Tôi sử dụng ba thủ thuật này khiến con gái chủ động yêu thích việc học.

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu bạn trao mọi thứ cho con bạn, cuộc sống, sự giàu có và địa vị của bạn, đứa trẻ cũng không nhất định sẽ hạnh phúc suốt đời.

Bạn có từng cảm thấy hoang mang như thế này?

Dạy trẻ phải thật thà, nhưng thấy rằng trẻ thật thà ra ngoài sẽ bị bắt nạt.

Dạy trẻ phải thiện lương, nhưng thấy rằng những đứa trẻ thiện lương không được xã hội thừa nhận.

Sau đó, bạn bắt đầu suy nghĩ, có nên dạy con mình trở nên cơ hội hơn một chút, hung dữ hơn một chút hay không? Trong khi bạn đang phải băn khoăn và do dự chưa biết làm thế nào, thì vô tình những điều xấu không biết từ đâu rơi đến đã ảnh hưởng đến sự phát triển của con bạn rồi!

Vậy, nên giáo dục trẻ như thế nào? Cách giáo dục nào có thể khiến đứa trẻ yêu thích việc học, yêu cuộc sống và trở thành một người tốt? Chúng ta hãy nghe cách Yu Minhong - Nhà sáng lập Tập đoàn Công nghệ Giáo dục New Oriental, chia sẻ cách nuôi dạy con gái mình.

***

Trong một xã hội sôi động, coi trọng tiền tài vật chất như ngày nay, nên giáo dục trẻ em như thế nào được tốt? Một số điều xấu mà người lớn chúng ta đôi khi vô tình để con trẻ nhìn thấy, có tác động đáng kể đến việc hình thành nhân cách của trẻ, cũng ảnh hưởng đến thế giới quan và nhân sinh quan của chúng. Bởi vậy, phương pháp giáo dục trẻ như thế nào là một vấn đề lớn.

Thứ nhất, giáo dục gia đình là quan trọng bậc nhất

Sự hình thành nhân cách là đến từ sức mạnh của những tấm gương

Sức học của con gái tôi hiện đang ở mức trung bình, nhưng tôi không bao giờ lấy nó làm tiêu chí để ép con bé phải học hành chăm chỉ hơn. Vợ tôi và tôi có những ý tưởng giáo dục trái ngược nhau. Vợ tôi sẽ tức giận nếu con gái không lọt vào top 5 của lớp. Tôi thì ngược lại. Con gái tôi được vào top 15, tôi đã cảm thấy rất vui rồi. Tôi hay nói với con gái: “Con xem lớp con có 40 bạn, con lọt vào top 15, sau con còn 25 bạn nữa, con gái ba chẳng phải rất giỏi sao!”.

Sức học của con gái tôi hiện đang ở mức trung bình, nhưng tôi không bao giờ lấy nó làm tiêu chí để ép con bé phải học hành chăm chỉ hơn.
Sức học của con gái tôi hiện đang ở mức trung bình, nhưng tôi không bao giờ lấy nó làm tiêu chí để ép con bé phải học hành chăm chỉ hơn. (Ảnh: Pexels)

Từ góc độ của một đứa trẻ mà nói, điểm số của con bạn là tốt hay xấu, đỗ vào đại học Bắc Kinh hay một trường đại học bình thường, đều không có gì khác biệt. Điều thực sự có thể thành tựu tương lại một đứa trẻ, chính là vấn đề nhân cách và đối nhân xử thế. Mà sự hình thành nhân cách là đến từ sức mạnh của những hình mẫu. Cha mẹ là hình mẫu của con trẻ, điều đó là không thể chối cãi. Chúng ta vẫn luôn yêu cầu mọi thứ từ con trẻ, nhưng đều không hiệu quả, là bởi vì cha mẹ chưa làm gương được như vậy.

