Cách mạng Pháp: phát hiện hài cốt hàng trăm người trong các bức tường của một nhà nguyện ở Paris

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phần còn lại của hàng trăm người bị đưa lên máy chém trong thời Cách mạng Pháp có thể được chôn cất trong các bức tường của một nhà nguyện ở Paris.

The Guardian đưa tin rằng nhà khảo cổ Philippe Charlier đã phát hiện ra xương trong các hốc tường của Chapelle Expiatoire. Charlier được gọi đến sau khi người ta để ý thấy sự bất thường trong các bức tường của nhà nguyện tân cổ điển này và ông đã lắp các camera tại đây để theo dõi.

Trong một báo cáo, nhà khảo cổ học này đã mô tả về 4 chiếc rương để chứa bộ xương. Các chiếc rương, chứa đầy xương, được làm bằng gỗ và kéo căng bằng da.

Trên trang web của mình, Trung tâm Di tích Quốc gia Pháp giải thích rằng nhà nguyện được xây dựng trên khu vực nơi vua Louis XVI và Nữ hoàng Marie Antoinette được chôn cất vào năm 1793 sau khi họ bị hành quyết. “Nó được ủy quyền bởi vua Louis XVIII, em trai của Louis XVI, vào năm 1815 và hoàn thành vào năm 1826”.

Nhà nguyện xây dựng trên khu vực Nghĩa trang Madeleine, nơi chôn cất nhiều người bị chém trong cuộc cách mạng Pháp. Năm 1815, hài cốt của Vua Louise XVI và Nữ hoàng Marie Antoinette đã được gỡ ra và đem đi chôn lại tại Vương cung thánh đường Thánh Denis ở phía bắc Paris.

Từ lâu, người ta đã nghĩ rằng xương của 500 nạn nhân của cuộc cách mạng Pháp đã được đưa ra khỏi nghĩa trang Madeleine và được chuyển đến hầm mộ Paris. Tuy nhiên, việc phát hiện những bộ xương trong các bức tường nhà nguyện đặt ra câu hỏi về những gì đã xảy ra với hài cốt.

Những hài cốt khác ban đầu được chôn cất tại Nghĩa trang Madeleine bao gồm Madame du Barry, tình nhân của Louis XIV, người cũng bị chém vào năm 1793.

Theo Guardian, Aymeric Peniguet de Stoutz, quản trị viên của Chapelle Expiotaire, đã yêu cầu nghiên cứu bổ sung về nhà nguyện.

Theo nhà văn và chính trị gia Chateaubriand, nhà nguyện giống như một viên ngọc kiến trúc và “có lẽ là di tích đáng chú ý nhất ở Paris”.

Máy chém, một vật phẩm tàn bạo thời Cách mạng Pháp

Trong cuộc Đại cách mạng Pháp, vua Pháp Louis XVI bị lên máy chém vào ngày 21/1/1793, sau đó hoàng hậu Marie Antoinette cũng theo gót chồng. Đến ngày 28/7/1794, nhà cách mạng Maximilien de Robespierre và các chiến hữu của ông cũng bị đưa lên máy chém bởi những thành phần bị xem là "phản động và thoái hóa" trong quốc hội nước Pháp cách mạng.

Vụ xử tử tàn bạo đối với Nữ hoàng Marie Antoinette năm 1793 tại Quảng trường Cách mạng.
Vụ xử tử tàn bạo đối với Nữ hoàng Marie Antoinette năm 1793 tại Quảng trường Cách mạng. (Ảnh: Wikipedia)

Máy chém được sử dụng tại Pháp từ cuộc cách mạng Pháp và nó trở thành một hình thức tử hình cho đến khi việc bãi bỏ hình phạt này dưới thời Tổng thống François Mitterrand vào năm 1981.

Năm 1814, vị bác sĩ đề xuất xử tử bằng máy chém ở Pháp Joseph Guillotin qua đời, con cái của ông đã thay đổi danh tính vì sợ rằng tên họ của gia đình gắn liền với hình thức xử trảm đẫm máu và là nỗi kinh hoàng về cuộc cách mạng Pháp.

Joseph Guillotin từng phát biểu rằng: "Với cái máy này, đầu bạn sẽ rời khỏi cổ trong chớp mắt, và bạn sẽ không cảm thấy đau đớn gì". Với sự tàn khốc trong cuộc cách mạng Pháp, tuy không phải là người tạo ra chiếc máy chém, nhưng chính ông là người đề xuất trước Quốc hội Pháp về việc thỉnh cầu dùng máy chém, nên tên tuổi ông đã gắn liền với vật dụng tàn khốc này. Tên của ông trở thành một thuật ngữ trong tiếng Anh, tiếng Pháp cũng như một số ngôn ngữ khác có nghĩa là máy chém (Guillotine).

Văn Thiện

Theo Foxnews, Wikipedia



BÀI CHỌN LỌC

Cách mạng Pháp: phát hiện hài cốt hàng trăm người trong các bức tường của một nhà nguyện ở Paris