9 bí ẩn ngàn năm được tìm thấy trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tần Thủy Hoàng luôn gắn liền với rất nhiều danh xưng “Đệ nhất” và “Duy nhất” trong lịch sử Trung Quốc cũng như trên thế giới. Ông là Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa (từ Hoàng đế chính do ông sáng tạo ra). Vào thời điểm đó, ông cũng là hoàng đế duy nhất của đế chế vĩ đại trên địa cầu.

Trong suốt cuộc đời mình, Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã đặt định ra nhiều những quy pháp đầu tiên trong lịch sử. Ông chế định hoàng quyền, luật pháp, kinh tế, tiền tệ bằng văn bản, và hệ thống đo lường mà vẫn còn được sử dụng cho đến tận ngày nay.

Từ khi mới lên ngôi ông đã bắt đầu xây dựng lăng mộ cho mình. Sau khi qua đời, Hoàng đế đã để lại lăng mộ lớn nhất thế giới và bí hiểm nhất thế giới với tổng diện tích lớn gấp 78 lần cố cung Trung Hoa.

1. Đội quân đất nung bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Từ những năm 1970, dưới chân núi Lệ Sơn hoang vắng ở Tây An, Trung Quốc, người ta đã phát hiện một đội quân đất nung khổng lồ hàng nghìn năm yên lặng canh giữ lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Khi các nhà khảo cổ nghiên cứu các bức tượng, họ phát hiện: Những tượng đất nung này ban đầu có màu sắc sơn vẽ phong phú, sau khi được khai quật 15 giây, chúng bắt đầu mất màu, sau 4 phút thì bên trong thoát nước, bong tróc, đột nhiên chuyển từ màu sắc sặc sỡ sang màu đen xám. Bây giờ các chiến binh đất nung và ngựa đều bị oxy hóa trong khi ban đầu quần áo của họ rất đẹp, có mười mấy màu sắc được tô điểm như xanh, đỏ thắm, tím, xanh da trời…

Hàng ngàn vạn tượng binh lính bằng đất nung yểm trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Hàng ngàn vạn tượng binh lính bằng đất nung yểm trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Ảnh; Wikipedia)

Hố chiến binh đất nung hơn 20.000 mét vuông này được biết đến là một trong “Tám kỳ quan di sản văn hóa thế giới”. Chiều cao của một chiến binh khoảng 1,8 mét, được khắc họa chân thực sống động, thần thái từng người đều khác nhau. Các công đoạn chế tạo tượng đất nung từ tạo hình, sấy, vận chuyển đến lò nung thì ngay cả công nghệ hiện đại cũng khó mà sánh bằng.

Với hơn 8.000 bức tượng gốm mặc áo giáp và những cỗ xe ngựa, đội hình quân sự trang nghiêm dường như sẵn sàng đối mặt với kẻ thù bất cứ lúc nào.

Điều kỳ lạ là quân đoàn khổng lồ này cùng toàn bộ lăng mộ được sắp xếp đứng quay mặt về hướng Đông. Tại sao lại như vậy?

2. Xe ngựa đồng thời Tần

Vào những năm 1980, người ta phát hiện xe ngựa lớn thời Tần bằng đồng ở độ sâu 7 mét dưới mặt đất bao gồm 2 cỗ xe tứ mã, 8 con ngựa đồng, hai vệ sĩ bằng đồng. Nó bao quát hết thảy các kỹ thuật đúc và công nghệ trang trí đồng thau Trung Quốc cổ.

Chiếc xe số một còn được gọi là cao xe, gồm 3064 bộ phận. Trên xe trang bị đầy đủ các vũ khí phòng vệ như kiếm, lá chắn…

Chiếc ô trên xe có thể xoay chuyển 180 độ tự do tùy theo chuyển động của mặt trời. Cán dù được trang bị đôi khoen chốt, có thể linh hoạt tháo ra hoặc lắp vào xe. Ở giữa cán dù có một thanh kiếm ngắn dùng để phòng thân. Chỉ riêng trong chiếc dù đơn giản này đã sáng tạo ra một số thứ “đầu tiên” của thế giới như: Khóa chìm sớm nhất trong lịch sử, kiểu che nắng bãi biển sớm nhất…

