Các vụ cách ly y tế ngăn chặn dịch bệnh trong lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự lây lan toàn cầu của một chủng Coronavirus mới gây chết người bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới áp dụng một truyền thống cổ xưa để kiểm soát sự lây lan của bệnh tật: cách ly y tế.

Những vụ thực hiện cách ly y tế lần đầu tiên được ghi lại trong Kinh Cựu Ước, trong đó có những đoạn viết về sự bắt buộc cách ly đối với những người mắc bệnh phong. Trong các nền văn minh cổ đại, các bộ tộc thực hiện cách ly người bệnh trước khi các nguyên nhân gây bệnh thực sự được xác định. Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, khi mà các phương pháp điều trị bệnh còn rất hiếm và các biện pháp y tế công cộng cũng rất ít, các lãnh đạo giáo dân và bác sĩ đã thực hiện cách ly người bệnh để ngăn chặn tai họa dịch bệnh lan rộng.

Vào tháng một, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng phong tỏa hàng triệu cư dân thành phố Vũ Hán và khu vực xung quanh, để cố gắng giữ cho chủng Coronavirus mới không lan rộng ra bên ngoài. Các nước láng giềng với Trung Quốc đang ra lệnh đóng cửa biên giới, các hãng hàng không đang hủy các chuyến bay và các quốc gia khác đang khuyến cáo công dân của họ không nên đến Trung Quốc... đây là một ví dụ cho thấy con người hiện nay đang thực hiện những phương thức giống như thời cổ đại để hạn chế sự di chuyển của người dân nhằm ngăn chặn việc lan truyền bệnh.

Chính quyền Hoa Kỳ đang tạm giữ và thực hiện cách ly các du khách trở về từ Trung Quốc trong hai tuần để ngăn chặn sự lây lan của Coronavirus. Tuy nhiên chính sách cách ly y tế luôn luôn gây ra sự căng thẳng giữa tự do dân sự cá nhân và bảo vệ công chúng tránh khỏi nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tạo khu vực cách ly ngoài khơi ở một vịnh tại châu Âu

Ý nghĩa của việc cách ly đã phát triển từ định nghĩa ban đầu là ‘’sự giam giữ và phân biệt các đối tượng bị nghi ngờ mang mầm bệnh truyền nhiễm’’.

Hiện nay cách ly y tế được hiểu là một khoảng thời gian cách ly đối với người hoặc động vật mắc bệnh truyền nhiễm - hoặc những người có thể đã bị phơi nhiễm nhưng vẫn chưa phát bệnh. Trong quá khứ, việc áp dụng hình thức cách ly có thể là một sự tách biệt tự nguyện hoặc tự nguyện tách biệt khỏi xã hội, nhưng trong thời gian gần đây, việc cách ly đã trở thành một hành động bắt buộc và được thực thi bởi các cơ quan y tế.

Bệnh phong, được đề cập trong cả Cựu Ước và Tân Ước, là căn bệnh được ghi nhận đầu tiên mà việc cách ly được áp dụng. Vào thời trung cổ, Giáo hội Công giáo đã cho xây dựng các thuộc địa dành riêng cho những người mắc bệnh cùi ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù tác nhân gây bệnh phong - vi khuẩn Mycobacterium leprae - mãi đến năm 1873 mới được phát hiện, nhưng bản chất nan y và không thể chữa được của nó khiến các nền văn minh cổ đại tin rằng nó dễ dàng lây lan cho cộng đồng dân cư.

Những vụ lan truyền dịch bệnh của thế kỷ 14 tại châu Âu đã làm nảy sinh khái niệm cách ly hiện đại. Cái chết đen xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào năm 1347. Trong suốt bốn năm, dịch bệnh đã giết chết từ 40 triệu đến 50 triệu người ở châu Âu và khoảng từ 75 triệu đến 200 triệu người trên toàn thế giới.

Một phần của Croatia hiện nay, Ragusa đã từng là Cộng hòa Venetian nơi được sử dụng cho biện pháp cách ly 40 ngày để cố gắng ngăn chặn bệnh dịch lan vào châu Âu. (Ảnh: Ratnakorn Piyasirisorost/Getty Images)

Vào năm 1377, cảng biển Ragusa, ngày nay là thành phố Dubrovnik, đã ban hành một đạo luật gọi là ‘’trentina’’ - bắt nguồn từ tiếng Ý có nghĩa là 30 ngày. Tất cả tàu thuyền đến châu Âu từ các khu vực có tỷ lệ bệnh dịch cao được yêu cầu cách ly ở ngoài khơi trong vòng 30 ngày trước khi cập cảng. Sau khi hết thời gian cách ly, chỉ những người khỏe mạnh trên tàu mới được cho là không có khả năng lây nhiễm và được phép vào bờ.

Thời gian cách ly 30 ngày sau này đã được kéo dài đến 40 ngày, làm phát sinh thuật ngữ cách ly khác ‘’40 quaranta’’, từ tiếng Ý có nghĩa là 40 ngày. Chính tại Ragusa, lần đầu tiên luật cách ly đã được thực thi.

