Dạy con sáng đạo: Bài 9 - Trò tu trong nhà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem lại: Dạy con sáng Đạo: Bài 8 - Người mà không học

Trò tu trong nhà, từ làng đến nước
Khoa bảng quan tước, đọc sách mà nên
Nghèo mà chăm học, có thể lập thân
Giàu mà chăm học, lại càng vinh hiển

Nguyên văn chữ Hán:
士修於家,自鄉而國
科目朝爵,有讀書人
貧而勤學,可以立身
富而勤學,益榮其名

Âm Hán Việt:
Sỹ tu ư gia, tự hương nhi quốc
Khoa mục triều tước, hữu độc thư nhân
Bần nhi cần học, khả dĩ lập thân (1)
Phú nhi cần học, ích vinh kỳ danh (2)

[asd1]

Diễn giải:
Là học trò, người trí thức thì trước tiên cần tu dưỡng bản thân, trau dồi rèn rũa phép tắc, lễ nghĩa trong các mối quan hệ từ gia đình, dòng tộc, làng xóm, rộng hơn nữa là một công dân với trách nhiệm nghĩa vụ với đất nước. Từ yêu gia đình, người thân mà mở rộng tấm lòng ra đến yêu khắp thiên hạ.

Người vinh hoa, hiển đạt là nhờ vào học hành, dùi mài sách vở, trau dồi tri thức mà thành.

Nếu nghèo khó mà chăm chỉ học hành thì cũng có ngày lập nên công danh sự nghiệp.

Người giàu có mà chăm chỉ học hành thì càng hiển đạt và danh tiếng vang xa.

(1), (2) Sách giáo dục trẻ em xưa Minh tâm bảo giám viết: "Nghèo mà chăm học thì có thể lập thân (sự nghiệp). Giàu mà chăm học thì danh tiếng càng vinh quang". (Nguyên văn: "Bần nhược cần học, khả dĩ lập thân. Phú nhi cần học, danh nãi quang vinh")

Câu chuyện tham khảo:

Cậu bé cõng em học lỏm trở thành trạng nguyên

Cậu bé cõng em học lỏm trở thành trạng nguyên. (Tranh: Leo-BM/NTDVN)

Vũ Nghĩa Chi sinh năm 1468 trong một gia đình nhà nông nghèo ở làng Trình Xá, tỉnh Phú Thọ. Cha mẹ cậu ngày ngày quần quật ngoài đồng mà vẫn không đủ tiền lo cho con ăn học. Hàng ngày cậu phải giúp cha mẹ trông em, làm việc nhà và nấu cơm.

Gần nhà Nghĩa Chi có một thầy đồ mở lớp dạy học cho lũ trẻ trong làng. Cậu thường cõng em đứng ngoài nghe giảng rất chăm chú. Ban đầu thầy đồ cũng không để ý, chỉ cho rằng rằng cậu bé tò mò đứng xem, vài hôm hết hứng là đi chỗ khác chơi ngay. Nhưng đã hơn nửa năm qua mà cậu bé vẫn không vắng một buổi nào khiến thầy đồ cảm thấy yêu mến lòng hiếu học của cậu bé. Thế nên cũng thành thói quen, trước khi bắt đầu giảng bài là thầy đồ lại đưa mắt nhìn ngoài cửa, thấy cậu bé cõng em nhìn vào lớp học chăm chú thì thầy mới bắt đầu giảng bài.

Thầy đồ biết hoàn cảnh khó khăn nhà Nghĩa Chi, cũng muốn giúp cậu bé ham học này. Để chắc chắn không nhìn nhầm người, thầy đồ quyết định thử tài cậu bé. Nếu cậu bé là người hiếu học, ghi nhớ những điều ông giảng sáu tháng qua, thêm suy luận tư duy thì ắt sẽ trả lời được. Còn nếu không thì cũng là cái cớ để mời cậu bé đi, tránh để học trò trong lớp bị mất tập trung học tập.

