Dạy con sáng Đạo: Bài 30 - Nghèo không xu nịnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Minh Đạo gia huấn': Tiểu bách khoa toàn thư 'Dạy con sáng Đạo'
Bài 29: Dùng người chớ nghi

Nghèo không xu nịnh, phú quý không kiêu
Thanh bần vui vẻ, trọc phú lo âu
Chớ cậy phú quý, khinh rẻ người nghèo
Cậy giàu khinh nghèo, nô lệ đồng tiền

Nguyên văn chữ Hán:
貧而無諂,富而無驕
清貧常樂,濁富多憂
勿恃富貴,自輕其貧
恃富輕貧,守錢虜耳

Âm Hán Việt:
Bần nhi vô siểm (1), phú nhi vô kiêu (2)
Thanh bần thường nhạc (3), trọc phú đa ưu (4)
Vật thị phú quý, tự khinh kì bần
Thị phú khinh bần, thủ tiễn lỗ nhĩ (5)

Diễn giải:
- Dẫu mình nghèo khó cũng không xu nịnh người quyền quý, giàu có. Dẫu mình giàu có cũng không kiêu ngạo với người nghèo khổ.

(1), (2): Sách Luận Ngữ viết:

Tử Cống hỏi: "Nghèo mà không xu nịnh, giàu mà không kiêu ngạo thì như thế nào?"

Khổng Tử nói: "Cũng được rồi. Nhưng chưa bằng nghèo mà vui, giàu mà hiếu lễ".

Nguyên văn: Tử Cống viết: "Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu, hà như?. Tử viết: "Khả dã, vị nhược bần nhi lạc, phú nhi hiếu lễ dã".

- Chớ cậy phú quý mà khinh người nghèo khó.

(3), (4): Sách giáo dục đạo đức Minh tâm bảo giám viết: "Nghèo mà trong sạch thì thường vui vẻ, giàu mà ô trọc thì thường lo lắng, lo nghĩ".

Nguyên văn: "Thanh bần thường lạc, trọc phú đa ưu".

- Người cậy phú quý khinh thường người nghèo khổ thì chỉ là nô lệ của đồng tiền mà thôi.

(5): Sách Hậu Hán thư viết: "Việc kinh doanh hàng hóa tài sản, điều đáng quý của nó là ở chỗ có thể cứu tế người nghèo khó, nếu không thì chỉ là nô lệ của đồng tiền mà thôi".

Nguyên văn: "Phàm thực hóa tài sản, quý kỳ năng thi chẩn dã, phủ tắc thủ tiền lỗ nhĩ".

Câu chuyện tham khảo:

Phạm Lãi kinh doanh 3 lần thành đại phú 3 lần tặng hết của cải

Phạm Lãi kinh doanh 3 lần thành đại phú 3 lần tặng hết của cải. (Tranh Leo-BM/ NTDVN)

Phạm Lãi tự Tử Bá, còn có tên Si Di Tử Bì hoặc Đào Chu Công. Thời trẻ ở nước Sở chưa ra làm quan, mọi người gọi là Phạm Bá. Sau này kinh doanh giàu có, được mọi người biết đến. Thương gia các đời sau đều thờ phụng tượng Phạm Lãi, gọi là Thần Tài.

Phạm Lãi có học vấn uyên bác, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, tài kinh luân, văn thao võ lược, không gì không tinh thông. Ông làm quan trợ giúp Việt Vương Câu Tiễn.

Cha của Ngô Vương Phù Sai là Hạp Lư bị cha của Việt Vương Câu Tiễn là Duẫn Thường giết chết. Vua nước Ngô là Phù Sai đêm ngày luyện binh nhằm báo thù cho phụ vương.

Phạm Lãi biết rõ, nước Việt chưa có chuẩn bị tốt, lúc này mà quyết chiến với nước Ngô sẽ thất bại. Phạm Lãi khổ sở khuyên can: “Thượng Thiên yêu cầu chúng ta đầy nhưng không được quá, khí thế mạnh mẽ nhưng không được kiêu ngạo, vất vả nhưng không được tự khoe công lao”.

Nhưng những lời trí tuệ này đâu có ngăn được cái đầu nóng của Câu Tiễn. Thế là trận chiến Phu Tiêu, quân Việt đại bại, Câu Tiễn dẫn năm ngàn binh mã bị vây ở núi Cối Kê.

