Các nhà thiên văn phát hiện một vòng tròn vô tuyến bí ẩn có thể đến từ thiên hà khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu của Đại học Western Sydney cùng với một nhóm chuyên gia quốc tế đã phát hiện ra một vòng tròn bí ẩn gần thiên hà lân cận của chúng ta. Đây có thể là trường hợp đầu tiên được biết đến về Tàn dư Siêu tân tinh giữa các thiên hà - tàn tích của một ngôi sao đã phát nổ có thể lên tới 7.000 năm tuổi.

Vật thể mới phát hiện có biệt danh là Tàn tích Siêu tân tinh “lang thang” và tên gọi là J0624–6948. Theo các nhà khoa học, nó nhiều khả năng nằm trong Đám mây Magellan Lớn (LMC) - một thiên hà vệ tinh của hệ Ngân Hà.

Ngoài ra, vị trí kỳ lạ của vật thể khiến các nhà khoa học chưa quan sát được nguồn gốc trước đây của nó.

Tác giả chính, Giáo sư Miroslav Filipovic từ Đại học Western Sydney cho biết khám phá này rất thú vị và đặt ra nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Ông nói: “Ban đầu, khi phát hiện ra vật thể vô tuyến hình tròn gần như hoàn hảo này, chúng tôi nghĩ rằng nó là một ORC khác (Vòng tròn vô tuyến kỳ lạ) nhưng sau những quan sát bổ sung, rõ ràng vật thể này có nhiều khả năng là một thứ gì đó khác”.

Vòng tròn trong phát hiện mới có sự khác biệt đáng kể so với năm vật thể ORC đã biết trước kia - chỉ số quang phổ vô tuyến phẳng hơn, thiếu thiên hà trung tâm làm vật chủ và có kích thước biểu kiến ​​lớn hơn. Điều này cho thấy nó có thể là một loại vật thể khác.

Giáo sư Filipovic nói thêm: “Lời giải thích hợp lý nhất là vật thể này là Tàn dư của Siêu tân tinh giữa các thiên hà do một ngôi sao phát nổ cư trú ở vùng rìa của Đám mây Magellan Lớn đã trải qua một siêu tân tinh loại Ia thoái hóa đơn nhất liên quan đến vụ nổ của hai ngôi sao quay quanh nhau”.

Siêu tân tinh loại Ia (đọc là “loại một-A”) là một trong các loại siêu tân tinh xảy ra từ vụ bùng nổ của sao lùn trắng. Sao lùn trắng là tàn dư của một ngôi sao ở cuối đời của nó và không còn phản ứng tổng hợp hạt nhân ở trong nhân ngôi sao nữa. Mặc dù vậy, các sao lùn trắng với thành phần cacbon-oxy có khả năng tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân và giải phóng một lượng năng lượng lớn nếu nhiệt độ bên trong ngôi sao đủ cao.

Ông Filipovic nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi đã xem xét các kịch bản khác, chẳng hạn như vật thể này có thể đại biểu cho tàn tích của hoạt động siêu bùng phát từ một ngôi sao gần chúng ta và cũng thuộc hệ Ngân Hà (chỉ cách Mặt trời 190 năm ánh sáng) xảy ra chỉ vài thế kỷ trước, hoặc giả thuyết cho rằng trên thực tế nó có thể là một ORC lớn hơn nhiều thông thường.

“Những gì chúng tôi có khả năng phát hiện sau đó là tàn tích độc nhất của siêu tân tinh đã mở rộng thành một môi trường hiếm gặp giữa các thiên hà - một môi trường mà chúng tôi không kỳ vọng tìm thấy trong một vật thể như vậy. Ước tính của chúng tôi cho thấy vật thể có độ tuổi khoảng 2200 đến 7100 năm tuổi”.

J0624–6948 lần đầu tiên được phát hiện bằng mảng kính thiên văn của Úc có tên là Australian Square Kilometre Array Pathfinder (ASKAP). Đây là một trong một số kính thiên văn vô tuyến thế hệ mới mà dữ liệu nó thu được giúp chúng ta biết thêm về các thuộc tính kỳ lạ khác của Vũ trụ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Monthly Notices của Hội Thiên văn Hoàng gia Anh.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà thiên văn phát hiện một vòng tròn vô tuyến bí ẩn có thể đến từ thiên hà khác