Người giàu ở Hoa Kỳ được dưỡng thành như thế nào? Nguyên tắc nuôi dạy con của Buffett

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nói đến họ Buffett, có lẽ người đầu tiên bạn nghĩ đến là Warren Buffett, bởi ông là một tỷ phú nổi tiếng thế giới. Trên thực tế, gia đình họ đều là những nhân sĩ thành công.

Điều này có thể khiến mọi người tự hỏi, liệu nhà họ có phong thủy bảo địa gì không? Làm thế nào mà có nhiều người thành công như thế? Những người giàu có được dưỡng thành như thế nào?

Để khám phá vấn đề này, chúng ta hãy bắt đầu lại từ đầu, vì vậy trước hết hãy nói về cha của Buffett:

Howard Buffett (13/8/1903 ~ 30/4/1964) là một chính trị gia và nhà đầu tư thành công. Ở thế hệ của Howard, công việc kinh doanh của gia đình Buffett là một siêu thị. Nhưng thay vì kế thừa công việc kinh doanh của cha mình, Howard đã chọn thành lập một công ty đầu tư chứng khoán, Buffett-Falk & Co., và sau đó tham gia chính trị, hai lần được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ.

Trong cuốn tự truyện của Warren Buffett, ông đã viết:

"Cha tôi là một người cực kỳ chính trực. Ông đã từ chối tất cả các khoản hối lộ và thậm chí còn tự giác cắt giảm lương của mình. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, lương của Quốc hội đã tăng từ 10.000 đô la lên 12.500 đô la, nhưng cha tôi luôn cho rằng nên sử dụng tiền ở những nơi cần thiết hơn.

Thế là cứ vào mỗi lần phát lương, ông đều để lại tiền thừa trong văn phòng quốc hội, và khăng khăng chỉ nhận mức lương ban đầu. Theo hồi ức của mẹ tôi, khi đó ông chỉ lo lắng một vấn đề, đó là khi quyết định có bỏ phiếu cho một dự luật hay không, làm thế nào để xác định rằng dự luật đó được đưa ra là để thúc đẩy tự do của nhân loại”.

"Cha tôi là một người cực kỳ chính trực. Ông đã từ chối tất cả các khoản hối lộ và thậm chí còn tự giác cắt giảm lương của mình." (Ảnh: Wikipedia)
"Cha tôi là một người cực kỳ chính trực. Ông đã từ chối tất cả các khoản hối lộ và thậm chí còn tự giác cắt giảm lương của mình." (Ảnh: Wikipedia)

Có thể nói rằng, những hồi ức về hình ảnh người cha đã đặt nền móng cho thành công của Warren Buffett. Khi ông còn là một đứa trẻ và cha ông vẫn còn làm việc tại công ty chứng khoán, ông đã theo cha đến công ty và dùng phấn để giúp họ sao chép giá cổ phiếu. Năm 11 tuổi, Warren Buffett đã thực hiện giao dịch đầu tiên trong đời.

Với sự giúp đỡ của cha, ông đã dùng tiền tiêu vặt của mình để mua 3 cổ phiếu với mức giá 32 đô la một cổ phiếu. Nhưng sau khi mua, cổ phiếu đã giảm xuống còn 27 đô la, khiến Warren lo sợ, thế là đợi khi cổ phiếu tăng lên 40 đô la, ông đã bán ngay lập tức.

Ngay sau đó, giá cổ phiếu liền tăng vọt lên gần 200 đô la, điều này khiến Warren Buffett hối hận, nhưng cũng khiến ông cảm thấy hứng thú đối với việc đầu tư.

Những câu chuyện sau này thì chúng ta đều đã biết, giờ đây ông ấy đã trở thành người giàu thứ hai trên thế giới. Trong quá trình trưởng thành của Warren, ảnh hưởng của người cha đối với ông là rất lớn. Ngay từ khi còn nhỏ, cha đã dạy ông phải độc lập về kinh tế, cứ thế cho đến khi đi học đại học, số tiền 6.000 đô la Mỹ là do ông tự mình kiếm được.

Mặc dù điều kiện gia đình của Warren không tệ, nhưng cha ông vốn là một nghị sĩ không bao giờ phô trương, luôn giữ gìn thói quen cần kiệm, cũng thường xuyên giúp đỡ người khác, ông thấy đây là việc mà một nghị sĩ cần phải làm.

