Bằng chứng địa chất cho thấy tượng Nhân sư lớn Ai Cập có từ 800.000 năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những di tích bí ẩn nhất trên bề mặt hành tinh chúng ta là tượng Nhân sư lớn tại cao nguyên Giza ở Ai Cập. Công trình cổ đại này đã khiến các nhà nghiên cứu bối rối kể từ khi phát hiện và cho đến tận ngày nay, không ai có thể xác định niên đại chính xác của tượng Nhân sư, vì không có tài liệu nào viết hay đề cập về nó trong quá khứ. Hai nhà nghiên cứu Ukraine đã đề xuất một lý thuyết chấn động mới cho rằng bức tượng có niên đại khoảng 800.000 năm tuổi, tức là nó thuộc một nền văn minh tiền sử có trước nền văn minh con người hiện nay rất lâu.

Trong một Hội nghị Quốc tế về Địa chất và Khảo cổ học được tổ chức tại Sofia, Bulgaria, hai nhà khoa học là Manichev Vjacheslav I. (Viện Địa hóa Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraina) và Alexander G. Parkhomenko (Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraina) đã trình bày lý thuyết kể trên.

Tượng Nhân sư lớn ở Giza là một bức tượng làm bằng đá vôi hình một con nhân sư (một sinh vật truyền thuyết với thân sư tử và đầu người) trong tư thế phủ phục nằm ở cao nguyên Giza, trên tả ngạn sông Nile tại Giza, Ai Cập. Đây là bức tượng nguyên khối lớn nhất thế giới, dài 73,5 m và cao 20,22 m và cũng là một trong những bức điêu khắc nguyên khối lâu đời nhất thế giới. Tuy đây là bức tượng lớn và lâu đời nhất thế giới, nhưng những thông tin cơ bản về nó như thời điểm và người xây dựng vẫn đang bị tranh cãi. Những câu hỏi này đã dẫn tới quan niệm phổ biến về "Câu đố của Nhân sư”, ám chỉ huyền thoại Hy Lạp về Bí ẩn Nhân sư.

Khởi điểm của hai chuyên gia Ukraina này là việc sử dụng mô hình về sự ăn mòn của bức tượng do các nhà khảo cổ đi trước là West và Schoch khởi xướng, một sự “tranh luận” nhằm vượt qua quan điểm chính thống khi đề cập đến nguồn gốc xa xôi có thể có của nền văn minh nào đó từng xuất hiện ở Ai Cập và bằng chứng vật lý về sự xói mòn do nước tại các di chỉ khảo cổ trên Cao nguyên Giza.

Theo Manichev và Parkhomenko: “Vấn đề xác định niên đại của công trình tượng Nhân sư lớn Ai Cập vẫn còn nguyên giá trị, bất chấp lịch sử nghiên cứu lâu dài của nó. Cách tiếp cận địa chất liên quan đến các phương pháp khoa học-tự nhiên khác cho phép trả lời câu hỏi về tuổi tương đối của tượng Nhân sư. Cuộc điều tra trực quan được tiến hành đối với tượng Nhân sư đã cho phép kết luận về vai trò quan trọng của nước từ các hồ nước lớn đã làm ngập một phần bức tượng với sự hình thành các khe rỗng cắt sóng trên các bức tường thẳng đứng của nó”.

“Hình thái của những hình dạng này có sự tương đồng với những chỗ xói mòn do biển tạo thành ở các vùng ven biển. Sự giống nhau về mặt di truyền của các dạng xói mòn được so sánh, và cấu trúc địa chất và thành phần thạch học (petrographic) của các phức hệ đá trầm tích dẫn đến kết luận rằng yếu tố quyết định dẫn đến việc hư hỏng di tích lịch sử này là năng lượng sóng nước chứ không phải do sự mài mòn của cát trong quá trình Eolian. Các tài liệu địa chất phong phú xác nhận thực tế về sự tồn tại của các hồ nước ngọt tồn tại lâu đời trong các thời kỳ khác nhau của kỷ Đệ tứ từ Pleistocen dưới đến Holocen. Các hồ này được phân bố trên các vùng lãnh thổ tiếp giáp với sông Nile. Dấu hiệu rõ ràng của phần xói mòn lớn phía trên của tượng Nhân sư tương ứng với mức độ bề mặt nước diễn ra trong kỷ Pleistocen sớm. Tượng Nhân sư lớn của Ai Cập đã đứng trên Cao nguyên Giza vào thời điểm địa chất (lịch sử) đó”.