Một số linh kiện trên chiếc xe trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng là những thứ được thiết kế và sản xuất “đầu tiên” trên thế giới như: Khóa chìm sớm nhất trong lịch sử, kiểu che nắng bãi biển sớm nhất…
Một số linh kiện trên chiếc xe trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng là những thứ được thiết kế và sản xuất “đầu tiên” trên thế giới như: Khóa chìm sớm nhất trong lịch sử, kiểu che nắng bãi biển sớm nhất… (Ảnh: Wikipedia)

Trên đầu ngựa có trang trí nhiều sợi vàng, bạc, khá giống với chiếc dây chuyền thời hiện đại. Tua treo dưới cổ ngựa được làm bằng dây đồng mỏng như tóc. Quan sát bằng kính lúp, người ta thấy không có vết rèn và các khớp mộng được bịt kín. Vào thời điểm đó không có máy tiện và các thiết bị luyện kim hiện đại, vậy người Tần đã dùng phương pháp nào để chế tạo những chi tiết tinh xảo này?

3. Kiếm đồng

Khi khai quật hố số một của đội quân đất nung, một thanh kiếm bằng đồng đã bị bức tượng gốm đè cong. Sau khi nhấc bức tượng lên, thanh kiếm bật thẳng lại một cách kỳ diệu. Thật khó tin vì đây là công nghệ “Hợp kim nhớ hình” mãi tới năm 1950 mới được phát triển.

Khi đo đạc 19 thanh kiếm đồng trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng các nhà khoa học dùng thước đo vecnie cho thấy tám mặt của thanh kiếm có khác biệt không đến một sợi tóc.

Kiếm đồng và các vũ khí được tìm thấy trong các hố chôn ở khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Kiếm đồng và các vũ khí được tìm thấy trong các hố chôn ở khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Historic Mysteries

Sau khi khai quật và loại bỏ những vết rỉ sét, những thanh kiếm bằng đồng sáng như mới, sắc bén đến mức có thể xé rách tờ báo 19 lớp. Sau khi kiểm nghiệm, nhà nghiên cứu tìm thấy một lớp màng oxit có chứa crôm có độ dày khoảng 10 micrometer trên bề mặt những thanh kiếm đồng, có thể gây ra phản ứng khử oxy hóa của thân kiếm. Điều này tương tự công nghệ mạ crôm hiện đại được Đức phát triển năm 1937.

4. Áo giáp đá

Trong những năm gần đây, người ta đã tìm thấy một hố chôn cách lăng mộ của Tần Thủy Hoàng 200 mét, có diện tích hơn 13.000 mét vuông, bên trong là hàng ngàn áo giáp đá, mũ sắt, áo giáp ngựa chiến, đều được làm từ đá xanh.

Áo giáp đá có giáp bảo vệ phần ngực, lưng và giáp vai có thể lật lên lật xuống linh động. Các mảnh giáp đá có các hình dạng khác nhau thiết kế linh hoạt tùy theo các bộ phận khác nhau của cơ thể con người. Hình chữ nhật, hình vuông, hình thang cân, hình tròn, nghiêng, vòng cung, đuôi nhọn… Tổng số mảnh giáp được tìm thấy lên tới 5 triệu mảnh.

Áo giáp bằng đá được khai quật trong lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng
Áo giáp bằng đá được khai quật trong lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Wikimedia).

Thí nghiệm cho thấy phải mất một năm để chế tạo thủ công một chiếc áo giáp 600 mảnh. Vậy làm thế nào để người Tần tạo ra được chiếc áo tuyệt vời đến vậy.

5. Độ sâu của lăng mộ là bao nhiêu?

Khảo sát gần đây chỉ ra, lăng mộ ngầm của Tần Thủy Hoàng dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ Bắc sang Nam. Tổng diện tích là 41.600 m2, kích thước của nó tương đương với 5 sân bóng đá quốc tế.

Theo cuốn sách “Nghi lễ Cựu Hán”, điểm tận cùng của lăng mộ này không thể đo đếm được. Trong “Sử ký Tư Mã Thiên” có nói Tần Thủy Hoàng điều 700.000 người đến núi Lệ đào lăng mộ “xuyên ba tuyền” (sâu ba con sông), đổ đồng xuống, đem vật báu đồ lạ của trăm quan cung quán đến trưng bày ở đó.