***

Thành công của Warren Buffett không thể tách rời những lời dạy của cha, và thành công của những đứa con nhà Warren cũng không thể tách rời những lời dạy của ông. Ba người con của ông, Susan, Howard và Peter, đều rất thành công trong lĩnh vực của mình.

Warren Buffett thừa hưởng truyền thống của cha mình, ông khuyến khích các con tự lập về kinh tế ngay từ khi còn nhỏ. Điều này có thể được nhìn thấy từ những quyên góp từ thiện hào phóng của ông.

Thành công của Warren Buffett không thể tách rời những lời dạy của cha. Warren Buffett thừa hưởng truyền thống của cha mình, ông khuyến khích các con tự lập về kinh tế ngay từ khi còn nhỏ. (Ảnh: Shutterstock)
Thành công của Warren Buffett không thể tách rời những lời dạy của cha. Warren Buffett thừa hưởng truyền thống của cha mình, ông khuyến khích các con tự lập về kinh tế ngay từ khi còn nhỏ. (Ảnh: Shutterstock)

Warren Buffett không chỉ không cho con mình tiền mà còn không cho vay. Theo cô con gái lớn Susan, khi ấy cô đang cần 41.000 đô la để mở rộng nhà bếp và chạy tới vay tiền của cha mình, nhưng ông đã từ chối.

Susan được thừa hưởng lòng tốt của cha mình. Cô đã dành nhiều thời gian và tinh lực cho công việc từ thiện. Cô tham gia rất nhiều các các lĩnh vực, bao gồm các tổ chức từ thiện trong giáo dục, gia đình và bệnh tật. Quỹ Warren Buffett mà cô phụ trách đã tăng từ 1 tỷ đô la lên 12 tỷ đô la chỉ trong sáu năm.

Con trai thứ hai của ông, Howard Graham Buffett, là người giống cha mình nhất. Anh là một doanh nhân thành đạt, nhà từ thiện và chính trị gia. Nếu có điều gì đó không giống, thì đó là anh ấy thích trồng trọt.

Năm 1977, anh bắt đầu cuộc sống nông dân của mình, nhưng với tư cách là một người cha, Warren không phản đối mà chỉ bỏ ra 760.000 USD để mua một trang trại. Tất nhiên, trang trại này sẽ không được trao tặng cho con trai ông, Warren coi đây là tiền đầu tư. Howard Graham đã lên một kế hoạch cẩn thận và đệ trình kế hoạch với cha mình.

Warren đã nhìn thấy tiền đồ của trang trại này mới quyết định mua nó. Hàng năm Howard Graham phải trả tiền thuê và tiền lãi cho cha mình. Với sự hỗ trợ của cha, công việc kinh doanh của Howard Graham ngày càng phát triển. Nhờ nỗ lực của bản thân, trang trại của anh đã được mở rộng đến Illinois, Arizona và thậm chí Nam Phi, thêm tổng cộng 12.300 mẫu Anh (49,77 km2).

Anh đã sử dụng các trang trại này để tích cực phát triển các loại cây trồng có sản lượng cao, nỗ lực làm việc để góp phần giải quyết nạn đói của thế giới. Sau năm 1992, cuối cùng anh quyết định trở về Berkshire Hathaway để giúp cha mình, nhưng điều này cũng không làm trì hoãn công việc trồng trọt, bởi vì anh vẫn kiêm nhiệm quản lý trang trại.

Người con trai thứ ba, Peter Buffett có lẽ đã đi con đường khác với cha mình. Peter được thừa hưởng tài năng âm nhạc của mẹ. Anh phát hiện ra niềm đam mê âm nhạc và sáng tác của mình trong những năm đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, do sự độc lập về kinh tế được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu, thay vì xin tiền cha, anh dùng tiền tiết kiệm của mình để thuê một căn phòng nhỏ và lái một chiếc ô tô cũ. Thứ duy nhất có giá trị trong nhà là thiết bị ghi âm.

Căn nhà giản dị của tỷ phú Warren Buffett.
Căn nhà giản dị của tỷ phú Warren Buffett. (Ảnh: Getty Images)

Sau đó, với những nỗ lực của bản thân, Peter cuối cùng đã tạo được tên tuổi trong ngành công nghiệp âm nhạc và giành được giải thưởng Emmy. Nhưng theo cách nói của Warren Buffett, thì đứa con trai này rất giống mình, tất cả chúng đều nỗ lực như nhau, chỉ là chúng đã đi một con đường khác.

