Một gia đình có hưng thịnh hay không, nhìn qua ba điểm là rõ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta thường có quan niệm “giàu không quá ba đời”, tuy nhiên lại có những gia tộc trải qua bao thế hệ vẫn ngày càng hưng thịnh. Và để nhận biết một gia đình có hưng thịnh hay không, hãy cùng xem lời gia huấn của Tăng Quốc Phiên.

Tăng Quốc Phiên (1811 – 1872), tự Bá Hàm, hiệu Điều Sinh, người Tương Hương, Hồ Nam. Ông được biết tới là một danh thần dưới triều Mãn Thanh, vừa giỏi binh pháp, lại thông tỏ Nho học, là một người văn võ song toàn.

Cuộc đời Tăng Quốc Phiên đã đạt đến đỉnh cao trong 3 điều bất hủ của cổ nhân là “lập đức, lập công, lập ngôn”. Không ít triết lý nhân sinh mà Tăng Quốc Phiên để lại cho tới ngày nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy, rất nhiều gia đình giàu có đều bị “linh nghiệm” bởi câu “giàu không quá ba đời”. Nhưng gia tộc họ Tăng lại đời này tiếp nối đời sau mà sinh ra các bậc anh tài. Tăng Kỷ Trạch, Tăng Quảng Quân, Tăng Quảng Thuyên, Tăng Chiêu Luân, Tăng Hiến Thực… đều là những nhân vật kiệt xuất của lịch sử Trung Hoa.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy, rất nhiều gia đình giàu có đều bị “linh nghiệm” bởi câu “giàu không quá ba đời”. Nhưng gia tộc họ Tăng lại đời này tiếp nối đời sau mà sinh ra các bậc anh tài.
Nhìn lại lịch sử có thể thấy, rất nhiều gia đình giàu có đều bị “linh nghiệm” bởi câu “giàu không quá ba đời”. Nhưng gia tộc họ Tăng lại đời này tiếp nối đời sau mà sinh ra các bậc anh tài. (Ảnh: Wikipedia)

Tăng Quốc Phiên đã từng nói rằng, một gia đình có hưng thịnh hay không chỉ cần nhìn vào ba điểm dưới đây là biết rõ:

Thứ nhất: Nhìn xem con cháu ngủ đến mấy giờ? Nếu như ngủ đến lúc Mặt trời lên cao mới trở mình dậy thì gia đình này đang ngày càng lười biếng mà đi xuống.

Thứ hai: Nhìn xem con cháu trong nhà có chăm chỉ làm việc hay không? Bởi vì thói quen làm việc sẽ ảnh hưởng đến cả đời của một người.

Thứ ba: Nhìn xem con cháu có thường đọc sách kinh điển của các bậc cao nhân thánh hiền hay không? Bởi vì người không học sẽ không hiểu nghĩa và không biết đạo lý.

***

Quả vậy, trong Tăng Quốc Phiên gia thư, những bức thư của Tăng Quốc Phiên gởi cho gia đình, cho các em, các con trong thời gian ông bận việc quân đều xoay quanh và nhấn mạnh ba điều này.

Thư Tăng Quốc Phiên viết cho con trai Tăng Kỷ Hồng

(Thư viết tại Giang Tây, năm Hàm Phong thứ 6, ngày 29 tháng 9 năm Bính Thìn [1856]) - Bản dịch của Nguyễn Hữu Kha.)

Thầy thấy người nhà tại dinh khen rằng con cử chỉ đứng đắn, thầy bằng lòng. Người ta ai cũng mong con cháu làm quan to, thầy không thích thế, thầy chỉ mong mỏi con cháu làm nên được người quân tử, biết đọc sách, biết rõ nghĩa đạo làm người.

Tự giữ mực siêng năng tằn tiện, tập quen khó nhọc, ở lúc vui cũng thế, ở lúc túng bấn, eo hẹp cũng thế, thế là người quân tử.

Thầy làm quan hơn hai mươi năm nay, không dám nhiễm một tí mùi quan nào, ăn mặc cư xử, vẫn giữ thói thanh bạch, kiệm lắm cũng được, hơi phong cũng được, chứ phong lắm thì thầy không dám.

Phàm những nhà làm quan, bởi tằn tiện biến ra xa xỉ thì rất dễ, bởi xa xỉ mà giữ lại thói tằn tiện thì rất khó. Con tuổi còn nhỏ đừng có ham mộ xa hoa, đừng có tập quen lười biếng, không cứ nhà hơn nhà kém, kẻ học trò, kẻ làm ruộng, người đi buôn, người làm thợ, biết giữ mực siêng năng, tằn tiện, khó nhọc, thì thấy khá ngay, láo lếu xa xỉ, lười biếng thì thấy hỏng ngay.

Phàm những nhà làm quan, bởi tằn tiện biến ra xa xỉ thì rất dễ, bởi xa xỉ mà giữ lại thói tằn tiện thì rất khó. (Ảnh: ntdtv.com)
Phàm những nhà làm quan, bởi tằn tiện biến ra xa xỉ thì rất dễ, bởi xa xỉ mà giữ lại thói tằn tiện thì rất khó. (Ảnh: ntdtv.com)

Con viết chữ đọc sách, chớ có xao nhãng, sáng phải dậy sớm, chớ có làm sai cái phép nhà từ tổ tiên ông cha để lại cho. Con chả từng được mắt trông thấy ông con và chú thầy cứ sáng sớm là dậy đấy ư?

