6 bằng chứng cho thấy Đại Hồng Thủy đã thực sự xảy ra

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trận Đại Hồng thủy được mô tả trong các truyền thuyết của nhiều nền văn hóa khác nhau, từ vùng châu thổ Lưỡng Hà đến Nigeria đến Trung Quốc, nhưng lại giống nhau đến không ngờ. Nội hàm gì ẩn đằng sau câu chuyện về một sự kiện từ thời viễn cổ trên quy mô toàn thế giới? Nó đã đặt ra cho nhân loại thật nhiều hoài nghi và giả thiết…

Trong cuốn Genesis (Sáng thế ký), nói rằng đã từng có một trận lụt lớn đến nỗi nó tràn ngập toàn thế giới. Trận lụt này được gọi là Đại hồng thủy và tất cả mọi người đã chết vì trận lụt ngoại trừ một số người được Chúa lựa chọn. Những người được lựa chọn được cho là những người có tâm tính thực sự “tốt” và họ không đáng phải chết như phần còn lại của thế giới.

Mặc dù nhiều người tin rằng câu chuyện chỉ là một huyền thoại, nhưng cũng có những minh chứng cho thấy sự kiện này đã xảy ra. Chúng ta hãy thử xem xét sáu chứng cứ về trận Đại hồng thủy toàn cầu dưới đây.

1. Tìm thấy xác của tàu Noah trong Kinh Thánh

Vào ngày 20/6/1987, Thống đốc tỉnh Agri của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố với thế giới rằng: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Ataturk, cơ quan khảo cổ Thổ Nhĩ Kỳ… đã công nhận vật thể hình chiếc tàu trên ngọn núi Ararat tại độ cao 2.000m so với mực nước biển là con tàu của Noah. Khu vực này trở thành công viên quốc gia - một báu vật quốc gia của họ. Đây là một trong những phát hiện lịch sử học và khảo cổ học vĩ đại nhất, cho thấy Đại Hồng Thủy và con tàu Noah thực sự tồn tại.

Tờ báo lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ: Chính phủ xác nhận: “Đây là tàu Noah”.

Họ thực hiện nhiều nghiên cứu để có cơ sở cho tuyên bố trên. Phần đầu tiên của cuộc nghiên cứu là kiểm tra và đo lường kích thước của vật thể được cho là con tàu Noah. Một đầu nhọn là mũi tàu, còn đầu kia bo lại là đuôi tàu. Khoảng cách từ mũi đến đuôi là gần 160m:

Trên mạn phải của con tàu, gần đuôi (điểm B) có 4 thanh lồi ra khỏi phần đất bùn, cách đều nhau, được xác định là các sườn khung của thân tàu. Đối diện với chúng, ở bên mạn trái, có một thanh sườn cũng lồi ra khỏi đất bùn (điểm A).

Gỗ của con tàu đã bị hóa thạch. Các chất hữu cơ đều đã bị thay thế bằng khoáng chất, chỉ còn lại hình thù và dấu vết của các thanh sườn tàu. Gỗ đều đã hóa thạch và xói mòn từ rất lâu trước đó. Nhưng chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy hình dáng uốn cong của nó. Xung quanh đó là rất nhiều sườn khung khác, phần lớn bị chôn vùi trong đất, kiểm tra kỹ đều có thể thấy được:

Gỗ của con tàu đã bị hóa thạch. Các chất hữu cơ đều đã bị thay thế bằng khoáng chất, chỉ còn lại hình thù và dấu vết của các thanh sườn tàu.

2. Bằng chứng tại Trung Quốc

Giống như trong nhiều nền văn minh khác, các văn bản cổ đại nói rằng nền văn minh Trung Quốc bắt đầu do một trận đại hồng thuỷ. Gần đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về một trận lụt lớn của sông Hoàng Hà, cung cấp manh mối về triều đại nhà Hạ - triều đại đầu tiên của Trung Quốc.

Truyền thuyết nói rằng có một trận lụt lớn có sóng cao bằng tòa nhà 30 tầng và nghiền nát mọi thứ trên đường đi của nó, thậm chí lật đổ những ngọn núi và không bao giờ dừng lại.