Thế là thầy ra một câu hỏi khó. Đầu tiên, thầy hỏi các học trò ngồi trong lớp trước, nhưng câu trả lời đều khiến thầy không ưng ý. Cuối cùng, thầy nhìn ra ngoài cửa hỏi “cậu trò học lỏm” hỏi: “Này cậu bé, con có thể trả lời được câu hỏi của ta không?”.

Câu trả lời của Vũ Nghĩa Chi khiến thầy rất hài lòng, các trò trong lớp cũng trầm trồ thán phục. Từ đó thầy cho phép cậu có thể đàng hoàng vào lớp.

Thầy đồ còn nói: “Cái tên Vũ Nghĩa Chi tuy hay nhưng chưa xứng với tài năng của con, nay thầy đổi cho con thành Vũ Công Duệ, nghĩa là người con thông minh tài trí và công minh công bằng của họ Vũ". Cậu bé vui mừng tạ ơn thầy.

Vũ Công Duệ quả không phụ lòng thầy, càng ngày cậu càng thể hiện tài trí của mình. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại về ông.

Một lần có người đến nhà đòi nợ, chỉ thấy có Vũ Công Duệ ở nhà, bèn hỏi: “Bố mẹ cháu đâu?”.

Cậu bé đáp rằng: “Bố cháu đi nhổ cây sống, trồng cây chết. Mẹ cháu đi bán gió, mua trăng”.

Người chủ nợ lấy làm lạ, lại tò mò không biết cha mẹ cậu làm gì nên căn vặn mãi. Cậu bé chỉ cười không đáp. Ông chủ nợ bèn dỗ dành: “Cháu mà nói thật, ta sẽ xóa nợ cho nhà cháu”.

Duệ lấy cục đất sét ra rồi bảo ông chủ nợ in ngón tay vào làm tin, ông ta nghĩ đây chỉ là trò chơi trẻ con nên đồng ý.

Lúc đó cậu bé mới giải thích rằng: “Cha cháu đi nhổ mạ cấy lúa, còn mẹ cháu đi bán quạt mua dầu về thắp đèn buổi tối”.

Ông chủ nợ thấy cậu bé trả lời rất thông minh và chính xác thì vui vẻ ra về. Mấy hôm sau, ông chủ nợ lại đến nhằm lúc bố mẹ có nhà. Cậu bé đem hòn đất có vết tay in lần trước ra nói: “Tay ông điểm chỉ vào đây, đồng ý xóa nợ rồi còn đòi gì nữa!”.

Ông chủ nợ cười nói với bố mẹ cậu bé rằng nên để cậu bé được đi học, còn khoản nợ đó ông xóa nợ, coi như là giúp tiền đèn sách.

Vũ Công Duệ học rất thông minh, 7 tuổi đã đọc thông viết thạo và biết làm thơ, các sách kim cổ chỉ đọc là thuộc, người đương thời thường gọi cậu là “Thần đồng 7 tuổi”.

Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Công Duệ đỗ trạng nguyên khi mới 22 tuổi.

Nhờ tính công bằng chính trực, Vũ Công Duệ được vua bổ nhiệm làm Đô ngự sử, là chức quan cao nhất trong Ngự Sử Đài của nhà Lê. Thời bấy giờ, Ngự Sử Đài là cơ quan có đặc quyền được bẩm tấu tất cả mọi việc không đúng hoặc chưa tốt của các quan lại.

Vũ Công Duệ được các quan trong triều đình kính nể. Suốt 32 năm làm quan, ông giữ các vị trí trọng yếu qua các sáu đời vua. Nhờ chăm chỉ học hành nên từ một cậu bé nhà quê nghèo khổ đã trả thành một công thần vinh hiển, được sử sách lưu danh.

Trung Dung
Tham khảo: Wikipedia; Trithucvn

Xem thêm: Kỳ 10

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng đạo: Bài 9 - Trò tu trong nhà