Gia giáo của người Do Thái thức tỉnh thế nhân: 6 bí quyết làm nên sự khác biệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do Thái là một trong những dân tộc lâu đời nhất trên thế giới. Họ chỉ chiếm 0,2% tổng dân số thế giới, nhưng đã đóng góp nhiều tài năng xuất chúng.

  • Trong số những người đoạt giải Nobel thế kỷ 20, người Do Thái chiếm ⅕;
  • Một nửa trong số 200 người có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ là người Do Thái;
  • Trong số giáo sư của các trường đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ, người Do Thái chiếm ⅓;
  • 60% các tác gia hàng đầu trong văn học, kịch và âm nhạc Mỹ là người Do Thái;
  • Một nửa số doanh nhân giàu nhất thế giới, là người Do Thái;
  • Trong số 40 người giàu nhất theo bảng xếp hạng của “Forbes”, người Do Thái chiếm 18 người;
  • Ngoài ra còn có một số lượng lớn những vĩ nhân như Freud, Einstein, Bohr, v.v.

Cha mẹ Do Thái đã truyền cảm hứng cho con cái theo đuổi kiến ​​thức từ nhỏ, phát huy trí tuệ, trau dồi tính cách độc lập, tinh thần tiên phong và đổi mới. Họ cũng không ngại khi dạy con nhận thức sớm về tiền bạc, kích thích chúng mong muốn theo đuổi tài phú. Cha mẹ Do Thái cũng đặc biệt chú trọng bồi dưỡng lối sống cần kiệm và kỹ năng giao tiếp xã hội linh hoạt. Hơn nữa, họ giáo dục con cái đối xử tốt với người khác, sống hòa ái với mọi người, nâng cao khả năng ức chế bản thân và dũng khí thách thức nghịch cảnh...

Cha mẹ Do Thái đã truyền cảm hứng cho con cái theo đuổi kiến ​​thức từ nhỏ, phát huy trí tuệ, trau dồi tính cách độc lập, tinh thần tiên phong và đổi mới.
Cha mẹ Do Thái đã truyền cảm hứng cho con cái theo đuổi kiến ​​thức từ nhỏ, phát huy trí tuệ, trau dồi tính cách độc lập, tinh thần tiên phong và đổi mới. (Ảnh: Shutterstock)

Nghi lễ hôn cuốn sách ngọt ngào của người Do Thái

Trong gia đình người Do Thái, khi đứa trẻ còn nhỏ, người mẹ sẽ mở cuốn Kinh thánh ra, nhỏ một ít mật ong lên mặt sách, rồi bảo bé hôn mật ong trên Kinh thánh. Mục đích của nghi lễ này là để nói với bé rằng cuốn sách thật ngọt ngào, để lại ấn tượng tốt đẹp khi bé lần đầu tiên tiếp xúc với cuốn sách, vì vậy đứa trẻ cả đời sẽ yêu thích sách. Gia đình Do Thái cũng có một thói quen được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là tủ sách được đặt trên đầu giường. Nếu đặt ở cuối giường, nó sẽ bị coi là thiếu tôn trọng cuốn sách. Những thói quen này đã khiến họ trở thành một dân tộc yêu sách nhất thế giới.

Tài sản người Do Thái để lại cho con mình là một tủ sách và ít nhất trên kệ đều có 10 cuốn sách của mọi thời đại. Họ coi đây chính là di sản để lại cho con của mình.

Israel cũng là nước đứng đầu thế giới về dân số từ 14 tuổi đọc sách, đứng đầu về số đầu sách xuất bản theo đầu dân. Không một người Do Thái thành đạt nào lại không tranh thủ thời gian để đọc, để học, để làm giàu tri thức.

Ngoài yếu tố di truyền, trí tuệ có khi còn đến từ một thói quen tốt. Còn thói quen nào tốt hơn đọc sách để tăng thêm kiến ​​thức, kích thích tư duy và tăng cường trí tuệ của con người? Người Do Thái từ sớm đã nắm bắt được điều mấu chốt này của giáo dục.

