Bóng ma hạt nhân: Nạn nhân nhiễm phóng xạ tồi tệ nhất thế giới sống 83 ngày trong nỗi kinh hoàng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến EU phải gấp rút tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nguồn năng lượng của Nga, trong đó việc lựa chọn phát triển năng lượng hạt nhân đang được ưu tiên. Tuy nhiên nhiều quốc gia cũng lo ngại về việc xử lý chất thải hạt nhân và các nguy cơ xảy ra tai nạn, mà thảm họa hạt nhân tại Tokaimura (Nhật Bản) đã từng gây ám ảnh thế giới.

Đây là một trong những vụ tai nạn bức xạ hạt nhân dân sự tồi tệ nhất thế giới xảy ra tại một nhà máy tái chế nhiên liệu uranium.

Thảm họa khiến Hisashi Ouchi trở thành nạn nhân bị nhiễm phóng xạ khủng khiếp nhất trong lịch sử y học thế giới, khi anh phải trải qua 83 ngày “sống không bằng chết” trong đau đớn. Cơ thể của Hisashi Ouchi đã hấp thụ một lượng phóng xạ lớn gấp hơn 3 lần mức có thể gây tử vong.

Bất cẩn

Vào lúc 10h35 phút ngày 30/9/1999 tại nhà máy hạt nhân Tokaimura đặt tại làng Tokai (Nhật Bản), ba nhân viên kỹ thuật gồm Hisashi Ouchi (35 tuổi), Masato Shinohara (54 tuổi), Yutaka Yokokawa (39 tuổi) đang trong ca làm việc. Họ đang chuẩn bị một lô nhiên liệu hạt nhân bằng cách thêm dung dịch uranium vào bể kim loại kết tủa.

Nhà máy hạt nhân Tokaimura đặt tại làng Tokai (Nhật Bản), nơi xảy ra tai nạn thảm khốc.

Cả 3 kỹ thuật viên đã trộn lẫn axit nitric và uranium với nhau trong bể kim loại để tạo thành dung dịch uranyl nitrate. Nhưng hàm lượng uranium được sử dụng vượt mức cho phép: Họ đã đổ một lượng lớn 16 kg uranium vào bể kim loại trong khi giới hạn tối đa là 2,4 kg. Cả ba không biết rằng thứ đang chờ đợi họ là nỗi khiếp đảm, sống không bằng chết.

Họ bỗng nhìn thấy một thứ ánh sáng xanh lóe lên. Đây là dấu hiệu của phóng xạ mang tên Bức xạ Cherenkov, là một phản ứng khi đã đạt đủ lượng nhiệt cần thiết để bắt đầu một chuỗi các phản ứng hạt nhân.

Bên trong bể kim loại, một lượng lớn phóng xạ gamma và neutron đã được giải phóng ra môi trường xung quanh. Hisashi Ouchi là người hứng chịu lượng phóng xạ lớn nhất (17 Sv - sievert) do anh là người trực tiếp đổ dung dịch vào bể, trong khi Masato Shinohara đứng ngay cạnh cũng phải nhận 10 Sv.

Yutaka Yokokawa nhận lượng phóng xạ thấp nhất là 3 Sv do đang ngồi ở bàn làm việc cách đó 4 mét.

Cần lưu ý, giới hạn hấp thụ phóng xạ ở mức an toàn cho công nhân làm việc tại các nhà máy hạt nhân là 50 mSv (1 Sv = 1.000 mSv), trong khi liều lượng đủ gây chết người là 5.000 mSv (tương đương 5 Sv).

Ngay lập tức, Hisashi Ouchi nôn thốc tháo và bất tỉnh tại chỗ. Cả 3 nạn nhân đều trải qua cơn đau đột ngột, buồn nôn và khó thở.

Níu giữ mạng sống bằng mọi cách

Khi Hisashi Ouchi được đưa tới bệnh viện, các bác sĩ không thể tin được là anh đã hấp thụ lượng phóng xạ cao gấp 3,4 lần ngưỡng gây tử vong. Hisashi Ouchi bị bỏng 100% và hầu hết các cơ quan nội tạng của anh đều bị tổn thương. Đáng kinh ngạc là số lượng bạch cầu của anh tụt xuống mức bằng 0, cùng hệ thống miễn dịch và ADN bị phá hủy.

