Chế độ ăn uống của các loài chim Úc cổ xưa cho thấy những thay đổi to lớn của hệ sinh thái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu do trường đại học Colorado tại Boulder chủ trì, sự thay đổi về chế độ ăn uống của hai loài chim đà điểu hàng chục ngàn năm trước ở Úc là bằng chứng cho thấy con người nguyên thủy đã thay đổi lục địa này từ khi biết sử dụng lửa. Họ đã làm biến mất các khảm cây, cây bụi và cỏ, khiến nơi đây trở thành sa mạc như ngày nay.

Hệ sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động vật có vú lớn trên cạn của Úc. Theo giáo sư Gifford Miller thuộc Viện nghiên cứu Bắc cực và núi lửa CU-Boulder, chúng đã biến mất ngay sau khi con người đổ bộ lên lục địa này khoảng 50.000 năm trước. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng trong thời kỳ đó, vùng đất không có sự thay đổi khí hậu nào đáng kể. Do đó, hầu hết mọi người tin rằng con người đã góp phần vào sự tuyệt chủng của các loài thông qua việc săn bắn quá mức, truyền nhiễm dịch bệnh hoặc đốt cháy có hệ thống thảm thực vật.

Miller và các đồng nghiệp đã nghiên cứu các đồng vị trong vỏ trứng hóa thạch của đà điểu châu Úc và Genyornis, một loài đà điểu khác đã tuyệt chủng. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science của họ cho thấy hệ thực vật đã bị thay đổi nhanh chóng và đột ngột sau khi con người đến.

Đà điểu châu Úc ngày nay (Nguồn: J. Folmer/Wikipedia)

Trứng đà điểu châu Úc (Nguồn: Roger Culos/Wikipedia)

Theo Miller, sau khi phân tích xác định những loài thực vật đà điểu châu Úc đã ăn, các nhà khoa học chỉ ra rằng chúng đã có mặt vào khoảng 50.000 năm trở về trước. Thức ăn ưa thích của chúng là các loại cỏ giàu chất dinh dưỡng chỉ sinh trưởng trong nhiệt độ ôn hòa và những cơn mưa mùa hè ấm áp. Từ 45.000 năm trở về đây, sau khi phân tích các vỏ trứng, người ta kết luận rằng đà điểu châu Úc đã chuyển sang chế độ ăn chủ yếu gồm cây bụi và cây sống ở điều kiện khí hậu khô.

Loài đà điểu Genyornis đã tuyệt chủng do sự thay đổi nguồn thức ăn (Nguồn: Nobu Tamura/Wikipedia)

Theo nhóm nghiên cứu, Genyornis cũng ưa thích ăn các loại cỏ giàu dinh dưỡng có mặt vào 50.000 năm trước, nhưng chúng đã không thích nghi với chế độ ăn uống mới sau này và đã bị tuyệt chủng ngay sau khi con người đến.

"Những loài thích nghi với chế độ ăn uống mới đã sống sót và những loài kén ăn đã tuyệt chủng," Miller nói. "Giải thích hợp lý nhất cho sự tuyệt chủng là những loài chim này do chúng đã không kịp thích nghi với sự thay đổi chưa từng có trong thảm thực vật trên lục địa trong khoảng thời gian đó".

Các tác giả nghiên cứu khác bao gồm Marilyn Fogel của Viện Carnegie ở Washington, DC, John Magee và Michael Gagan của Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, Simon Clarke thuộc Đại học Wollongong của Úc và Beverly Johnson thuộc Đại học Bates ở Lewiston, Maine.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích gần 1.500 mảnh vỏ trứng hóa thạch và vỏ trứng Genyornis có niên đại 140.000 năm từ ba khu vực khác nhau trên lục địa của Úc, bao gồm hồ Eyre, Port Augusta và hồ Darling-Murray. Mỗi khu vực có khí hậu và địa lý riêng biệt.

Họ cũng xem xét các đồng vị carbon trong hóa thạch răng của gấu túi Wombat được thu thập từ các địa điểm là cảng Augusta và Darling-Murray. Kết quả phân tích cho thấy chế độ ăn của gấu túi Wombat bao gồm một lượng lớn các loại cỏ mà đà điểu châu Úc và Genyornis cũng ưa chuộng 50.000 năm trước. Nhưng gấu túi Wombat, giống như đà điểu châu Úc, đã chuyển chế độ ăn sang các loài thực vật khác sau thời điểm 45.000 năm trước.

Gấu túi Wombat (Nguồn: JJ Harrison/Wikipedia)

"Không phải do săn bắn quá mức cũng không phải do dịch bệnh gây ra sự tuyệt chủng của các loài đó", các tác giả viết trên Science. "Tuy nhiên, sự giảm đa dạng thực vật đã xảy ra. Điều này dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài động vật ăn cỏ và gián tiếp dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài săn mồi hoang dã."

Vào tháng 1 năm 2005, Miller và các đồng nghiệp đã xuất bản một bài báo trên Geology cho thấy việc đốt rừng của những người săn bắn và hái lượm cổ đại đã làm biến mất gió mùa hàng năm ở châu Úc. Sự thay đổi hệ thực vật làm giảm sự trao đổi hơi nước giữa sinh quyển và không khí.

Khoảng 60.000 năm trước, hồ Eyre, một hồ nước sâu trong nội địa của Úc, từng được những cơn mưa gió mùa cung cấp nước hàng năm, giờ đây là một bãi muối khổng lồ thỉnh thoảng được bao phủ bởi một lớp nước mặn.

Những người đặt chân đến châu Úc đầu tiên có thể là những người đến từ Indonesia khoảng 50.000 năm trước. Họ sử dụng lửa làm công cụ săn bắn, dọn đường, báo hiệu cho nhau và nuôi trồng một số loài thực vật.

Theo Miller, hơn 85 phần trăm động vật có vú, chim và bò sát lớn của Úc nặng hơn 45kg đã tuyệt chủng ngay sau khi con người đến. Chúng là 19 loài thú có túi, một loài thằn lằn dài 7.62m và một loài rùa to cỡ chiếc Volkswagen.

"Nghiên cứu này cho thấy việc huỷ hoại môi trường gây ra những hậu quả không ngờ, mà tôi nghĩ là việc này có liên quan đến những gì đang xảy ra với hoạt động của con người trên Trái đất ngày nay", Miller nói. "Một loạt các thay đổi nhỏ có thể gây ra hậu quả lớn không lường trước được, trong trường hợp này là sự tái cấu trúc hoàn toàn của các hệ sinh thái".

Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ và Hội đồng nghiên cứu Úc đã tài trợ cho nghiên cứu này với sự hỗ trợ từ Đại học Quốc gia Úc và CU-Boulder.

Văn Thiện (biên dịch)

Theo pureinsight



BÀI CHỌN LỌC

Chế độ ăn uống của các loài chim Úc cổ xưa cho thấy những thay đổi to lớn của hệ sinh thái