Chẳng hạn, khi cha mẹ chơi mạt chược, họ quát con mau đi học bài, thì đứa trẻ đương nhiên sẽ không muốn học. Khi người cha nói: "Con muốn có tiền đồ như Lão Tử không?". Đứa trẻ sẽ nghĩ: “Cha nói phải có tiền đồ. Ta thấy cha đánh mạt chược cũng vui vẻ rồi, chẳng cần phải học đại học. Vậy tại sao ta phải đi học đại học?”.

Cha mẹ là tấm gương tốt nhất cho con. Mỗi khi con gái tôi học bài, tôi sẽ lấy một cuốn sách và ngồi đọc bên cạnh con bé. Bằng cách này, là có ý thức kỷ luật ở trong đó, và “tấm gương” đóng vai trò rất quan trọng.

Trước mặt trẻ em, đừng nói những điều không hay về người khác

Khi bạn làm bất cứ điều gì, bạn phải suy nghĩ về việc liệu bạn có làm tổn thương người khác không. Ví dụ, người lớn chúng ta đôi khi thích nói những điều không hay về hàng xóm và đồng nghiệp sau lưng họ, thậm chí nói mà không tránh né con trẻ. Tình huống này đã xảy ra với vợ chồng tôi. Chúng tôi đã bình luận về các cặp vợ chồng khác, vị này tốt vị kia không tốt, người này keo kiệt người kia rộng rãi...

Kết quả là, một lần nọ con gái tôi đi học về, bắt đầu kể về các bạn ở lớp, bạn nào không tốt, bạn nào keo kiệt và bạn nào hợm hĩnh... Tôi bảo con gái rằng không nên nói những điều không hay về bạn cùng lớp, bởi các bạn là người ở bên cạnh con mỗi ngày, đừng nhìn vào khuyết điểm mà quan trọng là hãy nhìn vào ưu điểm của họ. Con gái tôi ngay lập tức hỏi: "Ba mẹ cũng nói sau lưng các chú dì khác, thì tại sao con không được nói về các bạn cùng lớp con?”.

Con gái tôi ngay lập tức hỏi: "Ba mẹ cũng nói sau lưng các chú dì khác, thì tại sao con không được nói về các bạn cùng lớp con?”
Con gái tôi ngay lập tức hỏi: "Ba mẹ cũng nói sau lưng các chú dì khác, thì tại sao con không được nói về các bạn cùng lớp con?” (Ảnh: Pexels)

Một câu hỏi của con khiến tôi không nói nên lời. Kể từ đó, tôi đã đặt ra một quy tắc với vợ, ở trước mặt con cái không bao giờ nói về khuyết điểm của người khác, mà nhất định phải nói về ưu điểm của họ.

Thứ hai, bồi dưỡng cho con trẻ tình yêu cuộc sống

Khiến cho đứa trẻ cảm thấy rằng sống trong thế giới này rất tuyệt.

Chúng ta sẽ thấy rằng trong một lớp học, một số trẻ sẽ luôn là người đứng thứ nhất hoặc thứ hai, IQ của chúng thực sự rất cao. Và cho dù con cái chúng ta có nỗ lực đến đâu, chúng vẫn chỉ dậm chân ở giữa hoặc thậm chí là tụt lại phía sau. Cha mẹ nên làm gì trong tình huống này?

Là trẻ em, miễn là con bạn không đến mức ngu ngốc, miễn là đứa trẻ có thể đến lớp bình thường, vẫn có thể làm nên những chuyện đại sự. Ví như Hồ Tuyết Nham chỉ đi học trong hai tháng, nhưng cuối cùng đã trở thành doanh nhân quyền lực, là người đàn ông đầy hoài bão. Đây là một ví dụ điển hình. Trong mọi trường hợp, cha mẹ chúng ta phải có bản lĩnh, không chỉ đốc thúc con trẻ tiến bộ mà còn giữ cho lòng tự trọng của con không bị tổn hại.

Bạn phải chắc chắn rằng con bạn cảm thấy hạnh phúc, và cuối cùng trở thành một người hạnh phúc, để đứa trẻ cảm thấy rằng sống trong thế giới này thật tuyệt. Nuôi dưỡng tình yêu của trẻ đối với cuộc sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cha mẹ.

