Các điểm bùng phát COVID-19 tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiến sĩ Amir Khan giải thích lý do tại sao các ca lây nhiễm gia tăng khắp khu vực Nam Á và vì sao nhiều phụ nữ mang thai nhiễm COVID ở Brazil tử vong. Ông cũng đưa ra một giải pháp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh và ý kiến về việc tiêm vaccine.

Tiến sĩ Amir Khan là bác sĩ tại Dịch vụ y tế quốc gia (NHS), Anh quốc. Ông còn là giảng viên cao cấp tại Đại học Y khoa Leeds và Đại học Bradford ở Vương quốc Anh.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, chúng tôi đã thấy tâm chấn của đại dịch COVID-19 di chuyển từ khu vực Viễn Đông sang châu Âu và Mỹ, và khi các nước phát triển triển khai tiêm chủng vaccine để thoát khỏi khủng hoảng của đại dịch, tâm chấn lại quay trở về và tấn công vào các quốc gia Nam Á kém phát triển hơn.

Ấn Độ

Ấn Độ ghi nhận và công khai số liệu các ca lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Sau khi từng bước nới lỏng các hạn chế trên khắp đất nước trong năm 2020, Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, tuyên bố đất nước đang ở "hồi kết" của đại dịch. Ngay sau tuyên bố táo bạo này, các buổi tụ họp tôn giáo và chính trị lớn đã được phép diễn ra, giãn cách xã hội ít được quan tâm và đó là nguyên nhân dẫn đến bùng phát số người mắc bệnh và tử vong.

Đại dịch lan tràn nhanh chóng ở Ấn Độ được cho là do biến thể B1.1.7 của virus nCoV, có nguồn gốc từ Anh. Biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn, lây lan nhanh hơn. Và đáng buồn thay, Ấn Độ đã tạo điều kiện cho virus lây lan trên một số lượng người lớn. Quan trọng hơn nữa, virus có cơ hội biến thể thêm một lần nữa.

Biến thể “đột biến kép” mới của Ấn Độ đã gây ra mối quan ngại trên toàn thế giới vì biến thể này được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn, tránh được biện pháp bảo vệ của vaccine và sự lây nhiễm trước đó.

Bất chấp vấn đề do dự tiêm chủng vaccine trong một số bộ phận dân cư, Ấn Độ đã có một kế hoạch khởi đầu đầy hứa hẹn cho chương trình tiêm chủng của mình. Tuy nhiên, với gánh nặng tai ương, Ấn Độ đã phải chịu nhiều áp lực về nguồn cung nguyên liệu thô từ Mỹ, nên đã phải vật lộn để theo kịp yêu cầu sản xuất vaccine.

Điều này đã dẫn đến một lượng lớn người dân không được chữa trị kịp thời; các bệnh viện nhanh chóng trở nên quá tải trong bối cảnh hỗn loạn, người dân không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Khi oxy và các loại thuốc điều trị bị thiếu ở mức độ nghiêm trọng và trở thành thứ hàng xa xỉ, tạo điều kiện cho thị trường chợ đen phát triển mạnh mẽ. Những kẻ vụ lợi bán vật tư y tế với giá cao ngất ngưởng, gây bao khó khăn cho những người đang cố gắng tìm cách chạy chữa cho người thân bị bệnh.

Các quốc gia trên thế giới đã nỗ lực gửi viện trợ y tế đến Ấn Độ để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng việc viện trợ này chỉ được thực thi sau khi Ấn Độ ghi nhận các ca tử vong kỷ lục mỗi ngày.

Pakistan

Các quốc gia Nam Á khác cũng đang bắt đầu chứng kiến sự gia tăng lây nhiễm COVID-19, thảm cảnh có thể tương tự như Ấn Độ. Ngay sát biên giới, nước láng giềng Pakistan, chỉ trong tháng 4/2021 đã phải chứng kiến số ca bệnh tăng mạnh, ghi nhận hơn 140.000 ca nhiễm mới và hơn 3.000 ca tử vong.

Pakistan là quốc gia có số dân 217 triệu người so với 1,37 tỷ người của Ấn Độ. Ngày 28/4/2021, đã ghi nhận 201 trường hợp tử vong, đây là con số được báo cáo cao nhất hàng ngày.

