Bão Mặt trời mạnh nhất 6 năm qua ập vào Trái đất nhưng không ai nhìn thấy nó đến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơn bão mặt trời mạnh nhất trong gần 6 năm qua đã ập xuống Trái đất hôm 24/3, nhưng kỳ lạ thay, các nhà dự báo thời tiết không gian lại không nhìn thấy nó đến.

Cơn bão địa từ đạt đỉnh với mức G4 nghiêm trọng trên thang điểm 5 mà Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết trong không gian. Cơn bão mạnh bất ngờ không chỉ khiến cực quang xuất hiện ở xa về phía nam như New Mexico của Hoa Kỳ, mà nó còn buộc công ty hàng không vũ trụ Rocket Lab phải trì hoãn một vụ phóng trong vòng 90 phút.

Bão địa từ là sự xáo trộn trong từ trường của Trái đất gây ra bởi vật chất Mặt trời từ một vụ phun trào nhật hoa (CME) - sự giải phóng mạnh mẽ plasma và từ trường khỏi bầu khí quyển của Mặt trời. Và cơn bão địa từ mới do một CME khá khó phát hiện, hay còn gọi là CME "tàng hình", kích hoạt. CME này đến từ một lỗ vành nhật hoa rộng hơn 20 lần Trái đất đang phun ra gió Mặt trời với tốc độ hơn 2,1 triệu km/giờ.

Ban đầu, vào ngày 22/3, Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của NOAA đã công bố một cảnh báo bão địa từ cấp G2 (trung bình) có thể xảy ra vào ngày 24/3. Bởi vì cảnh báo này có hiệu lực từ ngày 23 đến ngày 25/3, cho nên các nhà dự báo không hoàn toàn mất cảnh giác, tuy nhiên họ không nghĩ rằng sẽ có một cơn bão cấp G4 (dữ dội).

Mãi đến 00:41 sáng EDT (11:41 sáng giờ Việt Nam) ngày 24/3, NOAA mới nâng mức cảnh báo lên cơn bão lên mức dữ dội G4, sau khi cơn bão mạnh hơn dự báo ban đầu G3 leo thang thành G4 lúc 12:04 sáng EDT (11:04 chiều giờ Việt Nam).

bão mặt trời, thời tiết không gian, bão mặt trời cực mạnh
Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của NOAA đã tuyên bố cảnh báo bão mặt trời G4 vào ngày 24/3. (Ảnh: Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của NOAA)

Nhà dự báo thời tiết không gian của Mỹ, Tamitha Skov, đã giải thích với Space.com trong một email tại sao cộng đồng dự báo thời tiết không gian đã sai lầm về cơn bão mới nhất này.

Skov cho biết: “Những cơn bão gần như vô hình này khởi phát chậm hơn nhiều so với sự phun trào của các CME và rất khó quan sát thời điểm chúng rời khỏi bề mặt Mặt trời nếu không được huấn luyện chuyên môn”, và nói thêm rằng những CME "tàng hình" này cũng có thể được "ngụy trang" bởi các cấu trúc khác có mật độ cao hơn phát ra từ Mặt trời.

Bà tiếp tục: "Đây là lý do tại sao chúng là nguyên nhân của ‘các cơn bão địa từ có vấn đề’ giống như cơn bão cấp G4 mà chúng ta đang gặp phải hiện nay”.

NOAA xếp hạng các cơn bão địa từ trên một thang đo bắt đầu từ G1, có thể gây ra sự gia tăng hoạt động cực quang quanh các cực và biến động nhỏ trong nguồn cung cấp năng lượng, cho đến G5, bao gồm các trường hợp cực đoan như Sự kiện Carrington - một cơn bão Mặt trời khổng lồ xảy ra vào tháng 9/1859, đã làm gián đoạn các dịch vụ điện báo trên toàn thế giới và kích hoạt cực quang sáng và mạnh đến mức có thể nhìn thấy chúng tại những vĩ độ thấp ở tận phía nam như Bahamas.

Những cơn bão địa từ mạnh có thể gây rắc rối cho các chuyến bay vũ trụ vì chúng làm tăng mật độ khí trong tầng khí quyển phía trên của Trái đất và khiến lực cản đối với vệ tinh và các tàu vũ trụ tăng lên. Vào tháng 2/2022, SpaceX đã mất tới 40 vệ tinh Starlink hoàn toàn mới khi chúng không đạt được quỹ đạo sau khi được phóng vào một cơn bão địa từ nhỏ.

Chúng ta có thể mong đợi nhiều sự kiện thời tiết không gian cực đoan như cơn bão địa từ dữ dội này khi Mặt trời dự kiến sẽ tiến tới đỉnh điểm trong chu kỳ hoạt động 11 năm của nó vào năm 2025.

Theo Space

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bão Mặt trời mạnh nhất 6 năm qua ập vào Trái đất nhưng không ai nhìn thấy nó đến