Các nhà thiên văn phát hiện tia laser cực mạnh trong không gian cách Trái đất 5 tỷ năm ánh sáng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một tia laser cực mạnh, được gọi là megamaser, trong không gian.

Đây là megamaser xa nhất từng được quan sát khi nó đến từ một nơi cách Trái đất 5 tỷ năm ánh sáng. Ánh sáng của tia laser không gian cực mạnh này đã đi một quãng đường khổng lồ dài 36 nghìn tỷ tỷ dặm (58 nghìn tỷ tỷ km) để đến hành tinh của chúng ta.

Sử dụng kính thiên văn MeerKAT thuộc Đài quan sát thiên văn vô tuyến Nam Phi, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế do do Tiến sĩ Marcin Glowacki dẫn đầu đã quan sát được tia sáng này. Glowacki hiện là một trợ lý nghiên cứu tại nút Đại học Curtin của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến ở Úc.

Các megamaser được tạo ra khi hai thiên hà đâm vào nhau. Glowacki cho biết đây là megamaser hydroxyl đầu tiên mà MeerKAT quan sát được. Hydroxyl, một gốc hóa học bao gồm một nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy, có thể được tìm thấy trong các vụ sáp nhập thiên hà.

Glowacki cho biết trong một tuyên bố: “Khi các thiên hà va chạm, các đám khí bên trong chúng trở nên cực kỳ đậm đặc và có thể kích hoạt các chùm ánh sáng cường độ cao bắn ra ngoài”.

Nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho tia laser là Nkalakatha, có nghĩa là "big boss" (tạm dịch: ông chủ lớn) trong tiếng isiZulu của người Zulus ở Nam Phi.

Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra megamaser vào đêm đầu tiên của cuộc khảo sát kéo dài hơn 3.000 giờ quan sát bằng MeerKAT.

Glowacki nói: “Thật ấn tượng khi chỉ trong đêm đầu tiên quan sát, chúng tôi đã tìm thấy một megamaser xa kỷ lục. Điều đó cho thấy kính thiên văn tốt như thế nào”.

Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục sử dụng MeerKAT để quan sát kỹ các khu vực hẹp trên bầu trời và tìm kiếm các nguyên tố tương tự được quan sát trong megamaser. Công việc này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về quá trình vũ trụ phát triển.

Glowacki cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch cho những quan sát tiếp theo về megamaser và hy vọng sẽ thu được nhiều khám phá hơn nữa”.

Kính thiên văn MeerKAT, đặt tại vùng Karoo của Nam Phi, bao gồm một loạt 64 đĩa vô tuyến và bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2018.

MeerKAT là tiền thân của kính thiên văn SKA (Square Kilometre Array), một kính viễn vọng đang được xây dựng ở cả Nam Phi và Úc với kỳ vọng có thể giúp các nhà thiên văn học khảo sát toàn bộ bầu trời nhanh hơn nhiều so với các kính thiên văn khác.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà thiên văn phát hiện tia laser cực mạnh trong không gian cách Trái đất 5 tỷ năm ánh sáng