Những câu chuyện ‘Thầy - trò’ thú vị (Kỳ 5): Hãy học hỏi từ tấm lòng thiện lương của một đứa trẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà giáo dục trẻ em nổi tiếng người Nhật Yoshioka Tasuku, trong mấy chục năm dạy học của mình đã để lại nhiều câu chuyện thú vị về chủ đề ‘thầy - trò’. Những câu chuyện vui này đã giúp giải khai những mối lo lắng mà các bậc cha mẹ thường hay gặp khi giáo dục con cái mình.

Tôi nhớ một người bạn của tôi, mỗi ngày đều bận rộn công việc ở công ty, tối muộn mới về nhà. Một ngày nọ, đứa con học cấp hai của cô đột nhiên quở trách mẹ của mình, nói như ‘kẻ thù’ vậy: "Con nói cho mẹ biết, khi mẹ già, khi mẹ ốm và phải nhập viện, con sẽ không quan tâm đến mẹ, hãy để mẹ nếm thử cô đơn là như thế nào?”.

Người mẹ nghe xong, trái tim như bị từng nhát dao cắt, không hiểu tại sao mình phải vất vả cực nhọc nuôi dưỡng con, còn không tiếc tiền, cho nó học trường tư thục, mà nó lại bất hiếu như thế?

Lúc ấy, mặc dù tôi hiểu rằng bởi vì đứa nhỏ quá cô đơn, nhưng tôi vẫn không lý giải được hành vi cực đoan của nó. Tuy nhiên, một sự việc mà thầy giáo Yoshioka từng kể, đã khiến tôi chợt nhận ra.

Một bài học cho giáo viên

Đó là sau khi thầy Yoshioka trở thành giáo viên của trường không lâu, đã phát sinh một sự việc. Ông nói rằng dạy học được gần năm mươi năm, kinh nghiệm mà ông tích lũy được đều là nhờ công lao của những đứa trẻ, vì vậy ông đối với những đứa trẻ này là vô cùng cảm kích. Ông đã thổ lộ rằng: Trong cuộc đời dạy học, tôi thường nhờ những đứa trẻ mà hiểu được rất nhiều đạo lý, tôi là đi theo chúng và cùng nhau trưởng thành.

Ông đặc biệt khó quên cách đối nhân xử thế của mình, khi gặp một sự việc.

Lúc đó, ông đang dạy cho các em trong lớp, một đứa trẻ đột nhiên bật khóc, dù có khuyên nhủ thế nào, nó vẫn không ngừng khóc. Khi này, thầy Yoshioka cũng chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với trẻ em, nhất thời sốt ruột không kiềm chế được mình, mất kiên nhẫn và tức giận nói: "Không khóc nữa, nếu trò còn khóc như thế này, thì không được đến lớp nữa!”.

Nhưng mà vẫn vô ích, đứa trẻ vẫn như cũ, cứ khóc không ngừng. Thầy giáo lại giáo huấn, nói: “Em cứ khóc như thế này, nhìn xem, thật là xấu quá!”. Nhưng những lời này, cũng không hữu hiệu. Cuối cùng, thầy giáo không còn cách nào, lớn tiếng quát: “Không khóc nữa! Nói mau vì sao lại khóc?”. Cũng không ích gì, đứa trẻ lại càng khóc to hơn. Thầy Yoshioka đành phải bỏ cuộc, ngẫm nghĩ, đứa trẻ nếu có thể thực sự bình tĩnh lại, nói rõ lý do, thì nó sẽ không khóc nữa, đây chẳng phải là một điều hiển nhiên sao? Do đó, thầy giáo đành bất đắc dĩ đứng đó thở dài, không thể nghĩ ra ‘nước cờ’ nào.

Trong khi thầy giáo đang bó tay bất lực, thì đột nhiên một đứa trẻ đứng dậy, chạy đến đứa trẻ đang khóc, ghé sát mặt vào mặt của người bạn, khẽ dỗ dành: “Cậu cứ khóc đi”.

Đột nhiên một đứa trẻ đứng dậy, chạy đến đứa trẻ đang khóc, ghé sát mặt vào mặt của người bạn, khẽ dỗ dành: “Cậu cứ khóc đi”.
Đột nhiên một đứa trẻ đứng dậy, chạy đến đứa trẻ đang khóc, ghé sát mặt vào mặt của người bạn, khẽ dỗ dành: “Cậu cứ khóc đi”. (Ảnh: Shutterstock)

Ngay lúc đó, thầy Yoshioka vô cùng cảm động và bất ngờ, nhận ra rằng, thời khắc này, một đứa trẻ còn hiểu rõ trái tim của đứa trẻ đang khóc hơn cả mình.

Khi bạn buồn, bạn không cần nhiều lời giáo huấn, chỉ cần một lời an ủi và thấu hiểu từ người khác, là đủ để được vỗ về. Đứa trẻ này, không nói lý do vì sao khóc, không được khóc nữa, thật khó coi, nói nhanh vì sao khóc… tất cả những lời này là lời từ trên cao ‘ném’ xuống, nó không có tác dụng. Chỉ cần đứng bên cạnh người đang khóc, bày tỏ sự thấu hiểu, đồng cảm và an ủi mà thôi, cứ như vậy sẽ giải quyết được vấn đề. Rõ ràng, tấm lòng chất phác ngây thơ của một đứa trẻ thiện lương, đã khiến vị thầy giáo phải tâm phục khẩu phục.