Với nhu cầu cao về giường bệnh đa năng ICU, người ta lo ngại rằng Pakistan có thể chịu số phận tương tự như nước láng giềng Ấn Độ. Nước này đã thoát khỏi hai đợt đại dịch trước đó một cách tương đối bình yên. Với mật độ dân số đông và nhiều vùng còn nghèo đói, các nhà khoa học không khỏi thắc mắc về tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong thấp của Pakistan trong năm 2020.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của virus biến thể Anh, cũng như sự thờ ơ của người Pakistan về loại virus này đã dẫn đến số ca nhiễm bệnh tăng cao trong những ngày gần đây.

Thủ tướng Pakistan, Imran Khan, đã khuyến khích các biện pháp giãn cách xã hội, sau cuộc họp của Ủy ban Điều phối Quốc gia vào ngày 23/4/201, ông nói: “Tôi kêu gọi người dân tuân thủ đúng quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) để chúng ta không phải thực hiện các bước phong tỏa như Ấn Độ đang áp dụng. Một nửa vấn đề sẽ được giải quyết khi người dân đeo khẩu trang”.

Thủ tướng Khan tranh thủ sự giúp đỡ của quân đội Pakistan để hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong việc đảm bảo các quy trình vận hành tiêu chuẩn được công chúng tuân thủ, bao gồm: Các trường học ở các quận có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn 5% vẫn phải đóng cửa cho đến ngày lễ hội Hồi giáo Eid al-Fitr diễn ra vào tháng 5; chợ đóng cửa lúc 18 giờ (trừ các cửa hàng thiết yếu và nhà thuốc); ăn uống tập thể trong nhà và ngoài trời bị cấm cho đến ngày lễ hội Hồi giáo (chỉ cho phép mua mang đi và giao hàng tận nơi); văn phòng đóng cửa từ 2 giờ chiều và giảm số lượng nhân sự 50%; và tất cả các chuyến bay đến Ấn Độ đều ngừng khai thác.

Vào những ngày lễ hội Hồi giáo Eid al-Fitr diễn ra vào tháng 5, mọi người thường mua sắm và giao lưu nhiều hơn, làm dấy lên lo ngại. Do vậy, người dân đang được khuyến khích tổ chức lễ hội đơn giản hơn và nhỏ hơn trong năm nay.

Chương trình tiêm chủng của Pakistan tiến triển chậm, người dân còn ngần ngại và thờ ơ do số người tử vong trong 2 đợt dịch trước thấp. Nước này đã chấp thuận sử dụng vaccine Sinopharm của Trung Quốc cũng như vaccine Sputnik V của Nga. Dự kiến cũng sẽ nhận được hàng triệu liều vaccine Oxford-Astra Zeneca thông qua chương trình COVAX toàn cầu. Cho đến nay, mới chỉ có 1% dân số được tiêm chủng thông qua chương trình miễn phí của chính phủ hoặc những cá nhân có đủ khả năng chi trả.

Tháng Ramadan, một tháng liên quan đến việc nhịn ăn trong ngày nhưng lại gia tăng số người tụ hội trong nhà hay các nơi hành lễ vào buổi tối và cùng với việc chuẩn bị cho lễ hội Hồi giáo Eid, là dịp để kiểm nghiệm kết quả phòng chống dịch của Pakistan.

Nếu các nhà chức trách không thể khiến công chúng tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, quốc gia này có thể phải chịu chung số phận với nước láng giềng Ấn Độ.

Bangladesh

Nằm ở biên giới phía đông của Ấn Độ là Bangladesh, đất nước với 163 triệu người dân. Quốc gia này cũng không bị tổn thất nhiều trong các đợt dịch năm 2020, người dân có phần tự mãn trước virus và không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Dịch bệnh bùng phát tại Bangladesh trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua khiến chính phủ phải áp đặt các hạn chế mới trên toàn quốc. Ngày 19/4/2021, Bangladesh ghi nhận 112 người tử vong, con số cao nhất trong ngày. Lệnh phong tỏa đã được thực hiện từ ngày 14/4/2021.

Kể từ khi xuất hiện các ca bệnh và có dấu hiệu gia tăng, chính phủ đã áp đặt các hạn chế, bao gồm cấm tụ tập nơi công cộng ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao và lệnh cấm đi lại (đến và đi) từ các quốc gia có nguy cơ cao. Kế hoạch bầu cử tại một số khu vực đã bị tạm hoãn. Việc tiêm chủng đang được triển khai nhưng tiến triển chậm, khoảng 8 triệu liều đã được tiêm, và chỉ có 2,81 triệu người đã được tiêm cả hai liều vaccine.

