Băng cổ đại trong hang đã cứu sống tổ tiên người Puebloans ở Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự sống có thể tồn tại được trong quá khứ ở nơi mà các nhà thám hiểm Tây Ban Nha sau này đặt tên là El Malpais, hay “vùng đất xấu”, đòi hỏi sự khéo léo để có thể duy trì cuộc sống, giờ đây lần đầu tiên được giải thích bởi một nhóm các nhà khoa học địa chất quốc tế do Đại học Nam Florida dẫn đầu.

Trong hơn 10.000 năm, những người sinh sống trong khu vực khô cằn của miền tây New Mexico ngày nay đã nổi tiếng với xã hội phân tán, kiến trúc độc đáo và hệ thống kinh tế và chính trị còn sơ khai của họ.

Khám phá một ống dung nham (hình thành sau sự phun trào của núi lửa) chứa đầy băng ở Đài tưởng niệm Quốc gia El Malpais và tìm thấy việc sử dụng than củi có niên đại cacbon phóng xạ chính xác được bảo quản sâu trong một mỏ băng trong ống dung nham, Giáo sư khoa học địa chất USF Bogdan Onac và nhóm của ông đã phát hiện ra rằng tổ tiên của những người Puebloans đã sống sót sau những đợt hạn hán tàn khốc bằng cách đi sâu vào các hang động và đốt lửa làm tan băng cổ đại để sử dụng làm nguồn nước cho sự sinh tồn của họ.

Một ống dung nham trong Đài tưởng niệm Quốc gia El Malpais mang lại những hiểu biết sâu sắc về sự tồn tại hàng thế kỷ trước sự thay đổi khí hậu khắc nghiệt.
Một ống dung nham trong Đài tưởng niệm Quốc gia El Malpais mang lại những hiểu biết sâu sắc về sự tồn tại hàng thế kỷ trước sự thay đổi khí hậu khắc nghiệt. (Ảnh: Đại học Nam Florida)

Có niên đại từ năm 150 đến năm 950 sau Công nguyên, những vật liệu bị đốt cháy còn sót lại trong hang cho thấy con người đã đốt lửa nhỏ để làm tan chảy băng cho việc lấy nước uống hoặc có thể cho các nghi lễ tôn giáo. Làm việc với sự cộng tác của các đồng nghiệp từ Cơ quan Công viên Quốc gia, Đại học Minnesota và một viện nghiên cứu từ Romania, nhóm các nhà nghiên cứu thực địa đã công bố khám phá của mình trên tạp chí Scientific Reports.

Hạn hán được cho là đã ảnh hưởng rất lớn đến các chiến lược định cư và sinh sống, thâm canh nông nghiệp, xu hướng nhân khẩu học và sự di cư của các xã hội cổ đại là tổ tiên của những người Puebloans từng sinh sống phân tán ở Tây Nam Hoa Kỳ.

Các nhà nghiên cứu khẳng định khám phá từ các mỏ băng cho thấy "bằng chứng rõ ràng" về năm đợt hạn hán nặng nề đã ảnh hưởng đến xã hội tổ tiên của những người Puebloan trong những thế kỷ đó. Giáo sư Onac lưu ý rằng các điều kiện địa chất hỗ trợ khám phá hiện đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, cho biết:

“Khám phá này làm sáng tỏ một trong nhiều tương tác giữa con người và môi trường ở Tây Nam Hoa Kỳ vào thời điểm mà biến đổi khí hậu buộc con người phải tìm nguồn nước ở những nơi không thể ngờ tới.

“Băng trong hang động tan chảy trong điều kiện khí hậu hiện nay vừa hé lộ vừa đe dọa nguồn bằng chứng cổ sinh và khảo cổ học mong manh”.

Giáo sư Onac là một chuyên gia khám phá độ sâu của các hang động trên khắp thế giới, nơi mà băng và các thành tạo và đặc điểm địa chất khác cung cấp dữ liệu cho mực nước biển và điều kiện khí hậu trong quá khứ, đồng thời giúp bổ sung bối cảnh quan trọng cho các thách thức khí hậu ngày nay.