Các nhà khoa học Ukraine đã đưa ra một lập luận mạnh mẽ về bức tượng dựa trên các nghiên cứu địa chất ủng hộ quan điểm của Schoch về tượng Nhân sư và tuổi của nó. Manichev và Parkhomenko tập trung vào khía cạnh xói mòn của thân tượng Nhân sư, bỏ qua các đặc điểm ăn mòn nơi đặt tượng Nhân sư, vốn đã được Schoch nghiên cứu trước đây. Cụ thể là họ tập trung vào những phần ăn mòn có dạng nhấp nhô của tượng Nhân sư, nơi ẩn chứa bí ẩn.

Đoạn xói mòn phía sau của của tượng nhân sư. (Ảnh: Manichev và Parkhomenko)
Đoạn xói mòn phía sau của của tượng nhân sư. (Ảnh: Manichev và Parkhomenko)

Một lời giải thích hợp lý hơn?

Các nhà khoa học chính thống đưa ra lời giải thích cho những chỗ nhấp nhô rằng nó xuất hiện là do tác động mài mòn của gió và cát, các lớp đá cứng hơn chịu được sự ăn mòn tốt hơn trong khi các lớp mềm hơn sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, tạo thành các khoảng lõm.

Tuy nhiên, như Manichev và Parkhomenko đã lưu ý, lập luận này không giải thích được tại sao mặt trước của tượng Nhân sư lại không có các đặc điểm như vậy. Dựa trên lập luận của Schoch về thời kỳ mưa lớn xảy ra vào khoảng 13.000 năm trước Công nguyên, các nhà khoa học Ukraine đã công nhận giả thuyết của Schoch một phần cho thấy rằng các đặc điểm ăn mòn của tượng Nhân sư đã có từ trước thời điểm đó. Manichev và Parkhomenko lập luận rằng các khu vực miền núi và ven biển của Caucasus và Crimea, mà họ biết rõ, có một kiểu xói mòn do gió khác với các đặc điểm xói mòn trên tượng Nhân sư. Về cơ bản, họ cho rằng sự xói mòn do gió có tác động rất yếu, bất kể là thành phần địa chất của đá như thế nào.

“Trong các chuyến thám hiểm thực địa của chúng tôi ở các vùng núi và vùng ven biển khác nhau của Crimea và Caucasus, chúng tôi thường có thể quan sát các dạng phong hóa Eolian có hình thái khác biệt đáng kể so với phong hóa diễn ra trên tượng Nhân sư lớn ở Giza. Hầu hết các dạng phong hóa tự nhiên đều có tính chất làm mịn, không phụ thuộc vào thành phần thạch học của đá”.

Họ tiếp tục giải thích: “Kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi trong điều tra khoa học về địa chất của các bờ biển đưa ra những lý do để rút ra sự tương tự với tượng Nhân sư lớn ở Giza và đề xuất một cơ chế xói mòn khác của bức tượng… Trong động lực học của quá trình hình thành các khe rỗng cắt sóng, người ta có thể nhận thấy một đặc điểm đặc trưng là năng lượng sóng nước hướng vào lớp đá ở mức gần bề mặt nước. Bên cạnh đó, cả nước mặn và nước ngọt đều có thể làm mòn đá”.

Manichev và Parkhomenko đề xuất một cơ chế tự nhiên mới có thể giải thích những chỗ nhấp nhô của tượng Nhân sư. Cơ chế này giống như tác động của sóng biển vào đá gần bờ. Về cơ bản, điều này có thể tạo ra, trong khoảng thời gian hàng nghìn năm, sự hình thành của một hoặc nhiều lớp đá hình gợn sóng, một sự thật có thể nhìn thấy rõ ràng, ví dụ, trên bờ Biển Đen.

