Cách rèn luyện bộ não để làm chủ trí nhớ và sự tập trung để giải phóng thiên tài bên trong bạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dave Farrow là người hai lần giữ kỷ lục Guinness Thế giới về số lượng bộ bài nhớ được trong một lần nhìn duy nhất, đồng thời là một doanh nhân, diễn giả và huấn luyện viên trí nhớ.

Dưới đây là chia sẻ của Farrow về năm thông tin chính trong cuốn sách mới của ông có tiêu đề: Brainhacker: Master Memory, Focus, Emotions, and More to Unleash the Genius Inside (Tạm dịch: Brainhacker: Làm chủ trí nhớ, tập trung, cảm xúc và hơn thế nữa để giải phóng thiên tài bên trong).

1. Hoạt động trí não gắn liền với cơ thể

Những điều như chuyển động và tư thế ảnh hưởng đến bộ não của chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta tưởng. Nếu ngay bây giờ bạn dành một chút thời gian để đứng dậy và ưỡn vai ra sau, ngẩng cao đầu, hít thở sâu bằng bụng và nhìn về phía trước như thể bạn biết chính xác mình đang làm gì, thì bạn sẽ thực sự cảm thấy tự tin và tự trọng hơn. Các diễn viên rất giỏi trong việc đánh lừa chúng ta bởi vì họ có thể làm điều này một cách dễ dàng.

Điều đang xảy ra ở đây là bộ não của bạn có liên kết với tất cả các chuyển động của cơ thể. Nếu bạn đang chán nản, thì cơ thể bạn cũng tương tự như vậy: bạn nhìn xuống, rũ vai xuống, thở nông. Một trong những cách nhanh nhất để thay đổi tâm trạng là thay đổi tư thế.

Ngoài ra, hướng mắt của bạn sẽ ảnh hưởng đến não theo đúng nghĩa đen. Bạn có biết rằng khi bạn đang cố nhớ lại điều gì đó, trạng thái tự nhiên của mắt bạn là nhìn lên? Bạn đã bao giờ được ai đó hỏi đường và mắt bạn đảo nhìn ra sau đầu và bạn nhìn lên trời trong khi trả lời chưa? Trong thời điểm đó, bạn đang truy cập vào một phần lớn hơn của bộ não. Theo các máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), chúng ta có thể truy cập nhiều hơn vào vỏ não và bộ nhớ của mình khi nhìn lên. Chúng tôi không biết tại sao lại như vậy, nhưng có vẻ như bộ não phản ứng với hướng mắt của chúng ta.

2. Cơ thể cũng bị ảnh hưởng bởi trí não

Mọi người có thể tưởng tượng và điều này ảnh hưởng đến cách trí não của bạn nhìn nhận thế giới. Ví dụ, trong các hội thảo của tôi, với khoảng một trăm người tham gia, tôi sẽ yêu cầu mọi người đứng dậy và đặt hai bàn chân của họ thật gần nhau, các ngón chân và gót chân chạm vào nhau. Sau đó, tôi yêu cầu họ nhắm mắt lại và hình dung mình đang ở trên nóc một tòa nhà. Từ từ, rất nhẹ nhàng, họ sẽ bắt đầu đi đến rìa của tòa nhà. Vào thời điểm họ ở bên bờ vực, trong tâm trí của họ, nhiều người đã mất thăng bằng. Đã có những người bị ngã, nghiêng ngả và lắc lư.

Chúng ta biết rằng thực tế mọi người đang đứng thẳng trên mặt đất, nhưng bộ não không logic theo nghĩa đó. Bất cứ điều gì bạn tưởng tượng, ở một mức độ nào đó, bộ não của bạn nghĩ rằng nó đang thực sự xảy ra. Hiện tượng này cung cấp một cách tuyệt vời để đối phó với cơn đau. Tôi đã đối phó với cơn đau mãn tính trong phần lớn cuộc đời mình. Ví dụ, tôi đã phải chống gậy khi còn là một thiếu niên. Kỹ thuật sau đây đã cứu tôi trong rất nhiều lần gặp khó khăn.

