Các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác chống lại sự cạnh tranh của Trung Quốc để sản xuất xe tải điện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Isuzu và Hino, hai nhà sản xuất xe nổi tiếng của Nhật Bản, sẽ tham gia thị trường xe tải nhẹ không khí thải vào năm 2022. Hino sẽ ra mắt xe tải Dutro Z EV vào mùa hè trong khi Isuzu sẽ tung ra phiên bản chạy điện của chiếc xe tải Elf phổ biến vào năm sau. Những chiếc xe tải điện này sẽ có công suất từ hai đến bốn tấn.

Vào tháng 3, Hino, Isuzu và Toyota đã công bố mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực xe thương mại, qua đó ba công ty sẽ hợp tác về công nghệ điện, kết nối, xe tự động lái và pin nhiên liệu. Hino là bộ phận xe tải của Toyota. Cùng với nhau, ba công ty này chiếm gần 80% thị trường xe tải ở Nhật Bản. Công ty hợp tác mới sẽ do Toyota sở hữu 80%, trong đó Isuzu và Hino chia đều 20% còn lại.

Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota, cho biết trong một tuyên bố rằng: “Bằng cách tạo ra sự hợp tác 3 công ty này, mục tiêu của chúng tôi là hợp lý hóa ngành công nghiệp hậu cần (logistic) ở Nhật Bản và hơn thế nữa trong khi hướng tới tính trung hòa carbon và phát triển các chiến lược C.A.S.E. thế hệ tiếp theo bao gồm EV (trạm xạc điện), công nghệ kết nối và tự động. Đúng là Isuzu và Hino là đối thủ của nhau trong lĩnh vực kinh doanh xe tải, nhưng sau khi tôi mời họ tham gia sự hợp tác của chúng tôi, họ đã hiểu rằng làm việc cùng nhau là kế hoạch hành động tốt nhất để cải thiện ngành vận tải”.

Hai công ty Nhật Bản khác là Daihatsu Motor và Suzuki Motor cũng đã tham gia liên minh do Toyota dẫn đầu nhằm thúc đẩy thị trường xe điện tại Nhật Bản. Các nhà sản xuất của Nhật cho đến nay vẫn chậm chạp trong việc chế tạo xe tải chạy hoàn toàn bằng điện vì nhiều lý do khác nhau; một là chi phí pin cao. Một bộ pin có thể chiếm khoảng 30 đến 50 phần trăm tổng chi phí của một chiếc xe. Vấn đề càng tệ hơn khi xe tải yêu cầu nhiều pin vì chúng được chế tạo để di chuyển quãng đường dài khi chở nặng.

Xe tải điện của một nhà sản xuất Nhật Bản có giá gần như gấp đôi so với các lựa chọn thông thường, điều này khiến việc bán hàng trở nên khó khăn trừ khi có trợ cấp từ chính phủ. Trong vấn đề giá cả, xe tải Trung Quốc là một đối thủ khó khăn. SG Holdings, công ty mẹ của công ty dịch vụ vận tải Sagawa Express của Nhật Bản, đã đặt hàng 7.200 xe tải hạng nhẹ từ một công ty Trung Quốc sẽ giao xe với giá từ 1,3 triệu yên (11,900 đô la) đến 1,5 triệu yên (13,735 đô la) mỗi chiếc.

Vào tháng 7, HW Electro của Nhật Bản đã ra mắt một chiếc xe tải điện hạng nhẹ với mức giá từ hai đến ba triệu yên, cao gấp hai lần giá của một chiếc xe từ Trung Quốc. Với điều kiện các tính năng, chất lượng và dịch vụ khách hàng đều giống nhau, xe tải do Trung Quốc sản xuất sẽ có lợi thế hơn so với xe Nhật. Do đó, Hino, Isuzu và Toyota sẽ phải đẩy mạnh cuộc chơi của mình để duy trì vị thế thống trị của họ trên thị trường xe tải trong nước.

Kiểm soát khí thải của chính phủ

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với xe tải điện của các nhà sản xuất xe Nhật Bản diễn ra khi nước này đã đề ra 'chiến lược tăng trưởng xanh' nhằm giảm lượng khí thải carbon. Một kế hoạch được công bố vào tháng 12 đã nói rằng Nhật Bản sẽ đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050. Vào tháng 6, Tokyo đã sửa đổi kế hoạch, tập trung vào việc thúc đẩy việc sử dụng xe điện cho mục đích thương mại và sử dụng nhiên liệu trung tính carbon.

Chính phủ đang đặt mục tiêu có 5.000 xe tải điện từ 8 tấn trở lên được triển khai trên toàn quốc vào năm 2030. Chính sách cho xe tải lớn hơn cũng sẽ được đặt ra. Chính quyền đã lên kế hoạch cấm bán ô tô chỉ chạy xăng và chuyển sang sử dụng xe điện vào năm 2035.

Thủ tướng Yoshihide Suga đã cam kết giảm 46% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 2013. Điện khí hóa các phương tiện là một phần quan trọng trong kế hoạch cắt giảm khí thải của chính phủ. Năm 2019, 36,8% phát thải CO2 trong lĩnh vực giao thông vận tải là do xe tải và các phương tiện vận chuyển hàng hóa khác gây ra. Thị phần xe du lịch là 45,9%.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện, Nhật Bản sẽ mở rộng các trạm sạc EV từ 30.000 lên 150.000 vào năm 2030. Các trạm nhiên liệu hydro sẽ tăng từ 150 lên 1.000. Vào tháng 5, chính phủ cũng đã công bố khoản đầu tư 370 tỷ yên (3,4 tỷ USD) vào hai dự án nhằm thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hydro. Nước này đang tìm cách tăng nhu cầu hydro từ 2 triệu tấn lên 3 triệu tấn vào năm 2030 và 20 triệu tấn vào năm 2050.

Theo Reuters, “Một trong số các dự án sẽ là dự án lên tới 300 tỷ yên để tạo ra một chuỗi cung cấp hydro quy mô lớn và thúc đẩy nhu cầu về nhiên liệu sạch. Dự án 70 tỷ yên còn lại sẽ phát triển một hệ thống sản xuất hydro quy mô lớn, tiết kiệm chi phí bằng phương pháp điện phân nước sử dụng điện có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo”.

Theo Vision Times

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác chống lại sự cạnh tranh của Trung Quốc để sản xuất xe tải điện