Thực tế là việc quan sát thấy những dạng sóng nhấp nhô này ở Tượng nhân sư lớn đã khiến các nhà khoa học Ukraine nghĩ rằng bức tượng bị ảnh hưởng bởi quá trình ngâm mình trong những hồ nước lớn chứ không phải lũ lụt thường xuyên của sông Nile.

Manichev và Parkhomenko cho rằng thành phần địa chất của thân tượng Nhân sư là một chuỗi các lớp bao gồm đá vôi với các lớp đất sét nhỏ xen kẽ. Manichev và Parkhomenko giải thích rằng những tảng đá này có mức độ khác nhau về khả năng chống lại tác động của nước và nói rằng nếu sự hình thành các lỗ rỗng chỉ do cát mài mòn, thì các lỗ rỗng này phải tương ứng với các địa tầng của một thành phần thạch học nhất định. Họ gợi ý rằng các lỗ rỗng của tượng Nhân sư trên thực tế được hình thành trong một số địa tầng, hoặc chiếm một phần nào đó của địa tầng có thành phần đồng nhất.

Manichev và Parkhomenko tin chắc rằng tượng Nhân sư đã phải bị nhấn chìm trong thời gian dài dưới nước và để ủng hộ giả thuyết này, họ tìm tới các tài liệu nghiên cứu địa chất về Cao nguyên Giza. Theo các nghiên cứu này vào cuối thời kỳ địa chất Pliocen (từ 5,2 đến 1,6 triệu năm trước), nước biển tràn vào thung lũng sông Nile và dần dần tạo ra lũ lụt trong khu vực. Điều này dẫn đến việc hình thành các trầm tích nước sông ở độ cao 180 m so với mực nước biển Địa Trung Hải hiện nay.

Theo Manichev và Parkhomenko, mực nước biển trong giai đoạn Calabria là mực nước biển gần với mốc hiện tại nhất với độ xói mòn tượng Nhân sư cao nhất. Mực nước biển dâng cao cũng khiến sông Nile tràn qua và tạo ra các thủy vực sống lâu đời. Theo thời gian, nó tương ứng với thời điểm cách đây 800.000 năm.

Những gì chúng ta có ở đây là bằng chứng mâu thuẫn với lý thuyết thông thường về sự xói mòn do Cát và Nước gây ra, một lý thuyết đã bị West và Schoch chỉ trích, những người kể lại rằng trong nhiều thế kỷ, xác của Nhân sư đã bị cát sa mạc chôn vùi, vì vậy Gió và cát xói mòn sẽ không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho tượng Nhân sư bí ẩn.

Tuy nhiên, nơi các nghiên cứu của Schoch cho thấy rõ ràng hoạt động của các dòng nước, các nhà địa chất Ukraine còn nhìn thấy ảnh hưởng của xói mòn gây ra bởi sự tiếp xúc trực tiếp của nước trong kỷ Pleistocen trên thân tượng nhân sư. Điều này có nghĩa là tượng Nhân sư lớn ở Ai Cập là một trong những tượng đài lâu đời nhất trên Trái đất, vượt xa nền văn minh nhân loại hiện nay.

Một số người có thể nói rằng lý thuyết do Manichev và Parkhomenko đề xuất là rất cực đoan vì nó đặt tượng Nhân sư lớn vào thời đại không có con người, theo các mô hình tiến hóa được chấp nhận hiện nay. Nói cách khác, điều này có nghĩa là từng có các nền văn minh cổ đại từng tồn tại rất lâu trên Trái đất mà các nhà khoa học chính thống rất khó hoặc không dám thừa nhận.

Văn Thiện

Theo Ancient-code, Wikipedia

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Bằng chứng địa chất cho thấy tượng Nhân sư lớn Ai Cập có từ 800.000 năm trước