Sách Cách ngôn liên bích của Kim Anh đời Thanh viết: "Cần kiệm là cái gốc quản lý gia đình, gia tộc”. (Nguyên văn là: "Cần kiệm, trị gia chi bản”).

Khi đạt vinh hiển, đừng quên lúc khó khăn, vất vả. Khi yên vui thì nên nghĩ đến lúc hiểm nguy, khốn khó. Trải qua thất bại, tủi nhục, khốn khó mà không ngừng nỗ lực để có ngày thành đạt, hiển vinh.

(3), (4): Sách giáo dục trẻ em Danh hiền tập của tác giả khuyết danh sau đời Nam Tống, viết: "Khi được vị dự vẻ vang thì nên nghĩ đến lúc tủi nhục, khi thân được yên ổn thì nên nghĩ đến lúc nguy nan". (Nguyên văn là: "Đắc vinh tư nhục, thân an tư nguy")

Người có đạo đức cao thượng thì người người tôn trọng, mới là điều trọng yếu, đáng quý nhất trong cuộc đời.

Người sang quý bởi nhân cách, áo rách mà sạch còn hơn hào nhoáng xa hoa mà phẩm giá dơ xấu.

Câu chuyện tham khảo:

Hán Văn Đế cần kiệm mẫu mực

Hán Văn Đế cần kiệm mẫu mực. (Tranh Leo-BM/ NTDVN)

Hán Văn Đế (202 – 157 TCN), tên thật là Lưu Hằng. Ông là vị Hoàng đế thứ 5 của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Trong 23 năm trị vì đất nước, toàn bộ cung điện, vườn ngự uyển, ngựa, quần áo và đồ trang sức, đồ dùng không có gia tăng thêm. Nhưng có điểm nào không phù hợp với dân chúng, ông liền tiến hành cải sửa, làm lợi cho dân.

Hán Văn Đế từng dự định xây dựng một sân thượng. Ông cho gọi thợ thủ công đến để tính toán chi phí. Sau khi tính toán, số chi phí cần thiết lên đến năm mươi cân vàng. Hán Văn Đế nghe xong liền nói: “Năm mươi cân vàng tương đương với gia sản của mười gia đình giàu có. Vậy thì xây dựng nó để làm gì?"

Trang phục của Hán Văn Đế là bằng vải thô, màn trướng cũng không được thêu gấm, thể hiện ông là vị Hoàng đế đôn hậu, chất phác, vì thiên hạ mà làm tấm gương sáng. Toàn bộ Bá Lăng cũng đều được lợp bằng ngói, không được sử dụng vàng, bạc, đồng, thiếc để làm trang trí. Đồng thời ông quy định không được xây dựng phần mộ quá cao lớn vì phải tiết kiệm, không được phiền nhiễu đến dân chúng.

Hán Văn Đế đối đãi dân chúng cũng rất khoan dung độ lượng. Ông từng xuống chiếu cứu tế những người góa vợ, góa chồng, trẻ mồ côi, những người cô độc và người nghèo khổ. Ngoài ra đối với những người trên 80 tuổi, ông cũng xuống chiếu ban phát cho lương thực hàng tháng.

Ông được người đời tôn sùng là vị vua tài đức sáng suốt, một vị đế vương mẫu mực trong lịch sử, thành những người tài đức nổi tiếng xa gần.

Trung Dung

Xem thêm: Kỳ 15

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 14 - Tu thân giảm dục