Với lăng mộ khổng lồ có độ sâu như vậy, người Tần đã giải quyết vấn đề tắc nghẽn và xâm nhập nước ngầm như thế nào?

Trong lịch sử, khu vực Quảng Châu từng hứng chịu một trận động đất lớn trên 8 độ richter nhưng ngôi mộ của vị Hoàng đế đầu tiên không bị phá hủy, bên trong cũng không bị ngập nước. Vì sao có thể bảo tồn nguyên vẹn đến như vậy?

Các chuyên gia từng sử dụng cộng hưởng từ hạt nhân để thực hiện chụp “CT” toàn diện lăng Tần Thủy Hoàng, và phát hiện có phản ứng nhiệt quanh một phần địa cung. Điều này cho thấy có thiết bị cách đây 2000 năm đến nay vẫn hoạt động, vậy thì đó là gì?

6. Nỏ thời Tần

Trong nhiều năm, không có bằng chứng cho việc lăng mộ của Tần Thủy Hoàng từng bị đào xới. Người ta cho rằng tuyến phòng thủ đầu tiên trong lăng mộ là dùng cát tạo thành một “biển cát” ở xung quanh, khiến những kẻ trộm mộ không thể xâm nhập bằng cách đào hố.

Dù đã vượt qua phòng tuyến thứ nhất, kẻ trộm mộ cũng không chắc mình có thể sống sót khi tiến sâu vào bên trong. Ghi chép cổ đại cho biết có rất nhiều cửa, các lối đi, đều ẩn giấu những chiếc nỏ. Một khi chạm vào, nỏ sẽ tự động bắn hạ kẻ xâm nhập, ngoài ra còn có những cạm bẫy khác.

Cây nỏ thời của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng trong Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây, Trung Quốc
Cây nỏ thời của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng trong Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Wikimedia common).

Bên trong hố của độ quân đất nung, các nhà khảo cổ từng khai quật được một cái nỏ cực mạnh. Tầm bắn 831,6 mét, sức căng khoảng 334 kg, chỉ dựa vào lực cánh tay người thì không thể kéo ra. Nếu trang bị mũi tên bắn theo chùm hoặc từng cái liên tiếp thì có thể tự bảo vệ mà không cần người vận hành. Đây là vũ khí chống trộm tự động sớm nhất trong lịch sử. Cả 2000 năm trước, nhà Tần sao có thể sáng tạo loại vũ khí tối tân như vậy?

Một câu hỏi quan trọng là: Những chiếc nỏ được bố trí ở đâu? Làm thế nào để phát hiện được những cạm bẫy nguy hiểm trong lăng mộ? Nếu thật sự khám phá toàn bộ lăng bộ, thì những vũ khí phòng vệ xâm nhập liệu còn đang hoạt động?

7. Dòng sông thủy ngân

“Sử ký” ghi chép lăng mộ có “Thượng cổ thiên văn, hạ cổ địa lý”. Một cách giải thích là đỉnh của lăng mộ đối ứng với các vì tinh tú thiên văn vào thời điểm đó. Nhân công dùng những viên đá quý và dạ minh châu để xây trời trăng sao, còn dưới mặt đất là con sông thủy ngân ngầm.

“Thiên văn” và “Địa lý” của người xưa khác với con đường phát triển của khoa học hiện đại ngày nay. Người xưa tôn kính Thần Phật, thường sử dụng chiêm tinh để dự đoán nhân thế biến đổi, cát hung họa phúc. Bậc đế vương quan sát thiên tượng, coi đó là ý Trời để trị quốc. Ngay cả dân chúng thông thường cũng thông qua thiên tượng mà tự đoán vận mệnh của chính mình.

Nghiên cứu cho thấy hàm lượng thủy ngân trong vùng lân cận lăng mộ Tần Thủy Hoàng cao gấp 8 lần so với các khu vực khác, càng xuống sâu, hàm lượng càng cao. Điều kỳ lạ hơn nữa là bản đồ phân bố thủy ngân trong Lăng mộ giống hình ảnh bản đồ nhà Tần sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc.

