Bùa hộ mệnh kỹ thuật số: Cơn sốt kinh doanh Thần thánh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay, các biểu tượng Phật giáo, hình ảnh các vị hòa thượng và bùa chú may mắn còn xuất hiện trên thị trường kỹ thuật số. 

CryptoAmulets là trang web chuyên bán các sản phẩm bùa chú kỹ thuật số được điều hành bởi nhà sáng lập Ekkaphong Khemthong. Doanh nhân người Thái nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kiếm lời tại quốc gia mà việc sở hữu bùa hộ mệnh vô cùng phổ biến.

Ông nói với AFP: “Tôi là người sưu tập bùa hộ mệnh và tôi đang suy nghĩ về cách có thể giới thiệu những chiếc bùa hộ mệnh cho người nước ngoài trên thế giới”.

Sưu tập bùa hộ mệnh và đồ trang sức tôn giáo là một thú tiêu khiển phổ biến ở Thái Lan nơi người dân đa số theo đạo Phật. Thủ đô Bangkok có một khu chợ chỉ dành riêng cho những người buôn bán những đồ vật mang biểu tượng may mắn này.

Giá trị của chúng có thể tăng lên hàng nghìn đô la nếu được một nhà sư đáng kính trì chú và ban phước.

Mặc dù là một định dạng kỹ thuật số, Ekkapong muốn CryptoAmulets cũng có nghi lễ truyền thống như những vật phẩm thật, đó là lý do ông tiếp cận Luang Pu Heng, một trụ trì được đánh giá cao ở phía Đông Bắc của Thái Lan.

"Tôi tôn trọng nhà sư này và muốn thế giới biết về ông ấy, ông là biểu tượng của sự may mắn trong kinh doanh”, doanh nhân cho hay.

Bùa hộ mệnh điện tử của trang CrytoAmulet.
Bùa hộ mệnh điện tử của trang CrytoAmulet. (Ảnh: CryptoAmulet)

Những lá bùa “thật” và “được ban phước”

Luang Pu Heng tháng trước đã chủ trì một buổi lễ ban phước cho các bản sao vật lý của bùa hộ mệnh kỹ thuật số, cảnh tượng cho thấy hình ảnh khuôn mặt thanh thản của ông.

Ông tạt nước thánh lên linh ảnh của mình trong khi các đệ tử mặc áo cà sa tụng kinh và rải những cánh hoa màu vàng trên bàn thờ nơi gắn các bức chân dung của nhà sư.

Rất khó khăn để giải thích về khái niệm tệp tin kỹ thuật số NFT cho vị trụ trì 95 tuổi, ông vẫn cho rằng mình đang ban phước cho những chiếc bùa hộ mệnh “thật”.

Nhà phát triển người Singapore Daye Chan cho biết: “Chúng tôi cố gắng giải thích đơn giản với nhà sư rằng việc này giống như ông đang chúc phúc cho những bức ảnh!”.

Việc chuyển đổi bùa hộ mệnh sang định dạng hàng hóa thương mại điện tử cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ hồ nghi về nguồn gốc vật phẩm.

"Có rất nhiều bùa hộ mệnh được sản xuất hàng loạt, thậm chí chúng còn bị làm giả", Chan nói.

NFT sử dụng công nghệ blockchain, một sổ cái kỹ thuật số không thể thay đổi, ghi lại tất cả các giao dịch từ thời điểm chúng được tạo ra.

"Đối với bùa hộ mệnh của chúng tôi, thậm chí một trăm năm sau, người mua vẫn có thể kiểm tra lại giao dịch", Chan nói.

Những trải nghiệm của người dùng

Trên thư viện trực tuyến của trang web CryptoAmulets, các dòng chữ tiếng Thái được viết quanh mỗi mã sản phẩm, ví dụ: "giàu có" hoặc "may mắn". Chúng được định giá trên một hệ thống phân cấp trong ethereum, tiền điện tử lớn thứ hai thế giới sau bitcoin và hiện đang được bán với giá từ 46 đến 1.840 Đô la Mỹ.

CryptoAmulet được định giá trên một hệ thống phân cấp trong ethereum, tiền điện tử lớn thứ hai thế giới sau bitcoin và hiện đang được bán với giá từ 46 đô la đến 1.840 đô la.
CryptoAmulet được định giá trên một hệ thống phân cấp trong ethereum, tiền điện tử lớn thứ hai thế giới sau bitcoin và hiện đang được bán với giá từ 46 đô la đến 1.840 đô la. (Ảnh: Flickr)

Doanh số bán hàng cho thấy có 1.500 mã được bán trong số 8.000 mã có sẵn và người Thái chiếm hầu hết người mua.

Đầu bếp người Thái Lan Theerapong Lertsongkram cho biết anh mua CryptoAmulet vì lòng tôn kính đối với những đồ vật được Luang Pu Heng ban phước, điều mà anh nói đã mang lại may mắn cho anh.

Theerapong, người làm việc trong một nhà hàng ở Stockholm, cho biết: “Tôi đã có một vài trải nghiệm may mắn như trúng giải xổ số nhỏ, hoặc được thăng chức trong công việc của mình.”

"Tôi không biết gì về NFT trước đây, nhưng tôi đã quyết định mua nó vì tôi rất tôn trọng Luang Pu Heng", anh nói với AFP.

Nhưng nhà sưu tập Wasan Sukjit, người đã trang trí chiếc xe của mình bằng những tấm bùa hộ mệnh quý hiếm, lại không mấy hào hứng với khái niệm này. “Bùa hộ mệnh cần phải là thứ hữu hình, thứ mà người ta có thể cầm được và mang theo bên người” ông mỉa mai.

Biểu tượng Phật giáo và hình ảnh tôn nghiêm của các vị hòa thượng vốn để ước chế đạo đức con người. Con người phải tự mình hướng nội tu luyện tâm tính, tôi rèn đạo đức ý chí. Truy cầu may mắn và bình an vào những thứ bùa chú (vốn có thể sản xuất hàng loạt và thậm chí làm giả) chính là hướng ngoại mà tìm, tìm mãi cũng vô ích.

Chính tâm lý ấy tạo điều kiện cho những kẻ buôn thần bán thánh trục lợi, thậm chí biến tướng thành mặt hàng trên thị trường tiền điện tử. Đáng buồn là ngày nay con người không còn Pháp lý chân chính để ước chế bản thân, hướng ngoại cầu an loạn lung tung và hình ảnh của các vị hòa thượng được sử dụng tràn lan như một hàng hóa thương mại.



BÀI CHỌN LỌC

Bùa hộ mệnh kỹ thuật số: Cơn sốt kinh doanh Thần thánh