Bất chấp sự bùng phát của coronavirus, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để thống trị không gian vũ trụ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 19/02, chính quyền Trung Quốc xác nhận đã phóng thành công tên lửa lần thứ 4, hoàn thành “sứ mệnh không gian” trong năm 2020, và dự định sẽ tiếp tục thống trị cuộc đua vào không gian, bất chấp sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.

Trong giai đoạn 2018 - 2019, Trung Quốc là quốc gia đã phóng tên lửa vũ trụ nhiều nhất thế giới với 73 lần, so với Hoa Kỳ là 48 lần và Nga là 45 lần. Năm 2020, Trung Quốc và Hoa Kỳ có số lần phóng ngang bằng nhau với 4 lần phóng.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ của Trung Quốc (CASC) thông báo rằng tên lửa Trường Chinh 2D (Long March 2D) đã được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, để triển khai bốn vệ tinh thử nghiệm Xin Jishu Shiyan lên những quỹ đạo địa tĩnh ý ở độ cao 480 km. CASC cho biết họ vẫn tiếp tục kế hoạch hoàn thành 40 sứ mệnh vào năm 2020.

CSAC tuyên bố rằng nhóm vệ tinh quỹ đạo thấp sẽ tiến hành quan sát và liên lạc với nhau khi Trái đất quay. Các vệ tinh này được sử dụng cho mục đích dân sự như liên lạc hoặc theo dõi thời tiết, nhưng các sứ mệnh tích hợp như vậy thì thường dùng cho mục đích giám sát quân sự. Các nhà quan sát dân sự không thể theo dõi 4 vệ tinh mới được triển khai của Trung Quốc.

SpaceNews cho biết, trước khi phóng Trường Chinh 2D, Chủ tịch CASC Wu Yansheng đã đích thân đi kiểm tra để đảm bảo rằng hàng trăm công nhân tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục phòng ngừa Coronavirus, bao gồm việc đeo khẩu trang và việc bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm.

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc sẽ phóng một tên lửa hạng nặng đã được nâng cấp, Trường Chinh 5B, mang theo “phiên bản thử nghiệm” của một tàu vũ trụ mới có người lái với sức chứa phi hành đoàn lên tới 6 người vào tháng 4/2020. Trường Chinh 5B là các phiên bản tàu vũ trụ có người lái được nâng cấp đáng kể, trước đó các tàu vũ trụ của Trung Quốc chỉ chở được tối đa 3 nhà du hành vũ trụ.

Trung Quốc đã lên kế hoạch tiến hành ít nhất 10 sứ mệnh của Trường Chinh 5B để thực hiện việc lắp ráp trên quỹ đạo, và hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ Trung Quốc vào năm 2022. Các thành phần cho lần phóng đầu tiên đã được chuyển đến Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương trên đảo Hải Nam ở Biển Đông để tiến hành thử nghiệm.

Tân Hoa Xã cho biết trạm vũ trụ mới của Trung Quốc sẽ có hình chữ “T”, với mô-đun lõi ở trung tâm gọi là Thiên Hà (Tianhe), và hai khoang thí nghiệm gắn ở hai bên. Trạm vũ trụ này sẽ cung cấp khoảng không 160 mét khối không gian sống. Điều đó tương đương với hơn ⅓ không gian sống 388 mét khối của Trạm vũ trụ quốc tế do Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Châu Âu và Canada điều hành.

Khác với 2 trạm thử nghiệm chỉ triển khai các phi hành gia trong vòng gần 33 ngày, Trung Quốc tuyên bố rằng trạm vũ trụ lâu bền của họ sẽ có độ bền vững cao hơn để phi hành gia có thể sống và làm việc dài ngày. Nó sẽ được trang bị máy tạo oxy bổ sung, nước uống được tái chế và thanh lọc từ nước tiểu, theo Tân Hoa Xã đưa tin.

Theo Space.com, CASC có kế hoạch phóng tên lửa Trường Chinh 8 trong năm 2020 với nỗ lực bắt kịp tên lửa có khả năng hạ cánh thẳng đứng trở lại mặt đất, SpaceX Falcon 9 của Hoa Kỳ - tên lửa tăng cường giai đoạn đầu và có thể sử dụng lại. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ hai chứng minh được khả năng hạ cánh này.

Theo tin từ The Epoch Times, Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch khai phá vùng kinh tế vũ trụ Trái đất-Mặt trăng, mà sẽ có giá trị 10 nghìn tỷ đô la mỗi năm vào năm 2050.

Theo giám đốc Khoa học và Công nghệ của CASC Bao Weimin, Trung Quốc dự định sẽ phóng tên lửa hạng nặng Trường Chinh-9 vào năm 2030 để hỗ trợ việc xây dựng Nhà máy điện năng lượng mặt trời trên vũ trụ. Nhà máy này sẽ cung cấp năng lượng để duy trì chương trình phát triển kinh tế mặt trăng của họ.

Thu Hà
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bất chấp sự bùng phát của coronavirus, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để thống trị không gian vũ trụ