Các tàu đánh cá Trung Quốc đã lấy 1/2 tỷ đô la mực bất hợp pháp từ Bắc Triều Tiên.

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một “hạm đội tàu đen’’ gồm hàng trăm tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt cá trái phép hơn nửa tỷ đô la mực ở vùng biển Bắc Triều Tiên kể từ năm 2017, theo một nghiên cứu mới sử dụng công nghệ vệ tinh, quan sát trên mặt nước và khoa học máy tính để theo dõi các tàu đánh cá không được báo cáo. 

Việc đánh bắt cá bất hợp pháp này đã đẩy các tàu đánh cá nhỏ của Bắc Triều Tiên phải vào hoạt động tại vùng biển nguy hiểm giáp với Nga và góp phần làm giảm mạnh nguồn mực bay tại khu vực biển Nhật Bản.

Đánh bắt cá bất hợp pháp là vấn đề toàn cầu

Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát là một vấn đề toàn cầu. Nó đe dọa nguồn cá, hệ sinh thái biển, sinh kế và an ninh lương thực của các cộng đồng đánh cá hợp pháp trên toàn thế giới. Loại đánh bắt cá này rất khó để các chính phủ giải quyết, vì nó thường được thực hiện bởi các “đội tàu đen’’ của các tàu không xuất hiện trong các hệ thống giám sát công cộng.

Tuy nhiên, phó giáo sư Quentin Hanich, Đại học Wollongong đã làm việc với một nhóm các nhà khoa học từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Mỹ, đã nghĩ ra một cách tiếp cận mới để theo dõi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp này. Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp này để xác định hơn 900 tàu có nguồn gốc từ Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển Bắc Triều Tiên vào năm 2017 và hơn 700 tàu vào năm 2018. Nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Science Advances.

Khi tàu Trung Quốc đánh cá ở vùng biển Bắc Triều Tiên, thì tàu cá của Bắc Triều Tiên phải di chuyển xa hơn theo hướng bắc về phía Nga.
Khi tàu Trung Quốc đánh cá ở vùng biển Bắc Triều Tiên, thì tàu cá của Bắc Triều Tiên phải di chuyển xa hơn theo hướng bắc về phía Nga. (Ảnh: Tổ chức theo dõi đánh cá toàn cầu)

Lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An LHQ và các “tàu ma’’

Trong lịch sử, các tàu Trung Quốc đã từng đánh bắt cá tại các vùng biển tiếp giáp với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, vào năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua các lệnh trừng phạt hạn chế buôn bán thủy sản và hải sản với Bắc Triều Tiên để đáp trả các vụ thử tên lửa đạn đạo của nhà nước Bắc Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt cũng cấm Bắc Triều Tiên bán hoặc chuyển quyền đánh bắt cá.

Do các lệnh trừng phạt này, các tàu Trung Quốc đánh bắt cá ở Triều Tiên sau tháng 9/2017 sẽ cấu thành vi phạm luật pháp quốc tế cũng như luật pháp trong nước. Tuy nhiên, Cảnh sát biển Hàn Quốc đã xác định hàng trăm tàu có nguồn gốc Trung Quốc đi qua vùng biển của họ trên đường đến ngư trường Bắc Triều Tiên.

Ngoài ra, hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc đã thay thế các tàu đánh cá nhỏ hơn của Bắc Triều Tiên, dẫn đến các tàu cá của Bắc Triều Tiên đã bị đẩy lên phía Bắc để đánh bắt cá trái phép ở vùng biển lân cận với Nga. Những tàu này thiếu thiết bị hoặc sức chịu đựng cho những vùng nước xa bờ và nguy hiểm. Các cộng đồng đánh bắt cá ven biển Nhật Bản đã báo cáo hàng trăm tàu như vậy trôi dạt vào bờ như những chiếc “tàu ma’’, trống rỗng hoặc chỉ mang theo hài cốt của con người.

Chiếu sáng các “hạm đội tàu đen’’

Nghiên cứu đa quốc gia của các nhà khoa học đã được bắt đầu tại một hội thảo kỹ thuật vào năm 2018, được đồng tổ chức bởi tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Tổ chức theo dõi đánh cá toàn cầu (Global Fishing Watch), Cơ quan nghiên cứu và giáo dục thủy sản của Nhật BảnTrung tâm tài nguyên và an ninh đại dương Úc (ANCORS) tại Đại học Wollongong. Dẫn đầu nghiên cứu là các ông Jaeyoon Park từ Tổ chức theo dõi đánh cá toàn cầu và Jungsam Lee từ Viện Hàng hải Hàn Quốc, và bao gồm các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia chính sách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Mỹ.

Cùng với nhau, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tổng hợp chưa từng có của bốn công nghệ vệ tinh, kết hợp dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động (AIS), hình ảnh quang học, hình ảnh hồng ngoại và radar vệ tinh để tạo ra bức tranh toàn diện nhất về hoạt động đánh bắt cá trong khu vực cho đến nay.

Xác định các “hạm đội tàu đen’’ bằng việc kết hợp 4 công nghệ vệ tinh.
Xác định các “hạm đội tàu đen’’ bằng việc kết hợp 4 công nghệ vệ tinh. (Ảnh: Tổ chức theo dõi đánh cá toàn cầu)

Nhóm nghiên cứu tập trung vào hai loại tàu đánh cá phổ biến nhất đang hoạt động trong khu vực là: cặp tàu đánh cá đôi và tàu chiếu sáng.