Ngoài yếu tố di truyền, người Do Thái từ sớm đã biết rằng để phát triển đầy đủ về trí tuệ cần dưỡng thành một thói quen đọc sách tích cực.
Ngoài yếu tố di truyền, người Do Thái từ sớm đã biết rằng để phát triển đầy đủ về trí tuệ cần dưỡng thành một thói quen đọc sách tích cực. (Ảnh: Getty)

Câu hỏi truyền thống: "Khi cháy nhà chúng ta nên mang theo gì?"

Trẻ con trong các gia đình Do Thái hầu hết đều phải trả lời một câu hỏi như thế này: "Nếu một ngày ngôi nhà của con bị thiêu rụi và tài sản bị cướp, con sẽ mang theo thứ gì để chạy trốn?”.

Nếu đứa trẻ trả lời mang theo tiền hoặc tài sản, người mẹ sẽ hỏi thêm: "Có một thứ quan trọng hơn hết thảy, nhưng nó không có hình dạng, không màu sắc, không mùi vị, con có biết đó là gì không?"

Nếu bé không trả lời được, người mẹ sẽ nói: "Con ơi, thứ cần con mang theo không phải tiền, cũng không phải là của cải, mà là trí tuệ. Bởi vì trí tuệ bất kể là ai cũng không cướp đoạt được. Miễn là con còn sống, trí tuệ sẽ luôn theo con".

Như vậy, từ ngàn xưa người Do Thái đã xem tri thức là gia tài đặc biệt vì có thể sinh ra vốn và của cải, lại không bị cướp đoạt. Và đây là nhân tố quan trọng giúp người Do Thái đạt được trí thông minh vượt bậc so với phần còn lại của thế giới.

Câu hỏi này được người Do Thái được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó thực sự rất thú vị. Nó không chỉ hướng dẫn con trẻ hình thành một quan điểm đúng đắn về cuộc sống, mà còn nhắc nhở bản thân rằng việc giáo dục trẻ em luôn tập trung vào việc trau dồi phẩm chất bên trong.

Người Do Thái xem tri thức là gia tài đặc biệt vì có thể sinh ra vốn và của cải, lại không bị cướp đoạt. Đây là nhân tố quan trọng giúp người Do Thái đạt được trí thông minh vượt bậc so với phần còn lại của thế giới.
Người Do Thái xem tri thức là gia tài đặc biệt vì có thể sinh ra vốn và của cải, lại không bị cướp đoạt. Đây là nhân tố quan trọng giúp người Do Thái đạt được trí thông minh vượt bậc so với phần còn lại của thế giới. (Ảnh: Getty)

Ngạn ngữ của người Do Thái

Có một câu nói được lưu truyền giữa những người Do Thái: "Đừng làm một con lừa vác nhiều sách trên lưng". Người Do Thái không chỉ coi trọng kiến ​​thức mà còn coi trọng tài năng. Họ mô tả những người có kiến ​​thức nhưng không có tài năng là "một con lừa mang rất nhiều sách trên lưng". Họ cho rằng học tập thông thường chỉ là một loại bắt chước, không có bất kỳ sự đổi mới nào. Học tập nên dựa trên suy nghĩ tìm tòi. Suy nghĩ được tạo thành từ những nghi ngờ và đáp án. Học tập là thường xuyên nghi vấn và đặt câu hỏi bất cứ lúc nào.

Nghi vấn là cánh cửa cho trí tuệ. Bạn càng biết nhiều, bạn càng nghi vấn và đặt nhiều câu hỏi, bạn càng đặt nhiều câu hỏi, bạn càng tiến bộ. Dựa trên sự hiểu biết này, gia đình Do Thái đặc biệt chú ý đến việc trao đổi ý tưởng với trẻ em, qua đó đứa trẻ luôn được người lớn dạy dỗ và chỉ bảo. Các bé có thể nói chuyện và thảo luận các vấn đề với người lớn, đôi khi người lớn sẽ quanh quẩn với các em bé để hướng dẫn chúng học tập và nghiên cứu. Không còn nghi ngờ rằng, tài hùng biện nổi tiếng của người Do Thái và điểm số cao trong bài kiểm tra trí tuệ có liên quan đến điều này.

