Thân làm cha mẹ, dạy con cũng cần phải có phương pháp...

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vương Phu Chi là một nhà triết học nổi tiếng cuối triều Minh. Sau khi chính biến ông ẩn cư tại núi Thạch Bàn nên cũng có người yêu mến xưng gọi là Bàn Sơn tiên sinh. Khi Trương Hiến Trung đứng dậy khởi nghĩa nông dân có ý muốn mời ông đi, thực tế là ép ông tạo phản, sợ ông không theo nên đã bắt cha ông là Vương Triều Sính làm con tin. Vương Phu Chi biết được cha mình bị bắt đã tự tay dùng dao đả thương khắp người rồi kêu người khiêng đi gặp Trương Hiến Trung. Trương Hiến Trung thấy ông toàn thân trọng thương nên đã thả hai cha con ông cùng về.

Sau khi nhà Minh mất, quân Thanh dồn xuống phía nam, cha con Vương Phu Chi ở núi Hằng Sơn từng tụ quân đánh lại quân Thanh. Sau khi thất bại ông lại gia nhập vào triều đình Nam Minh Vĩnh Lịch, tuy nhiên sau này thấy Vĩnh Lịch hủ bại, ông chua xót mà rời đi. Sau khi rời đi ông đến núi Thạch Bàn ẩn cư, một lòng chuyên tâm nghiên cứu học thuật, trước sau 40 năm. Trong thời gian ẩn cư, từng có nhiều quan viên địa phương nghe tiếng thơm của ông muốn mời ông xuống núi nhưng ông đều từ chối. Vương Phu Chi giỏi thơ văn, từ khúc, đặc biệt là xem trọng học thuật như Chu Dịch ngoại truyện, Thượng Thư dẫn nghĩa… và rất nhiều tác phẩm triết học.

Vương Phu Chi có thể trước sau giữ trọn một lòng khí tiết trong những năm đầu triều đại nhà Thanh, đồng thời đạt được thành tựu to lớn trên con đường học thuật, trở thành một triết gia có tên tuổi, tất cả đều là nhờ vào công giáo dục của cha ông là Vương Triều Sính. Trong việc giáo dục con cái, Vương Triều Sính có phương pháp giáo dục con cái rất đặc biệt.

Vương Triều Sính không dạy con theo phương thức lời lẽ nghiêm trọng, hà khắc mà bằng cách mưa dầm đất thấm. Khi con cái có những hành vi không chuẩn mực, ông nhẹ nhàng dùng lời lẽ phân tích chỉ ra những chỗ chưa đúng, đồng thời ông cũng thường xuyên dùng những điển cố, tâm đắc của tiền nhân phân tích, giảng giải cho con cái hiểu.

Vương Triều Sính không dạy con theo phương thức lời lẽ nghiêm trọng, hà khắc mà bằng cách mưa dầm đất thấm. Khi con cái có những hành vi không chuẩn mực, ông nhẹ nhàng dùng lời lẽ phân tích chỉ ra những chỗ chưa đúng
Vương Triều Sính không dạy con theo phương thức lời lẽ nghiêm trọng, hà khắc mà bằng cách mưa dầm đất thấm. Khi con cái có những hành vi không chuẩn mực, ông nhẹ nhàng dùng lời lẽ phân tích chỉ ra những chỗ chưa đúng... (Ảnh: Shutterstock)

Đêm khuya tĩnh lặng cha con thắp đèn cùng nhau đàm luận về những điển cố lịch sử theo phong thái của các bậc tiền nhân tới tận canh khuya là hình ảnh rất quen thuộc đối với ông. Khi Vương Phu Chi còn nhỏ chưa hiểu chuyện, chưa biết cách ước thúc bản thân, thường nói những lời trái đạo, tuy vậy cha ông không khi nào trách phạt mà chỉ dùng một thái độ nghiêm khắc đó là không nói chuyện, để cho Vương Phu Chi tự mình nhìn lại bản thân. Sau đó cha ông mới ồn tồn giảng giải, dẫn đạo giúp ông hiểu được cái sai của mình một cách sâu sắc.

Vương Phu Chi kế thừa truyền thống giáo dục tốt đẹp của cha mình nên đối với vấn đề dạy dỗ con cái cũng rất chú trọng. Vương Phu Chi viết thơ giáo dục con cháu của mình cần phải lập chí to lớn, cao thượng, rời xa thế tục, đừng để chuyện thế tục ảnh hưởng đến chí hướng của bản thân mình.

Trong thơ ca ông viết: Khi con người ta bắt đầu lập chí, điều quan trọng là không được để những việc thế tục và ngoại cảnh làm cho ảnh hưởng. Những sự vật bên ngoài dễ làm cho con người ta tạp nhiễm, cũng giống như người không uống rượu lại bị rượu làm cho say. Những người bị nhiễm khí độc của thế tục hay giấu quyền cước trong tay áo, dùng ám tiễn hại người, lại thường vì chút lợi ích nhỏ nhoi như đầu kim mũi chỉ mà liều mình bán mạng tranh đấu. Sẽ không có một đại trượng phu nào cam tâm tình nguyện đi học điều đó, cũng như không một người xuất chúng nào lại chịu hòa mình vào dòng nước nhơ đục ấy. Những tài phú vô tận này không phải là thứ chúng ta nên tích lũy. Trong con mắt ta, đó đều là những điều chúng ta nên giới bỏ. Chúng ta không phải loại người vì tiền bạc mà làm cho tiều tuỵ; tiêu dao thoát tục, bình an khoẻ mạnh mới là những điều chúng ta hướng tới. Có thể dùng cảnh giới như vậy để đọc sách ắt có thể lĩnh hội được hàm nghĩa thâm sâu của cổ nhân để lại; dùng cảnh giới như vậy để lập thân thì sợ gì không thể làm một đấng hào kiệt; mà để kết giao bằng hữu thì hành vi ở trong cảnh giới này ắt cũng sẽ hòa hợp với huynh đệ bốn phương vì nó phù hợp với đạo nghĩa làm người.

Kỳ thực tiền tài suy cho cùng cũng chỉ là vật ngoài thân, tâm thái thanh cao, tâm hồn thiện lương, bồi đức tích nhân mới là nền tảng đạo đức mỗi người đều cần bồi đắp. Khi con người ta phúc đức đủ đầy thì tiền bạc không cầu cũng tự có, hà tất phải lao tâm khổ tứ để rồi đời người qua đi trong chớp mắt, hối hận cũng là điều đã muộn.

Cổ Phong (Biên dịch)
Theo: Lý Mai - epochtimes.com

Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Thân làm cha mẹ, dạy con cũng cần phải có phương pháp...