Lúc này Phạm Lãi chỉ cho Câu Tiễn hai con đường: “Hoặc là dẫn 5 ngàn binh mã, dựa góc núi ngoan cường kháng cự cho đến khi tan tành mây khói, hoặc là bỏ thể diện xuống, nén chịu uất ức cầu hòa, nào sợ khom mình làm nô lệ”.

Câu Tiễn chọn con đường thứ hai. Chỉ cần còn sống, tất cả vẫn còn cơ hội. Khi Câu Tiễn và vợ đến nước Ngô làm nô lệ, vốn muốn đem theo Văn Chủng, nhưng lúc này Phạm Lãi lại tranh đi theo, không phải làm ra vẻ, không phải xu nịnh, mà là nhu cầu thực tế. Ông nói: “Việc trong bờ cõi, việc của bách tính, Lãi không bằng Chủng. Việc ngoài bờ cõi, chế ngự nước địch, việc lập mưu đoán định, Chủng lại không bằng Lãi”.

Năm 482 TCN, sau khi nước Ngô tiến quân phía bắc tranh bá với nước Tề nước Tấn, bị thua liểng xiểng. Lúc này, sau 22 năm kiên nhẫn chịu đựng chỉ vì chờ đợi một ngày này. Ba nghìn giáp sỹ Việt thế như bầy hổ xuống núi tràn tới, kinh thành nước Ngô tan tành trong khoảnh khắc.

Năm 473 TCN, bên bờ Thái Hồ đèn đuốc sáng rực, rượu ngọt thịt thơm tràn đầy, tiếng tơ tiếng trúc, đàn sáo không ngớt, Việt Vương Câu Tiễn mở tiệc mừng công linh đình. Khi nói đến công đầu thuộc về Phạm Lãi thì phát hiện ra, vị đệ nhất công thần này lại vắng mặt. Mọi người đi tìm khắp nơi vẫn tuyệt vô tông ảnh.

Giữa lòng hồ Thái Hồ, một con thuyền nan trong màn đêm nhẹ nhàng mái chèo. Trên thuyền chở hai người, một người là Phạm Lãi, còn người kia là Tây Thi. Phạm Lãi đã bỏ lại sự nghiệp công lao cái thế mà ông đã dùng nửa đời gây dựng.

Khi Phạm Lãi ra đi có để lại một phong thư cho người bạn Văn Chủng:

"Chim đã hết cung tên vứt bỏ,
Thỏ chết rồi chó bị phanh thây.

Việt Vương là người cổ dài miệng nhọn, có thể chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng lạc. Sao ông không ra đi?”.

Đọc thư, Văn Chủng bàng hoàng cả ngày, ông lấy cớ bệnh không vào triều, nhưng sau đó vẫn không nghe theo lời của Phạm Lãi mà rời xa Việt Vương Câu Tiễn.

Cuối cùng vì nghe lời gièm pha, Việt Vương ban cho Văn Chủng thanh bảo kiếm, ép ông phải chết.

Rất nhiều năm sau, ở Đào Khâu nước Tống xuất hiện một ông lão lục tuần (60 tuổi) tên gọi Si Di Tử Bì. Mọi người chỉ biết ông từ Thái Hồ đến, và ông có một người vợ xinh đẹp.

Si Di Tử Bì là một giang hồ lãng tử, ông có một bồ kinh luân, nghĩ cuộc đời đã đi vào đoạn cuối, phải tìm một việc có ý nghĩa để tiêu khiển những ngày dài vô vị. Thế là đặt ra mục tiêu nhỏ, kiếm mấy chục vạn lạng bạc chơi.

Dựa vào vị trí địa lý thuận lợi, giao thông phát triển tứ phương của nước Tống, lão ông Si Di Tử Bì đã triển khai một loạt các thủ pháp thương mại và hoạt động kinh doanh khiến mọi người đều phải tấm tắc ca tụng lạ kỳ. Mục tiêu nhỏ này của ông đã nhanh chóng thành hiện thực, việc làm ăn vô cùng phát đạt. Thời gian đó, Si Di Tử Bì cũng tự xưng là Đào Chu Công.

Số tiền kiếm được tiêu 10 đời cũng không hết, nhưng cuộc sống lại trở nên vô vị. Thế là ông lại đem toàn bộ số tiền đó đem quyên tặng hết cho bách tính, rồi lại bắt đầu ‘chơi’ lại lần nữa. Cứ như thế lặp lại: 3 lần thành đại phú, 3 lần tặng hết gia tài.

Trung Dung

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 30 - Nghèo không xu nịnh