Trận lụt này gắn liền với truyền thuyết Đại Vũ trị thủy cách đây 4.000 năm, chuyện kể rằng Hạ Vũ đã chế ngự được dòng sông Hoàng Hà hung hãn bằng cách nạo vét lòng sông và nắn dòng chảy. Ngoài ra, thay vì xây các đập chắn lớn, Hạ Vũ chủ trương xây dựng hệ thống kênh thủy lợi để tiêu lũ vào các cánh đồng. Nhờ vậy, mức độ phá hoại của các cơn lũ đã giảm rất nhiều và nông nghiệp cũng phát triển trở lại. Người dân đã tôn sùng Hạ Vũ như là người nắm giữ thiên mệnh để chống lại các thảm họa tự nhiên và sau đó, ông đã thành lập một nhà nước thống nhất Trung Quốc có tên là nhà Hạ.

Tất nhiên, câu chuyện 4.000 năm tuổi này chỉ là một huyền thoại đối với một số người, nhưng các nhà nghiên cứu gần đây cho biết, nó có thể không phải là một huyền thoại.

Sau khi quan sát khu vực hẻm núi Tích Thạch sông Hoàng Hà, các nhà địa chất tuyên bố rằng có một trận lở đất cổ tạo ra một con đập cao khoảng 200m. Con đập đã chặn dòng sông và kết quả là tạo ra một hồ nước dâng cao trên mực nước sông hiện tại. Nhiều tháng sau, khi nước làm vỡ đập, nó đã tạo ra một trận lụt lớn phá hủy mọi thứ trên lộ trình.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các trầm tích như bằng chứng cho một trận lũ đã dâng cao tới 50 mét so với mực nước sông. Việc xác định niên đại trầm tích chính xác sau đó tiết lộ gần đúng về ngày xảy ra trận lụt là khoảng vào năm 1920 trước Công nguyên. Vì vậy, có thể rằng trận Đại hồng thủy đã xảy ra vào thời điểm đó và Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề.

3. Mực nước dâng cao 12.000 năm trước

Một nghiên cứu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) gần đây đã ghi nhận bằng chứng cho thấy mực nước đã dâng cao rất nhanh khoảng 12.000 năm trước, phát hiện này có thể viết lại toàn bộ lịch sử địa chất. Sau khi nhìn vào hình ảnh vệ tinh, họ tìm thấy bằng chứng mực nước rút xuống ở thời điểm 12.000 năm trước.

Trong cùng thời gian đó, cực Trái đất dịch chuyển rất lớn, gây ra sự dịch chuyển của các tảng băng trôi trong thời kỳ Kỷ băng hà cuối cùng. Điều này cho thấy có thể đã có một trận lụt lớn xảy ra hàng ngàn năm trước. Nguyên nhân là do cộng hưởng từ của Trái đất thay đổi dẫn đến cực Trái đất dịch chuyển. Nước từ các sông băng tan chảy bắt đầu đổ về các đại dương thế giới, gây nên lũ lụt trên toàn thế giới.

4. Nền văn minh chìm dưới đại dương

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rất nhiều cấu trúc khổng lồ chìm đắm dưới nước. Ví dụ, tìm thấy một thành phố ngoài khơi bờ biển phía Tây Ấn Độ trong Vịnh Cambay. Thành phố có tuổi thọ 10.000 năm tuổi và chìm ở độ sâu 39m dưới nước. Ngư dân trong khu vực trước đây cho biết, họ nghe thấy những câu chuyện được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác về một thành phố dưới nước trong khu vực, nhưng không ai tin hoặc quan tâm điều tra.

Chỉ đến khi Viện Công nghệ Đại dương Quốc gia Ấn Độ thực hiện khảo sát ô nhiễm môi trường, các nhà khoa học mới tìm thấy những cấu trúc khổng lồ dưới đáy đại dương tại đó. Các cấu trúc được thử nghiệm carbon và có niên đại khoảng 10.000 năm. Như đã đề cập ở trên, các thành phố dưới nước tương tự được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới. Các nhà nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra các vết bánh xe, ví dụ như ở quần đảo Malta, nơi các vết bánh xe trông giống như chúng cố tình lao xuống từ vách đá hoặc lên xuống những rặng núi rất dốc, và một số thậm chí dẫn ra khỏi đảo, xuống biển và tiếp tục đi sâu xuống nước. Đến nay, họ vẫn chưa tìm ra ai đã tạo các vết bánh xe đó và tại sao.

