Các lỗ đen thu nhỏ có thể từng va chạm vào Mặt trăng, nghiên cứu mới tiết lộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà nghiên cứu nói rằng các lỗ đen thu nhỏ từ vũ trụ sơ khai có thể gây ra những vết lõm hay hố va chạm trên Mặt trăng, và chúng có thể tiết lộ một số hiểu biết đột phá về vật chất tối. 

Theo Futurism, các nhà khoa học, những người đã công bố bài báo về phát hiện của họ trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Tạm dịch: Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia), tin rằng những đám lỗ đen siêu nhỏ nói trên có kích thước bằng nguyên tử và hình thành ngay sau Vụ nổ lớn. Khi những vật thể siêu đậm đặc này di chuyển khắp vũ trụ, chúng có thể đã đến được hệ Mặt trời của chúng ta và gây ra các vết lõm trên Mặt trăng.

Các tác giả của nghiên cứu nói thêm rằng những lỗ đen nhỏ này có khả năng cũng đã va chạm vào các thiên thể khác, bao gồm cả Trái đất. Tuy nhiên, do bầu khí quyển mỏng, Mặt trăng không được bảo vệ tốt trước các vụ va chạm như hành tinh của chúng ta.

Almog Yalinewich, nhà vật lý tại Viện Vật lý Thiên văn Lý thuyết Canada và đồng tác giả của bài báo, nói với CNET: “Về nguyên tắc, không có gì đặc biệt đối với Mặt trăng - lý do duy nhất chúng tôi dẫn chứng Mặt trăng là vì nó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Một số mặt trăng của sao Hải Vương và sao Mộc, hoặc sao Thủy, cũng có thể là những ứng viên sáng giá”.

Các tác giả của bài báo tin rằng bằng chứng về những lỗ đen thu nhỏ này cũng có thể làm sáng tỏ vật chất tối, thứ nhiều nhà vật lý tin rằng chiếm phần lớn vật chất trong vũ trụ mặc dù họ vẫn chưa thể quan sát được.

Một số nhà khoa học tin rằng vật chất tối được tạo thành từ "các lỗ đen được hình thành từ sự dao động mật độ trong vũ trụ sơ khai", theo bài báo. Như vậy, nếu lỗ đen nhỏ từ vũ trụ sơ khai đã gây ra các hố va chạm trên Mặt trăng, chúng có thể để lại bằng chứng về vật chất tối đằng sau.

Matt Caplan, trợ lý giáo sư vật lý tại Đại học bang Illinois và đồng tác giả của nghiên cứu, nói với CNET: “Bạn có thể tìm bụi của các pha thạch anh và silicat khác nhau mà bình thường bạn sẽ không thể tạo ra. Đá đập vào nhau sẽ không nóng như vậy”.

Các nhà nghiên cứu tin rằng các sứ mệnh có người lái lên Mặt trăng, chẳng hạn như chương trình Artemis sắp tới của NASA, sẽ cho phép họ tìm thấy và nghiên cứu những hố va chạm này - và cuối cùng làm sáng tỏ bản chất bí ẩn của vật chất tối.

Hố va chạm trên Mặt trăng

Bề mặt Mặt trăng cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng nó đã bị ảnh hưởng nhiều bởi các sự kiện va chạm thiên thạch. Các hố va chạm hình thành khi các thiên thạch và sao chổi va chạm vào bề mặt Mặt trăng. Nói chung, vệ tinh của Trái đất có khoảng nửa triệu hố va chạm với đường kính hơn 1 km.

Vì Mặt trăng không có khí quyển, thời tiết và các hoạt động địa chất gần đây nên nhiều hố va chạm được bảo tồn trong trạng thái khá tốt so với những hố va chạm trên bề mặt Trái đất.

Hố va chạm lớn nhất trên Mặt trăng, cũng là một trong các hố va chạm lớn nhất đã được biết đến trong hệ Mặt trời, là Vùng trũng Nam cực-Aitken. Vùng này nằm ở phía mặt không nhìn thấy của Mặt trăng, có đường kính khoảng 2.240 km và sâu khoảng 13 km. Các vùng trũng va chạm lớn ở phía bề mặt nhìn thấy được gồm Imbrium, Serenitatis, Crisium và Nectaris.

Hầu hết các hố va chạm trên Mặt Trăng được đặt theo tên người, bao gồm tên các học giả, nhà khoa học, nhà thám hiểm, nhà nghệ thuật nổi tiếng. Thói quen này bắt đầu từ năm 1645.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Các lỗ đen thu nhỏ có thể từng va chạm vào Mặt trăng, nghiên cứu mới tiết lộ