Một trong những cách bạn có thể ngăn chặn cơn đau là hình dung ra nó, sau đó tưởng tượng nó sẽ biến mất. Ví dụ, bạn bị đau đầu. Hình dung cái đầu của bạn, hình dung bộ não của bạn, hình dung tất cả máu đang chảy, và sau đó tìm cách nào đó để hình dung ra cơn đau. Tôi từng hình dung nó giống như một đám mây bụi đỏ. Tôi sẽ tưởng tượng gió thổi vào đám mây đó và, một cách chậm rãi nhưng chắc chắn, tôi có thể thổi bay cơn đau đó. Ngay khi hình dung bắt đầu đẩy lùi cơn đau đó, tôi cảm thấy cơn đau biến mất theo đúng nghĩa đen. Tôi có thể ngăn chặn cơn đau trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày chỉ bằng cách sử dụng sức mạnh của tâm trí.

3. Sức mạnh của tưởng tượng

Bất cứ thứ gì bạn tạo ra trong tâm trí - hình ảnh, mùi vị, âm thanh - ở một mức độ nào đó, bộ não của bạn sẽ cho rằng nó thực sự đã xảy ra. Điều này là do nó đi qua cùng một con đường mà thông tin thực đi qua. Khi bạn tưởng tượng thông tin, các phần tương tự của não sẽ sáng lên, thậm chí các phần của dây thần kinh thị giác phía sau nhãn cầu cũng có thể sáng lên. Trong một thời gian dài, mọi người đã nghĩ rằng chúng ta phải thực sự nhìn thấy thứ gì đó thì các dây thần kinh thị giác mới kích hoạt được.

Một kỹ thuật hack não mạnh mẽ được gọi là hack kinh tởm. Đây là một mẹo giúp bạn ngừng suy nghĩ hoặc thèm ăn một loại thực phẩm cụ thể. Tôi từng có một nỗi ám ảnh với món tráng miệng Frosty của chuỗi cửa hàng Wendy và tôi trở nên quá béo phì khi ăn đồ ăn này một ngày một lần. Tôi đã phải tìm ra một kỹ thuật để loại bỏ nó khỏi bộ não của mình. Vì vậy, tôi hình dung mỗi ngày trong một tuần, vài lần một ngày, ăn Frosty theo một cách kinh tởm nào đó. Tôi sẽ tưởng tượng có tóc trong món này hoặc những con bọ bò xung quanh.

Ngạc nhiên thay, tôi thậm chí không cần đến cả tuần để tưởng tượng ra món Frosty. Tôi đã nhanh chóng chán ghét ý tưởng về loại đồ ăn này. Đến nay, tôi vẫn chưa ăn món này trong khoảng bảy năm rồi. Kỹ thuật này thực sự mạnh mẽ. Đừng làm kỹ thuật này trừ khi bạn thực sự không muốn ăn món đó nữa. Tôi sẽ nói thêm rằng nó không ảnh hưởng đến các loại thực phẩm tương tự. Tôi vẫn ăn kem và sữa lắc. Một thứ gì đó gắn liền với niềm vui có thể được bộ não của bạn thay thế thành kinh tởm, và kỹ thuật này hoạt động.

4. Bộ não là một cỗ máy so sánh

Bộ não của bạn liên tục so sánh mọi thứ bạn trải nghiệm với những thứ khác mà bạn đã trải qua. Một trong những cách thú vị mà mọi người sử dụng sự so sánh là khi đọc nhanh. Bạn có thể không nhận ra rằng tốc độ là một khái niệm tương đối. Bạn đã bao giờ lái xe trên đường cao tốc rồi tấp vào một con đường bên cạnh và đột nhiên có cảm giác như mình đang bò lết ở đó?

Nguyên tắc so sánh này là nguyên tắc mà những người đánh bóng sử dụng trong môn bóng chày khi họ thử vung một cây gậy nặng ngay trước khi đến sân để đánh bóng. Điều này đánh lừa cơ thể nỗ lực nhiều hơn vào cú vung gậy thực sự bởi vì bộ não nghĩ rằng nó sẽ phải đánh cây gậy nặng trước đó. Khi bạn đổi sang cây gậy thường, bộ não vẫn đang so sánh trọng lượng của nó với cây gậy cũ. Do đó, khi bạn đánh với cây gậy thường, bạn sẽ có thêm 30-40% sức mạnh.