5. Nền văn minh châu thổ Lưỡng Hà

Năm 1922, nhà khảo cổ người Anh C. Leonard Woolle bắt đầu tiến hành đào bới khảo sát khu vực sa mạc Lưỡng Hà nằm giữa Baghdad và vịnh Ba Tư, kết quả là phát hiện di chỉ thành Ur thuộc vương quốc Sumer cổ đại, và tìm thấy mộ của vua chúa trong thành này.

Woolle và những người trợ giúp ông cũng phát hiện ra một tầng đất sét trầm tích bên dưới ngôi mộ. Tầng đất sét dày 2m này từ đâu mà có?

Sau khi nghiên cứu phân tích số đất sét, Woolle cho rằng chúng thuộc về lớp phù sa trầm tích sau một trận lũ lớn. Ông cũng nhận định là phát hiện này đã chứng minh một sự kiện từng xảy ra: trận Đại hồng thủy trong lịch sử theo truyền thuyết cổ Lưỡng Hà...

Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng bia đá cổ của người Sumer mang đậm tính truyền thuyết hơn là tài liệu lịch sử. Nhưng dù sao, chi tiết về trận “lũ quét qua” được ghi lại trên bia đá cổ là một minh chứng khác cho niềm tin của người Sumer về trận Đại hồng thủy trong lịch sử.

Tấm bia đá cổ liệt kê danh sách các vị Vua của nền văn minh Sumer. (Ảnh Wikipedia)

Truyền thuyết của người Sumer còn tương hợp với Trường ca Gilgamesh được tìm thấy trên một tấm bia của người Assyria, một nền văn minh xuất hiện khoảng 2.500 năm trước Công Nguyên. Câu chuyện của người Assyria cũng miêu tả những trận ôn dịch khủng khiếp hoành hành, và một trận Đại hồng thủy xảy ra.

Tấm bia của người Assyria ghi lại một phần Trường ca Gilgamesh. (Ảnh britishmuseum.org)

6. Biển đen

Chủ đề này bắt đầu như một lý thuyết của hai nhà nghiên cứu Đại học Columbia. Theo họ, thực sự có một “Mẹ Lũ lụt” đã xảy ra ở vùng Biển Đen. Họ nói rằng Biển Đen đã từng là một hồ nước ngọt được bao quanh bởi đất liền cho đến khi nó bị ngập lụt.

Lực của nước rất mạnh và cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó. Để điều tra tính vững chắc của lý thuyết, Robert Ballard của Hiệp hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ, người nổi tiếng vì khám phá ra tàu Titanic, đã quyết định tìm kiếm tàn dư của trận lụt. Ballard và nhóm của ông đã tìm thấy một bờ biển cổ xưa nằm ở độ sâu 120m dưới mặt nước Biển Đen.

Tàn tích khu định cư của con người trước khi xảy ra cơn lũ, giờ đã chìm dưới đáy Biển Đen. (Ảnh: www.mediji.lv)

 

Nhóm nghiên cứu của ông cũng đã khai quật được các mảnh hóa thạch của những chủng loại sinh vật nước ngọt đã tuyệt chủng. Các loài này có niên đại từ 7.000 đến 15.000 năm trước. Việc ấy chứng tỏ rằng điều gì đó đã xảy ra ở Biển Đen. Sau khi xác định bờ biển này bằng phương pháp carbon, Ballard nói rằng có một sự kiện đã xảy ra trong khu vực này vào khoảng năm 5.000 trước Công nguyên. Các chuyên gia tin rằng đó là thời điểm xảy ra trận lũ lụt của Noah trong Kinh Thánh...

Bạn nghĩ sao? Có phải một trận Đại hồng thủy toàn cầu thực sự tồn tại và phá hủy gần như toàn bộ thế giới? Hay có những trận lụt riêng biệt trong những nền văn minh nhất định xảy ra ngẫu nhiên trong cùng thời kỳ?

Ánh Dương (tổng hợp)

Tham khảo: Beyondsciencetv, Trithucvn, Đại Kỷ Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

6 bằng chứng cho thấy Đại Hồng Thủy đã thực sự xảy ra