Mức phóng xạ mà Hisashi Ouchi tiếp xúc tương đương với bức xạ của vụ ném bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima vào năm 1945. Việc Ouchi gần như bị mất toàn bộ lớp da đã gây cho anh sự thống khổ cùng cực.

Lúc đầu các bác sĩ đã dùng các miếng gạc đắp lên cơ thể của Ouchi. Nhưng khi gỡ các miếng gạc ra, họ đã nhận thấy phần da chỗ đấy cũng bị bóc tách khỏi cơ thể. Lớp da của Ouchi đã bị bong tróc hoàn toàn khiến anh phải chịu đựng những cơn đau dữ dội không ngớt do bị nhiễm trùng nghiêm trọng.

Bức ảnh so sánh cánh tay của Hisashi Ouchi vào ngày thứ 8 (bên trái), và ngày thứ 26 (bên phải). (Ảnh chụp màn hình)

Bình thường các tế bào da phân chia thành các tế bào mới để thay thế tế bào cũ. Nhưng bức xạ hạt nhân đã hủy hoại ADN khiến tế bào mới không được sinh ra nữa, do các nhiễm sắc thể bị vỡ vụn bởi tác hại của phóng xạ.

Khi da của Ouchi dần bị tróc bong ra, cơ thể của anh cũng mất khả năng giữ nước, do các chất lỏng chảy thoát ra từ lỗ chân lông. Cơ thể gần như mất lớp da của Ouchi chảy ra 10 lít dịch lỏng mỗi ngày nên buộc các bác sĩ phải giữ những mảng da còn lại bằng băng gạc y tế. Nhưng họ nhận ra nỗ lực này là vô dụng, khi các băng gạc cũng đều đẫm dịch cơ thể và máu.

Khi mọi phương pháp chữa trị da cho Ouchi trở nên vô vọng, các bác sĩ cuối cùng đã chọn phương án ghép da, bằng cách nuôi da trong ống nghiệm rồi cấy ghép lên những vùng da đã mất của anh.

Nhưng dù được cấy ghép da nhiều lần, cơ thể Ouchi vẫn tiếp tục bị mất chất lỏng. Có lúc, vợ của Ouchi còn chứng kiến máu trào ra từ nhãn cầu của anh. Ouchi đã phải trải qua những ngày đau đớn hơn địa ngục. Thậm chí bác sĩ đã phải tiêm một lượng lớn thuốc ngủ, thuốc giảm đau cho anh nhưng cũng không mấy tác dụng.

Số phận bi thảm: Nạn nhân xin “được chết”

Khi tình trạng của Ouchi ngày càng tồi tệ hơn, Viện Khoa học Phóng xạ Quốc gia ở tỉnh Chiba đã quyết định chuyển anh đến Bệnh viện Đại học Tokyo, nơi anh được áp dụng phương pháp truyền máu vào các tế bào gốc ngoại vi đầu tiên trên thế giới.

Cấy ghép tế bào gốc máu ngoại vi còn được gọi là “Hỗ trợ tế bào gốc ngoại vi” là một phương pháp thay thế tế bào gốc tạo máu bị phá hủy bởi bức xạ, một công nghệ còn khá mới vào những năm cuối thế kỷ 20. Các tế bào gốc sẽ được truyền cho bệnh nhân qua đường tĩnh mạch, tới tuỷ xương rồi từ đó thay thế cho các tế bào bị tổn thương và kích thích tủy xương tạo ra các tế bào mới.

Đội ngũ bác sĩ hàng đầu Nhật Bản và các chuyên gia y tế từ khắp nơi trên thế giới đã được mời đến để điều trị cho Ouchi. Để giữ mạng sống cho anh, các bác sĩ đã tiến hành tiếp máu và bơm các chất lỏng vào cơ thể Ouchi, cùng các loại thuốc đặc hiệu khác trong một căn phòng xạ trị đặc biệt. Không chỉ vậy, Ouchi còn bị ứ nước trong phổi khiến việc hô hấp mỗi ngày trở nên khó khăn hơn.

