‘Bóng ma đại dương’: Bí ẩn khiến giới khoa học không thể giải mã suốt gần 3 thập kỷ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Được mệnh danh là 'bóng ma đại dương', gần 3 thập kỷ đã qua, bí ẩn về âm thanh khác thường này vẫn khiến giới khoa học không ngừng tìm hiểu.

Chú cá voi không bao giờ được lắng nghe

Vào thời Chiến tranh Lạnh, khi quân đội Mỹ triển khai mạng lưới các ống nghe dưới nước để phát hiện tàu ngầm của Liên Xô, câu chuyện về chú cá voi cô đơn nhất thế giới xuất hiện.

Trong quá trình này, những người vận hành đã nhận được một số tiếng ồn lạ lùng với một số âm thanh rên rỉ ở tần số thấp mà họ gọi là Quái vật Jezebel. Trong số họ có William Watkins, một nhà tiên phong trong việc xác định và theo dõi những loài động vật có vú dưới biển qua những âm thanh mà chúng tạo ra.

Lầu Năm Góc sau đó đã cho phép các nhà nghiên cứu cá voi có thể tiếp cận mạng lưới ống nghe ngầm này. Vào cuối những năm 1980, khi Chiến tranh Lạnh dần kết thúc, họ đã xác định được đây là âm thanh của những chú cá voi vây và cá voi xanh.

Năm 1989, nhà khoa học William Watkins thuộc Viện Hải dương Woods Hole (Mỹ) trong lúc làm việc tại Thái Bình Dương đã vô tình phát hiện ra một âm thanh kỳ lạ. Âm thanh phát ra từ một sinh vật đang di chuyển trong làn nước có tần số bất thường 52 Hz được ví như những bản tình ca bi ai không lời hồi đáp. Vậy nên người ta đã đặt tên nó là 52 Blue, hay Cá voi 52 Hertz.

Các nhà hải dương học sau đó dự đoán nó là một con cá voi dài khoảng 30 m, nặng khoảng 180 tấn.
Các nhà hải dương học sau đó dự đoán nó là một con cá voi dài khoảng 30 m, nặng khoảng 180 tấn. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Phân tích ảnh phổ của sinh vật bí ẩn, các nhà hải dương học sau đó dự đoán nó là một con cá voi dài khoảng 30 m, nặng khoảng 180 tấn. Nó bất bình thường, vì chỉ có thể phát ra âm thanh không một con cá voi đồng loại nào có thể nghe thấy.

Bí ẩn, vô hình, chú cá voi này vẫn nổi tiếng khắp thế giới, vì nó là chú cá voi cô đơn nhất hành tinh. Không một ai có thể chắc chắn, vì chưa một ai từng nhìn thấy nó.

Các nhà hải dương học Mỹ dự đoán nó là con cá voi xanh khổng lồ?

Âm thanh đó phát ra tần suất mà không một loài cá voi nào có thể nghe được, nó gây tò mò cao vút một cách kỳ lạ, và đem đến cho nó sự cô độc tận cùng. Các loài cá voi khác, ví dụ như cá voi xanh có tần số tiếng kêu là từ 10 - 39 Hz, cá voi vây là khoảng 20 Hz (tương đương với những nốt trầm nhất của phím đàn piano). Không ai chắc chắn tại sao 52 Blue lại hát ở tần số bất thường này.

Một số nhà sinh vật học đưa ra giả thuyết rằng chú cá voi này có thể bị dị hình theo một cách nào đó hoặc là con lai của hai loài cá voi.

Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng thanh âm đặc trưng của 52 Blue, dù thấp hơn so với con người nhưng lại cao hơn nhiều so với những tiếng gọi thông thường của loài cá voi xanh khổng lồ, có vây, hay bất kỳ loài cá voi nào khác.

Thông thường, cá voi "hát" để điều hướng, tìm thức ăn, giao tiếp và tìm kiếm bạn tình.

Đối với con người, 52 Hz là một âm thanh thấp - giống như nốt thấp nhất của kèn Tuba - nhưng nó cao đối với cá voi. Tiếng hát của chúng dù cách xa hàng ngàn dặm vẫn được đồng loại nghe thấy.

Dù có thể nó cô độc ở thế giới đại dương nhưng lại không hề lạc lõng .Vì không có đồng loại nào nghe được tiếng nó gọi, giới khoa học quyết định lắng nghe 52 Blue nhiều hơn và cố gắng "hồi đáp" với nó.