Giải thích theo ghi chép của Tư Mã Thiên, lăng mộ Tần Thủy Hoàng lấy thủy ngân đổ vào tạo thành các dòng sông, biển lớn, dùng một loại cơ giới thúc đẩy thủy ngân lưu động (quán thâu), lại dùng chính dòng thủy ngân để khiến bộ cơ giới này hoạt động, có thể đạt tới thủy ngân lưu động không ngừng.

Dưới lòng đất sâu, con sông thủy ngân tuần hoàn lưu động bao quanh quan tài của hoàng đế. Đây là một bí ẩn ngoạn mục không thể tưởng tượng được.

Theo suy đoán của khoa học, hàm lượng thủy ngân trong cung điện có thể lên tới hơn 100 tấn. Nó không chỉ tạo ra giang hồ hà hải mà còn sinh ra lượng khí độc lớn suốt 2000 năm qua, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ trộm. Khí thủy ngân khuếch tán trong lăng mộ cũng giữ cho thi thể và táng vật nguyên vẹn trong một thời gian dài. Vậy, một lượng thủy ngân khổng lồ như vậy đến từ đâu?

8. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ngày đêm sáng ngời

“Tam Tần Ký” có viết “Trong cung điện của Hoàng đế đầu tiên, các hạt dạ minh châu được sử dụng như mặt trăng, mặt trời; ngày đêm sáng ngời”. Ngoài ra trong địa cung còn có một hàng dài đèn luôn được thắp sáng. Trong “Sử ký” có viết: “Lấy mỡ nhân ngư làm đèn cầy, ánh sáng đèn bất diệt.”

“Dị vật chí” chép: “Nhân ngư như hình người, dài hơn một thước, không ăn được. Da nó cứng hơn cá mập, dùng cưa gỗ mới cưa vào được. Trên gáy có lỗ nhỏ, khí từ trong đó phát ra. Trong mộ Tần Thủy Hoàng mỡ nhân ngư được sử dụng làm đuốc là mỡ của loài cá này”.

Khoa học hiện đại tin rằng để đốt cháy cần có oxy, nhưng đèn chong trong địa cung có thể không bao giờ tắt, theo cách nghĩ của người hiện đại đây là chuyện không thể.

“Thiệp dị ký” có ghi chép lại, Tần Thủy Hoàng từng triệu kiến dị nhân Uyên Cừ, năng lượng của họ rất mạnh, chỉ cần một hạt giống như hạt kê cũng có thể thắp sáng cả một gian phòng. Dị nhân Uyên Cừ, có thể gọi là người ngoài hành tinh trong lý thuyết của người hiện đại, có thể họ đã đưa đến cho nước Tần những kỹ thuật tiên tiến.

9. Chim phù nhạn vàng

Trong chính sử có ghi chép lại trong lăng mộ “Tần Thủy Hoàng” có những con chim phù nhạn bằng vàng rất đẹp mắt và có thể bay được. Hàng trăm năm sau, một thái thú của tam quốc tên là Trương Thiện cũng từng nhìn thấy chim phù nhạn vàng.

Chuyện này hoàn toàn không phải là ảo giác, thời Xuân Thu, Lỗ Ban đã từng tạo ra một con chim nhạn bằng gỗ có thể bay ra được, con nhạn gỗ này bay một mạch đến tường biên giới nước Tống. Mặc Tử, Trương Hành, Hàn Chí Hòa, Cao Biền… của thời cổ đại, cũng từng tạo ra chim gỗ bay được. Có thể suy đoán rằng điều khiển từ xa bằng máy tính ngày nay có thể sánh được với hệ thống điều khiển và chỉ huy từ thời xây dựng địa cung Tần Thủy Hoàng.

Mặc dù những ghi chép và truyền thuyết về lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng vẫn khó khiến người ta tin tưởng, nhưng có rất nhiều chuyện đã được xác nhận qua các cuộc khảo cổ của khoa học hiện đại.

Do đó, với khoa học thực nghiệm “mắt nhìn thấy mới tin” chỉ có thể nói một cách đơn giản rằng, người hiện đại không thể giải mã được những bí ẩn của lăng mộ Tần Thủy Hoàng, và mở khóa những bí mật bị chôn vùi dưới lòng đất có thể giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn với nền văn minh Trung Quốc cổ đại.

Theo Ngẫm/radio



BÀI CHỌN LỌC

9 bí ẩn ngàn năm được tìm thấy trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng