Các chuyên gia gióng lên hồi chuông cảnh báo về dự án cấy chip não của Elon Musk

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công nghệ cấy ghép não trong các bộ phim khoa học viễn tưởng đã bắt đầu trở thành hiện thực khi công ty khởi nghiệp Neuralink của Elon Musk đang chuẩn bị cho các thử nghiệm trên người. Chẳng bao lâu nữa, các thiết bị nhỏ như đồng xu có thể cho phép bệnh nhân vận hành máy tính chỉ bằng suy nghĩ của họ.

Nhưng theo Daily Beast, bất chấp đà phát triển không ngừng của dự án Neuralink, các nhà khoa học vẫn lo lắng về khả năng giám sát của công ty, tác động tiềm tàng đối với những người tham gia thử nghiệm và liệu xã hội có phải vật lộn với sự hợp nhất của Big Tech với bộ não con người hay không.

Tiến sĩ Karola Kreitmair, phó giáo sư về lịch sử y tế và đạo đức sinh học tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng có đủ ý kiến công khai về những tác động trên bình diện rộng lớn của loại công nghệ đang trở thành hiện thực này”.

Cô nói thêm: “Tôi lo lắng rằng có một sự kết hợp gượng gạo giữa một công ty hoạt động vì lợi nhuận… và những can thiệp y tế hy vọng sẽ giúp được mọi người”.

Mục đích ban đầu của công ty khởi nghiệp 5 tuổi là giúp giảm bớt gánh nặng cho người khuyết tật, như cho phép những người bị liệt điều khiển máy tính và thiết bị di động của họ thông qua hoạt động của não. Tuy nhiên, Musk đã nhắc đến những tham vọng lớn hơn rất nhiều trong tương lai. Ông từng vạch ra tầm nhìn của mình là giúp con người đạt được sự “cộng sinh” với trí tuệ nhân tạo để tránh bị máy móc “bỏ lại phía sau”.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo lắng về những tiến triển của Neuralink.

Tiến sĩ L. Syd Johnson, phó giáo sư tại Trung tâm Đạo đức Sinh học và Nhân văn tại Đại học Y khoa Upstate thuộc Đại học Bang New York (SUNY Upstate), nói với Daily Beast: “Đây là những sản phẩm rất thích hợp - nếu chúng ta thực sự chỉ nói về việc phát triển chúng cho những người bị liệt - thị trường nhỏ, các thiết bị đắt tiền. Nếu mục đích cuối cùng là sử dụng dữ liệu não thu được cho các thiết bị khác, hoặc sử dụng các thiết bị này cho những việc khác - ví dụ: để lái ô tô, lái xe Tesla - thì có thể có một thị trường lớn hơn rất nhiều”.

Bà tiếp tục: “Nhưng mặt khác tất cả các đối tượng nghiên cứu là con người - những người có nhu cầu thực sự - đang bị lợi dụng và sử dụng trong nghiên cứu đầy rủi ro vì lợi ích thương mại của người khác”.

Trong các cuộc phỏng vấn với The Daily Beast, một số nhà khoa học và học giả bày tỏ hy vọng thận trọng về việc Neuralink sẽ mang đến một liệu pháp mới cho bệnh nhân một cách có trách nhiệm, mặc dù mỗi người cũng nêu ra những vấn đề đạo đức quan trọng mà Musk và công ty vẫn chưa giải quyết đầy đủ.

Chẳng hạn như, Neuralink sẽ giải quyết ra sao nếu một người tham gia thử nghiệm lâm sàng thay đổi ý định và muốn rời khỏi nghiên cứu, hoặc phát triển các biến chứng không mong muốn.

Tiến sĩ Laura Cabrera, một nhà nghiên cứu đạo đức thần kinh tại Đại học bang Pennsylvania, cho biết: “Những gì tôi đã thấy trong lĩnh vực này là chúng ta thực sự giỏi trong việc cấy ghép [các thiết bị]. Nhưng nếu có vấn đề gì xảy ra, chúng ta thực sự không có công nghệ để phát hiện chúng” và loại bỏ chúng một cách an toàn mà không gây tổn thương cho não.

Các học giả đã trình bày chi tiết các câu hỏi bổ sung chưa được trả lời: Điều gì sẽ xảy ra nếu Neuralink hỏng sau khi bệnh nhân đã có thiết bị trong não của họ? Ai có quyền kiểm soát dữ liệu hoạt động não của người dùng? Điều gì xảy ra với dữ liệu đó nếu công ty được phép bán, đặc biệt là cho một pháp nhân nước ngoài? Các thiết bị cấy ghép sẽ tồn tại trong bao lâu và liệu Neuralink có hỗ trợ nâng cấp cho những người tham gia nghiên cứu cho dù các thử nghiệm có thành công hay không?

Tiến sĩ Johnson, thuộc SUNY Upstate, đã đặt câu hỏi liệu năng lực khoa học của startup có thể biện minh cho phát biểu cường điệu của họ hay không: “Nếu Neuralink tuyên bố rằng họ sẽ có thể sử dụng thiết bị của mình trong việc trị liệu để giúp đỡ những người khuyết tật, thì họ đang quảng cáo quá mức vì còn lâu mới có thể làm được điều đó”.

Các chuyên gia khác lưu ý về mối nguy hiểm rằng, nếu thiết bị cấy ghép bị hack hoặc virus chip máy tính tấn công, thì điều đó có thể khiến bệnh nhân không ổn định - hoặc tệ hơn.

Tiến sĩ Nita Farahany, một học giả về các công nghệ mới nổi tại Trường Luật Đại học Duke, cho biết: “Bộ não của chúng ta là thành trì cuối cùng của sự tự do, nơi cuối cùng của chúng ta có sự riêng tư”.

Tuy nhiên, các ứng dụng thương mại xa hơn của công nghệ cấy ghép não sẽ mang đến “nguy cơ bị các tập đoàn, chính phủ, những kẻ xấu lợi dụng”, Farahany nói thêm. “Vì vậy, khi bạn có một công ty như Neuralink, [công ty] đang nói về việc đi vào thử nghiệm trên người, tôi nghĩ rằng thực sự nên đưa cho thế giới cảnh báo rằng đã đến lúc phát triển các khái niệm thiết thực như tự do nhận thức”.

Những mối lo ngại này không chỉ là khoa học viễn tưởng nữa. Neuralink là một trong nhiều công ty khởi nghiệp đang chạy đua để hoàn thiện công nghệ não bộ, với các đối thủ cạnh tranh như Synchron và Neurable cũng đang đạt được những bước tiến lớn.

Tuy nhiên, công ty của Musk rất đáng để mắt đến vì “không cam kết tuân thủ đầy đủ các vấn đề đạo đức”, Veljko Dubljević, nhà nghiên cứu đạo đức của công nghệ thần kinh và trí tuệ nhân tạo tại Đại học Bang North Carolina, cho biết.

Tiến sĩ Cabrera cho biết: “Với những công ty và chủ sở hữu của những công ty này, họ là những người [giới thiệu sản phẩm]. Họ sẽ đưa ra những tuyên bố phóng đại, và tôi nghĩ điều đó thật nguy hiểm, bởi vì tôi nghĩ rằng đôi khi mọi người tin vào điều đó một cách mù quáng”.

Cô nói thêm: "Tôi luôn thận trọng về những gì [Elon Musk] nói”.

Văn Thiện

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Các chuyên gia gióng lên hồi chuông cảnh báo về dự án cấy chip não của Elon Musk