Gần 60 ngày trôi qua từ ngày đầu tiên Ouchi nhập viện, các bác sĩ đã thử nghiệm rất nhiều phương pháp điều trị tiên tiến khi đó, như cấy tế bào gốc, cấy ghép da nhân tạo hay truyền máu liên tục cả ngày, cũng như dùng máy trợ thở tiên tiến bậc nhất. Nhưng da của Ouchi vẫn phân huỷ từng ngày. Mắt của anh không thể nhắm được ngay cả khi ngủ vì không còn mi mắt nữa, và thậm chí cơ thể còn bị chảy máu ruột ồ ạt.

Ouchi phải trải qua sự đau đớn không gì có thể tả xiết. Dù được tiêm thuốc giảm đau, nhưng anh vẫn lịm đi và nhiều lần khẩn khoản xin được chết.

Có thông tin cho rằng, trong suốt quá trình điều trị, Ouchi đã nhiều lần khẩn khoản yêu cầu bác sĩ giải thoát cho anh khỏi những cơn đau đớn không thể chịu nổi.

Vào ngày thứ 7 sau khi bị nhiễm phóng xạ, Ouchi đã gào lên vì không chịu đựng nổi cơn đau giày vò nữa, và yêu cầu cho anh được chết, thay vì các bác sĩ “tiếp tục thí nghiệm trên cơ thể mình”.

Thời điểm ấy, đội ngũ y tế chữa trị cho Ouchi đã phải chịu áp lực vô cùng lớn. Bất chấp ý muốn “được chết” của anh, các bác sĩ đã nỗ lực hết sức để giữ mạng sống cho bệnh nhân trong suốt 83 ngày.

Việc truyền máu liên tục đã gây áp lực lên cơ tim của Ouchi, khiến tim đập nhanh tới 120 nhịp/phút cho đến khi vượt ngưỡng, dẫn đến tim ngừng đập. Đội ngũ y tế đã nỗ lực dùng các biện pháp hồi sức kèm theo truyền các loại thuốc trợ tim, đã giúp tim của Ouchi đập trở lại.

Vào ngày thứ 59, tim Ouchi ngừng đập 3 lần trong 49 phút. Tuy nhiên, theo yêu cầu của gia đình, bác sĩ vẫn thực hiện hồi sức cấp cứu khiến não và thận của anh bị tổn thương nghiêm trọng.

Tối 21/12/1999, Hisashi Ouchi đã trút hơi thở cuối cùng khi mọi nỗ lực cấp cứu bất thành vì suy đa tạng, chính thức kết thúc 83 ngày chịu đựng trong đau đớn tột cùng của anh.

Hisashi Ouchi được coi là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bức xạ hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử y học thế giới, và là người phải trải qua những ngày cuối cùng trong cuộc đời trong tình trạng đau đớn nhất.

Hai nạn nhân còn lại thì sao?

Trong khi ấy, hai nạn nhân còn lại là Masato Shinohara và Yutaka Yokokawa cũng phải chiến đấu giành giật mạng sống trên giường bệnh.

Masato Shinohara cũng chịu viễn cảnh đau đớn như Ouchi khi da mặt và đầu của ông bị tróc đến 90%, để lộ ra các mạch máu và lớp da non bên dưới.

Quá trình điều trị của Shinohara có vẻ tiến triển, thậm chí ông còn được các y tá cho ngồi xe lăn đi quanh khu vườn ở bệnh viện trong những ngày đầu năm mới 2000. Tuy nhiên sau đó phổi của Shinohara bị tổn thương nghiêm trọng do lượng bức xạ hạt nhân quá lớn trong cơ thể.

4 tháng sau ngày Hisashi Ouchi chết, ngày 27/4/2000, Masato Shinohara cũng qua đời do suy đa tạng. Trong khi đó nạn nhân thứ ba là Yutaka Yokokawa may mắn hơn, sau 6 tháng điều trị, anh đã bình phục và được xuất viện.