Giáo dục con trẻ: Hạnh phúc thực sự là do chính mình có được

Cha mẹ ngày nay phần lớn là rất nuông chiều con trẻ, đứa trẻ muốn hay thích điều gì đều cho con thứ đó. Ví dụ, nếu đứa trẻ nhìn thấy một món đồ chơi, cha mẹ không mua thì chúng sẽ không chịu rời đi, cuối cùng, cha mẹ không thể không mua. Thế là đứa trẻ sẽ có một tâm lý rằng, miễn là nó muốn thì cha mẹ nhất định sẽ phải nhượng bộ.

Trước khi tôi mua một thứ gì đó cho con gái, tôi sẽ phân tích xem thứ mà nó muốn mua có hợp lý hay không. Nếu không hợp lý, tôi sẽ không mua; còn nếu hợp lý, tôi cũng sẽ không dễ dàng mà mua. Tôi phải để đứa trẻ hoàn thành một nhiệm vụ trước khi mua nó. Chẳng hạn, khi con gái tôi đi du học, mỗi đứa trẻ trong lớp đều có một chiếc máy tính xách tay. Mặc dù nhà tôi có máy tính để bàn, nhưng việc sử dụng máy tính xách tay sẽ thuận tiện hơn, hơn nữa nhà cũng không thiếu tiền, nên việc mua máy tính cho con gái cũng là hợp lý. Tôi nói với con bé rằng ba sẽ mua nó cho con, nhưng con phải biết rằng không có gì là vô ích trên thế giới này. Bây giờ con đã lớn, và con cần phải trả giá lao động cho những gì con muốn. Nếu cô bé có thể đọc thuộc 30 bài báo truyền cảm hứng bằng tiếng Anh, tôi sẽ mua cho nó.

con phải biết rằng không có gì là vô ích trên thế giới này. Bây giờ con đã lớn, và con cần phải trả giá lao động cho những gì con muốn.
Con phải biết rằng không có gì là vô ích trên thế giới này. Bây giờ con đã lớn, và con cần phải trả giá lao động cho những gì con muốn. (Ảnh: Pexels)

Kết quả là, chưa đến hai tuần, con bé đã thuộc làu các bài khóa, tôi liền phải mua cho con một chiếc máy tính xách tay. Phương pháp giáo dục này giúp trẻ học được đạo lý rằng, chỉ có cách trả giá mới có được thứ mình mong muốn, cũng giúp trẻ có động lực vui vẻ làm các việc.

Thứ ba, khích lệ để kích thích tiềm năng vô hạn của trẻ

Giáo dục ở nhà trường là rất quan trọng, nhưng giáo dục gia đình còn quan trọng hơn, bởi vì con trẻ sẽ dõi theo từng cử chỉ lời nói của cha mẹ.

Sự trưởng thành của một người là cả một quá trình, tuyệt đối không phải được quyết định bởi điểm số ở trường học. Điểm số rất quan trọng đối với trẻ, nhưng không thể bởi vì đứa trẻ có điểm số thấp liền cho nó không có tiền đồ. Mong rằng các bậc cha mẹ hãy thay đổi các tiêu chí để đánh giá thành công. Điểm số của trẻ cao là một trong những tiêu chí để thành công, nhưng đừng coi đó là tiêu chí duy nhất. Nếu không, con bạn sẽ bị tổn thương vô số lần, bởi vì trong mỗi một cuộc thi thì cũng chỉ có một người đứng đầu duy nhất.

Vì vậy, tôi có một lập luận an ủi rằng: Trên thực tế, không dễ để trở thành người giỏi nhất, bởi vì anh ta bước đi thực sự rất khó khăn. Nhìn về phía trước, không có người đuổi theo, nhìn lại phía sau thì thấy toàn bộ các bạn đang đuổi theo mình, cứ truy đuổi khiến mình ‘sống dở chết dở’. Thế nên xếp thứ nhất cũng không phải là tốt. Còn gã xếp thứ cuối cùng kia mới thật là hạnh phúc! Nhìn lên phía trước toàn những người bị mình truy đuổi ‘dở sống dở chết’, nhìn lại phía sau thì không có ai theo mình. Chẳng phải là cuộc sống mà bạn hằng mong muốn sao!