Phàm giàu sang công danh, đều có số cả, một nửa cậy sức người, một nửa nhờ trời, duy học làm nên bậc thánh hiền, đều do tự mình làm chủ, không có can thiệp gì đến trời đến mệnh. Thầy vẫn có chí học đạo thánh hiền, chỉ vì lúc bé thiếu một cái công phu cư kính mà đến bây giờ cũng còn có lúc nói đùa làm bỡn. Con cử chỉ đứng đắn, không hay nói càn, thế là có cơ tiến đức đấy, con nên cố đi…

***

Tăng Quốc Phiên luôn đau đáu và răn dạy con phải cần cù chăm chỉ. Bởi theo ông, “lao động sẽ được quỷ thần tôn trọng”.

Người xưa quan niệm rằng, một người mà ngày đêm không làm việc gì, an nhàn rảnh rỗi, trong khi có khả năng lao động mà lại sống dựa vào người khác, thì đến quỷ thần cũng không chấp nhận. Người như vậy sao có thể sống được lâu dài?

Bậc thánh hiền xưa luôn là người cần cù, chăm chỉ đọc sách và tu dưỡng. Người thành công trong xã hội xưa nay cũng luôn là người nỗ lực làm việc.

***

Chuyên tâm đọc sách kinh điển của các bậc cao nhân Thánh hiền cũng là một điều mà Tăng Quốc Phiên thường xuyên nhắc nhở cháu con. Trong Tăng Quốc Phiên gia thư, ông dạy rằng, “đọc sách có thể thay đổi khí chất của một người” (Nguyên văn: Độc thư khả biến hóa khí chất”).

Chuyên tâm đọc sách kinh điển của các bậc cao nhân Thánh hiền cũng là một điều mà Tăng Quốc Phiên thường xuyên nhắc nhở cháu con. (Ảnh: Wikipedia)
Chuyên tâm đọc sách kinh điển của các bậc cao nhân Thánh hiền cũng là một điều mà Tăng Quốc Phiên thường xuyên nhắc nhở cháu con. (Ảnh: Wikipedia)

Có câu rằng: “Trong bụng có thi thư khí chất tự thăng hoa”. Một cuốn sách hay là một người thầy tốt. Đọc sách nhiều thì kinh nghiệm và vốn sống sẽ được tích lũy ngày càng nhiều. Điều này giúp cho khí chất của con người thay đổi, phong thái sẽ ngày càng đẹp đẽ, thanh cao.

Theo quan điểm của Tăng Quốc Phiên thì những tác phẩm kinh điển này đã trải qua và được khảo nghiệm bởi lịch sử. Bất kỳ cuốn sách nào đã trở thành ‘kinh điển' thì nó phải có lý do. Một cuốn sách không có chiều sâu sẽ rất khó trở thành một tác phẩm kinh điển. Sở dĩ chúng được xưng là các tác phẩm kinh điển bởi trong đó hàm chứa trí tuệ, tư tưởng sâu xa. Hơn nữa những tư tưởng và trí tuệ này cũng được kiểm nghiệm bởi thực tế. Đây là những điều đáng giá nhất để người đời sau học tập và lĩnh hội.

Ngoài ra, Tăng Quốc Phiên còn dặn dò con cháu rằng, khi đọc sách, chưa đọc xong cuốn thứ nhất thì không cần vội đọc sang cuốn thứ hai. Ông từng nói với con rằng: “Phàm là đọc sách, không nhất thiết phải cầu ghi nhớ được nhiều, chỉ cần ngày hôm nay đọc một phần, ngày mai đọc một phần thì lâu dần tự nhiên sẽ có ích”.

Hơn nữa, ông còn lưu ý các con phải bồi dưỡng sở thích và mục tiêu đọc sách. Điều này được thể hiện rõ trong cách dạy từng người con của Tăng Quốc Phiên. Ví dụ, người con trai thứ nhất của ông là Tăng Kỷ Trạch không thích các khoa thi cử, văn bát cổ, nhưng lại đặc biệt yêu thích ngôn ngữ học và xã hội học của phương Tây. Tăng Quốc Phiên biết sở thích của con, liền khích lệ con tìm đọc sách theo sở thích của mình. Đối với người con trai thứ hai là Tăng Kỷ Hồng, ông cũng khích lệ như vậy. Biết được con trai có hứng thú với toán học, ông đã cổ vũ, khích lệ con nghiên cứu toán học.

Phương pháp dạy con của Tăng Quốc Phiên không chỉ bài bản, nghiêm khắc mà còn rất trí tuệ. Người đời sau đánh giá rằng, cách dạy con của ông chính là trí tuệ mà ông để lại cho đời sau.

Hơn nữa, ba đặc điểm để biết một gia đình có hưng thịnh hay không mà Tăng Quốc Phiên thường giáo huấn các con cũng là lời cảnh tỉnh hữu ích cho người đời.

Quỳnh Chi



BÀI CHỌN LỌC

Một gia đình có hưng thịnh hay không, nhìn qua ba điểm là rõ