25% bậc cha mẹ lo lắng con mình chậm phát triển

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cha mẹ vừa mới có con hay đang có con trong độ tuổi chập chững biết đi thường xuyên lo lắng liệu chúng có thể đi, nói và thực hiện các giao tiếp xã hội như những đứa trẻ bình thường khác được không.

Theo kết quả từ một cuộc khảo sát thực hiện trên quy mô quốc gia của bệnh viện Nhi đồng Mott, Đại học Michigan C.S., Hoa Kỳ, gần ¼ số bậc phụ huynh từng lo lắng rằng con mình có thể sẽ bị chậm phát triển, không đạt được các mốc phát triển tiêu chuẩn, nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể chia sẻ những mối lo ngại này với các bác sĩ. Và gần ⅕ trong số họ không tìm đến các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay cơ sở chăm sóc trẻ em để được tư vấn và có lời khuyên.

Mott Gary L. Freed, MD, MPH, giám đốc phụ trách khảo sát và cũng là bác sĩ nhi khoa cho biết: “Các bậc cha mẹ không chắc chắn liệu con mình có phát triển kịp hay có hướng phát triển tương tự như các bé cùng lứa tuổi, phần lớn phụ huynh tìm đến lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa trong khi các bậc cha mẹ khác lại tìm kiếm từ những nguồn kém tin cậy hơn, chẳng hạn như từ bạn bè hay nội dung tư vấn trên các trang mạng”.

Theo kết quả khảo sát, dựa trên phản hồi của 779 phụ huynh có ít nhất một con từ 5 tuổi trở xuống, đa số các bậc cha mẹ cảm thấy tự tin nếu biết được khi nào con của họ sẽ đạt được hầu hết các mốc phát triển.

hơn 80% những người tham gia khảo sát có nghi ngờ con mình đứng dưới mốc phát triển đã yêu cầu được tư vấn từ các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (63% trong số đó) và các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em (24%).

Số phụ huynh tìm kiếm thông tin trên các trang trực tuyến, hỏi gia đình, bạn bè hoặc tìm kiếm lời khuyên trên mạng xã hội chiếm 18%. Những bậc cha mẹ lo lắng con mình có khả năng chậm phát triển thường tìm hiểu về biểu đồ phát triển trên internet nhiều hơn những bậc cha mẹ không có những mối lo này.

"Khi tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè, gia đình hoặc các phương tiện truyền thông xã hội, cha mẹ có thể nhận được những thông tin không chính xác hoặc đã xưa cũ về từng giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ”, Freed cho biết.

Cứ 1 trong 3 bậc cha mẹ được hỏi cho biết họ đã so sánh con mình với con của bạn bè hay so sánh với anh chị em khác. Các ông bố có xu hướng so sánh con mình nhiều hơn.

Freed cũng lưu ý, hầu hết các mốc phát triển thông thường diễn ra trong khung độ tuổi có thể dự đoán được, ví dụ như đi, nói hoặc cười.

“Điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần ghi nhớ, sự phát triển của trẻ là một quá trình diễn ra theo thời gian. Mỗi đứa trẻ đều có sự phát triển riêng. Một số trẻ có thể đạt được những mốc nhất định sớm hơn hoặc muộn hơn so các trẻ cùng tháng tuổi. Không nhất thiết có nghĩa là đứa trẻ này tiến bộ hơn đứa trẻ kia hay đứa trẻ này chậm phát triển hơn đứa trẻ kia”. Freed chia sẻ thêm.

Theo kết quả cuộc khảo sát, đôi khi cha mẹ không phải là người đầu tiên nhận biết được những mối tiềm ẩn về sự chậm phát triển ở con mình, 9% cha mẹ biết được điều này từ các thành viên khác trong gia đình, 9% từ cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và 4% từ bạn bè.

Cha mẹ cần gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia khi có bất kỳ thắc mắc về vấn đề thể chất, xã hội/cảm xúc, giao tiếp và nhận thức của trẻ, Freed lưu ý. Các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em sẽ kiểm tra sự tiến bộ của trẻ, hỏi về quá trình phát triển như lẫy, mỉm cười với cha mẹ, nói bập bẹ hoặc những phản ứng với các biểu hiện trên khuôn mặt.

Đối với một số bé sinh non, thời gian kỳ vọng của các mốc phát triển cũng cần được điều chỉnh theo các chuyên gia có chuyên môn.

"Kiểm tra và theo dõi các mốc phát triển giúp phát hiện sớm các vấn đề hay sự chậm phát triển ở trẻ và đánh giá xem trẻ có cần hỗ trợ thêm hay không. Đối với nhiều bậc cha mẹ, việc thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ là thời điểm tốt nhất để trao đổi với bác sĩ về các mốc tuổi phù hợp cho quá trình phát triển ở con mình và tìm hiểu những gì cần lưu ý trong lần kiểm tra kế tiếp", Freed cho biết thêm.

Theo Medicalxpress

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

25% bậc cha mẹ lo lắng con mình chậm phát triển