Các cặp tàu đánh cá đôi đi theo nhóm hai tàu, cùng kéo lưới bắt cá giữa hai tàu và có thể được xác định trong hình ảnh vệ tinh bằng các cặp đặc trưng của chúng. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp khoa học máy tính gọi là mạng nơ-ron tích hợp để chọn ra các tàu đánh cá từ hình ảnh vệ tinh quang học độ phân giải cao, được xác minh bằng radar vệ tinh và dữ liệu AIS.

Với ba công nghệ này, nhóm nghiên cứu đã ước tính khoảng 796 cặp tàu đánh cá riêng biệt hoạt động ở vùng biển Bắc Triều Tiên vào năm 2017 và 588 cặp vào năm 2018 và đã truy theo dấu vết các cặp tàu này trở về các cảng cá ở Trung Quốc.

Xác định các “hạm đội tàu đen’’ bằng việc kết hợp 4 công nghệ vệ tinh.
Xác định các “hạm đội tàu đen’’ bằng việc kết hợp 4 công nghệ vệ tinh. (Ảnh: Vệ tinh/Tổ chức theo dõi đánh cá toàn cầu)

Tàu chiếu sáng sử dụng đèn sáng để thu hút cá. Các tàu Trung Quốc có độ sáng độc đáo, sử dụng tới 700 bóng đèn sợi đốt phát ra nhiều ánh sáng như một số sân vận động bóng đá.

Để theo dõi các tàu chiếu sáng này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh hồng ngoại có độ nhạy cao được tham chiếu chéo với hình ảnh quang học và radar vệ tinh có độ phân giải cao. Phân tích này đã xác định khoảng 108 tàu chiếu sáng có nguồn gốc Trung Quốc hoạt động tại vùng biển Bắc Triều Tiên vào năm 2017 và 130 tàu năm 2018.

Những phân tích này cho phép các nhà nghiên cứu ước tính rằng hơn 900 tàu cá khác nhau đã đánh bắt tại các vùng biển này vào năm 2017 và hơn 700 tàu vào năm 2018.

Dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động (AIS) cho thấy nguồn gốc của tàu đánh cá ở vùng biển Bắc Triều Tiên.
Dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động (AIS) cho thấy nguồn gốc của tàu đánh cá ở vùng biển Bắc Triều Tiên. (Ảnh: Tổ chức theo dõi đánh cá toàn cầu)

Các nhà khoa học cũng xác định các tàu có ánh sáng cường độ thấp là hạm đội tàu của Bắc Triều Tiên gồm những chiếc thuyền nhỏ hơn nhiều. Các tàu đánh cá của Bắc Triều Tiên thường là những chiếc thuyền gỗ dài 10-20 mét, chỉ sử dụng 5 đến 20 bóng đèn.

Các nhà khoa học cũng đã phát hiện khoảng 3.000 tàu Bắc Triều Tiên đánh bắt cá ở vùng biển giáp với Nga trong năm 2018. Trong lịch sử, Nga đã cấp phép cho một số lượng nhỏ tàu cá của Bắc Triều Tiên, tuy nhiên họ đã ngừng cấp giấy phép từ năm 2017, cho thấy hoạt động này cũng có khả năng vi phạm các luật đánh cá.

Trong những tuần gần đây, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích tiếp theo để xác minh xem việc đánh bắt cá bất hợp pháp có tiếp tục trong thời gian tạm thời kể từ khi bài báo được gửi lần đầu tiên để đánh giá thẩm duyệt hay không. Phân tích đã xác định khoảng 800 tàu từ Trung Quốc đánh bắt vào năm 2019 ở vùng biển Bắc Triều Tiên, cho thấy hoạt động phi pháp vẫn đang diễn ra.

Vấn đề chính trị và sinh thái

Hoạt động lớn này của các nhà khoa học đã đặt ra ý nghĩa quan trọng đối với quản trị nghề cá và chính trị khu vực. Nếu các tàu không được Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chấp thuận, họ đang đánh bắt cá trái phép trái với các quy định nội địa của Trung Quốc và/hoặc của Bắc Triều Tiên. Mặt khác, nếu họ được Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên ủy quyền thì đó là vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, việc đánh bắt cá trái phép là một thảm họa đối với nguồn cá trong khu vực. Mực bay Nhật Bản (Todarodes pacificus) được nhắm đến bởi một số đội tàu đánh cá và là một loại hải sản quan trọng đối với Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Nhật Bản. Việc thiếu hợp tác và chia sẻ dữ liệu ngăn cản việc đánh giá chính xác nguồn dự trữ và quản lý bền vững một ngành thủy sản đã giảm khoảng 80% kể từ năm 2003.

Nguồn mực bay Nhật Bản đang suy giảm mạnh.
Nguồn mực bay Nhật Bản đang suy giảm mạnh. (Ảnh: Tổ chức theo dõi đánh cá toàn cầu)

Nghiên cứu cho thấy nhu cầu liên tục cải thiện sự hiểu biết về động lực ẩn giấu gây ra việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát. Rào cản chính trị và xung đột thường cản trở hợp tác quốc tế, chia sẻ dữ liệu và quản lý nghề cá chung hiệu quả.

Kết hợp các công nghệ vệ tinh có thể tiết lộ các hoạt động của các “hạm đội tàu đen’’, tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc quản lý nghề cá từ xa. Nhưng để đảm bảo đánh bắt cá an toàn, hợp pháp và bền vững, hợp tác khu vực và tập trung đổi mới vào tính minh bạch và báo cáo là cần thiết.

Ánh Dương

Theo The Conversation



BÀI CHỌN LỌC

Các tàu đánh cá Trung Quốc đã lấy 1/2 tỷ đô la mực bất hợp pháp từ Bắc Triều Tiên.