Ảo ảnh Mặt trăng: Tại sao có hôm Mặt trăng trông rất lớn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ thấy Mặt trăng dường như thực sự gần và lớn hơn bình thường.

Vào một buổi tối mùa hè khi bạn còn nhỏ, có thể bạn đã rất hoang mang và giật mình khi thấy một hình tròn khổng lồ đang từ từ nhồ lên phía sau ngôi nhà nằm trên ngọn đồi phía bên kia ngôi làng.

Bạn chợt nhận ra đó là Mặt trăng. Nó lớn hơn một ngôi nhà, có màu cam đậm. Nếu bạn vẫn tiếp tục ngắm Mặt trăng, khi Mặt trăng đã lên cao hơn trên bầu trời, nó sẽ trở nên nhỏ lại giống như bình thường.

Hiện tượng này chính là cái mà các nhà thiên văn học gọi là ảo ảnh Mặt trăng.

Thật khó tin đó chỉ là ảo ảnh, nhưng bạn thực sự có thể dùng máy ảnh hoặc tự mình kiểm chứng điều đó.

ảo ảnh mặt trăng
Hai Mặt Trăng trong hình ảnh này có cùng kích thước, nhưng Mặt Trăng ở gần đường chân trời ở phía bên phải trông lớn hơn do ảo ảnh Mặt Trăng. (Ảnh: Heeheemalu / Wikimedia Commons, CC BY-SA)

Ảo ảnh của tâm trí

Các nhà thiên văn học đã thảo luận về ảo ảnh Mặt trăng trong nhiều thế kỷ, và có một số sự thật mà tất cả họ đều đồng ý.

Mọi người hầu hết đều nhận thấy Mặt trăng trông lớn hơn và gần hơn khi nó tròn và gần đường chân trời. Điều này là do tâm trí của bạn đánh giá độ lớn hay nhỏ của một vật thể như Mặt trăng bằng cách so sánh nó với những vật quen thuộc khác xung quanh.

Thực ra, vì Mặt trăng ở rất xa nên cho dù bạn ở đâu trên Trái đất, Mặt trăng luôn trông như có cùng kích thước. Những thứ mà tâm trí bạn so sánh với Mặt trăng - một ngôi nhà, một ngọn núi hay bất cứ thứ gì khác - trông lớn hơn hoặc nhỏ hơn tùy thuộc vào khoảng cách bạn so với chúng. Vì vậy, khi Mặt trăng mọc bên cạnh một ngôi nhà xa hoặc một ngọn núi xa, Mặt trăng sẽ trông lớn hơn.

ảo ảnh
Hai hình tròn màu cam ở trung tâm của các hình tròn màu xám có cùng kích thước, nhưng chúng trông khác nhau vì kích thước khác nhau của các hình tròn xung quanh chúng. (Ảnh: Phrood / Wikimedia Commons)

Do bầu khí quyển và thay đổi quỹ đạo?

Có một số lời giải thích nghe có vẻ thuyết phục nhưng sai lầm về ảo ảnh Mặt trăng. .

Đầu tiên là ý tưởng cho rằng bầu khí quyển hoạt động giống như một thấu kính và phóng đại Mặt trăng. Khi Mặt trăng ở gần đường chân trời, ánh sáng của nó phải truyền qua bầu khí quyển của Trái đất nhiều hơn so với khi Mặt trăng ở trên cao. Đúng là bầu không khí hoạt động giống như một lăng kính khổng lồ và khúc xạ các tia sáng, làm biến dạng màu sắc và hình dạng của Mặt trăng. Tuy nhiên, nó không hoạt động như một kính lúp.

Tiếp theo là ý tưởng cho rằng vào một số ngày, Mặt trăng thực sự ở gần Trái đất hơn. Nguyên nhân là do quỹ đạo của Mặt trăng không phải là hình tròn hoàn hảo - nó giống hình elip - vì vậy trong một tháng, Mặt trăng có những ngày gần và xa Trái đất.

ảo ảnh
Quỹ đạo của Mặt trăng khiến nó không phải lúc nào cũng ở một khoảng cách cố định so với Trái đất, nhưng sự khác biệt về khoảng cách này không đủ để giải thích cho ảo ảnh Mặt trăng. (Ảnh: Rfassbind / Wikimedia Commons)

Tuy nhiên, khi Mặt trăng ở gần Trái đất nhất, nó chỉ gần hơn khoảng 12% đến 15% so với khi nó ở xa Trái đất nhất - một sự khác biệt quá nhỏ để giải thích ảo giác Mặt trăng. Khó có thể nhận thấy sự khác biệt 15% về kích thước nếu chỉ nhìn Mặt trăng một mình trên bầu trời.

Kiểm chứng ảo giác

Việc kiểm tra ảo giác Mặt trăng là rất dễ dàng và bạn có thể tự mình làm điều này. Lần tới khi nhìn thấy Mặt trăng trông rất khổng lồ và gần hơn bình thường, bạn hãy duỗi tay thẳng ra. Sau đó, bạn hãy nhắm một mắt lại và xem đầu ngón tay nào vừa đủ che Mặt trăng, chẳng hạn ngón út. Chờ một lúc cho đến khi Mặt trăng di chuyển lên cao hơn trên bầu trời và thử lại thí nghiệm. Mặt Trăng có thể trông nhỏ hơn, nhưng bạn vẫn cần phải dùng ngón tay đó để che nó chứ không phải là một vật nhỏ hơn.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Ảo ảnh Mặt trăng: Tại sao có hôm Mặt trăng trông rất lớn?