Nguyên nhân thảm họa hạt nhân Tokaimura

Sau khi tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đưa ra kết luận cuối cùng là do “lỗi con người và vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc an toàn”. Báo cáo cho biết, vụ tai nạn xảy ra do 3 nhân viên kỹ thuật đã sử dụng quá nhiều uranium để làm nhiên liệu và gây ra một phản ứng hạt nhân không kiểm soát.

Cùng phải gánh chịu thảm họa hạt nhân nghiêm trọng, nhưng ngày nay hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản đã hồi sinh, trong khi một khu vực rộng lớn quanh nhà máy Chernobyl tại Ukraine vẫn hoang vắng bóng người. (Ảnh tổng hợp)
Thảm họa hạt nhân hủy hoại sự sống nhân loại nghiêm trọng. (Ảnh tổng hợp)

Báo cáo điều tra cho thấy các kỹ thuật viên tại nhà máy hạt nhân Tokaimura do Công ty sản xuất nhiên liệu hạt nhân (JCO) điều hành thường xuyên vi phạm các quy trình an toàn, bao gồm trộn uranium trong thùng kim loại để hoàn thành công việc một cách nhanh chóng.

Nhà máy hạt nhân Tokaimura đóng vai trò tạo ra các cột kim loại dày để kiểm soát phản ứng hạt nhân cho các nhà máy hạt nhân xung quanh. Họ làm điều này nhờ vào việc chuyển đổi triuranium octoxide (U3O8) thành uranium dioxide (UO2(NO3)2) trong một thùng kim loại.

Quy trình tạo ra uranium dioxide bao gồm việc dùng bột uranium đổ vào một thùng kim loại chứa nitric acid với mục đích làm phân rã uranium. Dung dịch sau khi trộn đều sẽ được truyền qua một tổ hợp các ống dẫn để vào thùng kim loại chứa các chất đệm giúp ổn định phản ứng. Thiết kế của tổ hợp này nhằm ngăn cản khả năng các chất phóng xạ đạt đến ngưỡng nguy hiểm, nhờ việc truyền dung dịch từ từ qua các thùng chứa và sử dụng tay khuấy đều dung dịch.

Tuy nhiên, với mục đích đẩy nhanh tiến độ công việc, 3 kỹ thuật viên ngày hôm ấy đã chỉnh sửa quy trình phân rã uranium bằng cách đổ trực tiếp xô kim loại chứa uranyl nitrate vào thùng khuấy. Nồng độ uranium lúc này gấp 3,4 lần ngưỡng an toàn cho phép.

Vào lúc 10h35 phút ngày 30/9/1999, sau khi thùng khuấy được đổ thêm vào 40 lít dung dịch uranyl nitrate đậm đặc, một chuỗi phản ứng hạt nhân kinh hoàng đã xảy ra.

Khi tai nạn xảy ra, khoảng 161 người của 31 hộ gia đình trong phạm vi bán kính 350m quanh nhà máy hạt nhân đã được sơ tán khẩn cấp. Tất cả các cư dân trong vòng bán kính 10km đã được yêu cầu ở trong nhà để phòng ngừa nhiễm phóng xạ.

Tổng cộng có 667 người bao gồm cả cư dân và các nhân viên cấp cứu đã bị nhiễm phóng xạ.

6 người, bao gồm Chủ tịch JCO, giám đốc nhà máy hạt nhân Tokaimura và nạn nhân sống sót Yutaka Yokokawa đã nhận tội do sơ suất đã dẫn đến thảm họa.

Tháng 3/2000, chính phủ Nhật đã thu hồi giấy phép của JCO và đây là nhà điều hành nhà máy hạt nhân đầu tiên phải đối mặt với án phạt theo luật pháp Nhật Bản. Công ty này đã phải trả 121 triệu đô la cho 6.875 đơn yêu cầu bồi thường từ những người bị phơi nhiễm phóng xạ, các doanh nghiệp nông nghiệp và dịch vụ bị ảnh hưởng từ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng này.

Đông Bắc

 



BÀI CHỌN LỌC

Bóng ma hạt nhân: Nạn nhân nhiễm phóng xạ tồi tệ nhất thế giới sống 83 ngày trong nỗi kinh hoàng