Dạy con sáng Đạo: Bài 8 - Người mà không học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem lại: Dạy con sáng Đạo: Bài 7 - Có ruộng không cày

Người mà không học, tối như đi đêm
Nghe thơ như điếc, nhìn chữ như mù
Nhỏ mà chăm học, lớn để thực hành
Chính tâm tu thân, tề gia trị quốc

Nguyên văn chữ Hán:
凡人不學, 冥如夜行
聽書如聳,望字如盲
幼而勤學,長則施行
正心修身,齊家治國

Âm Hán Việt:
Phàm nhân bất học, minh như dạ hành
Thính thư như tủng, vọng tự như manh
Ấu nhi cần học, trưởng tắc thi hành (1)
Chính tâm tu thân, tề gia trị quốc (2)

Diễn giải:
Người mà không học thì ngu dốt, đầu óc tối tăm như đi trong đêm.

Nghe người ta đọc sách mà như là điếc vì không hiểu đạo lý trong đó.

Nhìn thấy chữ mà như là mù vì không biết ý nghĩa nội hàm văn tự biểu đạt.

(1) Sách giáo dục trẻ em xưa Tam tự kinh viết rằng: "Trẻ thì học, lớn thực hành". (Nguyên văn: "Ấu nhi học, tráng nhi hành"). Tuổi nhỏ nỗ lực học tập, không ngừng trau dồi bản thân, tu dưỡng phẩm đức và tích lũy tri thức, thì khi trưởng thành mới có đủ năng lực đem sở học ra sử dụng, phụng sự quốc gia, tạo phúc lợi cho người dân.

Chính tâm tức là quy chính cái tâm mình, làm tâm mình suy nghĩ ngay chính, hành động ngay thẳng, chính trực.

Tu thân là luôn nghiêm khắc nhận rõ sai sót của mình để sửa chữa, hoàn thiện bản thân.

Tề gia tức là làm cho gia đình, gia tộc mình tốt đẹp, tề chỉnh, có nề nếp, gia phong.

Trị quốc nghĩa là lo toan việc nước, điều hành đất nước cho có kỷ cương, phép tắc, dân được yên ấm, thái bình.

(2) Văn hóa truyền thống Á Đông cho rằng, trước phải “tu thân” thì mới có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

"Chính tâm tu thân, tề gia trị quốc" có nguồn gốc từ kinh điển Nho gia. Trong sách Đại học, Khổng Tử nói rằng: “Thời cổ đại, phàm những thánh nhân muốn phát huy tính thiện của con người đến khắp thiên hạ (bình thiên hạ), trước phải lãnh đạo tốt nước mình, bang mình (trị quốc). Muốn lãnh đạo tốt nước mình, bang mình, trước hết cần chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình (tề gia). Muốn chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình, trước hết phải làm cho tâm tư của mình ngay thẳng (chính tâm), đoan chính".

Câu chuyện tham khảo:

Học trò Khổng Tử khéo tu thân mà trong huyện thái bình

Học trò Khổng Tử khéo tu thân mà trong huyện thái bình, người mà không học, dạy con sáng đạo, minh đạo gia huấn

Mật Tử Tiện và Vu Mã Kỳ (còn có tên là Vu Mã Thi) người nước Lỗ thời Xuân Thu đều là học trò của Khổng Tử. Khi Vu Mã Kỳ làm huyện lệnh ở Đơn Phụ, hàng ngày lúc sáng sớm tinh mơ, sao trời còn chưa lặn, Mã Kỳ đã ra khỏi nhà, đến tối, khi sao giăng khắp bầu trời ông mới về nhà, đi sớm về muộn, ngày đêm không nghỉ, việc gì cũng đích thân làm, mới quản lý tốt được Đơn Phụ.

Quốc quân nước Lỗ lệnh Mật Tử Tiện làm huyện lệnh Đơn Phụ. Trong thời gian nhậm chức, Tử Tiện rất ít khi ra khỏi nhà, còn thường xuyên an nhàn chơi đàn vui vẻ, nhưng lại quản lý Đơn Phụ còn tốt hơn.

Khổng Tử hỏi Mật Tử Tiện: “Trò quản lý Đơn Phụ, khiến bách tính ở đó rất kính yêu trò. Trò làm như thế nào mà được như vậy?”.

Mật Tử Tiện trả lời: “Con yêu cầu họ, làm cha mẹ thì yêu thương bảo vệ con cái, làm con cái thì yêu thương bảo vệ những trẻ côi cút không có cha mẹ, đồng thời dạy bảo họ, làm tang lễ thì phải hết mực đau thương”.

Khổng Tử gật đầu nói: “Những cái nhỏ như thế này, trò đều chú ý đến rồi, bách tính bình thường đều có thể thân cận và theo trò. Nhưng nếu chỉ như thế thôi thì cũng không đủ”.

Mật Tử Tiện lại nói: “Ở Đơn Phụ, có 3 người con coi như cha mà phụng sự, có 5 người con coi như anh trai mà phụng sự, có 11 người con coi như bằng hữu mà kết giao qua lại”.

Khổng Tử nói: “Có 3 người coi như cha mà phụng sự, có thể dạy bảo bách tính đạo Hiếu. Có 5 người coi như anh trai mà phụng sự, có thể dạy bảo bách tính đạo Đễ. Có 11 người coi như bằng hữu mà kết giao qua lại, có thể cất nhắc lựa chọn nhân tài. Đây là một bước tiến rồi, những người có tri thức cao cũng sẽ thân cận theo trò. Nhưng chỉ như thế này vẫn chưa đủ”.

Mật Tử Tiện nói: “Vùng đất Đơn Phụ, người có năng lực, trí tuệ, đức hạnh hơn con, có 5 người. Con thường cung kính phụng sự họ, việc lớn việc nhỏ trước tiên đều bẩm báo với họ, xin ý kiến của họ”.

Nghe đến đây, Khổng Tử cảm thán nói rằng: “Quan trọng nhất chính là nguyên nhân này đó! Trước kia vua Nghiêu, vua Thuấn quản lý thiên hạ, dùng nhiều công sức nhất chính là tìm kiếm người hiền tài giúp đỡ mình. Vì người hiền tài là nền tảng cho hết thảy những sự việc tốt đẹp. Thật đáng tiếc, trò chỉ quản lý một khu vực Đơn Phụ, thực sự là uổng phí tài năng của trò rồi”.

Trung Dung
Tham khảo: Epoch Times

Xem thêm: Kỳ 9

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 8 - Người mà không học