Bí ẩn khối 12 mặt của La Mã cổ đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có rất nhiều vật thể bí ẩn được tìm thấy từ các nền văn minh cổ đại. Một trong số đó là khối 12 mặt của La Mã cổ đại, đang làm đau đầu các chuyên gia về mục đích sử dụng của nó.

Một số giả thuyết về cách sử dụng khối 12 mặt của La Mã cổ đại được đưa ra, có thể là một công cụ quân sự đơn giản, hay thiết bị thiên văn học. Tất cả những gì chúng ta biết về khối 12 mặt của La Mã đều là lý thuyết của các học giả. Những giả thuyết có vẻ hợp lý nhất được chọn ra như sau:

Khối 12 mặt La Mã là gì?

Khối 12 mặt trông giống như một câu đố cổ xưa. Vật liệu khối này bằng đồng, đôi khi bằng đá, với 12 mặt phẳng có hình ngũ giác, mỗi bên có một lỗ tròn có kích thước khác nhau và toàn bộ vật thể đều rỗng. Các tính năng đặc biệt nằm ở các núm ở mỗi góc bên ngoài.

Hơn một trăm khối 12 mặt được tìm thấy ở các địa điểm khác nhau từng là một phần của Đế chế La Mã hùng mạnh, lâu nhất là từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Không may là các nhà khảo cổ học không tìm thấy bất kỳ văn tự cổ nào đề cập về thiết bị này.

Gần 300 năm đã trôi qua kể từ khi phát hiện ra khối 12 mặt đầu tiên ở Anh, đến nay vẫn chưa có tiến triển nào trong việc tìm hiểu về vật thể bí ẩn này.

Khối 12 mặt của La Mã có phải là một thiết bị quân sự không?

Hầu hết các lý thuyết ban đầu từ đầu thế kỷ 19 đều xoay quanh giả thuyết đây là một công cụ quân sự. Những người sưu tầm đồ cổ tin rằng khối 12 mặt của La Mã có thể là phần đầu của một loại vũ khí. Những giả thuyết như vậy ngày nay bị bỏ qua vì chúng không đủ nặng để được coi là nguy hiểm khi sử dụng làm vũ khí.

Thay vào đó, năm 2012, một nhà vật lý người Ý tên là Amelia Sparavigna đã đề xuất giả thuyết hợp lý hơn. Ý tưởng của bà cho rằng khối 12 mặt của La Mã được sử dụng làm máy đo khoảng cách như một thiết bị quân sự. Về mặt lý thuyết, các lỗ của thiết bị có thể sử dụng để đo khoảng cách. Các phép đo có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng người La Mã cổ đại có thể đã tìm ra một phương pháp: bằng cách căn chỉnh hai trong số các vòng tròn, chúng sẽ luôn có cùng kết quả về khoảng cách.

Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết các khối 12 mặt của La Mã đã được tìm thấy ở các địa điểm quân sự, nhưng không có khối nào có cùng kích thước hoặc có kích thước các lỗ giống nhau.

Nói cách khác, làm thế nào chúng có thể được sử dụng làm máy đo khoảng cách nếu tất cả chúng có kích thước khác nhau?

Là công cụ thiên văn?

Khảo cổ học và lịch sử ngày nay dễ tiếp cận hơn rất nhiều so với một trăm năm trước. Internet và các phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò to lớn trong việc khám phá những bí ẩn lớn nhất của thế giới cổ đại.

Một trang web về khối 12 mặt của La Mã xuất hiện cách đây một thời gian gợi ý rằng nó có thể là một công cụ thiên văn. Nó trình bày một số dữ liệu và thông tin học thuật phong phú. Nhìn chung, lý thuyết có vẻ rất hợp lý. Trang web giả thuyết rằng người La Mã cổ đại đã sử dụng khối 12 mặt để hỗ trợ nông nghiệp của họ, trong đó các lỗ của thiết bị dùng để kiểm tra góc của ánh sáng mặt trời trong những ngày cụ thể, cung cấp cho họ thông tin quan trọng về những ngày quan trọng đối với nông nghiệp.

Một lần nữa, vấn đề với lý thuyết này là kích thước của các khối 12 mặt khác nhau. Không có cái nào có cùng kích thước, khiến không thể thực hiện các phép tính giống hệt nhau.

Là một trò chơi?

Một số học giả đã gợi ý rằng khối 12 mặt của La Mã có thể là một phần của đồ chơi trẻ em hoặc một số loại trò chơi dành cho người lớn. Thành thật mà nói, nếu nó là một trò chơi, thì nó phải dành cho người lớn, vì ai lại đưa một món đồ chơi bằng kim loại nặng như vậy cho trẻ nhỏ?

Giả thuyết này gợi ý vật thể này có thể là một loại xúc xắc La Mã cổ đại. Nhưng…lại nhưng, thực tế là các lỗ ở mỗi bên có kích thước khác nhau, nghĩa là mỗi bên có trọng lượng khác nhau. Nếu nó được sử dụng như xúc xắc, thì đó không phải là một thiết kế chuẩn.

Có lẽ người cổ đại đã chơi nó như sau: đặt một quả bóng có cùng đường kính với lỗ lớn nhất, và trò chơi là lấy quả bóng ra trước theo một cách kỳ lạ nào đó.

Các lý thuyết thay thế khác

Chúng ta đã có ba giả thuyết có vẻ hợp lý nhất. Ngoài ra, một số học giả tin rằng khối 12 mặt của La Mã có liên quan đến các dấu hiệu chiêm tinh, vì nó có 12 mặt phẳng. Tại sao lại không kết nối nó với chiêm tinh học khi nó không kém phần quan trọng trong thế giới cổ đại.

Giả thuyết khác cho rằng nó có thể là một vật phẩm tôn giáo. Giả thuyết này bắt nguồn từ một khám phá ở biên giới giữa Đức và Hà Lan. Họ đã tìm thấy một ngôi mộ với một khối 12 mặt La Mã được bảo quản tốt và một cây quyền trượng. Điều này dẫn đến giả thuyết rằng thiết bị này có thể đã được sử dụng làm đầu của một vương trượng với một chức năng hoặc mục đích cụ thể.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, một trong những giả thuyết hợp lý nhất, nhưng cũng đơn giản nhất, đó là một món đồ làm quà lưu niệm. Giả thuyết này có vẻ thỏa đáng nhất vì hầu hết các khối 12 mặt được tìm thấy trong suốt nhiều năm không có dấu hiệu bị mài mòn hoặc sử dụng. Như vậy chúng có thể chỉ là vật trang trí. Hay, chức năng của chúng phức tạp hơn?

Biết về người La Mã cổ đại, tin rằng khối 12 mặt hẳn vẫn chứa đựng bí ẩn chúng ta vẫn chưa thể giải mã.

Theo Curiosmos

Lê Na biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn khối 12 mặt của La Mã cổ đại