Đầu tiên là hướng dẫn bé đọc nhiều sách, và thứ hai là tránh học theo kiểu mọt sách. Có thể thấy rằng, Trí tuệ = tri ​​thức + ứng dụng tri ​​thức là sự thật bất biến.

gia đình Do Thái đặc biệt chú ý đến việc trao đổi ý tưởng với trẻ em, qua đó đứa trẻ luôn được người lớn dạy dỗ và chỉ bảo.
Gia đình Do Thái đặc biệt chú ý đến việc trao đổi ý tưởng với trẻ em, qua đó đứa trẻ luôn được người lớn dạy dỗ và chỉ bảo. (Ảnh: Getty)

Học thuộc lòng Kinh Thánh

Trong gia đình Do Thái, đứa trẻ từ khi còn rất nhỏ đã bắt đầu đọc kinh sách, và điều này đã trở thành luật bất biến. Mục đích của người Do Thái ở đây không phải là để các em bé hiểu ý nghĩa của thánh thư, mà là để chúng có thể đọc thuộc lòng một cách máy móc. Người Do Thái tin rằng việc đọc thuộc lòng như vậy là cách để phát triển tốt trí nhớ. Nếu bạn không thể làm cho trẻ có một trí nhớ tốt, chúng sẽ rất khó để học những thứ khác trong tương lai.

Vì vậy, khi những đứa trẻ còn rất nhỏ, chúng sẽ bắt đầu bằng cách đọc những lời cầu nguyện. Sau đó sẽ dần dần tiếp xúc với “Ngũ kinh Mose”, “Kinh Thánh Cựu ước”, “Kinh Talmud”, đây là những cuốn sách mà người Do Thái mang theo cả đời.

Đồng thời, người Do Thái cũng có một cách đặc biệt để đọc thuộc lòng kinh sách. Ngoài cách đọc có âm điệu chậm rãi thì còn đung đưa người qua lại theo nhịp. Họ vừa cầm quyển kinh vừa vận dụng tất cả những bộ phận cơ thể, dựa theo ý nghĩa của lời kinh để bản thân hoàn toàn nhập tâm. Họ cho rằng đồng thời vận dụng việc nhìn, đọc, nghe, nói, cử động sẽ có hiệu quả hơn so với cách học yên lặng thông thường, và họ đã giữ thói quen này suốt đời.

Nhìn thấy thói quen đọc sách của người Do Thái, có người liên hệ đến tiến sĩ giáo dục học nổi tiếng người Nhật Shichida Makoto, ông cũng là một chuyên gia nghiên cứu não phải nổi tiếng thế giới. Ông chỉ ra rằng vận dụng thính giác và đọc thuộc lòng chứ không chỉ bằng thị giác và suy nghĩ là cách đả thông đường dẫn của não phải hiệu quả, dễ dàng đi vào tầng trí nhớ sâu. Hơn nữa, đọc thuộc lòng nhiều cũng giúp con người tăng thêm trí nhớ.

Đồng thời, người ta cũng nghĩ đến người Trung Quốc cổ đại khi tụng kinh và đọc thơ, là có nét tương đồng ở trong đó.

Đứa trẻ Do Thái từ khi còn rất nhỏ đã bắt đầu đọc kinh sách, và điều này đã trở thành luật bất biến. Người Do Thái tin rằng việc đọc thuộc lòng như vậy là cách để phát triển tốt trí nhớ.
Đứa trẻ Do Thái từ khi còn rất nhỏ đã bắt đầu đọc kinh sách, và điều này đã trở thành luật bất biến. Người Do Thái tin rằng việc đọc thuộc lòng như vậy là cách để phát triển tốt trí nhớ. (Ảnh: Getty)

Khắc ghi lịch sử của dân tộc

Những đứa trẻ Do Thái lớn lên cùng với những câu chuyện trong Kinh Thánh, và chúng khắc ghi những câu chuyện về lịch sử của dân tộc mình. Đối với người Do Thái, lịch sử không chỉ là một khóa học nơi trường học, mà là một câu chuyện khắc sâu trong mỗi gia đình. Những câu chuyện ấy in sâu trong lòng mỗi người, giống như gia phả được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Lịch sử và quá trình phát triển của họ, kinh nghiệm, gia đình, bạn bè, quê hương... đều được tiếp nối và trở thành một phần không thể thiếu. Họ cũng dùng trải nghiệm bản thân để học tập lịch sử. Ví dụ, họ dùng phương thức thảo luận và giả thiết, vừa là để ghi nhớ lịch sử, cũng để suy ngẫm về lịch sử.