Tất nhiên, quan điểm này không thể nói với con trẻ, bạn phải học cách khích lệ con. Lần này bài kiểm tra xếp cuối lớp, hãy khuyến khích con cố gắng hơn trong lần sau; lần này đứa trẻ được 20 điểm, lần sau hãy khuyến khích cậu bé lấy 30 điểm. Đừng nói với con bạn rằng, lần này con đã ghi được 60 điểm, lần sau mà không được 90 điểm thì liệu đi ra khỏi nhà.

Nếu bạn nói như vậy, có đứa trẻ đương nhiên sẽ lo lắng học, nhưng có đứa trẻ dẫu liều thân học bao nhiêu vẫn không đạt được 90 điểm, vậy bây giờ chúng phải làm sao? Bạn thật sự sẽ không cho chúng vào nhà ư? Nhất định bạn vẫn cho con vào nhà. Nhưng cho con vào nhà rồi, đứa trẻ sẽ thấy rằng “cha mẹ nói năng không cân nhắc, không giữ lời, ta về sau nếu có làm bài điểm kém thì cha mẹ cũng phải cho ta vào nhà mà thôi”. Cứ như vậy, cha mẹ đã bị con đâm trúng điểm yếu.

Lần này bài kiểm tra xếp cuối lớp, hãy khuyến khích con cố gắng hơn trong lần sau; lần này đứa trẻ được 20 điểm, lần sau hãy khuyến khích cậu bé lấy 30 điểm.
Lần này bài kiểm tra xếp cuối lớp, hãy khuyến khích con cố gắng hơn trong lần sau; lần này đứa trẻ được 20 điểm, lần sau hãy khuyến khích cậu bé lấy 30 điểm. (Ảnh: Pexels)

Khích lệ đồng thời thiết lập các quy tắc cho con trẻ

Trong khi khuyến khích, cha mẹ cũng nên đồng thời đặt ra các quy tắc cho con cái. Con gái tôi đặc biệt thích ăn kem, vợ tôi mỗi ngày đều cho con ăn rất nhiều kem, khiến hàm răng đều bị hỏng. Tôi thấy như vậy không được, bèn quy định rằng mỗi ngày con chỉ được phép ăn một que kem, hơn nữa sau bữa cơm tối nửa giờ mới được ăn. Con gái tôi mới chỉ hơn 4 tuổi, không biết khái niệm nửa giờ là như nào. Tôi nói với con bé rằng khi kim dài chỉ đến vị trí này là nửa giờ. Con gái tôi nhìn đồng hồ một lúc, cứ thế trong nửa giờ nhìn đến hơn 100 lần. Cuối cùng đến khi nửa giờ trôi qua thì đã chán ngán, không muốn đợi tiếp để được ăn kem nữa.

Vào ngày thứ hai, cô bé nhìn đồng hồ vài chục lần, vào ngày thứ ba nó chỉ nhìn hai ba lần. Vào ngày thứ tư, cô bé biết rằng đằng nào cũng phải sau nửa giờ mới được ăn kem, liền đi chơi, đợi đến lúc nó nhớ tới việc ăn kem thì nửa giờ đã trôi qua tự lúc nào.

Miễn là điều đúng, cha mẹ nên khích lệ con trẻ, nhưng đồng thời cũng phải đặt ra quy tắc cho con. Sau khi lập ra các quy tắc, cha mẹ không được tùy ý thay đổi, hễ sửa đổi liền xuất hiện vấn đề.

