Ai Cập: Phát hiện thành phố cổ đại 3.000 tuổi bị chôn vùi trong cát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Bảy (ngày 10/4), nhà khảo cổ học nổi tiếng nhất của Ai Cập Zahi Hawass đã tiết lộ thêm chi tiết về một thành phố Pharaonic gần đây được tìm thấy ở tỉnh Luxor, miền nam nước này...

Hawass nói rằng các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những ngôi nhà bằng gạch, đồ tạo tác và công cụ từ thời pharaonic tại địa điểm của thành phố đã bị biến mất cách đây 3.000 năm. Thành phố có từ thời Amenhotep III của triều đại thứ 18, triều đại của người được coi là kỷ nguyên vàng của Ai Cập cổ đại.

Hawass nói với các phóng viên tại địa điểm này: “Đây thực sự là một thành phố lớn đã bị mất tích. … Dòng chữ được tìm thấy bên trong địa điểm này nói rằng thành phố này được gọi là: 'Aten chói lọi'”.

Các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật khu vực này vào năm ngoái, nhằm tìm kiếm đền tang lễ của vua Tutankhamun. Đền tang lễ là những đền thờ được dựng lên liền kề, gần kề hoặc xung quanh khu vực gần các khu lăng mộ hoàng gia của Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần, họ đã tìm thấy những thành tạo bằng gạch bùn mà cuối cùng hóa ra lại là một thành phố lớn được bảo tồn tốt.

Ngoài việc tìm thấy những bức tường thành phố và thậm chí cả những căn phòng chứa đầy lò nướng, đồ gốm lưu trữ và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hài cốt người mà các phóng viên và du khách có thể nhìn thấy vào thứ Bảy.

Hawass cho biết: “Chúng tôi tìm thấy ba khu vực chính, một khu dành cho hành chính, một khu dành cho công nhân ngủ, một khu dành cho ngành công nghiệp và (một) khu vực dành cho lưu trữ thịt khô”.

Hawass tin rằng thành phố là "khám phá quan trọng nhất" kể từ khi lăng mộ của Tutankhamun được khai quật ở Thung lũng các vị vua ở Luxor gần như hoàn toàn nguyên vẹn vào năm 1922.

Hawass cũng bác bỏ quan điểm cho rằng phần còn lại của thành phố đã được phát hiện trước đó, như đã được đề xuất trong các bài đăng lan truyền trên mạng xã hội.

Ông nói: “Không thể có chuyện tôi phát hiện ra thứ mà trước đây đã được khám phá rồi”.

Paola Cartagena, một nghiên cứu sinh về Ai Cập học tại Đại học Manchester, cho biết khám phá này có “tầm quan trọng lớn”.

Cô viết trên Twitter: “Khảo cổ học về địa điểm định cư là có giá trị vô cùng lớn để tìm hiểu các sự kiện lịch sử có thật và mở rộng hiểu biết của chúng ta về cách người Ai Cập cổ đại sống”.

Thành phố mới được khai quật nằm giữa đền thờ Vua Rameses III và pho tượng của Amenhotep III trên bờ Tây sông Nile ở Luxor. Thành phố tiếp tục được sử dụng bởi Tutankhamun, cháu trai của Amenhotep III, và sau đó là Vua Ay kế vị.

Một số viên gạch bùn còn có phù hiệu tên của Vua Amenhotep III.

Amenhotep III, người cai trị Ai Cập cổ đại từ năm 1391 trước Công nguyên đến năm 1353 trước Công nguyên, đã xây dựng các phần chính của đền Luxor và Karnak ở thị trấn cổ Thebes.

Ai Cập đã quảng bá cho công chúng về những khám phá khảo cổ học của mình với hy vọng phục hồi ngành du lịch, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hỗn loạn sau cuộc nổi dậy năm 2011, và giờ là đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Thông báo về phát hiện khảo cổ mới được đưa ra vài ngày sau khi Ai Cập chuyển 22 xác ướp hoàng gia trong một cuộc diễu hành dạ tiệc đến nơi an nghỉ mới - Bảo tàng Quốc gia về Văn minh Ai Cập mới mở ở Cairo.

Văn Thiện

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ai Cập: Phát hiện thành phố cổ đại 3.000 tuổi bị chôn vùi trong cát