Địa điểm khảo cổ bên cạnh hang động nơi người ta tin rằng tổ tiên của người Puebloans đã để lại những viên đá hình tròn khi đi săn hoặc được sử dụng cho các mục đích nghi lễ.
Địa điểm khảo cổ bên cạnh hang động nơi người ta tin rằng tổ tiên của người Puebloans đã để lại những viên đá hình tròn khi đi săn hoặc được sử dụng cho các mục đích nghi lễ. (Ảnh: Đại học Nam Florida)

Nghiên cứu của họ tập trung vào một ống dung nham duy nhất giữa một loạt các dòng dung nham cổ của các vụ phun trào núi lửa nguy hiểm dài 64,4km (40 dặm) đã tạo ra nhiều ống dung nham, trong đó một số ống dung nham có chứa một lượng băng đáng kể.

Trong khi các nhà khảo cổ nghi ngờ rằng một số đường mòn trên bề mặt giữa các dòng dung nham là do những cư dân cổ đại hành trình đi tìm kiếm các nguồn nước để lại, nhóm nghiên cứu cho biết công trình của họ là bằng chứng mới nhất, trực tiếp nhất từ thời cổ đại về việc thu hoạch nước trong các ống dung nham ở miền Tây Nam Hoa Kỳ.

Nghiên cứu mô tả năm thời kỳ hạn hán trong khoảng thời gian 800 năm trong đó tổ tiên của người Puebloan đã tiếp cận hang động, có lối vào cao hơn 2.200 mét so với mực nước biển và đã được khảo sát ở độ dài 171 mét và sâu khoảng 14 mét. Hang động chứa một khối băng dường như là tàn tích của một mỏ băng lớn hơn nhiều từng lấp đầy hầu hết phần sâu nhất của hang động. Vì lý do an toàn và bảo tồn, Cơ quan Công viên Quốc gia chỉ xác định địa điểm này là Hang số 29.

Mảnh vỡ của một miếng gốm xám Cibola.
Mảnh vỡ của một miếng gốm xám Cibola. (Ảnh: Đại học Nam Florida)

Trong những năm có nhiệt độ bình thường, sự tan chảy của băng gần lối vào hang động theo mùa sẽ để lại những vũng nước nông tạm thời mà tổ tiên của người Puebloans có thể tiếp cận được. Nhưng khi không có băng hoặc nước rút đi trong thời kỳ ấm hơn và khô hơn, các nhà nghiên cứu đã ghi lại bằng chứng cho thấy tổ tiên của người Puebloans đã nhiều lần tìm cách đi sâu vào phía sau của các hang động để đốt những ngọn lửa nhỏ nhằm làm tan chảy khối băng và lấy nước.

Họ đã để lại những viên than và tro, cũng như mảnh gốm xám Cibola mà các nhà nghiên cứu đã tìm thấy khi khảo sát một lõi băng cổ đại từ các ống dung nham. Nhóm nghiên cứu tin rằng tổ tiên của người Puebloans có thể quản lý khói trong hang thông qua hệ thống lưu thông không khí tự nhiên để giữ cho đám cháy vừa nhỏ và đủ để làm tan chảy băng.

Giáo sư Onac nói rằng khám phá này là một điều bất ngờ. Mục tiêu ban đầu của nhóm trong cuộc hành trình vào ống dung nham là thu thập các mẫu để tái tạo lại môi trường cổ sinh bằng cách sử dụng trầm tích băng, chúng đang tan chảy chậm nhưng đều đặn. Onac tiếp tục nói:

“Tôi đã vào nhiều ống dung nham, nhưng ống này đặc biệt vì lượng than có trên sàn ở phần sâu hơn của hang động. Tôi nghĩ đó là một chủ đề thú vị, nhưng chỉ khi chúng tôi tìm thấy than và bồ hóng trong lõi băng thì ý tưởng kết nối việc sử dụng băng làm nguồn nước mới nảy ra trong đầu tôi ”.

Thật không may, các nhà nghiên cứu hiện đang chạy đua với thời gian vì điều kiện khí hậu hiện đại đang khiến băng trong hang động tan chảy, dẫn đến mất dữ liệu khí hậu cổ đại. Giáo sư Onac cho biết gần đây ông đã nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Khoa học Quốc gia để tiếp tục nghiên cứu trong các ống dung nham trước khi bằng chứng địa chất biến mất.

Ánh Dương

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Băng cổ đại trong hang đã cứu sống tổ tiên người Puebloans ở Hoa Kỳ