Warren Buffett từng chia sẻ một câu chuyện thú vị về cậu con trai út khi còn nhỏ. Lúc đó, Peter đang học trung học và có niềm đam mê nhiếp ảnh, cậu có ý nghĩ bột phát là muốn bỏ học và trở thành một nhiếp ảnh gia đường phố.

Khi anh nói với cha mẹ về ý tưởng này, thì cả hai đều sững sờ. Đây rõ ràng là một ý tưởng chưa trưởng thành, nhưng họ không muốn dập tắt sự nhiệt tình của cậu bé. Vì vậy, bà Buffett đã lặng lẽ tiếp cận giáo viên ở trường Peter, đề xuất để Peter trở thành nhiếp ảnh gia cho cuốn album kỷ niệm của trường.

Sau khi xem xét, giáo viên thấy rằng Peter có đủ điều kiện cho công việc này, vì vậy đã gửi lời mời đến cậu. Khi nhận được lời mời, Peter vui mừng khôn xiết, và không còn nghĩ đến chuyện bỏ học nữa.

Warren Buffett thực sự đã tìm được cách làm sao để cân bằng sự ảnh hưởng đến quyết định của một đứa trẻ. Sau này, khi những đứa trẻ lớn lên, Warren Buffett đều không can thiệp nhiều vào quyết định phát triển sự nghiệp của chúng. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn:

"Những địa vị mà con tôi có được trong xã hội, sẽ đạt được bằng chính nỗ lực thực sự của chúng. Nhưng chúng cũng biết rằng bất kể quyết định nào chúng đưa ra, tôi sẽ ở sau lưng hỗ trợ chúng”.

Theo quan điểm của Buffett, vì có một đứa con làm đúng theo ý mình thì bạn có thể sống thoải mái, là một ý tưởng sai lầm. Vì vậy, từ nhỏ đến lớn, mặc dù ông không cố ý giấu giếm, nhưng ông đã không nói cho bọn trẻ biết nhà mình có bao nhiêu tiền. Và bọn trẻ cũng không chút hoài nghi, bởi chúng đã sống một cuộc sống không khác gì những người bình thường ngay từ thời thơ ấu.

Đi xe buýt đến trường, sống trong một ngôi nhà bình thường và phải làm việc. Mãi đến khi cậu con trai út 20 tuổi, anh mới thấy cha mình trong Danh sách người giàu của Forbes, mới biết gia đình mình giàu đến mức nào.

Warren làm điều này bởi một lý do rất đơn giản. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã được ảnh hưởng bởi đức tính của cha, đó chính là không thích phô trương. Ông cũng làm điều này để bọn trẻ không sinh ra thứ cảm xúc khác lạ về tiền bạc, và để chúng có thể kết bạn, những người bạn thật tâm không tiếp cận chúng vì tiền.

Từ nhỏ đến lớn, mặc dù ông không cố ý giấu giếm, nhưng ông đã không nói cho bọn trẻ biết nhà mình có bao nhiêu tiền. Và bọn trẻ cũng không chút hoài nghi, bởi chúng đã sống một cuộc sống không khác gì những người bình thường ngay từ thời thơ ấu.
Từ nhỏ đến lớn, mặc dù ông không cố ý giấu giếm, nhưng ông đã không nói cho bọn trẻ biết nhà mình có bao nhiêu tiền. Và bọn trẻ cũng không chút hoài nghi, bởi chúng đã sống một cuộc sống không khác gì những người bình thường ngay từ thời thơ ấu. (Ảnh: Shutterstock)

Warren đã tóm tắt rất nhiều những phương pháp trong việc quản lý các công ty và giáo dục trẻ em. Dưới đây là một vài nguyên tắc mà ông nhấn mạnh khi nuôi dưỡng con trẻ và làm việc:

Đừng ngại hỏi

Giáo dục con cái: Con có thể nói những gì con muốn. Cho dù con muốn một món đồ chơi hay đi xem một buổi hòa nhạc, trước tiên hãy chắc chắn về ham muốn đó. Sau đó chúng ta có thể thảo luận về những gì con cần làm để có được những gì con muốn, và việc nào nên hay không nên.

Đối với công việc: Phải lên tiếng yêu cầu giúp đỡ, cho dù là bạn cần thiết bị, tư vấn, đầu tư hay thậm chí là nơi để bắt đầu, miễn là bạn nói, bạn có thể thấy rằng một ai đó sẽ có những gì bạn muốn, và họ rất cần bạn tiếp quản.

