Báo cáo: Các công ty của liên minh châu Âu đang bán công cụ giám sát cho cảnh sát Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số công ty công nghệ châu Âu đã bán công nghệ giám sát kỹ thuật số cho các cơ quan an ninh Trung Quốc có liên quan đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết hôm thứ Hai.

Ba công ty có trụ sở tại Pháp, Thụy Điển và Hà Lan đã bán hệ thống giám sát kỹ thuật số, chẳng hạn như công nghệ nhận dạng khuôn mặt và camera mạng, cho những cơ quan giữ vai trò chính trong bộ máy giám sát hàng loạt của chế độ cộng sản Trung Quốc, theo một báo cáo mới (pdf) do tổ chức nhân quyền công bố.Báo cáo tiết lộ rằng trong một số trường hợp, các sản phẩm xuất khẩu từ liên minh châu Âu (EU) được sử dụng trực tiếp cho các chương trình giám sát hàng loạt bừa bãi của Trung Quốc.

Bức ảnh này được chụp vào ngày 31 tháng 5 năm 2019 cho thấy một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ (giữa) đi qua lối vào một khu chợ ở Hotan, thuộc khu vực Tân Cương phía tây bắc của Trung Quốc. (Greg Baker / AFP qua Getty Images)
Bức ảnh này được chụp vào ngày 31 tháng 5 năm 2019 cho thấy một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ (giữa) đi qua lối vào một khu chợ ở Hotan, thuộc khu vực Tân Cương phía tây bắc của Trung Quốc. (Greg Baker / AFP qua Getty Images)

Mất kiểm soát

Merel Koning, quan chức chính sách cấp cao của Tổ chức Ân xá Quốc tế về công nghệ và nhân quyền cho biết: “Ngành công nghiệp giám sát sinh trắc học của châu Âu đang nằm ngoài tầm kiểm soát”.

Ông nói thêm: “Những tiết lộ của chúng tôi về việc bán các công cụ giám sát cho các cơ quan an ninh Trung Quốc và các tổ chức nghiên cứu hỗ trợ họ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ Euro này đang phát triển rực rỡ thông qua việc bán sản phẩm cho những kẻ vi phạm nhân quyền, với rất ít biện pháp bảo vệ chống lại việc lạm dụng sử dụng công cụ giám sát cho mục đích cuối cùng”.

Koning cho biết: “Những công ty này đang thu lợi từ việc bán các công nghệ giám sát kỹ thuật số có liên quan đến những vi phạm nhân quyền khủng khiếp. Các công ty lẽ ra phải biết rõ rằng việc bán công cụ giám sát cho chính quyền Trung Quốc có rủi ro đáng kể nhưng dường như đã không thực hiện các bước để ngăn chặn các sản phẩm của họ bị những kẻ vi phạm nhân quyền sử dụng và nghiên cứu”.

Câu hỏi nghiêm túc cần trả lời

Theo báo cáo, việc bán các hệ thống giám sát kỹ thuật số hiện không bị Liên minh châu Âu hạn chế mặc dù gây ra rủi ro cho quyền riêng tư và các quyền tự do khác ở các quốc gia thiếu các biện pháp bảo vệ thích hợp.

Theo báo cáo: “Những công nghệ này có thể được xuất khẩu tự do cho mọi quốc gia trên toàn cầu. Khung quy định về xuất khẩu của EU cần được sửa chữa và việc này cần thực hiện nhanh chóng”.

Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi công nghệ này phải được đối đãi giống như hàng hóa có mục đích sử dụng kép là dân sự và quân sự, có nghĩa là các hợp đồng xuất khẩu có thể bị chặn nếu bị đánh giá là đe dọa đáng kể đến nhân quyền.

Koning nói: “Các chính phủ EU cần phải đối mặt với trách nhiệm của mình và kiềm chế trong ngành công nghiệp chưa được kiểm soát này. Chừng nào mà EU chưa thực hiện việc kiểm soát, họ có những câu hỏi nghiêm túc cần trả lời về vai trò tiềm tàng của họ trong các vi phạm nhân quyền do chính phủ Trung Quốc gây ra”.

Nghị viện Châu Âu và các nước thành viên EU sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng tại Brussels vào thứ Ba để quyết định xem có nên tăng cường các quy tắc xuất khẩu của liên minh hay không.

Cờ của Liên minh Châu Âu bay bên ngoài Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, vào ngày 11 tháng 5 năm 2016. (Christopher Furlong / Getty Images)
Cờ của Liên minh Châu Âu bay bên ngoài Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, vào ngày 11 tháng 5 năm 2016. (Christopher Furlong / Getty Images)

Bác bỏ các cáo buộc

Báo cáo của Tổ chức Ân xá đã xác định 3 công ty EU đã cung cấp thiết bị giám sát cho cảnh sát Trung Quốc.

Morpho, hiện là công ty con của IDEMIA, một công ty đa quốc gia của Pháp, đã được trao hợp đồng cung cấp thiết bị nhận dạng khuôn mặt trực tiếp cho Cục An ninh Công cộng Thượng Hải vào năm 2015, báo cáo cho biết.

IDEMIA biện minh rằng việc mua bán có liên quan đến một hệ thống thế hệ cũ để nhận dạng khuôn mặt trên các đoạn phim được ghi lại chứ không phải giám sát trực tiếp. Công ty nói thêm rằng họ “đã và đang không bán công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho Trung Quốc”.

Axis Communications, một công ty Thụy Điển, được cho là đã cung cấp công nghệ của mình cho bộ máy an ninh công cộng của Trung Quốc và nhiều lần được liệt kê là “thương hiệu được khuyến nghị” trong hồ sơ mời thầu giám sát nhà nước Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2019.

Axis đã đưa ra một thông báo nói rằng: "Chúng tôi hiểu rằng các giải pháp của chúng tôi, giống như nhiều công nghệ khác, có thể được sử dụng cho các mục đích khác ngoài dự định”. Nhưng họ cho biết "chúng tôi luôn tôn trọng nhân quyền và phản đối sự phân biệt đối xử và đàn áp dưới mọi hình thức".

Công ty Công nghệ thông tin Noldus của Hà Lan đã cung cấp hệ thống nhận dạng cảm xúc cho an ninh công cộng và các cơ quan liên quan đến thực thi pháp luật ở Trung Quốc, Tổ chức Ân xá cho biết.

Giám đốc điều hành của công ty Hà Lan Lucas Noldus bác bỏ cáo buộc và nói rằng: “Phần mềm của chúng tôi không thể được sử dụng để giám sát hàng loạt và không gây rủi ro về quyền con người”.

Văn Thiện

Theo The Epoch Times Singapore



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo: Các công ty của liên minh châu Âu đang bán công cụ giám sát cho cảnh sát Trung Quốc