Hành trình di chuyển kỳ lạ

Không chỉ phát ra tần suất cao, hành trình của cá voi 52 Blue cũng rất khác thường. Nó đang thực hiện hải trình rộng nhất so với bất kỳ loài cá voi nào trên thế giới. Cá voi 52 Blue di chuyển liên tục trên khắp các vùng nước sâu của vùng trung tâm và phía đông lưu vực Bắc Thái Bình Dương.

Năm 2004, các nhà nghiên cứu của Viện Hải dương Woods Hole đã xuất bản một bài báo về 52 Blue trong một tạp chí có tên Deep Sea Research.

Chính vì sở thích đi vô định, không thể đoán trước của 52 Blue mà cho đến tận ngày nay, không một nhà khoa học nào từng tìm được nó, nhìn thấy nó. Tất cả những gì con người biết về cá voi 52 Blue là giọng hát cao vút vừa bi thương, vừa cao ngạo của nó.

Đối với hầu hết các loài cá voi khác, chúng thường di cư đến cùng một khu vực mỗi năm: Di cư đến vùng biển nhiệt đới vào mùa đông và đến vùng nước lạnh hơn vào mùa hè.

Tuy nhiên, đối với 52 Blue lại khác biệt. Hải trình của nó thay đổi từ năm này sang năm khác và nó không dành nhiều thời gian ở một nơi. Đôi khi nó quay lại dọc theo bờ biển mà nó vừa đi qua. Một mùa khác, nó lại bơi ra vùng nước sâu hơn.

Nhìn vào những đường rối rắm trên bản đồ hành trình của 52 Blue, các nhà khoa học không thể không đặt câu hỏi: 52 Blue đang tìm kiếm thứ gì vậy?

Còn rất nhiều bí ẩn về 52 Blue mà giới khoa học chưa thể giải đáp

Chưa một ai tận mắt nhìn thấy nó
Cho đến nay, chưa một ai từng nhìn thấy hoặc tìm kiếm 52 Blue. Nói cách khác, chưa một ai tận mắt nhìn thấy nó.

Cái mác "cô độc" mà bao người gán vào 52 Blue có phải sự thực hay không? Có thật là 52 Blue chỉ có một mình trong đại dương sâu thẳm? Hay thậm chí liệu 52 Blue có thực sự tồn tại hay chỉ là một "bóng ma" biển cả? Tất cả những câu hỏi này đều đã được đưa ra suốt hơn 30 năm, và chúng ta chỉ có thể tiếp tục chờ đợi câu trả lời.

Dù phát hiện ra 52 Blue từ năm 1992 đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể hiểu hết về "huyền thoại biển xanh" này.

52 Blue còn truyền tải thông điệp về sự lạc quan

Gần 3 thập kỷ kể từ khi con người phát hiện ra thông điệp âm thanh của nó, 52 Blue vẫn luôn cất tiếng hát giữa đại dương sâu thẳm. Nó vẫn miệt mài gọi đồng loại, và thực hiện hành trình khác lạ để tìm kiếm bạn. Hy vọng ngày nào đó tự nhiên sẽ được hồi đáp.

Bộ phim tài liệu có tên “Chú cá voi cô đơn nhất: Cuộc tìm kiếm 52Hz”.
Bộ phim tài liệu có tên “Chú cá voi cô đơn nhất: Cuộc tìm kiếm 52Hz”. (Ảnh: Wikipedia)

Một trong những nỗ lực tìm kiếm 52 Blue đến từ Josh Zeman, một nhà làm phim thực hiện bộ phim tài liệu có tên "52: The Search for the Loneliest Whale in the World" (Chú cá voi cô đơn nhất: Cuộc tìm kiếm 52Hz). Một nhà hải dương học đã gọi đây chẳng khác nào nỗ lực “mò kim đáy bể”.

Trong số những chủ đề của đạo diễn Josh Zeman nổi bật lên chủ đề về sự cô đơn hiện đại, và các con người phản ứng với câu chuyện của cá voi 52 Blue trong kỷ nguyên kỹ thuật số khi Internet hứa hẹn kết nối hàng triệu người online nhưng thực sự có thể khiến chúng ta bị cô lập sâu hơn.

Ngọc Mai



BÀI CHỌN LỌC

‘Bóng ma đại dương’: Bí ẩn khiến giới khoa học không thể giải mã suốt gần 3 thập kỷ