Suy nghĩ cho người khác

Giáo dục con cái: Hãy nghĩ cho cha mẹ, nghĩ cho anh chị em của con. Khi con có mâu thuẫn với cha mẹ hoặc anh chị em, hãy nghĩ về lý do tại sao họ nói như vậy, và vấn đề sẽ có thể được giải quyết.

Đối với công việc: Hãy suy nghĩ cho khách hàng của bạn. Nếu bạn có thể cung cấp dịch vụ ngoài sức tưởng tượng, bạn có thể chiến thắng các đồng nghiệp của mình. Nếu bạn đang xúc tuyết, hãy chú ý đến dự báo thời tiết. Khi tuyết rơi dày, hãy liên hệ trước với khách hàng để họ có thể chuẩn bị.

Đừng sợ thất bại

Giáo dục con cái: Là một người cha, ta muốn con thất bại, bởi vì chỉ có thất bại mới có thể chứng minh rằng con đang làm những việc khó khăn và quan trọng. Đừng sợ thất bại, vì cha luôn ở phía sau con.

Đối với công việc: Nếu bạn không biết để thành công trong lĩnh vực của mình thì cần những kỹ năng gì? Đừng lo lắng, hãy mò mẫm trong thất bại, tiếp tục quay lại và nghiên cứu, đọc thêm một vài cuốn sách và học hỏi từ người khác. Những điều bạn học được trong thất bại là điều đáng nhớ nhất.

Trung thực và công bằng

Giáo dục con cái: Trung thực và công bằng là những phẩm chất cơ bản nhất của một người. Chúng sẽ giúp con rất nhiều trong cuộc sống tương lai. Mặc dù sự thành thực có thể khiến người khác không thích thú, và sự công bằng có thể khó khăn, nhưng con phải biết nhìn xa. Đối xử với người khác bằng sự chân thành và thiện lương, sau đó người khác sẽ chọn ở bên con.

Đối với công việc: Hãy trung thực với khách hàng của bạn và công bằng với nhân viên của bạn. Nếu bạn trung thực với khách hàng, bạn có thể có được lòng tin của họ. Nếu bạn mắc lỗi, đừng che đậy, hãy xin lỗi và sửa chữa ngay lập tức. Đối xử với khách hàng theo cách này sẽ duy trì công việc của bạn; và đối xử như vậy với nhân viên sẽ làm cho công ty của bạn ngày càng thêm mạnh mẽ.

Biết cách cảm ơn

Giáo dục con cái: Mọi người, trong đó có cả cha mẹ, đều đã không công mà cho con một thứ gì đó. Vì thế, cho dù con đã đạt được thành công bằng chính năng lực của chính mình, cũng cần biết cách cảm ơn. Lòng biết ơn này có thể được biểu đạt theo cách của con, nhưng nhất định nó phải được biểu đạt.

Đối với công việc: Kinh doanh không chỉ là để kiếm tiền, bạn cũng cần phải lập kế hoạch từ thiện trong kế hoạch của mình. Có rất nhiều điều tốt trên thế giới mà bạn có thể làm. Bạn có thể tùy vào sở thích, suy nghĩ và sự sáng tạo của bạn để quyết định mình muốn đóng góp điều gì, có thể là đi tình nguyện hoặc quyên góp tiền.

Thói quen tiết kiệm tiền

Giáo dục trẻ em: Dưỡng thành thói quen tiết kiệm tiền ngay từ khi còn nhỏ, đứa trẻ có thể mua đồ chơi chúng thích hoặc đi xem phim và đi chơi với bạn bè. Có một khoản tiền gửi tiết kiệm có thể giúp bạn giải quyết nhiều vấn đề ngoài mong muốn.

Đối với công việc: Hãy lập kế hoạch trước khi chi tiền, đừng đánh giá thấp một dự tính tốt. Đây là gốc rễ của thành công. Nếu bạn kiếm được lợi nhuận, hãy tách số tiền bạn có thể chi tiêu với số tiền bạn muốn tiết kiệm. Điều này có thể giải quyết nhu cầu cấp thiết của bạn trong tương lai.

Cuối cùng, không khó để hiểu những nguyên tắc này, nhưng có thể thực hành và duy trì thường xuyên mới là bí quyết để trở thành một người giàu có.

Quỳnh Chi biên dịch
Theo bannedbook.org

Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Người giàu ở Hoa Kỳ được dưỡng thành như thế nào? Nguyên tắc nuôi dạy con của Buffett