Coi trọng ngày nghỉ ngơi

Vào thời cổ đại, chỉ có người Do Thái nghỉ một ngày mỗi tuần, điều này dường như rất xa lạ với các quốc gia khác ở thời điểm đó. Hơn nữa, người Do Thái không chủ trương dành một ngày nghỉ ngơi để du sơn ngoạn thủy, vì theo họ làm như vậy khi về đến nhà đã kiệt sức. Họ cảm thấy rằng ngày nghỉ nên đạt được mục đích nghỉ ngơi, thư giãn các dây thần kinh và cơ bắp, thanh lọc tâm trí để phục hồi trạng thái làm việc tốt nhất.

Xem thêm:

Vào những ngày nghỉ, họ thậm chí dừng mọi hoạt động kinh doanh: ra ngoài đi lễ vào lúc 8h sáng cho đến trưa, đọc những lời cầu nguyện bằng tiếng Do Thái và lắng nghe những lời dạy của Kinh Thánh. Những tư tưởng sâu sắc trong kinh sách đã đưa tâm trí của họ đến một miền đất tịnh độ và tươi sáng. Sau khi trở về nhà, người Do Thái vui vẻ ăn trưa và chợp mắt sớm vào khoảng 4h chiều. Sau đó, họ sẽ ở nhà hoặc ở trong lễ đường cùng với bạn bè hoặc cha xứ, giao lưu chia sẻ với nhau và nghiên cứu Kinh Talmud, Kinh Thánh.

Người Do Thái tin rằng nếu không điều chỉnh trạng thái tốt trong suốt ngày nghỉ, có thể khó đạt được những cải thiện thực sự trong tâm trí và cơ thể. Ý thức của con người là liên tục. Nếu không nghỉ ngơi tốt, tiềm thức vẫn sẽ được lấp đầy bởi những "sóng radio" trước đó. Như thể các kênh radio và TV đã bị tắt nhưng chúng vẫn tồn tại. Vì vậy, điều quan trọng là "chuyển đổi" các kênh. Do đó, hãy chắc chắn giải phóng bản thân khỏi công việc trần tục vào ngày nghỉ ngơi và đắm mình hoàn toàn vào một thế giới khác. Trong thế giới này, người Do Thái có một nguồn suy nghĩ và cảm hứng riêng của họ.

Sáng tạo và cảm hứng là kết quả của trí tuệ đỉnh cao, và chúng được sinh ra đúng lúc khi bộ não được thư giãn. Cho dù bộ não thông minh đến đâu, suy nghĩ trong một thời gian dài với sự căng thẳng và mệt mỏi quá mức sẽ khiến nó bắt đầu tê liệt. Xem ra "Trí tuệ là cần được nghỉ ngơi đầy đủ", thật đúng là một đạo lý đơn giản nhưng dễ bị mọi người bỏ qua.

***

Trong lịch sử, người Do Thái không ngừng chịu áp bức, tài sản bị cướp bóc, nhà cửa bị thiêu đốt, người dân bị trục xuất và sát hại… Vì vậy, việc theo đuổi tri thức, làm giàu trí tuệ đã trở thành một cơ chế phòng vệ của họ. Phương cách học tập và vận dụng tri thức đặc biệt của người Do Thái đã được truyền thừa như một kho báu từ đời này sang đời khác. Và đó cũng là những kinh nghiệm quý giá mà con người thế giới ngưỡng mộ và tham chiếu.

Quỳnh Chi
Theo kannewyork.com



BÀI CHỌN LỌC

Gia giáo của người Do Thái thức tỉnh thế nhân: 6 bí quyết làm nên sự khác biệt