Lần đầu tiên phát hiện 'bão không gian' bên trên Trái đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học cho biết lần đầu tiên họ phát hiện một "cơn bão không gian" phía trên Trái đất.

Vệ tinh quan sát một khối xoáy plasma, một chất khí nóng chứa các ion và electon, có đường kính tới hơn 125 dặm phía trên Bắc Cực, theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications.

Ông Mike Lockwood, một nhà khoa học không gian tại Đại học Reading và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết đến bây giờ, sự tồn tài của các cơn bão không gian plasma là điều mà các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn. Vì vậy để chứng minh sự tồn tại của chúng với một quan sát ấn tượng như trong nghiên cứu này là không thể tin được.

Cảnh tượng về cơn bão không gian được vệ tinh chụp lại vào tháng 8/2014, nhưng chỉ mới được phát hiện gần đây trong quá trình nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Sơn Đông, Trung Quốc dẫn đầu.

Các nhà nghiên cứu cho biết, cơn bão không gian này đã gây ra “trận mưa” electron thay vì nước. Nó có nhiều nhánh xoắn ốc và quét trên bầu trời trong vòng 8 giờ trước khi dần dần tan biến.

Ông Lockwood nói: “Các cơn bão nhiệt đới có liên quan đến lượng năng lượng khổng lồ, và những cơn bão không gian này phải được tạo ra bằng cách chuyển năng lượng gió Mặt trời và các hạt tích điện lớn và nhanh bất thường vào tầng thượng khí quyển của Trái đất”.

Sơ đồ về cơn bão không gian và cơ chế hình thành của nó. (Ảnh: University of Reading / Nature)
Sơ đồ về cơn bão không gian và cơ chế hình thành của nó. (Ảnh: University of Reading / Nature)

Ông Lockwood cho biết việc phát hiện ra cơn “bão không gian” này cho thấy nó có thể là một hiện tượng phổ biến.

Ông nói: “Plasma và từ trường trong bầu khí quyển của các hành tinh tồn tại khắp vũ trụ, vì vậy những phát hiện mới cho thấy bão không gian nên là một hiện tượng phổ biến”.

Bão không gian có thể tàn phá các vệ tinh

Bằng cách nhập dữ liệu vệ tinh vào một mô hình máy tính, Lockwood và các cộng sự của ông có thể tái tạo cơn bão và tìm ra nguyên nhân gây ra nó. Họ phát hiện ra rằng các hạt tích điện được phát ra từ tầng thượng khí quyển của Mặt trời, vành nhật hoa.

Dòng ổn định của các hạt tích điện này được gọi là gió Mặt trời. Nó di chuyển với tốc độ khoảng 1 triệu dặm một giờ.

Khi gió Mặt trời đến Trái đất, nó gặp từ trường của hành tinh. Hành tinh chúng ta có một trường như vậy là do sắt lỏng và niken chuyển động trong lõi bên ngoài của nó, làm phát sinh dòng điện. Từ quyển bảo vệ hành tinh khỏi bức xạ chết người từ Mặt trời nhưng cũng giữ lại một lớp plasma nhỏ từ gió Mặt trời đó.

Thông thường, gió Mặt trời lướt qua lớp vỏ bảo vệ này. Nhưng đôi khi các hạt mang điện tới và plasma tương tác với plasma bị mắc kẹt hoặc các dòng điện tạo ra trường. Những tương tác như vậy tạo ra nhiễu loạn trong từ quyển.

Cơn bão không gian năm 2014 là một trong những nhiễu loạn như vậy.

Cơn bão hoạt động như một kênh dẫn từ không gian vào bầu khí quyển của Trái đất, đưa một số electron đi qua lớp giáp của hành tinh.

Các tác giả của nghiên cứu cho biết trận mưa hạt tích điện này có thể tàn phá hệ thống liên lạc vô tuyến tần số cao, hệ thống phát hiện radar hoặc công nghệ vệ tinh của chúng ta. Đó là bởi vì các hạt tích điện Mặt trời thấm qua từ trường của Trái đất có thể gây ra trục trặc mạch điện trên vệ tinh và Trạm vũ trụ quốc tế. May mắn thay, trong trường hợp này, không có vấn đề nào được quan sát thấy.

Văn Thiện

Theo nypost, businessinsider



BÀI CHỌN LỌC

Lần đầu tiên phát hiện 'bão không gian' bên trên Trái đất