Hầu hết các cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc cực đoan, trở nên điên cuồng vì chúng ta đang so sánh bản thân với người khác, với những kỳ vọng khác và những tình huống khác. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ từ thời cổ đại tin rằng điều quan trọng là ngừng so sánh trải nghiệm của chúng ta với mọi trải nghiệm khác. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời đại truyền thông xã hội, nơi hầu hết mọi bài đăng đều trông hoàn hảo nhất. Chúng ta nên chấp nhận cả điều tốt và xấu. Chúng tôi nhận ra rằng có khoảng 50% là điều tốt và 50% là điều xấu; cả hai đều có giá trị như nhau đối với hầu hết mọi người trong cuộc sống. Hiểu biết này thực sự có thể làm dịu cảm xúc.

Nguyên tắc so sánh này luôn được áp dụng trong liệu pháp nhóm. Trong đó, bạn tham gia một nhóm nơi bạn đã trải nghiệm điều gì đó mà tất cả mọi người khác trong nhóm cũng đã trải qua. Tuy mọi người tham gia đều trải qua cảm xúc cực đoan, nhưng khi họ gặp những người khác cũng có trải nghiệm tương tự, họ nhận ra rằng không phải chỉ có họ mới có trải nghiệm đó. Họ không phải là người đặc biệt bất hạnh, cuộc sống không chống lại họ. Biết rằng những người khác cũng đã trải qua trải nghiệm đó sẽ làm giảm căng thẳng và giúp chúng ta thư giãn.

5. Sống có mục đích

Một trong những câu nói hay nhất của tôi từ triết gia tuyệt vời Dolly Parton là tìm ra bạn là ai và thực hiện điều đó một cách có mục đích. Tôi tin vào nhận xét đó. Chúng ta có thể thay đổi và xã hội cần tin vào điều đó. Khi tôi lớn lên, có hai trường phái tư tưởng khi nói đến bộ não. Một trường phái cho rằng não có tính mềm dẻo, trong khi trường phái còn lại tin vào mô hình não bộ cứng nhắc, cho rằng kết nối trong não là bẩm sinh không thể thay đổi.

Vào thời điểm đó, hầu hết mọi người không tin vào tính linh hoạt của não bộ. Hầu hết các nhà khoa học nghĩ rằng điều đó rất xa vời. Ý tưởng rằng bộ não có thể tự thay đổi theo thời gian không được chấp nhận. Sự đồng thuận trong cộng đồng khoa học khi đó là bộ não của bạn được lập trình sẵn sau một độ tuổi nhất định, trong suốt quãng đời còn lại của bạn.

Niềm tin này chính là nguyên nhân của một số chính sách công ghê rợn của Mỹ. Thứ gọi là Quy tắc ba lần phạm tội xuất hiện dưới thời chính quyền Clinton hoàn toàn dựa trên mô hình não bộ cứng nhắc, trong đó nếu bạn phạm ba tội ở một mức độ nhất định, về cơ bản, họ sẽ nhốt bạn mãi mãi. Những chính sách như thế này, cũng như mức tối thiểu bắt buộc, hoàn toàn dựa trên sự đồng thuận khoa học về bộ não. Nó đã dẫn đến việc người Mỹ bị giam giữ hàng loạt và quá tải phạm nhân trong các nhà tù ngày nay.

Hãy đưa niềm tin này vào hệ thống giáo dục. Hệ thống giáo dục tin vào mô hình cố định đã thất bại đối với hàng ngàn trẻ em cho đến khi chúng nhận ra rằng bạn có thể tin vào sự thay đổi. Khi bạn tạo ra một xã hội tin tưởng vào sự thay đổi và cứu chuộc, kết quả thật tuyệt vời. Những người trở về sau chiến tranh với chấn thương sọ não có thể rèn luyện bộ não của họ và tái tạo các hệ thống mới. Bây giờ còn có cả những phương pháp điều trị phục hồi cho những người đã trải qua một cơn đột quỵ.

Những điều kỳ diệu cũng đã xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Hãy hack não của bạn để có được cuộc sống mà bạn muốn, bởi vì bạn không cần phải mắc kẹt với những gì bạn tin rằng bạn sinh ra đã có. Bộ não của bạn có thể thay đổi, và bạn có thể chịu trách nhiệm về nó.

Theo nextbigideaclub

Văn Thiện biên dịch

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Cách rèn luyện bộ não để làm chủ trí nhớ và sự tập trung để giải phóng thiên tài bên trong bạn