Theo thời gian, đã xuất hiện các thay đổi trong hình thức, bản chất, thời gian và các quy định cách ly khác. Hiện nay các nhân viên hải quan tại các cửa khẩu trên toàn thế giới như cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu biên giới đường bộ… đều yêu cầu khách du lịch kê khai vào Phiếu kiểm dịch xác nhận rằng họ chưa từng đến khu vực có dịch bệnh nghiêm trọng, trước khi cho phép họ nhập cảnh vào lãnh thổ quốc gia. Vào thế kỷ 19, sự cách ly đã bị lạm dụng cho các lý do chính trị và kinh tế, dẫn đến lời kêu gọi các hội nghị quốc tế nhằm tiêu chuẩn hóa các biện pháp cách ly. Dịch bệnh tả trong suốt đầu thế kỷ 19 đã cho thấy rõ sự thiếu thống nhất của các chính sách cách ly đã được thực thi.

Sự cách ly y tế nhập khẩu vào Mỹ

Hoa Kỳ cũng đã từng trải qua những đợt dịch bệnh lan truyền, bắt đầu từ năm 1793, với sự bùng phát của bệnh sốt vàng ở Philadelphia. Một loạt các vụ dịch bệnh tiếp theo đã khiến Quốc hội Hoa Kỳ thông qua các đạo luật bắt buộc sự tham gia của chính phủ liên bang trong việc cách ly kiểm dịch vào năm 1878. Sự xuất hiện của dịch tả tại Hoa Kỳ vào năm 1892, đã thúc đẩy Quốc hội ban hành các quy định thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Các quan chức đã cách ly Mary Mallon vì mang mầm bệnh thương hàn trong một bệnh viện. (Ảnh: Wikimedia Commons)

 

Ví dụ nổi tiếng nhất về việc áp dụng hình thức cách ly trong lịch sử Hoa Kỳ là câu chuyện về Mary Mallon, còn gọi là ‘’Typhoid Mary’’, trong đó mâu thuẫn về quyền tự do dân sự của một cá nhân chống lại sự bảo vệ sức khỏe công cộng đã xảy ra trong thời gian khá lâu. Mary là người mang mầm bệnh sốt thương hàn vào đầu thế kỷ 20, cô không bao giờ cảm thấy bị bệnh nhưng cô đã thực sự truyền bệnh cho những gia đình mà cô thực hiện công việc nấu ăn cho họ.

Các quan chức đã cách ly Mary trên đảo Bắc Brother ở thành phố New York. Sau ba năm cô đã được thả ra với lời hứa sẽ không tiếp tục nghề nấu ăn cho các gia đình nữa. Nhưng cô đã phá vỡ lời hứa và tiếp tục truyền bệnh, cô đã được đưa trở lại đảo Bắc Brother, nơi cô ở lại suốt phần đời còn lại của mình trong sự cô lập.

Gần đây hơn, vào năm 2007, các quan chức y tế công cộng đã cách ly một luật sư Atlanta 31 tuổi, Andrew Speaker, người bị nhiễm một dạng bệnh lao kháng thuốc. Trường hợp của anh đã thu hút sự chú ý của quốc tế khi anh đi du lịch đến Châu Âu, mặc dù anh biết rằng bản thân mắc bệnh và có thể lây lan dạng lao này. Không muốn bị cách ly ở Ý, anh đã trở về Hoa Kỳ, rồi anh đã bị chính quyền liên bang bắt giữ và cách ly tại một trung tâm y tế ở Denver, nơi anh cũng được áp dụng các biện pháp điều trị. Sau khi được thả, được coi là không còn truyền nhiễm, nhưng anh được yêu cầu đến cơ quan y tế địa phương để kiểm tra năm ngày một tuần cho đến khi kết thúc đợt điều trị.

Ngày hôm nay việc cách ly kiểm dịch tiếp tục là một biện pháp y tế công cộng để hạn chế sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, bao gồm không chỉ Coronavirus, mà cả Ebola, cúm và SARS.

Sự kỳ thị đối với các cá nhân mắc bệnh truyền nhiễm phải thực hiện cách ly khỏi dân chúng phần lớn đã được xóa bỏ do lợi ích của việc ngăn chặn lan truyền dịch bệnh đối với cộng đồng xã hội, và đồng thời còn cả lợi ích cho những người bị mắc bệnh khi được chính phủ quan tâm trong việc điều trị bệnh.

Tại Hoa Kỳ, nơi Hiến pháp bảo đảm các quyền cá nhân, nhưng cách ly y tế là một quyết định nghiêm túc hạn chế quyền tự do đi lại của cá nhân và buộc phải điều trị y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cho cộng đồng. Các quy định về cách ly y tế chắc chắn là một công cụ hữu ích cho các quan chức y tế công cộng làm việc để ngăn chặn sự lây lan của một bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng.

Ánh Dương

Theo The Conversation



BÀI CHỌN LỌC

Các vụ cách ly y tế ngăn chặn dịch bệnh trong lịch sử