Bangladesh hy vọng rằng tình hình dịch bệnh của Ấn Độ không tràn qua biên giới và hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị quá tải. Chính phủ và ngành y tế cần phải làm việc tận sức hơn để thuyết phục người dân cẩn trọng đối với loại virus này và cần phải tuân thủ các quy định trong công tác phòng chống dịch.

Nepal, Afghanistan và Sri Lanka

Các nước lân cận như Nepal, Afghanistan và Sri Lanka đã ghi nhận các ca lây nhiễm khiêm tốn hơn trong tháng 3/2021 và đã nhận được vaccine thông qua một số con đường viện trợ, nhưng còn phải xem liệu những gì đang xảy ra ở Ấn Độ có lặp lại ở những nước này hay không.

Nhiều quốc gia đã và đang tiếp tục gửi viện trợ cho Ấn Độ. Cả thế giới đang dõi theo diễn biến tại khu vực Nam Á này. Việc ngăn chặn đại dịch ở một số nước gần như là điều không thể. Sự di chuyển của người và hàng hóa, cùng với thực tế là một trong ba người nhiễm coronavirus không có biểu hiện triệu chứng, có nghĩa là virus có khả năng vượt qua biên giới.

Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh được triển khai bởi chính phủ các nước đều rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Đại dịch toàn cầu này sẽ không kết thúc cho đến khi nó kết thúc ở khắp tất cả mọi nơi. Điều này có nghĩa là các quốc gia cần đặt lợi ích toàn cầu lên trên lợi ích quốc gia.

Tại sao nhiều phụ nữ mang thai nhiễm COVID tử vong ở Brazil?

Dù phần lớn sự tập trung của thế giới vẫn đang dõi theo diễn biến ở khu vực tiểu lục địa Ấn Độ, nhưng vẫn không sao lãng tình hình dịch bệnh tại các khu vực khác trên thế giới.

Brazil, đất nước có 211 triệu người dân, là một trong những quốc gia phủ nhận về số lượng ca mắc tăng vọt, tình hình tại Brazil rất nghiêm trọng.

Đặc biệt, một diễn biến đáng lo ngại là số lượng các bà mẹ mang thai hoặc bà mẹ mới sinh con sau khi bị nhiễm COVID-19 có số lượng tử vong cao. Một số do bị đông máu. Hơn 800 bà mẹ trong tình trạng như vậy đã tử vong và hơn một nửa trong số đó tử vong kể từ tháng 2/2021. Brazil đang bước vào giai đoạn chết chóc nhất của đại dịch.

Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức, một quan chức Bộ Y tế, Raphael Parente, cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 16/4/2021: "Nếu có thể, hãy trì hoãn việc mang thai cho đến thời điểm tốt hơn". Liên quan đến biến thể ở Brazil - ký hiệu P1, được cho là lây truyền nhanh hơn và có thể tránh được một số kháng thể được tạo ra thông qua tiêm chủng và nhiễm bệnh trước đó. “Kinh nghiệm lâm sàng của các bác sĩ chuyên khoa cho thấy rằng biến thể mới này hoạt động tích cực hơn ở phụ nữ có thai”, ông Parente cho biết thêm.

Bản thân việc mang thai đã làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và tăng nguy cơ lây nhiễm. Trong khi đó, dịch vụ y tế của Brazil đang phải gánh chịu áp lực quá tải do số lượng lớn người bị nhiễm COVID-19. Do vậy, mọi người và kể cả phụ nữ mang thai ngày càng khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Thêm nữa, đất nước này đã có sự bất bình đẳng trong lịch sử đối với việc chăm sóc y tế dành cho các bà mẹ mang thai.

Bản thân việc mang thai đã làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Bản thân việc mang thai đã làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19. (Ảnh minh họa: Gulcinglr/Pixabay)

Khi làn sóng phản đối kịch liệt của dân chúng - Brazil mới ưu tiên phụ nữ mang thai được tiêm chủng vaccine COVID-19. Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng đã diễn ra chậm chạp do ảnh hưởng bởi việc giao hàng không đúng kế hoạch. Cho đến nay chỉ có 10% số người trưởng thành được tiêm cả hai liều.

Hành trình vượt qua đại dịch của Brazil còn nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước. Các nhà lãnh đạo cần phải đẩy mạnh nghiêm túc hơn nữa việc phòng chống đại dịch và cộng đồng quốc tế nên cùng tham gia hỗ trợ. Biến thể P1 của Brazil là mối nguy hiểm đối với tất cả chúng ta, một lần nữa cho thấy rằng loại virus này còn có những thủ đoạn khó lường riêng của nó.

