Dạy con sáng Đạo: Bài 28 - Không người quê mùa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Minh Đạo gia huấn': Tiểu bách khoa toàn thư 'Dạy con sáng Đạo'
Bài 27: Người ta giàu có

Không người quê mùa, ai nuôi quan lại
Không có quan lại, ai quản quê mùa
Phải chọn nơi ở, phải chọn bạn chơi
Hoạn nạn cứu giúp, lầm lỗi khuyên nhau

Chữ Hán:
苟無野人,莫養君子
苟無君子,莫治野人
居必擇鄰,交必擇友
患難相救,過失相規

Hán Việt:
Cẩu vô dã nhân (1), mạc dưỡng quân tử (2)
Cẩu vô quân tử (3), mạc trị dã nhân (4)
Cư tất trạch lân (5), giao tất trạch hữu
Hoạn nạn tương cứu, quá thất tương quy (6)

Diễn giải:

- Người nông dân tuy làm việc nhà nông tầm thường, nhưng chính là những cái nuôi người quân tử (làm quan).

- Quan lại (người quân tử) chuyên cần học đạo Thánh hiền, có đạo đức, nhân nghĩa và muốn phổ cập đạo đức ấy trong thiên hạ, giúp giáo hoá người dân quê mùa.

(1), (2), (3), (4): Sách Mạnh Tử viết: "Không có người nông dân quê mùa thì không lấy gì nuôi dưỡng quan lại (người quân tử), không có quan lại (người quân tử) thì không lấy gì quản lý, trị sửa, giáo hóa người dân quê mùa".

Nguyên văn là: "Vô quân tử, mạc trị dã nhân, vô dã nhân, mạc dưỡng quân tử".

- Môi trường xung quanh có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nên nhân cách con người, do đó, cư trú thì cần tìm nơi có cộng đồng, xóm láng tốt, kết giao thì tìm những người bạn có tư cách đạo đức tốt, là người nhân đức, có chí hướng cao xa.

(5): Sách Yến Tử Xuân Thu viết: "Người quân tử, ở phải chọn nơi có hàng xóm tốt, giao du thì phải đến với kẻ sỹ nhân đức".

Nguyên văn: "Quân tử cư tất hữu lân, du tất tựu sỹ”.

- Ở trong cộng đồng tốt, sống giữa những người bạn tốt, thì khi có hoạn nạn, mọi người sẽ cứu giúp nhau, khi có lỗi lầm, mọi người sẽ khuyên bảo nhau.

(6): Sách Kê minh ngẫu ký của danh sỹ Tô Tuấn đời Minh viết: "Về đạo nghĩa thì cùng nhau trau dồi, mài giũa lẫn nhau, khi có lầm lỗi thì khuyên bảo nhau".

Nguyên văn: "Đạo nghĩa tương để, quá thất tương quy".

Câu chuyện tham khảo:

Người quân tử kết giao như nước

Người quân tử kết giao như nước. (Tranh Leo-BM/ NTDVN)

Tiết Nhân Quý (613-683) là danh tướng thời nhà Đường. Từ nhỏ, ông đã chuyên tâm luyện văn luyện võ nhưng gia cảnh lại vô cùng bần hàn.

Thời điểm chưa được công thành danh toại, vợ chồng Tiết Nhân Quý sống trong cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. May mắn nhờ vợ chồng người bạn là Vương Mậu Sinh thường xuyên tiếp tế, vợ chồng Tiết Nhân Quý mới vượt qua những năm tháng khó khăn.

Sau này Tiết Nhân Quý đi theo Đường Thái Tông chinh chiến, lập được chiến công hiển hách, và được phong làm Bình Liêu Vương.

Ngày Tiết Nhân Quý nhậm chức, văn võ bá quan trong triều đến chúc mừng ông. Nhưng Tiết Nhân Quý đều khước từ không nhận quà của mọi người, chỉ nhận hai vò rượu ngon của Vương Mậu Sinh đưa đến.

Vừa mở vò rượu thì quan chấp sự Khải Phong sợ hãi, bởi ông phát hiện ra vò rượu bề ngoài nhìn như rượu ngon nhưng bên trong lại là nước lã.

Vị quan nói: “Khởi bẩm vương gia, người này thật lớn mật, dám trêu đùa cả vương gia, xin vương gia nghiêm trị”.

Tiết Nhân Quý nghe xong, chẳng những không tức giận mà còn lệnh quan chấp sự mang chén lớn ra, trước mặt mọi người uống ba bát nước lã mà Vương Mậu Sinh đưa tới.

Văn võ bá quan thấy vậy, lấy làm khó hiểu, Tiết Nhân Quý mới nói: “Lúc trước, khi ta gặp khó khăn, tất cả đều nương tựa vào sự giúp đỡ của vợ chồng Vương Mậu Sinh. Nếu không có sự giúp đỡ của họ sẽ không có sự vinh hoa phú quý của ta ngày hôm nay. Hiện giờ hậu lễ của các vị, ta không nhận, lại cố tình nhận lấy nước trong do Vương huynh đưa tới, bởi vì ta biết Vương huynh bần hàn. Tặng ta nước trong cũng là tâm ý tốt của Vương huynh, đây gọi là quân tử kết giao đạm bạc như nước”.

Từ đó về sau, mối quan hệ giữa Tiết Nhân Quý và Vương Mậu Sinh càng thêm gắn bó. Giai thoại “Quân tử chi giao đạm nhược thủy” (quân tử kết giao thanh đạm như nước) cũng bắt đầu lưu truyền về sau.

Trung Dung

Xem thêm: Kỳ 29

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 28 - Không người quê mùa