Dạy con sáng Đạo: Bài 25 - Gốc vững cây cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem lại:
Minh Đạo gia huấn': Tiểu bách khoa toàn thư 'Dạy con sáng Đạo'
Bài 24: Nữ chớ tham tài

Gốc vững cây cao, lưu truyền muôn đời
Bất hiếu có ba, vô hậu lớn nhất
Chẳng yêu mẹ cha, không kính anh chị
Muốn người yêu kính, sao có được đây?

Nguyên văn chữ Hán:
本固枝長,留傳萬代
不孝者三,無後為大
有親不愛,有兄不敬
求他愛敬,豈可得乎

Âm Hán Việt:
Bản cố chi trường, lưu truyền vạn đại
Bất hiếu giả tam, vô hậu vi đại
Hữu thân bất ái, hữu huynh bất kính
Cầu tha ái kính, khởi khả đắc hồ

Diễn giải:
Gốc rễ vững bền thì cây mới sinh trưởng to lớn tốt tươi. Con người cũng vậy, có căn bản vững chắc mới dễ dàng phát triển, thành tựu được nhiều điều tốt đẹp, lưu truyền muôn đời.

Có ba điều bất hiếu, vô hậu là lớn nhất. "Vô hậu" bị nhiều người hiểu sai là "không có con nối dõi", đó là quan niệm sai lầm, bóp méo câu nói của Mạnh Tử. "Vô hậu" nghĩa là không có hậu đức, không có đức để lại cho đời sau.

“Đời trước trồng cây, đời sau hái quả”. Hậu đức là tài sản tổ tiên để lại cho con cháu. Nếu tiền nhân đã làm rất nhiều việc tốt thì sẽ để lại cho con cháu phúc đức, giúp con cháu có được phú quý, trí huệ. Nếu tiền nhân làm nhiều việc xấu, không để lại hậu đức, khiến con cháu đời sau phải gánh nghiệp của tổ tiên, gặp nhiều ma nạn, trắc trở.

Sách Dịch Kinh viết: “Nhà tích thiện ắt dư dả, nhà tích bất thiện ắt lắm tai ương” cũng cùng một đạo lý như vậy.

Người không tiếp nối được đức hạnh tổ tiên, không để lại đức cho đời sau , thì đó mới là bất hiếu lớn nhất.

Người không yêu kính mẹ cha, không kính nhường anh chị em mình thì không thể nào mong người khác yêu quý, tôn kính mình.

Câu chuyện tham khảo:

Vương Cát tu đức khiến gia tộc hưng thịnh suốt gần 2000 năm

Vương Cát tu đức khiến gia tộc hưng thịnh suốt gần 2000 năm. (Tranh Leo-BM/ NTDVN)

Dân gian có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, có những gia tộc liên tục hưng thịnh trong hàng trăm, hàng nghìn năm, vậy bí quyết là gì?

Suốt 1.700 năm kéo dài từ Đông Hán đến Minh Thanh, gia tộc họ Vương ở Lang Gia, Sơn Đông đã vượt qua rất nhiều kiếp nạn và thử thách, đã bồi dưỡng được 36 Hoàng hậu, 36 Phò mã và 35 Tể tướng. Chuyện này được ghi chép lại trong “Nhị thập tứ sử”. Đó là một trong những gia tộc hiển hách nhất lịch sử Trung Hoa.

Bí quyết làm nên sự hưng vượng ấy chỉ là bản gia quy gồm vỏn vẹn 6 chữ là: “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện”, nghĩa là: “Nói cần chậm, tâm cần thiện”.

Ngôn nghi mạn (Nói cần chậm)

Đây là bí kíp mà Vương Cát học được từ một ông lão ở phủ Xương Ấp Vương vào năm 77 TCN khi ông được thăng từ Thất phẩm tri huyện được điều chuyển lên làm Ngũ phẩm trung úy ở Vương phủ đó.

Xương Ấp Vương Lưu Hạ là cháu đích tôn của Hán Vũ Đế nhưng lại hoang dâm vô độ, buồn vui bất thường, bên cạnh đều là những kẻ tiểu nhân nịnh nọt, bợ đỡ, âm mưu nham hiểm.

Giữa chốn quan trường hiểm ác ấy, Vương Cát cảm nhận rõ được một áp lực lớn lao, thường buồn rầu, lo lắng cho thân phận mình.

Nhưng chính lúc ấy, Vương Cát gặp được ông lão nọ và được chỉ cho con đường thoát khỏi hiểm nguy bằng cách tặng ông ba chữ “Ngôn nghi mạn”. Dựa vào 3 chữ này, Vương Cát đã lần lượt vượt qua rất nhiều cửa ải nguy hiểm, cũng giành được rất nhiều danh vọng.

Ông được Hán Vũ Đế phong làm “Gián nghị đại phu”, có nhiệm vụ chuyên can gián vua không mắc phải những sai lầm. Dần dần, ông trở thành một trọng thần của triều đình, được Hoàng đế tin tưởng, trọng dụng.

“Nói chậm” không phải nói từ từ, chậm rãi bề ngoài mà chính là lời nói ra phải được suy nghĩ kĩ lưỡng. Người xưa dạy: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” chính là có ý tứ ấy.

Nói năng chậm rãi, chuẩn xác, biết cân nhắc lời nào nên lời nào không chính là rèn luyện cho mình sự điềm tĩnh, tĩnh khí của bậc quân tử. Ngữ điệu phải từ tốn để người nghe cảm thấy được sự tôn trọng, ân cần. Lời nói ra phải mang ý thiện để cảm hóa người chứ không phải những con dao găm làm họ tổn thương. Như vậy, “nói cần chậm” chính là tu “khẩu đức” vậy.

Tâm nghi thiện (Tâm cần thiện)

“Tâm nghi thiện” là 3 chữ được ông lão ở phủ Xương Ấp Vương tặng cho Vương Cát lần thứ hai vào năm 67 TCN. Khi được thăng chức, có quyền lực trong tay, Vương Cát bắt đầu xuất hiện tâm lý lợi dụng chức quyền để “trả đũa” kẻ thù của mình.

Ông đã khiến những người bất đồng chính kiến với mình phải chịu nhiều cảnh thê thảm. Ví như Trưởng sử Triệu Lạc vì bất đồng chính kiến với Vương Cát mà bị vạch tội, bãi quan về quê. Không lâu sau, Triệu Lạc buồn bực, uất hận mà chết.

Khi nghe được lời khuyên can trên, Vương Cát đã tận tâm sửa mình, không hại người vô tội mà đối đãi với tất cả một cách công bằng. Điều này khiến ông ngày càng được nhiều người yêu mến. Mặc dù cả đời sống trong chốn quan trường hiểm ác nhưng lại được bình an tự tại. Thế nên “Tâm cần thiện” chính là hành thiện tích đức.

Người chú ý tu khẩu đức và hành thiện tích đức thì sẽ dần tích được đức lớn, tạo lập được hậu đức lớn cho đời sau. Con cháu các đời sau cũng vì thế mà học tập tu đức theo, nhờ đức tổ tiên mà hưng thịnh trường tồn. Kinh Dịch có câu: “Nhà tích thiện có thừa phúc lành, nhà tích bất thiện có thừa tai ương”. Tu thiện tích đức chính là căn bản lưu truyền vạn đời, giúp gia tộc hưng thịnh trường tồn.

Trung Dung

Xem thêm: Kỳ 26

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 25 - Gốc vững cây cao