Ông Yoshioka nói rằng kể từ đó, ông đã sâu sắc suy ngẫm, như thế nào là một nhà giáo dục chân chính? Có phải giáo viên và phụ huynh mới là người có đặc quyền ‘chỉ tay năm ngón’ giáo dục người khác? Còn trẻ em chỉ là người học? Dường như không phải vậy! Vì thế, ông bắt đầu hiểu được ý nghĩa thực sự của việc “thầy và trò cùng tiến bộ”, và vì sao người giáo viên nên có thái độ khiêm tốn.

Các loại phiền toái khác nhau mà trẻ em tạo ra cho chúng ta, đều có nguyên nhân và giá trị của chúng. Người lớn chúng ta cũng sẽ học được rất nhiều điều từ trẻ em. Người lớn vì bề ngoài, vì thể diện mà trở nên phức tạp và khó hiểu, mất đi bản tính ban sơ. Nhưng mà những đứa trẻ, sẽ không ngừng nhắc nhở chúng ta quay trở về với bản tính thiện lương của một con người.

Các loại phiền toái khác nhau mà trẻ em tạo ra cho chúng ta, đều có nguyên nhân và giá trị của chúng. Người lớn chúng ta cũng sẽ học được rất nhiều điều từ trẻ em.
Các loại phiền toái khác nhau mà trẻ em tạo ra cho chúng ta, đều có nguyên nhân và giá trị của chúng. Người lớn chúng ta cũng sẽ học được rất nhiều điều từ trẻ em. (Ảnh: Shutterstock)

Đằng sau sự "bất hiếu" là một trái tim trẻ con quý giá

Vậy, câu chuyện của thầy Yoshioka có liên quan gì đến việc giải quyết vấn đề của một người mẹ ở trên? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy nói về những suy nghĩ trong quá khứ của tôi.

Trước đây, tôi luôn tự hỏi tại sao một đứa trẻ chỉ vì mẹ mình không thể đi làm về sớm, lại có thể có thái độ đối kháng mãnh liệt như vậy? Ở thế hệ của chúng tôi, cũng không phải là không cảm thấy cần cha mẹ, nhưng lúc cha mẹ không thể ở cạnh mình, thì sẽ hiểu rằng cha mẹ không cố ý bỏ bê, nên chắc chắn sẽ không dám có thái độ nói chuyện như vậy. Sau khi đọc câu chuyện của thầy Yoshioka, tôi bắt đầu ngẫm lại bản thân mình. Có lẽ tôi đã bỏ quên rất nhiều điều. Có lẽ chúng tôi không thực sự hiểu những đứa trẻ, và không cho chúng đủ ấm áp.

Tôi nhớ cách đây rất lâu, mẹ chồng tôi đã phẫu thuật ung thư vú, biểu hiện của bố chồng tôi đã làm tôi kinh ngạc. Vì con cái không nỡ để người cha lớn tuổi phải vất vả túc trực ở bệnh viện, nên ra sức khuyên ông về nhà, để con cháu thay phiên nhau chăm sóc mẹ là tốt rồi. Nhưng bố chồng tôi một mực không đồng ý. Ông nói rằng: “Những gì mẹ các con cần nhất là một người bạn già, vì vậy ta cần ở lại đây với bà ấy”.

Những lời này, đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên. Là một người phụ nữ, có lẽ đây là niềm hạnh phúc lớn nhất, vì thế mà tôi vẫn luôn cảm thấy ngưỡng mộ mẹ chồng. Như vậy một đứa trẻ, người chúng cần nhất là ai? Không thể nghi ngờ, chính là cha mẹ của chúng.

Ngày nay, các chương trình truyền hình ‘chơi khăm’ rất phổ biến, mọi người có thể vô tình trở thành một diễn viên. Hơn nữa, họ còn diễn rất nhập vai, mãi đến khi sự thật được tiết lộ thì mới biết mình bị lừa, chính là để kiểm tra trái tim chân thật của mọi người. Có một chương trình, phân chia người lớn và trẻ em, yêu cầu họ hãy thực hiện một mong muốn trong lòng mình, đó là có thể chọn người mình yêu thích nhất để cùng dùng bữa. Thật bất ngờ, khi hỏi nhiều người lớn, cả nam và nữ, đều nói rằng họ muốn dùng bữa với những người nổi tiếng, tỷ phú hay thần tượng. Tuy nhiên, tất cả trẻ nhỏ tuổi bậc tiểu học chỉ có một câu trả lời duy nhất, đó là chúng muốn ăn cơm cùng bố mẹ.

