1/5 thuỷ thủ trên các tàu ngầm Trung Quốc gặp vấn đề tâm lý: Nghiên cứu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cuộc khảo sát gần đây về các thủy thủ đoàn tàu ngầm Trung Quốc được triển khai trên Biển Đông cho thấy 21% thủy thủ bị các vấn đề tâm lý. Nghiên cứu hiếm hoi chỉ ra một xu hướng đáng lo ngại trong hải quân Trung Quốc, vốn đang tăng cường hoạt động trong những tháng gần đây.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Quân y Hải quân Thượng Hải và được công bố trên tạp chí "Military Medicine" của Anh. Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 580 thuyền viên nam. Hầu hết các triệu chứng tâm lý mà họ báo cáo liên quan đến lo lắng và hoang tưởng.

Theo nghiên cứu, nguyên nhân chính khiến các thuỷ thủ tàu ngầm bất an lan rộng là thực tế hải quân Trung Quốc đã tiến hành một số lượng lớn các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông. Một yếu tố khác là hải quân Trung Quốc thiếu các dịch vụ y tế tâm lý đầy đủ.

Trong quá trình hoạt động, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể chìm trong nước từ 60 đến 90 ngày. Báo cáo của trường đại học hải quân cho biết các nghiên cứu trước đây về tàu ngầm “đã chứng minh rằng các cuộc diễn tập quân sự có thể gây ra căng thẳng về tâm lý và sinh lý”. Việc ở dưới nước trong thời gian lâu, các thuỷ thủ phải sinh hoạt cuộc sống hàng ngày trong một khu vực hạn chế trong một thời gian dài như vậy làm trầm trọng thêm cảm giác chán nản và cô lập của họ.

Hải quân Trung Quốc chịu áp lực diễn tập quá nhiều

Lee Zhen-shou (李正 修), một nhà nghiên cứu tại Quỹ Chính sách Quốc gia Đài Loan, nói với Đài Á Châu Tự do rằng các thuỷ thủ tàu ngầm Trung Quốc có lẽ đã làm việc quá sức. Lee cho biết rằng Hải quân Hoa Kỳ có các hạm đội khác nhau thay phiên nhau thực hiện các hoạt động để các sĩ quan và thủy thủ có cơ hội dành nhiều thời gian hơn trên bờ.

Tuy nhiên, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành các hoạt động thường xuyên và kéo dài ở Biển Đông, đặc biệt là kể từ tháng 7 năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 8, Hải quân PLA đã tổ chức ít nhất 10 cuộc tập trận hải quân dọc theo bờ biển Trung Quốc và trên Biển Đông.

Trung Quốc đã gây ra nhiều tranh chấp với hầu hết nước khác ở Biển Đông. Họ ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, là tuyến đường vận chuyển trọng yếu và có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Ở phía Đông, họ cũng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đảo đối với đất nước Đài Loan và quần đảo Senkaku, thuộc về Nhật Bản.

Bắt đầu từ ngày 29 tháng 12 và kéo dài đến ngày 7 tháng 1, Hải quân PLA đã tổ chức các cuộc tập trận ở phía nam tỉnh Hải Nam. Ngay sau đó, họ đã tiến hành thêm một cuộc diễn tập kéo dài 3 ngày ở Biển Đông. Trước đó, hải quân PLA cũng đã tiến hành các hoạt động tương tự vào tháng 9 và tháng 11.

Hải quân PLA có hơn 60 tàu ngầm các loại được giao cho ba nhóm hải quân ở phía Bắc, Đông và Nam. Hầu hết các tàu ngầm là các tàu cũ chạy bằng dầu diesel. Chúng chỉ có thể ở dưới nước trong vài ngày và dễ dàng bị phát hiện bởi sóng siêu âm.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có 15 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, 7 trong số đó có thể phóng tên lửa đạn đạo. Năng lực của họ tụt hậu so với hải quân Mỹ và Nga, nhưng công nghệ của Trung Quốc đang được cải thiện. Vào đầu tháng 2, các hình ảnh vệ tinh cho thấy dường như là một lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân mới đang được đóng ở đông bắc Trung Quốc.

Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc chủ yếu đóng tại Thanh Đảo của miền đông Trung Quốc, cũng như ở phía Nam tỉnh đảo Hải Nam. Hải quân PLA đang xây dựng một căn cứ ngầm gần thành phố Tam Á ở Hải Nam, nơi có thể cập cảng 20 tàu ngầm.

Tư vấn tâm lý trong hải quân Mỹ và Trung Quốc

Nhưng dù hải quân có trang bị khí tài gì đi chăng nữa thì sức khỏe tâm lý cũng rất quan trọng đối với các thủy thủ vận hành tàu ngầm. Năm ngoái, Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân đã làm một điều hiếm có: họ đã xuất bản các bài báo về tư vấn tâm lý hải quân ba lần trong năm. Điều này giúp công chúng có cái nhìn sâu sắc về những thách thức mà hải quân Trung Quốc phải đối mặt.

Tiến sĩ Lin Ying-yu (林穎 右), một chuyên gia quân sự Đài Loan nghiên cứu về PLA, nói với Đài Á Châu Tự do về sự khác biệt giữa tư vấn tâm lý trong Hải quân PLA so với Hải quân Hoa Kỳ. Hải quân Hoa Kỳ có các linh mục trên tàu ngầm của họ, những người có thể hướng dẫn và hỗ trợ tinh thần cho thủy thủ đoàn.

Ngược lại, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa các sĩ quan chính trị lên tàu của Hải quân PLA; công việc chính của họ là truyền bá cho các thủy thủ chủ nghĩa Mác và đảm bảo rằng họ không nghĩ ra những suy nghĩ sai lầm.

Tính đúng đắn về chính trị là một gánh nặng đối với PLA. Quân đội Trung Quốc không phải là quân đội quốc gia, mà là cánh quân của ĐCSTQ. Để giữ cho các quân nhân trong hàng ngũ quân đội của họ, ĐCSTQ đã dành nhiều thời gian và năng lượng cho giáo dục chính trị. Cách giáo dục này thường lặp đi lặp lại, nhàm chán và mất tinh thần, đồng thời lãng phí thời gian mà quân nhân Trung Quốc có thể dành cho việc phát triển tinh thần đồng đội và đào tạo. Theo tiến sĩ Lin, tần suất tập trung và huấn luyện chính trị trong khuôn khổ PLA sẽ chỉ kéo giảm tinh thần và sức khoẻ của các sĩ quan và thủy thủ phục vụ trên tàu chiến Trung Quốc.

Ánh Dương

Theo Visiontimes

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

1/5 thuỷ thủ trên các tàu ngầm Trung Quốc gặp vấn đề tâm lý: Nghiên cứu