Đừng để lòng ham hư vinh quấy phá, hãy để con bạn từ từ lớn lên

Cuối cùng, tôi muốn nói về một vấn đề khác mà cha mẹ thường sẽ phạm phải, gọi là "hội chứng năng lực". Cha mẹ đặc biệt muốn con mình trở thành những tiểu thiên tài, kỳ thực đây là lòng ham hư vinh phù phiếm của cha mẹ. Các bậc cha mẹ Trung Quốc thường phạm vào sai lầm: Cho con cái học những gì chúng không thể, hy vọng chúng sẽ đạt được thành tựu trong một lĩnh vực nào đó. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ bắt ép con học cái này học cái kia ngay từ tiểu học. Nó không có ý nghĩa gì cả. Điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ là để chúng từ từ lớn lên.

Con gái tôi rất thích chơi piano, cô bé bắt đầu chơi khi mới lên 5 tuổi. Nhưng càng học thì ý thích càng thay đổi, mỗi cấp độ thi càng thêm khó, kết quả là, niềm đam mê chơi đàn piano của con bé đã dần dần biến mất. Con gái tôi không muốn học piano nữa, nhưng vợ tôi cứ bắt nó phải học. Tôi nói với vợ tôi rằng, con gái 10 tuổi đã phải học piano hơn 10 cấp độ rồi, xin hỏi em 10 tuổi thì em có học nổi không? Dẫu em muốn biến con thành một nghệ sĩ piano tuyệt vời, thì việc em cho con vượt qua kỳ thi vào lớp 10 lúc 10 tuổi là điều vô lý. Thứ hai, nếu em cho con học theo cách này, con bé sẽ mất hứng thú với piano và nó sẽ không thích chơi piano chút nào nữa..

Tôi nói với con gái rằng, ba không ép con phải học và phải thi piano. Ba hối hận là trong cuộc đời này đã không biết chơi nhạc cụ, chơi nhạc cụ có thể xua tan những muộn phiền. Về nguyên tắc, học piano không phải để cho con thi cử, mà mà là để giúp con tìm ra cách thể hiện cảm xúc của chính mình. Trong tương lai, con chắc chắn sẽ tiến nhập vào vòng xoay của xã hội, nếu bạn con có tài năng ca hát mà con có thể đệm đàn piano bên cạnh, thì con nhất định sẽ nhận được sự tôn trọng của người khác. Nếu con không muốn học, con có thể duy trì trình độ hiện tại của mình.

Về nguyên tắc, học piano không phải để cho con thi cử, mà mà là để giúp con tìm ra cách thể hiện cảm xúc của chính mình.
Về nguyên tắc, học piano không phải để cho con thi cử, mà mà là để giúp con tìm ra cách thể hiện cảm xúc của chính mình. Nếu con không muốn học, con có thể duy trì trình độ hiện tại của mình. (Ảnh: Shutterstock)

Con gái tôi thực sự yêu thích piano. Sau khi mệt mỏi với bài tập về nhà, con bé thường chơi đàn trong nửa giờ. Kể từ đó, cô bé học với giáo viên mỗi tuần một buổi và dần dần lấy lại niềm đam mê piano.

Tóm lại, điều quan trọng nhất trong giáo dục gia đình là giáo dục nhân cách, tiếp theo là giáo dục tâm trạng và thứ ba là giáo dục khích lệ. Một điểm sau cùng, là cha mẹ phải để con cái học cách chịu khổ.

Cuối cùng, tôi muốn nói với các bậc cha mẹ rằng, nếu bạn trao mọi thứ cho con bạn, cuộc sống, sự giàu có và địa vị của bạn, đứa trẻ cũng không nhất định sẽ hạnh phúc suốt đời. Chỉ bằng cách dạy con trẻ trở thành một người thành công, dạy trẻ học cách theo đuổi mục tiêu, học cách hài lòng và cảm nhận hạnh phúc, con bạn sẽ có được hạnh phúc thực sự.

Hòa An biên dịch
Theo Wang Hexuan, aboluowang.com

Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Tôi sử dụng ba thủ thuật này khiến con gái chủ động yêu thích việc học.