Tất cả trẻ nhỏ tuổi bậc tiểu học chỉ có một câu trả lời duy nhất, đó là chúng muốn ăn cơm cùng bố mẹ. (Ảnh: Shutterstock)
Tất cả trẻ nhỏ tuổi bậc tiểu học chỉ có một câu trả lời duy nhất, đó là chúng muốn ăn cơm cùng bố mẹ. (Ảnh: Shutterstock)

Câu trả lời này, được cho là đã chạm đến trái tim của người lớn. Không ít cha mẹ khi nghe câu trả lời này của con mình, vừa cảm động lại vừa cảm thấy hổ thẹn. Trái tim thuần khiết của đứa trẻ đã đánh thức phần nhân tính mà cha mẹ vì quá bận rộn đã bỏ quên. Ở trong lòng những đứa trẻ, thì cha mẹ là người mà chúng yêu nhất. So với người lớn thì cũng không kém phần trân trọng gia đình, hơn nữa không có bất kỳ ảo tưởng hay danh lợi nào trong tâm trí chúng.

Làm thế nào để hóa giải tảng băng trong lòng đứa trẻ?

Ngẫm lại về những đứa trẻ ngày nay. Có lẽ, chúng có được nhiều đồ chơi và quần áo cao cấp, những người giàu có thậm chí có thể thuê người để chuyên chăm sóc con cái họ. Thế mà, mỗi ngày được cùng cha mẹ ăn cơm và trò chuyện, lại trở thành một điều cực kỳ xa xỉ.

Người xưa có câu, "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, ý rằng điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Người lớn chúng ta cũng không mạnh mẽ hơn trẻ em bao nhiêu, khi đối mặt với sự cô đơn, chúng ta cũng cần sự chăm sóc và đồng hành của những người thân yêu nhất. Nếu một ngày, chúng tôi không may bị ốm và phải nhập viện, còn những đứa trẻ đều quá bận rộn, không rảnh để bận tâm. Thế nhưng, những đứa trẻ, chúng đều là ông chủ quản lý công ty, đều không thiếu tiền, có thể thuê bảo mẫu đến phục vụ. Như vậy, cho dù cũng là hoàn thành trách nhiệm và hiếu tâm, nhưng không biết khi đó chúng ta sẽ nghĩ gì? Có lẽ cho dù có bao nhiêu người giúp việc, thậm chí là chăm sóc tốt nhất, bạn vẫn cần con bạn thường ngày đến thăm, gọt một quả táo, giặt quần áo một lần, cùng trò chuyện và đi dạo, thật ấm áp làm sao!

Nghĩ theo cách này, tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng vật chất và tiền tài không phải là toàn năng. Điều mọi người cần nhất là sự quan tâm và chăm sóc của những người thân yêu, mà những người bên ngoài không thể nào thay thế. Như vậy, đứa trẻ cần có sự đồng hành của cha mẹ, nếu trường kỳ không có được, thì chúng sẽ cảm thấy mất mát và thương tâm đến mức nào? Đặc biệt là những đứa trẻ hiện đại, ít anh chị em, không sống với ông bà, thiếu giao tiếp với mọi người, thậm chí mong muốn được ăn một bữa ăn với cha mẹ mỗi ngày cũng là xa xỉ. Thế hệ của chúng tôi trước đây, người một nhà cùng nhau ăn cơm là điều dĩ nhiên, nếu so sánh, thì trẻ em ngày nay dường như quá cô đơn. Sự đối kháng cực đoan của đứa trẻ, nhìn như là bất hiếu, nhưng thực ra là một biểu hiện của sự mong manh cùng cực, cô đơn và khát khao có được sự ấm áp.

Vì vậy, chúng ta hãy giống như thầy giáo Yoshioka ở câu chuyện phía trên vậy, hãy khiêm tốn học hỏi từ tấm lòng thiện lương của một đứa trẻ. Có lẽ khi đối mặt với sự đối kháng của con cái mình, bạn không cần phải so đo đứa trẻ này có quá vô lý hay không. Bạn chỉ cần giống như câu chuyện của thầy Yoshioka kia, hãy cho con một cái ôm nhẹ nhàng an ủi, buông lòng tự trọng của cha mẹ xuống, nói một câu: “Mẹ xin lỗi, vì đã khiến con phải đau khổ khi luôn mong mỏi chờ mẹ về nhà”. Tin chắc rằng, đứa trẻ sẽ cảm thông cho cha mẹ, và tình yêu thương sẽ làm tan chảy tảng băng trong lòng chúng.

Mỗi tuần, sắp xếp một lần cha mẹ và con cái cùng nhau ăn cơm trò chuyện, cũng là một lựa chọn tốt.

Có người phân tích chữ Hán, nói rằng cấu trúc từ bận rộn “忙” gồm bộ tâm “⺖” và chữ vong “亡” ghép lại, biểu hiện nội hàm: một người luôn quá bận rộn sẽ đánh mất trái tim và hủy diệt lòng người. Đây quả thật là một lời cảnh báo!

Hòa An (biên dịch)
Theo bannedbook.org

Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Những câu chuyện ‘Thầy - trò’ thú vị (Kỳ 5): Hãy học hỏi từ tấm lòng thiện lương của một đứa trẻ