Bí ẩn đằng sau chiếc gương “Ma thuật” cổ đại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những chiếc gương “ma thuật” Trung Quốc cổ đại: Khi rọi ánh sáng vào gương thì ánh sáng phản chiếu lên một bề mặt phẳng lại mang theo những hoa văn ở mặt sau của nó. Điều bí mật gì ẩn sau những tấm gương “ma thuật” hàng ngàn năm tuổi này?

Gương đồng “ma thuật” là vật dụng được người xưa dùng để soi mặt, vì mặt gương rất mỏng nên các nét chữ, hoa văn ở mặt sau của chiếc gương cũng in lại những đường nét thấy rõ trên gương trước.

“Nhìn thấy ánh sáng của Mặt trời” là một chiếc gương đồng thời Tây Hán, đường kính 7,4 cm, trọng lượng tịnh 50 gam, là một trong những bảo vật trong Kho đồ đồng cổ của Bảo tàng Thượng Hải.

Chiếc gương “phản quang”

Nguồn gốc chính xác của chiếc gương là điều không ai biết. Khoảng 1.200 năm trước đây, một cuốn sách có tên ‘Ghi chép về những chiếc gương cổ đại’ vẫn còn chưa bị mất. Cuốn sách chứa đựng bí mật về các đồ vật bí ẩn này và việc tạo ra chúng. Thật không may cuốn sách đã biến mất hơn 1.000 năm trước đây.

Ở Trung Quốc cổ đại có một loại kính hiếm gặp có tên gọi là “gương phản quang”. Khi một luồng sáng mạnh rọi lên bề mặt trước không được trang trí của gương và phản chiếu hình ảnh lên một bức tường hay màn ảnh, thì các đường nét trang trí ở mặt sau của gương xuất hiện một cách bí ẩn trên hình ảnh phản chiếu ấy.

Mặt trước của gương trông rất bình thường. Nó được làm bằng đồng đánh bóng để phản chiếu hình ảnh của người đang soi gương. Điều đó có nghĩa là chiếc gương bằng đồng rắn trở nên trong suốt.

Có hàng chục nghìn chiếc gương đồng trong Bảo tàng Thượng Hải, nhưng chỉ có 4 chiếc được gọi là gương truyền ánh sáng được tìm thấy, và chúng đều xuất hiện vào thời nhà Hán.

Tới ngày hôm nay, con người vẫn đang tự hỏi điều bí mật gì ẩn sau những tấm gương “ma thuật” hàng ngàn năm tuổi này. Chúng có khả năng đặc biệt là hiển thị hình ảnh ở mặt sau của gương sau khi chiếu ánh sáng lên mặt trước.

Chiếc gương truyền ánh sáng từ đó cũng phủ một màu huyền bí, được người nước ngoài gọi là “gương ma thuật”. Trong hơn một nghìn năm, hiện tượng kỳ diệu này đã thu hút rất nhiều học giả trong và ngoài nước, từ thời nhà Tống đến thời nhà Thanh, từ Trung Quốc sang các nước phương Tây vô số học giả đã cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn về chiếc gương cổ, nhưng không ai có thể xác nhận suy đoán của họ bằng phương pháp thực nghiệm, hay nói chính xác hơn là chưa có ai thực sự tái tạo được chiếc gương giống hệt như chiếc gương truyền sáng thời Tây Hán.

Phát hiện ra bí mật đằng sau việc chế tạo chiếc gương

Các nhà khoa học phương Tây bắt đầu kiểm tra những chiếc gương này từ năm 1832 và phải đến một thế kỷ sau họ mới phát hiện ra bí mật đằng sau chiếc gương này.

Năm 1932, Ngài William Bragg đã khám phá ra nguyên nhân vì sao chiếc gương ma thuật phản chiếu hình ảnh hoa văn ở mặt sau của nó.

Các nhà khoa học của thế kỷ XIX đã có thành công nhỏ trong việc tái tạo hiệu ứng này mặc dù chưa hiểu được bản chất của hiện tượng này, nhưng họ đã làm như vậy chỉ bằng cách áp dụng nhiệt vào tấm gương (có thể làm hỏng gương) hoặc áp lực từ máy bơm hơi. Họ không thể tái lập hiệu ứng trên một tấm gương đang treo tự do mà không bị lực bên ngoài tác động.

Chiếc gương, cùng với những hình ảnh hoa văn ở mặt sau, ban đầu được đúc bằng phẳng. Sau đó mặt trước của gương được bẻ cong thành dạng mặt lồi bằng cách mài gọt, sau đó bề mặt được đánh bóng. Chúng được phủ hỗn hợp thủy ngân. Những quá trình công nghệ này tạo ra độ cong vênh và áp lực, làm cho những chỗ lồi trên bề mặt của gương rất nhỏ để mắt thường không phát hiện ra được. Những chỗ lồi này tương ứng với họa tiết mặt sau của gương.

Ông Bragg nói “Chỉ có hiệu ứng phóng đại của ánh sáng phản chiếu mới làm chúng hiện ra”.

Ngọc Mai

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn đằng sau chiếc gương “Ma thuật” cổ đại?