Trường hợp của gia đình tôi (Tiến sĩ Amir Khan): Lo sợ cho người thân đang ở Ấn Độ

Những người có người thân đang ở Ấn Độ đều không thể cầm lòng khi chứng kiến đất nước bị tàn phá bởi làn sóng dịch bệnh. Mỗi lần tôi nhận được tin tức mới, giống như nhiều người có gia đình ở Ấn Độ, trái tim tôi lại vô cùng sợ hãi. Nó giống như xem một thảm kịch diễn ra ở tận nửa vòng bên kia trái đất, nơi những người thân yêu của chúng tôi đang ở đó.

Chúng tôi nói chuyện với người thân của mình ở Ấn Độ hàng ngày. Họ ở thị trấn Saharanpur, bang Uttar Pradesh, phía Bắc của đất nước. Ban đầu, chính họ là người lo lắng cho tình hình chúng tôi ở Anh quốc, khi tỷ lệ tử vong gia tăng mạnh mẽ trong những tháng mùa đông. Họ gọi điện thường xuyên để xem liệu chúng tôi có ổn không.

Mỗi khi nghe họ hỏi thăm: “Tin tức cho biết ở Anh quốc đang chết hàng nghìn người”, chúng tôi đều trấn an họ rằng chúng tôi đã đề phòng và sẽ ổn. Thời điểm chúng tôi đang phải chiến đấu với virus ở Anh thì gia đình chúng tôi ở Ấn Độ vẫn thản nhiên tiến hành công việc kinh doanh như bình thường.

Nhưng khi Anh thực hiện các biện pháp ngăn chặn và tích cực tiêm chủng, tình hình đã đảo ngược. Một đêm, mẹ tôi, Mama Khan, hầu như mỗi ngày đều nói chuyện với anh em họ của bà ở Ấn Độ, cho tôi biết rằng bà rất lo lắng vì các ca lây nhiễm tại các thành phố lớn của Ấn Độ đều đang gia tăng mạnh mẽ. Thời điểm này, công suất tại các bệnh viện quá tải cũng không còn là điều mới mẻ gì nữa. Tôi trấn an bà: “Mẹ đừng lo lắng, gia đình chúng ta sẽ ổn cả thôi”. Và tôi cũng hiểu rằng điều đó khó có thể là sự thật.

Những cuộc điện thoại từ Ấn Độ trở nên thường xuyên hơn. Mẹ tôi vội vàng thông tin cho tôi trong nước mắt. Một người bạn của gia đình ở Delhi bị bệnh COVID-19 và phải nhập viện. May mắn thay, khi ấy các ca lây nhiễm chưa tăng vọt và giường bệnh vẫn còn trống.

Người dân thị trấn Saharanpur không chỉ bị yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc cách giãn cách xã hội, đeo khẩu trang mà còn phải ở trong nhà nhiều nhất có thể.

Gia đình người thân của chúng tôi ở Ấn Độ không khá giả lắm - họ sở hữu một cửa hàng nội thất nhỏ ở trung tâm thị trấn và không có kế sinh nhai nào khác. Do vậy, giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc thu nhập của họ bị giảm đáng kể, cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn. Họ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục mở cửa hàng để kiếm tiền hay đóng cửa hàng để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh chết người này. Tôi biết nếu phải đối mặt với quyết định tương tự, tôi sẽ hy sinh bản thân để gia đình có đủ tiền duy trì cuộc sống và họ cũng đã làm như vậy. Hàng triệu người Ấn Độ đã phải đối mặt với quyết định khó khăn tương tự, và điều này đã góp phần làm tăng số ca lây nhiễm.

Khi mẹ tôi nói rằng người thân ở Ấn Độ vẫn mở cửa hàng và làm việc bất chấp rủi ro, chúng tôi quyết định đã đến lúc phải giúp đỡ họ. Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi sẽ gửi tiền để họ có thể ở nhà. Tôi hiểu điều này đã đặt họ vào một vị thế được ưu tiên bất thường bởi còn rất nhiều người trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ không được hỗ trợ như vậy, nhưng tôi cũng cảm thấy chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác.

Bạn đọc nếu có gia đình hay người thân đang ở Ấn Độ, chúng ta có lẽ đều có chung một loại cảm giác, mỗi khi điện thoại đổ chuông, trái tim chúng ta lại nhảy loạn xạ và mất kiểm soát. Cũng như mỗi lần nghe tin tức ở đó xấu đi, chúng ta lại lo lắng cho những người thân yêu của mình. Cảm giác này không thể trở thành quen được.

Tin tốt lành: Đánh răng có thể giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Anh, Nam Phi và Mỹ đã phát hiện ra rằng đánh răng có thể có giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và giảm tính nghiêm trọng khi bị lây nhiễm.

Phát hiện được công bố trên Tạp chí Y học răng miệng và Nghiên cứu Nha khoa, nhóm nghiên cứu cho rằng vệ sinh răng miệng kém và bệnh nướu răng cho phép coronavirus dễ dàng tiếp cận trực tiếp với máu và các mạch máu của phổi, có thể gây viêm và tổn thương phổi. Chụp CT từ các bệnh nhân mắc bệnh phổi liên quan đến COVID-19 cho thấy các mạch máu trong phổi bị ảnh hưởng trước khi phổi bị tổn thương.

Bệnh nướu răng là do sự tích tụ của các mảng bám - một màng mỏng vi khuẩn làm tổn thương nướu răng nếu không vệ sinh răng miệng cẩn thận và đúng cách.

Bệnh nướu răng có thể khiến các mạch máu bên dưới niêm mạc nướu bị vỡ. Nếu người bị nướu răng không may nhiễm coronavirus thì các phần tử virus có thể được tìm thấy trong nước bọt của họ. Virus có thể di chuyển trực tiếp từ nước bọt đến các mạch máu dưới nướu. Các phần tử virus di chuyển tiếp theo đường máu đến tim và sau đó là phổi, nơi chúng có thể gây tổn thương phổi. Điều này có thể giải thích tại sao một số người bị tổn thương phổi do COVID-19 và những người khác thì không.

Các nhà khoa học cho biết cần phải nghiên cứu chi tiết hơn nữa vấn đề này, trong thời gian chờ đợi, chúng ta cần chú trọng các biện pháp vệ sinh răng miệng hàng ngày và sử dụng nước súc miệng, điều này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe răng miệng mà còn giảm nguy cơ phát triển bệnh phổi nếu không may nhiễm phải COVID-19.

Câu hỏi của độc giả: Tôi làm việc tại trung tâm chăm sóc sức khỏe. Đồng nghiệp của tôi từ chối chích ngừa vaccine COVID - họ có cần phải tiêm không?

Đây là một câu hỏi khó vì nó thuộc về vấn đề đạo đức hơn là vấn đề y tế đơn thuần.

Tôi làm việc với tư cách là một bác sĩ và tôi đã tiêm chủng vắc xin COVID-19 không chỉ để bảo vệ bản thân và những người thân yêu của tôi mà còn là một phần nghĩa vụ, trách nhiệm trong công việc chăm sóc bệnh nhân của tôi.

Nhiều bệnh nhân của tôi có bệnh lý tiềm ẩn, tương tự như những người sống trong các trung tâm chăm sóc, là những cao tuổi hoặc khuyết tật cần được chăm sóc toàn thời gian, nếu chúng ta vô tình truyền coronavirus cho họ, họ có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng.

Những nhân viên chăm sóc đã làm một công việc đáng kinh ngạc trong 12 tháng qua, họ đã duy trì công việc để chăm sóc những người dễ bị tổn thương này. Ở các quốc gia như Anh quốc, hầu hết những người tại trung tâm chăm sóc này đều đã được tiêm vaccine, tăng thêm cho họ một mức độ bảo vệ, nhưng không có nghĩa là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho họ, và không phải tất cả 100% số người tại đó đều được tiêm chủng. Nếu những người tại trung tâm chăm sóc đều được tiêm phòng vaccine, họ sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng nếu nhiễm COVID.

Tôi không cho rằng rằng tiêm chủng vaccine là phải bắt buộc; mà cần phải có sự đồng ý của người tiêm chủng. Điều chúng ta cần ở đây là hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ để mọi người hiểu được lợi ích của việc chủng ngừa và quan trọng hơn, chúng ta cần tích cực hơn nữa trong việc ngăn chặn những thông tin sai lệch về vaccine.

Có rất nhiều thông tin sai lệch một cách đáng kinh ngạc và dễ dàng tìm kiếm trên internet về COVID-19 cũng như vaccine. Với những người còn do dự trong việc tiêm chủng vaccine, cung cấp cho họ thông tin, giải thích chính xác và khoa học về vaccine sẽ tốt hơn nhiều so với việc ép buộc họ phải tiêm chủng.

May May

Tác giả: Tiến sĩ Amir Khan

Theo Aljazeera

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Các điểm bùng phát COVID-19 tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu?